Tiểu thuyết của Nguyễn Trí Huân
15:4', 22/4/ 2005 (GMT+7)

NGUYỄN TRÍ HUÂN

Chim én bay

Tiểu thuyết

(Tái bản lần thứ tư)

 

Giải thưởng

Văn học Bộ Quốc phòng 1985 - 1989

 

Giải thưởng

Hội Nhà văn Việt Nam 1988 - 1989

 

NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Hà Nội - 2003

 

 

“Em mong sao trên trái đất hoa thơm nở bốn mùa.

 Em mong sao trên trái đất không còn sự chia lìa

             Em mong sao trên trái đất mọi con người

               Như em đây là chim trắng bay giữa trời

                                         Sống để yêu thương”….

                                             

                                            (trích lời một bài ca)

Mở đầu

Không biết cái ý định tìm lại nhà những tên ác ôn mình đã giết chết hơn mười năm về trước xem vợ con chúng hiện đang sống ra sao đến với chị tự bao giờ. Ở đời vẫn có những ý định mà người ta không sao giải thích nổi. Dường như nó đã được chỉ dẫn, xui khiến bởi một thế lực vô hình nào đấy. Tuy vậy chị vẫn cố lý giải, cố cắt nghĩa vì không có ý định nào lại không xuất phát từ những nguyên cớ, chỉ có điều người ta có dám công nhận nó hay không mà thôi.

Có thể cái ý muốn ấy đã chợt đến vào những ngày đầu năm 1980, khi lần đầu tiên, sau mười năm xa cách, chị ngây ngất và ngỡ ngàng đặt chân xuống con đường nhựa mát rượi, nườm nượp xe cộ và  người qua lại. Con đường tràn ngập bóng râm của những vườn dừa đang cho lứa quả đầu tiên. Lúc ấy, cùng với cảm giác sung sướng đến nghẹn lại là một cảm giác buồn tủi pha đôi chút cay đắng, bởi chị cảm thấy mình như đang bị lãng quên, bởi tất cả những gì  gắn bó với chị, từ những ngôi nhà đổ nát, những vườn dừa cụt ngọn xơ xác, và cả những cơn gió mồ côi chạy lang thang trên các đường hào sụt lở trước đây đều không còn nữa. Thời gian đã xóa nhòa đi tất cả.

Cũng có thể cái ý muốn đó đã chợt đến với chị vào một buổi chiều, khi anh giáo viên trường phổ thông cơ sở của thị trấn, một người cao, gầy và rụt rè đến cơ quan khẩn khoản đề nghị chị tới nói chuyện với các em học sinh về thành tích diệt ác của đội “Chim Én” của chị trên mảnh đất này hơn mười năm về trước. Anh ta nói một cách văn vẻ rằng, việc giáo dục thế hệ trẻ đừng bao giờ quên quá khứ đau khổ nhưng anh hùng của quê hương là điều hết sức bức thiết. Rằng bây giờ những vết máu của bạn bè anh còn chưa khô, cuộc chiến tranh đã bị người ta gạt sang một phía. Rằng không ít người đang cố tình lãng quên để yên ổn làm những điều xấu, phản bội lại sự hy sinh trước đây của bản thân họ …

Khi nói, khuôn mặt anh nổi lên từng mảng đỏ, cặp mắt quắc lên giận dữ. Chị được biết anh nguyên là chiến sĩ của sư đoàn Sao Vàng, một sư đoàn từng để lại ngót một vạn liệt sĩ trên quê hương chị. Lúc đó không hiểu sao chị lại sốt sắng nhận lời. Chị cảm thấy xấu hổ với anh giáo viên nọ, và suốt đêm hôm ấy, chị đã thức và chuẩn bị cho buổi nói chuyện. Nhiều lúc, người chị như lên cơn sốt khi nhớ lại những trận đánh, những cái chết thảm khốc và cơn co giật, một căn bệnh kinh niên kể từ sau khi bị bắt, thiếu chút nữa lại tái phát. Chị vội vã uống mấy viên thuốc an thần rồi đi nằm, cố không nghĩ tới những kỷ niệm, những lời trách móc của anh giáo viên hồi chiều. Giấc ngủ đến với chị thật nặng nề. Sáng ra đầu chị đau nhức, khắp người nổi gai lạnh, nhưng chị vẫn thu xếp công việc ở cơ quan để đến trường. Buổi nói chuyện đã cuốn hút chị, tưởng chừng nếu không nói được những điều cần nói với các em học sinh, chị sẽ không làm nổi bất kỳ một công việc nào khác trong ngày hôm đó.

Nhưng chỉ nửa giờ trước khi đến trường phổ thông cơ sở ở thị trấn, chị bỗng giật mình nhận ra rằng biết đâu con cháu của những kẻ chị đã buộc phải giết chết trước kia lại chẳng đang ngồi nghe chị kể về cái chết khủng khiếp của cha chú chúng! Liệu điều gì sẽ xảy ra trong những mái đầu đang hình thành tính cách công dân của chúng? Và chị vội vã xin hoãn buổi nói chuyện, khiến anh giáo viên nọ sửng sốt cúp máy không thèm nói chuyện với chị nữa.

