Cuối năm, có một loại âm thanh giờ tuy không nhiều như ngày xưa nhưng vẫn rộn ràng ở nhiều làng quê tiếng trống tuồng. Tiếng trống giục giã gợi nhớ về một góc làng xưa, một đỉnh núi cũ, một con người luôn đau đáu về đồng bào, quê hương và nghệ thuật dân tộc. Chúng tôi muốn mời bạn về thăm lại làng Vinh Thạnh nơi mà hậu tổ hát bội (hát tuồng, hát bộ) Đào Tấn sinh ra, lên núi Hoàng Mai thắp cho cụ một nén nhang thơm để nhớ một người đã được công nhận là danh nhân văn hoá dân tộc.
Đào Tấn (1845 - 1907) hiệu là Mộng Mai sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Vinh Thạnh, Tuy Phước, Bình Định. Đào Tấn là học trò ưu của Tú tài Nguyễn Diêu, một nhà soạn tuồng nổi tiếng. Chịu trực tiếp ảnh hưởng của thầy, Đào Tấn học tập viết tuồng hồi còn rất trẻ. Đào Tấn đã sáng tác gần 100 vở tuồng, trong đó có rất nhiều vở nổi tiếng; nhiều vở đến nay vẫn còn được biểu diễn như: Cổ thành, Hộ sinh đàn, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan, Diễn võ đình.... Đào Tấn từng tạo dựng 2 trường dạy hát bội - Học bộ đình Vinh Thạnh (Tuy Phước) và Học bộ đình Nghệ An - Đào Tấn đã đào tạo được rất nhiều nghệ sĩ xuất sắc ở miền Trung. Ngoài ra ông còn sáng tác nhiều văn thơ tập hợp lại trong các tập Mộng Mai ngâm thảo, Mộng Mai thi tồn, Mộng Mai từ lục, Mộng Mai văn sao... được giới nghiên cứu văn học đánh giá cao. Ngày nay người ta tôn vinh Đào Tấn là hậu tổ của hát bội.
Ông Đào Tụng Phi, chắt của Đào Tấn, hiện sống trong ngôi vườn cũ ở Vinh Thạnh (Phước Lộc – Tuy Phước) đau đáu về chuyện giữ gìn di sản, dấu tích của người ông nổi tiếng. Ông tâm sự: “Vinh Thạnh là nơi cụ Đào đã sống và theo học nghề hát và cả cách soạn tuồng. Khi từ bỏ chốn quan trường, quê nhà là nơi ông trở về như một sự hiển nhiên. Cụ Đào Tấn mở Học bộ đình chẳng những để đào tạo diễn viên hát bội, mà sâu xa còn là vun xới gốc rễ cội nguồn để hát bộ xanh cây bền rễ. Học bộ đình nay chỉ dấu tích đám đất, nhà cũ của cụ cũng không còn nữa… Nó chỉ còn trong trí nhớ cả tôi về đường nét chứ hình ảnh thật thì không thấy. Một vài lần cũng nghe phong thanh nhà nước sẽ phục dựng Học bộ đình, sẽ làm lại ngôi nhà cũ của cụ như một địa chỉ văn hoá nhưng rồi cũng là nghe mà thôi”.
Đào Tấn từng giữ nhiều vị trí, chức quan lớn dưới triều đại nhà Nguyễn nhưng cao hơn thế ông là một người yêu nước, thương dân; luôn trăn trở, dằn vặt, đau buồn cùng cái đau chung của nhân dân và đất nước. Ông đã từng có quan hệ mật thiết với phong trào chống Pháp của Phan Đình Phùng; với cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng; nhiều lần giúp đỡ Phan Bội Châu hoạt động yêu nước... Cùng với những gì đã để lai cho nghệ thuật nước nhà, Đào Tấn – người yêu nước đáng để chúng ta tôn vinh nhiều hơn như những năm qua.
