Anh Trần Xuân Cảnh, Phó Giám đốc Bảo tàng Quang Trung nói với tôi: “Sau khi hoàn thành, “Đàn tế Trời Đất” ở núi Ấn (tục gọi là Hòn Giải), thì hai công trình “Bảo tàng Hoàng đế Quang Trung” và “Đàn tế Trời Đất” sẽ tạo thành một “trục thiêng” cho mọi người dân Việt hành hương về đây được cân bằng tâm linh mình giữa niềm tự hào và lòng ngưỡng mộ”.
|
Đàn tế Trời Đất. Ảnh: VĂN LƯU
|
Tôi đã nhiều lần được viếng thăm Bảo tàng Hoàng đế Quang Trung, nhưng mới lần đầu được biết và đảnh lễ ở “Đàn tế Trời Đất”. Từ Bảo tàng qua núi Ấn không xa, và con đường đang chuẩn bị được mở rộng để đón khách hành hương sau khi dâng lễ cảm tạ trời đất sẽ về thẳng Bảo tàng, chiêm nghiệm một thời kỳ lịch sử hào hùng oanh liệt của dân tộc Việt sống lại dưới từng hiện vật, qua từng bước đi.
“Nếu nước Việt gặp cơn nguy biến, cúi xin Trời Ðất lại giúp cho nước Việt một người anh hùng như Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ”. |
Trên đường tới “Đàn tế Trời Đất”, tôi đã để ý cảnh quan phong thủy của vùng Hoành Sơn, nơi tương truyền ba anh em Nguyễn Nhạc đã làm chủ được long huyệt, để từ đó khởi phát cả văn tài lẫn võ nghiệp. Đúng là dãy Hoành Sơn ở đây trông kỳ bí thật, dù tính về độ cao thì chưa hẳn đã hơn nhiều dãy núi khác ở Trường Sơn. Núi ở đây như tìm về đồng bằng, cứ quanh quất giữa những cánh đồng như muốn đánh bạn với dân lành trong xóm mạc, như muốn nói điều gì đó với con người. Cũng là núi, mà tự nhiên thấy gần gũi, thân thiện, nhẹ nhàng. Có lẽ, trước khi khởi nghiệp, ba anh em Hoàng đế Quang Trung đã từng có một tuổi thơ nhiều kỷ niệm gắn bó với từng hòn núi ở đây, nhất là với Hòn Trưng hay Hòn Giải. Tương truyền, trên đỉnh Hòn Trưng là nơi yên nghỉ của “mẹ chàng Lía”- một người anh hùng đã thành huyền thoại trong tâm thức người Bình Định mà công tích được ngợi ca trong “Vè chàng Lía” bất hủ.
“Chiều chiều én liệng Truông Mây
Cảm thương chàng Lía bị vây trong thành”
Tôi là người Quảng Ngãi, nhưng hồi nhỏ đã được nghe má tôi hát ru câu thơ này, dù lúc đó cũng không biết chàng Lía là ai. Nhưng câu thơ buồn thương ấy đã theo suốt tuổi thơ tôi, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn tôi cùng với nhiều câu hát ru, câu ca dao khác.
|
Ảnh: THANH BÌNH
|
Trước khi nhận được khí thiêng của Trời Đất, chắc hẳn ba anh em Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ - Nguyễn Lữ đã nhận được khí phách, lòng thương dân, yêu mẹ của chàng Lía-người anh hùng dân dã nổi tiếng vì miếng võ “cá lóc vọt nhảy”. Người Bình Định trọng nghĩa khí, lại biết “kính Trời, thờ Đất”, nên một người anh hùng lý tưởng trong mắt họ phải là người thương dân, có hiếu với cha mẹ, lại biết ngước lên thấy Trời và cúi mình gặp Đất. “Đàn tế Trời Đất” có thể bắt đầu từ những truyền thoại, nhưng tôi nghĩ, nó khởi nguồn sâu xa hơn cả lý do anh em Nguyễn Nhạc công khai hóa sứ mệnh “được Trời chọn”. Cần “danh chính ngôn thuận” cho một cuộc khởi binh, nhưng cuộc khởi nghĩa Tây Sơn thành công là vì, trên thuận lòng Trời (thuận Thiên), dưới hợp lòng Dân (hợp Nhân). “Đàn tế” trên núi Ấn là minh chứng cụ thể cho sự thuận Thiên và hợp Nhân đó.