Cũng có thể cái ý muốn mãnh liệt ấy đến với chị trong nhiều đêm nằm trăn trở trên giường, nghe sóng biển và gió ù ù thổi ngoài chái nhà, nỗi nhớ người thân đã chết trong chiến tranh trở đi, trở lại khắc khoải trong đầu chị. Liệu những người vợ, người con của những tên ác ôn ấy hiện đang sống ra sao? Những gì đang cản trở họ sống? Họ còn ở những ngôi nhà cũ hay đã bị tịch thâu, đã chuyển đi nơi khác? Chị đã suy nghĩ, trăn trở nhiều đêm nhưng vẫn không thực hiện nổi ý định của mình dù nó rất đơn giản, đạp xe đi một vòng, hỏi cán bộ phụ nữ của từng thôn, những người đang cộng sự gần gũi và gắn bó với chị.

Song chị không thể hỏi và cũng không thể đến. Không biết cái gì đã ngăn trở chị. Cái gì? Chị ráng cắt nghĩa và tự tìm lấy câu trả lời.

 

Chương một

1

Mùa đông năm 1969, một mùa đông mãi mãi đọng lại những ký ức nặng nề trong đầu chị. Ngày đó gia đình chị còn đầy đủ bốn người. Cha chị, anh Dương và chị Hảo. Mẹ chị chết đã lâu, do một quả pháo hạm bắn vu vơ từ ngoài biển. Cái chết của mẹ làm đời sống gia đình đảo lộn. Anh Dương vô đội du kích xã, đi tối ngày mới về. Chị Hảo thành chị lớn còn chị cũng buộc phải thôi học ở một trường tư thục ngoài thị trấn. Năm đó chị mới mười một tuổi.

Cái buổi sáng dữ dội ấy ập đến vào một ngày tháng mười. Giữa lúc ba cha con chị đang ăn cơm ở hiên nhà thì thằng giám Tuân dẫn lính tới. Hôm đó nó đội mũ phớt, mang kiếng mát. Bộ quần áo đen rộng lùng thùng cộm lên ở lưng quần bởi khẩu Côn 45 đeo trễ. Đi theo thằng giám Tuân là bảy thằng dân vệ. Chúng nó lễ mễ khiêng một cái hòm rất nặng. Sau này chị mới biết đó là hòm thuốc nổ. Khi chiếc hòm được đặt xuống, thằng Tuân ngồi ngay lên trốc. Nó móc túi lấy thuốc hút, kiên nhẫn chờ cha con chị ăn cơm xong. Còn tụi lính thì bắt đầu sục sạo quanh nhà. Mặt thằng nào cũng hằm hằm, như muốn nghiềng nát ba cha con chị.

Biết vậy, cha chị càng cố tình kéo dài bữa ăn. Ông ăn nhẩn nha, vừa ăn vừa liếc nhìn hòm thuốc nổ, vẻ mặt thản nhiên như không, nhưng chị biết cha đang rất lo lắng. Hồi sáng, anh Dương vừa mới chui xuống hầm ngủ. Căn hầm vừa đào bất ngờ và kín đáo bên trong thành chiếc giếng khơi sau nhà, cửa hầm là một viên đá ong nằm sát mép nước. Mỗi lần lên xuống phải dùng dây cột. Buổi trưa chị Hảo vẫn thường dòng cơm xuống cho anh. Cơm và đồ ăn được đặt trong gầu múc khi chiếc gầu vừa va khẽ vào viên đá, lập tức nó được xoay ngang rồi bàn tay anh Dương thò ra lôi chiếc gầu vô trong. Lát sau nó được thả trên mặt nước và viên đá liền được xoay trả lại như cũ.

Anh Dương ở căn hầm đó đã hơn một năm. Nhiều lần bọn lính sục vô nhà, đào bới từ chuồng phân heo tới nền bếp nhưng chúng đều bỏ qua, không nhòm ngó tới giếng nước. Hàng chục căn hầm đào ở những chỗ bất ngờ nhất trong xã đã bị khui nhưng căn hầm nhà chị thì vẫn còn nguyên vẹn.

Chưa bao giờ chị thấy cha ăn cơm lâu như vậy. Sỡ dĩ thằng giám Tuân kiên nhẫn ngồi chờ, bởi một phần nào đó nó kiên nễ ông. Ngày trước nó cũng là du kích, hoạt động cùng sắp với anh Dương vẫn thường lui tới nhà chị ăn uống nghỉ ngơi. Nó lì lợm, khuôn mặt lạnh tanh, cặp mắt nhỏ và tinh ranh như mắt rắn. Đùng một cái nó biến mất. Việc nó biến mất làm nháo nhào cả xã, cả huyện. Tất thảy các căn hầm bí mật đều phải di chuyển. Nhiều trận càng dai dẳng đã diễn ra hết ngày này sang ngày khác. Hàng trăm người bị bắt, bị giết chết. Hầu hết các cơ sở trong xã bị đánh xơ xác. Bọn Mỹ đưa xe ủi tới ủi sập các ngôi nhà, lùa dân vào các khu đồn bao quanh các căn cứ, chốt điểm. Nhưng chỉ ít ngày sau, người dân quê chị lại đốt phá khu đồn, trở về trụ bám trên mảnh đất quen thuộc cũ. Bọn địch lại dồn xúc, người dân lại phá nữa. Cứ như vậy dai dẳng, quyết liệt. Cuối cùng bọn địch đành chấp nhận, sự chấp nhận gần như thỏa hiệp; chúng dồn được một số, để bung về một số, trong số những gia đình bung về được có gia đình chị.