Chưa mùa xuân nào lại thiếu tiếng trống hát bội ở đình làng Vinh Thạnh, nơi hai cha con Đào Tấn được thờ làm thành hoàng. Sinh thời, Đào Tấn vẫn gọi ngôi nhà của mình ở làng Vinh Thạnh là "Hương thảo thất" (nhà thơm mùi hương cỏ). Ngôi nhà toạ lạc trên một khu vườn, xưa cụ Đào vẫn gọi là "Mai viên" (vườn mai)… Nên chăng cần sớm phục dựng Học bộ đình Đào Tấn, những ngôi nhà, khu vườn này để chúng có thể làm hiển thị rõ ràng hơn hình ảnh của một “Bình Định đất võ trời văn”?
Tôi mơ thấy một ngày không xa hoa vàng lại nở rộ trên núi Hoàng Mai khi xuân về.
|
Đường lên núi Hoàng Mai, dưới bóng cây xa xa nơi lưng chừng núi là mộ danh nhân Đào Tấn. (ảnh nhỏ: Tượng bán thân Đào Tấn hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Tổng hợp Bình Định). |
|
|
Mộ Đào Tấn vừa được chỉnh trang lại. Sinh thời, có lẽ ông đã chọn chỗ yên nghỉ của mình rất chu đáo bởi lẽ trên sườn núi này, nếu thấp hơn hoặc cao hơn một chút thôi góc nhìn về dòng sông, xóm làng, ruộng đồng đã thay khác và không hài hoà bằng. Đứng ở đây trong tầm mắt ta là dòng sông uốn quanh đồng ruộng, nếu vào mùa thu hoạch không gian sẽ đườm đượm phong vị thanh bình. |
|
|
Theo lời kể của nhiều người thì núi này sở dĩ có tên là Huỳnh Mai là vì trên núi có rất nhiều mai vàng. Ngày nay, một phần rất lớn đã được trồng bạch đàn, keo lai. Sườn núi nơi toạ lạc mộ Đào Tấn tiếc thay đã bị “húi trọc”. Nếu gầy dựng lại rừng mai trên núi giá trị của điểm di tích này thật sự sẽ tăng thêm rất nhiều. |
|
|
Cổng vào làng Vinh Thạnh – nơi cha con Đào Tấn được thờ làm thành hoàng. |
|
|
Lối vào khu đất ngày xưa có Hương thảo thất, có Mai viên của cụ Đào. Ngày này tất cả chỉ còn trong kí ức và việc phục hồi nó vẫn còn ngủ yên trên giấy. |
|
|
Ông Đào Tụng Phi, chắt của Đào Tấn, hiện sống trong ngôi vườn cũ ở Vinh Thạnh (Phước Lộc – Tuy Phước), đau đáu về chuyện giữ gìn di sản, dấu tích của người ông nổi tiếng. Ông bảo - Cụ Đào là danh nhân văn hoá, cụ không chỉ là niềm tự hào của gia đình tôi mà còn là của làng, của tỉnh, của chung đồng bà mình. Mình nói nhiều về niềm tự hào nhưng cách mình ứng xử với cụ thật chưa tương xứng. |
|
|
Nơi này ngày xưa là nơi toạ lạc Học bộ đình Đào Tấn. Ngày nay nó là nơi trồng rau của một gia đình nông dân. Một lần về thăm nơi này, Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn tâm sự: “Chúng ta nên xây dựng, phục hồi lại một nghệ hiệu từng lừng lẫy một thời: Học bộ đình Đào Tấn. Học bộ đình Đào Tấn sẽ trở thành một trung tâm khoa học với chức năng: bảo quản, nghiên cứu, đào tạo và biểu diễn thực nghiệm. Học bộ đình Đào Tấn sẽ là bộ máy đầu não, là nơi đảm nhận việc gìn giữ và phát huy nghệ thuật hát bội Bình Định”. | |
|