Theo sử sách, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, Tây Sơn thuộc phủ Quy Nhơn, gồm cả phần đất phía Đông và phía Tây đèo An Khê. Phần đất bằng phẳng phía Đông gọi là Tây Sơn hạ đạo (nay là tỉnh Bình Định) và phần phía Tây có địa hình núi non hiểm trở gọi là Tây Sơn thượng đạo (nay thuộc thị xã An Khê và các huyện K’Bang, Đắc Pơ, Kông Ch’ro của tỉnh Gia Lai). Tây Sơn thượng đạo là vùng đất rộng lớn, tương đối bằng phẳng, xung quanh là rừng rậm tạo nên bức tường thành vững chắc. Từ Tây Sơn hạ đạo lên Tây Sơn thượng đạo chỉ có một con đường duy nhất, đèo cao, vực sâu hiểm trở.
Năm 1771, anh em nhà Tây Sơn chọn vùng đất này để lập doanh trại, chiêu mộ quân sĩ và rèn binh. Ở đây, nghĩa quân Tây Sơn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân mà đặc biệt là đồng bào các dân tộc Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng… Sau khi xây dựng căn cứ vững chắc, tập hợp binh mã hùng mạnh, năm 1773 nghĩa quân Tây Sơn tiến quân đánh vùng hạ đạo, giải phóng phủ Quy Nhơn, rồi phủ Quảng Ngãi, sau đó cùng nhân dân đánh tan 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh vào năm 1789.
Theo những tài liệu và dấu tích còn lưu lại, có thể phác họa di tích Tây Sơn thượng đạo gồm 3 vòng, tập trung chủ yếu tại thị xã An Khê ngày nay. Thôn An Lũy là vòng phòng thủ trung tâm, nơi đóng chỉ huy sở của nghĩa quân, nơi tập trung binh lính, sinh hoạt ăn ở và rèn binh, tập trận. Chỉ huy sở được xây dựng rất kiên cố gồm An Khê đình (đình Trong) và An Khê trường (đình Ngoài), xung quanh được bao bọc bằng thành cao, lũy dày.
Một vùng đất gắn liền với phong trào Tây Sơn, nên ngày nay các di tích ở đây được chính quyền và nhân dân gìn giữ, trùng tu để tưởng nhớ công đức của tiền nhân.
Dưới đây là những hình ảnh các di tích ở Tây Sơn Thượng đạo (nay thuộc Thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai):
|