Hơn một năm sau khi biến mất, thằng giám Tuân đột ngột trở lại làm xã trưởng. Trước đó nó đã từng làm giám thị ở nhà lao Quy Nhơn. Cái tên giám Tuân có thể được bắt đầu từ đó. Thoạt đầu do một vài người gọi với hàm ý mỉa mai, sau người dân trong xã gọi theo. Gọi miết thành quen. Cái chức giám như đã được đóng đinh vào tên gọi của nó.

Thấy cha chị cứ ngồi ăn cơm miết, thằng giám Tuân dường như không chịu nổi, nó day người về phía ông, giọng hơi xẵng:

- Nè ông già, ăn lẹ lên còn làm việc. Tụi tôi không chờ thêm được đâu.

- Bởi ông xã trưởng không nói nên tôi đâu biết - Cha chị đáp thủng thẳng -  Đã từng ăn nhiều cơm nhà tôi, ông biết tính tôi đó. Răng yếu phải nhai kỹ mới khỏi đau bao tử.

-  Nếu không vì chút quen biết đó, tôi đã liệng mâm cơm vô mặt ông rồi. Hồi hôm, thằng con ông kích pháo vô trụ sở hội đồng xã, tôi biết. Ông hãy kêu nó ở dưới giếng lên. Tụi tôi khỏi liệng bộc phá đánh sụp giếng. Nó chịu lên tôi sẽ bảo toàn tính mạng cho nó.

“ Có đứa mách lẻo rồi!” - Chị thầm nghĩ, bụng lạnh run. Còn cha chị vẫn ngồi đó, sắc mặt không hề thay đổi.

Ông xã trưởng nói chi lạ. Thằng con tôi thoát ly từ bữa ông ra hồi chánh. Nó đâu có nhà để kích pháo vô hội đồng xã của mấy ổng!

Thằng giám Tuân vụt đứng dậy cười nửa miệng. Nó dòm vào mắt cha chị:

- Tôi đã lấy cái tình ra để nói. Ông không nghe. Sau đừng có trách thằng này không nói trước - Nó quay sang bọn lính - Mang bộc phá ra giếng.

Hai ba thằng dân vệ xúm lại khiêng chiếc hòm gỗ ra sau nhà. Một thằng lôi từ chiếc túi đeo bên hông một cuộn dây điện. Cha chị ngồi chết lặng. Một lát sau, như chợt tỉnh, ông chạy lao về phía giếng nước:

- Các ông không được phá giếng nước nhà tôi. Cha con tôi lấy gì sống!- Tiếng cha chị vọng lại khàn đục. Một tiến “hự” từ lồng ngực ông bật ra. Bọn lính gạt ông ngã sấp bên thành giếng. Hai chị em chị cuống cuồng lao về phía cha nhưng đều bị bọn lính kéo giật lại.

- Các ông không được phá giếng! Không được đánh cha tôi! - Chị Hảo la lớn. Còn chị thì òa lên khóc.

- Lôi cổ lão già và hai con nhỏ xuống chân đồi - Thằng giám Tuân ra lệnh.

- Lập tức bọn lính bu ngay lại. Chị không hiểu sao lúc đó cha chị không hề cưỡng lại. Khuôn mặt ông trở nên đờ đẫn, ngơ ngác, còn chị Hảo thì lăn lộn trên đất. Chị cắn vào tay thằng dân vệ đang túm áo chị lôi đi. Nó kêu thét lên. Chị chồm dậy chạy nhào trở lại. Một cái báng súng giáng rất mạnh vào lưng chị từ phía sau. Chị ngã sấp bất tỉnh. Bọn lính lôi chị đi như lôi một xác chết.

Cuối cùng, chúng nó cũng dồn được ba cha con chị xuống chân đồi. Cha chị đứng ủ rủ. Đôi mắt ông dại đi trong một nỗi tuyệt vọng và bất lực. Một lát sau thằng giám Tuân đi xuống. Nó lại dòm vào khuôn mặt bất động của cha chị:

- Tánh mạng của thằng Dương hoàn toàn tùy thuộc ở ông - Nó nói - Nếu ông kêu nó lên, nó sẽ được sống bình thường ở nhà. Tôi cũng không cần nó khai báo chi hết.

- Con tao không bao giờ làm một thằng phản bội - Cha chị gầm lên - Mày xéo đi, muốn làm cách sao thì làm.

Nhưng khi thằng giám Tuân bước lên đồi, ông đã muốn chạy nhào theo nó. “Cha ơi!”. Chị khóc mếu máo. Cha chị quay lại nhìn. Khuôn mặt méo xệch. Đôi mắt của ông trống rỗng như hai lỗ thủng lớn.

Ngày hôm đó qua đi như một bước ngoặt trong đời chị. Một cuộc đời mà bây giờ mỗi lần nhớ đến chị lại như cảm thấy vị đắng chát của nó. Bốn năm trời, chị đã bị cuốn vào cuộc sống lẽ ra không nên có ở tuổi niên thiếu của chị. Nhưng chiến tranh là như vậy. Cái không bình thường đã trở nên bình thường. Từng có một thời sự chém giết đã trở thành những hoạt động tự nhiên, tất yếu của con người.

 

2

Sau tiếng nổ rung chuyển của khối bộc phá, ba cha con chị chạy sấp ngửa lên đỉnh đồi. Căn hầm bí mật nơi anh trai chị nằm chỉ còn là một hố đất sâu nham nhở. Những sợi khói mỏng, nhạt vẫn bò lờ lững trong các kẽ nứt của thành giếng. Thằng giám Tuân nhìn ba cha con chị, cười khẩy. Những giọt mồ hôi rịn ra trên vầng trán tái xanh của nó.

