Mai Xuân Thưởng sinh năm 1860 tại thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Năm 18 tuổi, ông thi đậu Tú tài ở Trường Thi Bình Định, đến năm 1886, thi đậu Cử nhân. Ngày kinh thành Huế thất thủ, ông về làng chiêu mộ nghĩa binh, kêu gọi sĩ phu và nhân dân tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp.
Nghĩa quân đã suy tôn ông làm Nguyên soái, giương cao khẩu hiệu: “Tiền sát tả, hậu sát Tây”. Dưới sự lãnh đạo của Mai Xuân Thưởng, căn cứ khởi nghĩa ngày càng được mở rộng, địa bàn hoạt động trên phạm vi rộng lớn từ Quảng Ngãi đến Phú Yên.
Đầu năm 1887, thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn huy động binh lính tấn công vào căn cứ của nghĩa quân. Trận chiến diễn ra ác liệt, nghĩa quân chiến đấu rất dũng cảm, nhưng do lực lượng quá chênh lệch, vũ khí lạc hậu, nên hầu hết căn cứ của nghĩa quân bị Pháp đánh chiếm. Mai Xuân Thưởng cùng gia đình và một số tướng lĩnh vượt đèo Phú Quý để vào Phú Yên tiếp tục xây dựng lực lượng chống Pháp, nhưng bị giặc bắt và xử trảm tại Gò Chàm vào Rằm tháng 4 năm Đinh Hợi (1887).
Sau khi ông mất, nhân dân đưa thi hài ông về mai táng tại quê nhà (thôn Phú Lạc, xã Bình Thành), rồi cải táng tại một ngọn đồi cao ở thôn Hoà Sơn, xã Bình Tường vào năm 1962. Đây cũng chính là căn cứ mà lúc sinh thời, ông dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp. Hằng năm cứ đến ngày Rằm tháng 4 âm lịch, nhân dân Tây Sơn và dòng họ đã tổ chức dâng hương trước lăng mộ ông.
Ngày nay, đến thăm lăng Mai Xuân Thưởng cũng là để tưởng nhớ vị anh hùng chống Pháp của quê hương Bình Định và niềm tự hào cho mỗi chúng ta.
|
Toàn cảnh lăng Mai Xuân Thưởng trên ngọn đồi cao. |
|
|
Mặt trước lăng Mai Xuân Thưởng. |
|
|
Nơi yên nghỉ của người anh hùng. |
|
|
Từ lăng của vị anh hùng nhìn xuống cánh đồng phía trước. | |
|