Khi chúng tôi lặng lẽ thắp và cắm hương vào một bát hương hình bông sen trên Đàn tế, đột nhiên như có một làn gió mát lâng lâng khắp châu thân. Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nói khẽ: “Có lẽ lời nguyện cầu của chúng mình đã ứng”. Nhưng chúng tôi đã nguyện cầu những gì khi đứng trước Đàn tế ? Lời nguyện cầu thành kính ấy thế này:
“Nếu nước Việt gặp cơn nguy biến, cúi xin Trời Đất lại giúp cho nước Việt một người anh hùng như Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ”.
Với nước Việt mình, có lẽ “hào kiệt thời nào cũng có”, nhưng để có một người như Quang Trung Nguyễn Huệ, thật không dễ dàng gì! “Đàn tế Trời Đất” sẽ thật sự có ý nghĩa khi mỗi người dân Việt tới đây đảnh lễ đều cầu nguyện cho quốc thái dân an, và nếu nước nhà gặp cơn nguy biến, thì cầu xin Trời Đất lại cho xuất hiện một người anh hùng cứu dân cứu nước như Quang Trung Nguyễn Huệ. Dẫu biết, với một thiên tài như Nguyễn Huệ, thì sự xuất hiện ấy là nghìn năm có một.
|
Tác giả và gia đình trong một cuộc hành lễ ở “Đàn tế Trời Đất”.
|
Người Bình Định hay thật! Cứ nhắc tới võ nghệ hay tuồng hát bội là nao nức cả lên, tươi vui cả lên, và họ có thể đàm đạo suốt ngày không chán về đề tài này. Tôi nhớ, khi thằng con trai tôi làm một bộ phim tài liệu về võ sư Ngô Bông-người quê Quảng Ngãi-nhưng lại là truyền nhân của bài võ “Hùng kê quyền” tương truyền được sáng tạo bởi Nguyễn Lữ-một trong “Tây Sơn tam kiệt”, tôi đã thấy hình ảnh những lão võ sư đất Tây Sơn tiếp đón và đàm đạo võ nghệ với võ sư Ngô Bông. Đúng là cuộc hội ngộ giữa những con người nghĩa khí, những anh hùng trong xóm mạc, náu mình sau những lũy tre xanh. Bài võ hùng mạnh và tinh khéo của Nguyễn Lữ sở dĩ còn tới ngày nay là nhờ sự bảo lưu và chân truyền của những tấm lòng trung nghĩa đó. Đất Tây Sơn đúng là đất phát anh hùng, nghĩa sĩ. Cứ uống một chén rượu Bàu Đá thứ thiệt của Tây Sơn, ta sẽ cảm nhận được mạch nguồn và nguyên khí lưu chuyển trong mạch đất ở đây tự ngàn đời. Rượu ấy, võ nghệ ấy, con người ấy, đất ấy, núi ấy, sông ấy, nghĩa khí ấy thì làm sao Trời Đất không cho xuất “Tây Sơn tam kiệt” và đặc biệt là cho hiện lừng lững một anh hùng cái thế như Quang Trung Nguyễn Huệ ?
Tôi nghĩ, sau khi khánh thành “Đàn tế Trời Đất” trên ngọn Ấn sơn, để hợp cùng Bảo tàng Hoàng đế Quang Trung thành một “cung Hoàng Đạo”, vùng đất địa linh nhân kiệt ở đây sẽ được “phủ sóng” bởi lòng yêu nước, niềm tự hào của hàng triệu con dân Việt hành hương về viếng. Làm sao để lòng yêu nước thương dân, nghĩa khí, sự bất khuất, tài thao lược của Quang Trung Nguyễn Huệ như dòng nước quý từ lòng giếng cây Me ở Bảo tàng Tây Sơn tiếp tục được lưu chuyển mát lành trong châu thân mỗi người Việt giữa cuộc sống hàng ngày. Và nhất là khi Tổ quốc phải đối đầu với những âm mưu, sự ngông ngược của kẻ thù truyền kiếp, nó sẽ bùng lên thành một nguồn sức mạnh vô song.
Tây Sơn, 22.10.2012
Quảng Ngãi, 30.11.2012
|