- Đó, thấy chưa. Tôi đâu ưng làm vậy. Mắc chi ông không chịu kêu nó lên!

Không hiểu sao, cả ba cha con chị không khóc. Chị nhìn thấy một cánh tay của anh Dương văn trên bờ rào. Ở ngón áp út vẫn còn đeo một chiếc khuyên nhỏ. Chiếc khuyên chợt lóe sáng khi có ánh nắng mặt trời đột ngột rọi xuống. Chị nhìn cánh tay vừa kinh sợ, vừa lạ lẫm. Bọn dân vệ nhổ nước bọt rồi quay vô nhà. Cha chị gần như muốn khuỵu xuống nhưng ông vẫn cố đứng cho thật vững. Khi thằng giám Tuân và bọn lính đã bỏ đi, ông mới ngã vật xuống. Một dòng máu tím đen ứa ra ở hai bên mép.

Ít ngày sau, vào một buổi tối, chị Hảo bỗng dưng nói với chị:

- Quy ở nhà coi sóc sức khỏe cha giùm chị. Chị có công chuyện phải đi ít bữa, ráng làm việc giúp cha nghe Tư!

Nói xong, chị xách chiếc bòng đi xuống đồi. Chị không biết chị Hảo đi đâu. Chị không hỏi và cha chị cũng không nói. Từ bữa đó chị thay chị Hảo làm hết thảy mọi việc: gánh phân, vun mì, mở bò, nấu cháo heo… chị trở nên dạn dĩ với những quả đạn đại bác nổ bất chợt dưới chân đồi hoặc đêm đêm, nổ sát sạt ngoài cửa hầm. Hầu như tuổi trẻ không ý thức được về nỗi khổ. Sau này nhớ lại, chị không hiểu nhờ đâu chị sống được qua những ngày tháng ghê gớm ấy. Suốt ngày ăn mì luộc. Luộc chán thì nướng và thái lát phơi khô hoặc giã thành bột làm bánh bánh tráng… Sau cái chết của anh Dương, cha chị gầy rộc. Nhiều đêm chợt thức giấc, chị thấy ông ngồi im lìm, lưng tựa vào vách hầm. Ánh đèn dù rọi chập chờn trên khuôn mặt bồn chồn của ông. Chị nhìn cha và cảm thấy thương ông vô hạn. Về sau chị mới hiểu hết tâm trạng của ông trong những ngày đó. Ông vừa mừng rỡ, vừa hoảng hốt khi một người đồng chí của anh Dương đột ngột trở lại. Ông nghĩ nhiều tới thằng giám Tuân. Trước đây nó cũng là đồng chí của ông. Không ít đêm ông đã thức trọn chờ tụi nó đi ém Mỹ trở về. Nó cũng cùng ăn, cùng uống một thứ như con trai ông. Cũng cười đùa, vâng dạ.Vậy mà bỗng dưng nó trở thành độc ác như một con quỷ. Cái gì đã biến đổi nó như vậy, cái gì?

Chị hiểu nỗi lo lắng có phần hoảng hốt của cha chị hồi đó là sự lo lắng và hoảng hốt trước sự phản bội. Đối với con người, không gì gây đổ vỡ khủng khiếp hơn sự phản bội. Chị còn nhớ một đêm khi anh Cường, một người bạn thân của anh trai chị và là người chỉ huy trực tiếp sau này của chị về thăm, ông đã sợ hãi xua đuổi, để một lát sau lại ôm lấy anh mà khóc. Có lẽ cái ý nghĩ bám lâu nhất, dai dẳng nhất trong tâm khảm ông cho đến lức ông qua đời là sự phản bội.

Cũng cần nói thêm rằng, năm ấy, sau cuộc tập kích chiến lược Tết Mậu Thân, lực lượng tại chỗ của huyện chị hầu như không còn nữa. Ngay đến sư đoàn Sao Vàng một sư đoàn chủ lực của chiến trường khu 5, từng làm cho sư đoàn không vận số 1 Mỹ điêu đứng ở Chợ Cát, ở suối Đá Tượng cũng bị đẩy lần lần khỏi đồng bằng, khỏi vùng ranh và cuối cùng bị đẩy bật lên thượng nguồn sông Côn, phần đất giáp với biên giới  Lào - Việt.

Thế da báo bị xóa. Những người còn trụ được ở các thôn ấp phải âm thầm rút vào bí mật. Đó là năm của những trận pháo bầy, của B.52 rải thảm, của hàng trăm chiếc trực thăng cùng cất cánh một lúc. Năm mà một chiếc tàu rọ có thể neo cứng trên đầu mọi người giữa đồng trống bắt vén áo quần lên để kiểm tra xem có dây lưng, có súng hay không. Khắp nơi trên quê chị, đồn bốt mọc dày như nấm. Những trận đánh vừa và nhỏ không sao thực hiện được. Tình hình đó buộc quê hương chị phải thực hiện phương thức tác chiến: Diệt ác. Người lớn tiếp cận  địch không được thì sử dụng đám trẻ. Những đội “Chim Én” được thành lập, được trang bị súng đạn, cũng ăn ngủ tập trung, nằm hầm bí mật như người lớn. Đã có một thời, bọn ấp trưởng, xã trưởng, những tên điệp viên nằm vùng, bọn cảnh sát luôn luôn cảm thấy mất an toàn ở bất kỳ nơi nào chúng đặt chân đến, những cái chết bất đắc kỳ tử, khủng khiếp luôn treo lơ lửng trên đầu chúng.

Có thể chị sẽ không trở thành đội viên đội “Chim Én” nếu như chị Hảo không bị thằng giám Tuân giết chết. Trong cuộc đời mỗi người, có rất nhiều điều đáng ghi xương khắc cốt. Đối với chị, đó là những cái chết thảm khốc của những con người ruột thịt. Sau này mỗi lần nhớ đến, chị lại như phải sống thêm một lần nữa những giây phút ghê gớm ấy. Cái giây phút ánh nắng chợt lóe sáng trên chiếc khuyên ở ngón tay áp út trên bàn tay của người anh trai và những đám bụi bám trên đôi mắt còn mở trừng trừng của chị Hảo. Một buổi chiều, lại chính thằng giám Tuân , trong bộ quần áo đen, đầu mũ phớt, cùng với đám thuộc hạ đi lên đồi. Một bầu không khí hoang lạnh rờn rợn như tỏa ra từ người chúng. Đi giữa chúng là chị Hảo, đôi cánh tay bị trói quặt ra đằng sau, mặt mũi bầm dập những vết máu.

Cha chị gần như không tự chủ được. Ông lao đến ôm chầm lấy con gái. Hai bàn tay gầy guộc sờ soạng khắp trên người chị. Con người vốn đầy khả năng khiềm chế ấy đã quắc đôi mắt giận dữ nhìn thẳng vào thằng giám Tuân và bọn dân vệ:

- Đồ độc ác, con tao làm chi nên tội mà tụi bay hành hạ nó?

Thằng giám Tuân cười khẩy. Những giọt mồ hôi vịn ra trên vầng trán tái xanh của nó. Lần này không hiểu sao nó mang một đôi kiếng màu đen. Nó ném xuống chân cha chị một trái mỏ vịt.

Nếu trái lựu đạn này rút chốt thì tui đã toi mạng vì nó rồi hiểu chưa?

Cha chị như sực tỉnh. Ông đứng thẳng dậy và không nói gì thêm. Những giọt nước mắt sắp trào ra như cũng ngưng lại trong đáy mắt của ông.

Thằng giám Tuân quay lại chị Hảo:

- Đó, tao đã thỏa mãn yêu cầu của mày, cho mày về gặp cha mày. Mày không chịu khai đứa nào đã xúi giục mày giết tao, mày sẽ phải chết. Bây giờ giết mày, tao có hai cách: một dìm đầu mày xuống nước. Hai buộc sau xe GMC kéo đi cùng xã. Mày muốn chọn cách nào thì chọn.

Chị Hảo ngẩng  đầu, cố hất mái tóc đang xòa xuống vầng trán bê bết máu, chị chợt lớn vụt lên, thành một cô gái trong cái hất đầu ấy.

- Cả hai cách. Bay muốn chọn cách nào thì chọn.

- Đó, ông thấy chưa - thằng Tuân quay về phía cha chị - Tôi đã làm hết cách để cứu nó, nhưng nó đâu có chịu.

- Cha chị lúc ấy đứng như chôn chân trên đất. Hình như ông hiểu rằng: con gái ông không thể làm khác và không còn cách nào để cứu sống con gái của ông được.

Buổi chiều hôm đó, hai cha con chị đã lần mò tới sát chân chốt cầu Voi đưa thi thể rách nát của chị Hảo trở về. Quãng đường ngắn, hàng ngày cha chị và chị vẫn đi mà sao dài lê thê. Chị vừa đi vừa khóc. Còn cha chị ôm chị Hảo trên tay, đờ đẫn như hóa dại. Nếu không còn chị chắc chắn ông đã lao thẳng vào trụ sở hội đồng xã hoặc chọn ngay cho mình một cái chết bởi với ông, chết là sự giải thoát duy nhất khỏi những đau đớn mà ông đang phải chịu đựng một cách quá sức.

Đêm ngày hôm sau, trong buổi lễ truy điệu chị Hảo của đội “Chim Én” ngoài một nỗng cát, sát chân biển, cha chị dẫn chị đến. Ông nói với anh Cường:

- Con gái tôi đã chết  xứng với anh trai nó. Tiếc rằng nó chưa làm được gì. Tôi còn đứa con gái út, xin gửi nó để các anh dạy dỗ kèm cặp. Nó phải làm xong phần việc mà chị nó còn bỏ dở.

Và chị trở thành đội viên đội “Chim Én” từ đấy

 

3

Hơn mười năm trôi qua. Đã có biết bao đổi thay diễn ra trên quê hương chị. Những tên lính Mỹ, những quả đạn pháo nổ bất chợt, những bộ đồ rằn ri của bọn biệt động, thủy quân lục chiến… vĩnh viễn bị đẩy lùi vào dĩ vãng. Đã có một thế hệ cắp sách đến trường không hề biết thế nào là tang tóc, là chiến tranh. Cái ác đang bị vùi sâu, chôn chặt trong đời sống hàng ngày. Nhiều tên sĩ quan, ấp trưởng, xã trưởng đã đi cải tạo trở về. Cuộc sống mới ít nhiều làm mờ đi quá khứ của chúng. Nhưng những tên đã chết thì không còn cơ hội để thay đổi. Chúng không được chết yên ổn trong tội ác.

Nhưng dẫu sao, cuộc chiến tranh ấy cũng đã chấm dứt. Không biết gia đình của hàng ngàn, hàng vạn tên ác ôn bị giết chết hiện đang sống ra sao? Ý nghĩa này cùng với ý muốn tìm lại nhà những tên ác ôn mình đã giết hơn mười năm trước cứ trở đi trở lại trong đầu chị.

Nó trở lại vào những giây phút chị cảm thấy cô đơn nhất. Căn phòng hội phụ nữ huyện dành cho chị ở và làm việc rộng thênh thang. Chị không còn một người thân ruột thịt nào để trở về. Bốn năm ở trong tù, lê lết hết nhà lao này đến nhà lao khác đã biến chị thành một cô gái không còn khả năng sinh nở. Cho đến ngày hiệp định Pa-ri ký kết, chị được trao trả, được đưa ra Bắc học, được tuyên dương Anh hùng rồi lại tiếp tục những tháng năm dài dặc tại một trường Đảng cao cấp trên đất bạn.

Đúng ra, chị còn có một người thân, nhưng con người đó đã không đủ can đảm để chia sẻ những mất mát của chị, mặt dù anh từng chia sẻ, gánh chịu với chị tất cả những gì chị trải qua trong chiến tranh. Chị đã thương yêu anh ngay từ khi còn là một cô bé mười lăm tuổi. Bốn năm ở trong tù chị không nguôi nghĩ về anh. Nhờ anh mà chị đã nhiều lần vượt qua được cái chết.

Những ngày đang học ở Liên Xô, chị đã òa lên khóc khi biết anh còn sống. Nếu ngày ấy biết anh còn sống, chưa chắc chị đã hành động như buổi sáng ấy chi đã hành động. Và chị hấp tấp viết thơ cho anh, bộc bạch hết tình cảm dồn nén bấy lâu của mình. Dĩ nhiên, tình yêu của chị được anh đáp lại một cách nồng nhiệt. Trong thơ viết chị anh nói rằng, hơn một năm sau khi đất nước giải phóng, anh ra sức tìm kiếm chị. Anh dò hỏi hàng trăm người từ nhà lao Côn Đảo trở về và phải đến khi chị được tuyên dương Anh hùng, anh mới biết chắc chị vẫn còn sống.

Vốn là người không quen che dấu bất cứ điều gì và để anh xác định trước trong quan hệ của mình với chị, chị cũng nói thực với anh rằng, sau những đòn tra tấn cưỡng bức tàn nhẫn của bọn cai ngục ở nhà tù Côn Đảo, khả năng làm mẹ của chị không còn nữa. Chị nhớ mình đã viết lá thơ này vào một buổi chiều mùa đông, nhiệt độ ngoài trời xuống tới năm độ dưới không, mà khắp người chị nóng rát. Sau khi gởi thơ cho anh, chị đã đi lang thang trên các đại lộ. Nhìn những bông tuyết rơi trắng xóa, chị cũng chạnh lòng nghĩ rằng, những bông tuyết vô tri kia cũng còn biết sinh nở. Chị sợ ngày trở về gặp anh, biết mình sẽ làm khổ anh, nhưng chị không đủ sức để từ bỏ tình yêu của mình bởi anh là tất cả đối với chị.

Mùa hè năm sau, chị trở về Tổ quốc. Anh đã ra tận sân bay Đà Nẵng đón chị. Gặp anh chị khóc. Còn anh thì luống cuống rất lâu mới mở nổi cửa xe giúp chị. Suốt dọc đường từ Đà Nẵng trở vào, những kỷ niệm cũ của hơn mười năm trước thức dậy làm lòng chị nôn nao. Chị hoảng hốt khi thấy anh thay đổi nhiều quá. Từ thói quen đến diện mạo. Bây giờ anh đang là chủ tịch huyện, một chủ tịch trẻ, năng động như những người quen ở Hà Nội nói với chị. Cũng ngay trong tuần gặp ấy, bằng sự mẫn cảm của một phụ nữ, chị hiểu rằng, anh sẽ không đủ can đảm đến với chị, và thời gian đã xác nhận linh cảm của chị là đúng.

Để tránh cho anh những dằn vặt, khó xử, chị đã chủ động chấm dứt quan hệ tình cảm với anh. Hôm ấy, vào buổi chiều, chị gặp anh sau giờ họp tại phòng giao ban của ủy ban huyện.

- Em muốn nói với anh một chuyện - Chị nói, cảm thấy có một cái gì đấy đang đứt rời ra trong cơ thể mình - Chúng ta không nên tiếp tục quan hệ với nhau. Anh cần những đứa trẻ mà em thì không thể…

Anh ngồi lặng đi bối rối như ngạc nhiên, lại như biết trước điều chị vừa nói. Cho đến lúc chị đứng dậy để về anh vẫn ngồi im không nói được lời nào cho rõ ràng. Như vậy anh đã xác nhận điều đó là cần thiết đối với cả hai người. Sự thừa nhận của anh khiến chị đau đớn. Nếu anh gạt phắt đi hoặc mắng mỏ chị thì đó là những cử chỉ giả dối, có lẽ chị sẽ bớt đau đớn hơn. Tuy thế, chị vẫn không hề căm ghét anh mà càng thương yêu anh gấp bội.

Ít lâu sau anh lấy vợ. Đám cưới diễn ra một cách vội vàng như để trốn chạy một cái gì đó. Còn chị thì tiếp tục lặng lẽ trong căn phòng vừa là nơi làm việc, vừa là nơi ở của hội liên hiệp phụ nữ huyện. Suốt ngày chị lao vào công việc, đi cơ sở, soạn bài nói chuyện, tổng kết, báo cáo… Buổi chiều, khi những người đồng sự khóa cửa buồng, dắt xe đạp về nhà với chồng con họ, chị còn lại một mình với khu nhà im ắng, rộng mênh mông. Nhiều đêm chị để đèn ngủ đến sáng, mở ra-đi-ô thật to cho đỡ trống trải. Những người cùng cơ quan, mỗi khi dắt xe về nhà, đều cố tránh để chị không nhìn thấy hoặc không nhìn thấy chị. Họ đạp xe thật nhanh bởi họ thương chị, nhưng không biết làm cách nào để chia sẻ nỗi cô đơn đó với chị.

Có thể nói không quá rằng, chiến tranh đã cướp đi tất cả những gì cần thiết nhất cho một đời sống bình thường của chị. Lẽ ra chị có thể hoàn toàn thanh thản trước quá khứ. Nhưng không hiểu sao chị lại trăn trở, bức xúc muốn tìm lại nhà những thằng ác ôn bị chị giết chết hơn mười năm trước? Cái gì đã thúc đẩy chị? Chị không giải thích được. Mặc dù ngay lúc này đây, nếu phải sống lại những năm tháng cũ, chắc chắn chị sẽ vẫn sống như thế. Chị không thể làm khác vì đó là sinh mệnh, là sự còn mất của cả quê hương chị.

 

4.

Bây giờ đang là tháng giêng. Hoa móng rồng còn chưa kịp nở trên các bờ rào quanh làng. Thỉnh thoảng trong những bụi dứa dại mọc xơ xác ven bờ các bàu nước, một vài con le le lại bay vọt lên, kêu thảng thốt như vừa bị một con rắn độc chui vào phá tổ.

Mùa xuân năm đó ở quê chị thật ảm đạm. Chị còn nhớ đêm đầu tiên xa nhà, chị đã quay mặt vào vách hầm khóc lén. Chị thấy nhớ cha và sợ anh Cường. Khuôn mặt anh lúc nào cũng quàu quạu, hàm râu quai nón không cạo đâm tua tủa. Rất ít khi chị thấy anh cười, khác hẳn những đêm anh về thăm cha chị. Lúc đó khuôn mặt anh coi rầu rầu, hiền khô. Anh ngồi lặng lẽ ở bộ ghế ngựa, bên ngọn đèn. Cặp mắt anh nhìn đi đâu đó ngoài bóng đêm. Hình như lúc nào anh cũng phải đề phòng một quả lựu đạn pháo nổ bất chợt, một viên đạn bắn lén từ phía sau. Anh cùng tuổi với anh Dương nhưng to con. Có lần chị nghe anh Dương nói đùa: “Mày ráng chờ con Hảo lớn, tao nói cha gả cho, con bộ nó cũng xinh gái đấy chớ!”.

Biết tâm trạng của chị, cái Thêm bảo:

- Mày đừng sợ, ảnh ngó bộ dữ vậy nhưng rất hiền. Mà ảnh cũng chỉ dữ với mấy đứa không làm tròn nhiệm vụ thôi. Có đứa chết vẫn còn bị ảnh mắng!

Và nó kể. Một lần nó được giao nhiệm vụ diệt thằng ấp trưởng Kiểu. Nhà thằng Kiểu ở đầu cây cầu sắt, có máy mì. Hôm đó nó gánh một gánh mì tới. Thằng Kiểu vừa ngủ dậy, tay cầm bót đánh răng, tay sách khẩu AR.15. Nó đặt gánh mì, bất thần gí khẩu Ru-lô vào sườn Kiểu bắt giơ tay. Thằng Kiểu sợ mất hồn, vất súng bỏ chạy. Nó bắn theo ba viên, súng tắc cả ba. Nó bảo không quen sử dụng Ru-lô vì ngón tay ngắn không với tới cò súng. Trận đó về, mặt anh Cường lầm lầm, ngồi thù lù một cục. “Đêm giao súng cho nó, sáng nó lại về không cho coi”. Anh nói trước. Nó khóc, kêu súng tắc. “Thật uổng công của Đảng, của đồng bào”. Anh chửi rồi lầm lầm đi về hầm, bảo nó hèn thì nhận, chớ đừng đổ thừa cho súng. Đêm đó anh lấy súng và hai trăm viên đạn ra bắn thử. Thiệt may cho nó, đạn thối gần hết.

Nhà Thêm ở cùng thôn với chị. Nó chậm nhưng chắc chắn. Tuy chỉ hơn chị một tuổi nhưng nó mập như một cô gái mười sáu, mười bảy.

Đội “Chim Én” ngày đó chia thành nhiều tổ. Tổ chị gồm năm người. Cái Thêm, cái Duy, thằng Hải, thằng Dũng còm và chị. Ngày đầu tiên chị đến, chị thấy anh Cường cử cái Duy và thằng Dũng đi. Tối thằng Dũng về một mình. Nó len lén chui vô hầm, tìm về võng của mình. Anh Cường không nói gì, mặt cau có. Một lúc lâu anh mới buột miệng: “Lại hỏng!”. Rồi anh gọi: “Dũng”. Dũng từ bóng tối chui ra. “Tụi em đi, chưa kịp làm gì thì cái Duy đã bị bắt trên xem lam. Có một con chỉ điểm phóng hon-da bên cạnh xe nhưng tụi em đâu có biết. Đến trạm gác Tài Lương, xe bị chặn. Hai thằng cảnh sát lôi cái Duy ra khỏi xe. Em ngồi xe sau vội nhảy đại xuống, chạy vô xóm ba. Từ lúc đó em bám riết cái Duy. Nghe mấy bà bán cá nói nó đã bị thằng giám Tuân đánh chết ở nhà giam của hội đồng xã”.

Chị rùng mình. Lại thằng giám Tuân. Đêm ngủ chị nói mơ làm cái Thêm phải đập đập mãi vào võng chị. Ngày hôm sau, anh Cường cho thằng Hải đi xác minh xem có đúng Duy đã bị thằng Tuân đánh chết không. Nhưng thằng Hải không dám tới hội đồng xã, nó trốn về nhà ở Tài Lương, bỏ đội, bỏ nhiệm vụ. Chắc nó sợ. Còn cái Duy thì đúng là có bị thằng Tuân đánh rất dữ, nhưng trước sau nó chỉ khai tình cờ lượm được khẩu Ru-lô ở một hố rác, định mang lên nộp cho cảnh sát quận thì bị bắt oan. Hay tin, mọi người thở phào, vừa lo cho Duy, vừa mừng vì không phải chuyển chỗ ở. Từ đó, đội chỉ còn ba người. Ba người cùng ở chung trong một căn hầm bò, nửa chìm, nửa nổi. Riêng anh Cường thì phải nằm hầm bí mật. Nếu bọn địch bất ngờ ập đến, bọn chị sẽ cải trang thành những đứa trẻ đi mở bò hoặc hái củi. Vì vị trí ở sát bờ biển nên bọn địch chẳng mấy khi mò tới.

Một bữa anh Cường bảo chị:

- Hôm nay em học bắn súng ngắn. Dũng sẽ bày cho em. Chị Hảo bắn súng ngắn và đáp lựu đạn rất giỏi. Tại sao lúc liệng trái mỏ vịt giết thằng Tuân lại quên không rút chốt thì có trời mà biết. Ráng tập, mai anh cho bắn thử.

Suốt ngày chị và thằng Dũng loay hoay với ba cây súng: K.54, Côn 45 và một cây Ru-lô. Loại súng nào đối với chị cũng quá nặng, giơ lên ngắm chỉ một chốc đã mỏi rời rã.

- Nè, mày giết được mấy thằng ác ôn rồi, Dũng? - Học được nửa chừng, chị bỗng rụt rè hỏi.

- Mới hai thằng thôi - Dũng đáp.

- Nó mắc tội gì vậy mà? - Chị lại hỏi. Theo chị thì thằng ác ôn nào cũng phải biết được thật đầy đủ tội của nó trước khi giết.

- Tội à, tao không biết. Chỉ thấy anh Cường bảo là tao giết. Trong hai thằng có một thằng chỉ điểm. Tao tìm đến nhà nó, rút súng ra. Nó quỳ xuống lạy mới kỳ chớ. Tao định thôi không giết nhưng không giết mà quay ra nó sẽ kêu lính giết mình ngay. Thế là tao bóp cò.

Thằng Dũng kể thản nhiên, cái yết hầu vêu vao cứ chạy lên chạy xuống dưới khuôn mặt đen cháy của nó.

Ngày hôm sau nữa, anh Cường đưa cho chị một hộp đạn và dặn thằng Dũng chừng nào pháo địch bắn ở khu vực đồng Đá Chai thì cho chị bắn thử. Thằng Dũng “dạ” một tiếng gọn lỏn đoạn dẫn chị xuống hầm. Nó ghim một tờ giấy lên vách hầm, lấy than khoanh một lỗ tròn ở giữa, bảo chị cứ tập ngắm vào đó, rồi leo lên võng nằm. Một lát sau nó đã ngủ thiết đi.

Một quả pháo nổ bất chợt ngoài nỗng cát làm nó choàng dậy. Rất nhanh, nó bật khỏi võng lao vào chiếc hầm kèo, lẹ và mềm như một ngọn gió. Chị phì cười. Coi bộ thằng này cũng nhát dữ. Nghe tiếng chị nó chui ra liền, mặt đỏ dừ vì mắc cỡ. Và như để chữa thẹn, nó khệnh khạng bước lên khỏi hầm, mặc dù lúc đó pháo địch vẫn bắn. Hôm ấy không hiểu có chuyện chi mà chúng bắn quá dữ. Chị gàn, nó không nghe. Hồi lâu nó mới trở lại. Bàn tay bám trên vách hầm run run.

- Kìa, mày bắn đi chớ! - Nó bảo chị, giọng cố giữ bình tĩnh nhưng vẻ mặt hãy còn xám nhợt.

Chị cầm khẩu K.54 nạp đạn sẵn, giơ lên, nhằm vào cái chấm đen trên vách hầm. Tim chị đập dồn. Thằng Dũng ngồi trên võng chờ. Rõ ràng nó vẫn thấp thỏm để ý từng tiếng rú của đạn pháo. “Bắn đi chớ”. Nó giục. Mắt chị như nhoà đi, không nhìn rõ chi hết, cả tờ giấy lẫn vách hầm. Chị cố chớp mắt, tờ giấy vẫn nhập nhoà sau cái đầu ruồi đen ngòm. Người chị thốt nhiên lạnh toát. “Bắn”. Thằng Dũng lại giục. Nó văng tục doạ sẽ mách anh Cường. Thế là chị bóp cò. Toàn thân như nhảy nhồi sau tiếng nổ. Bàn tay chị co vội về như phải bỏng, tim giật thoát, tai ong ong. Viên đạn không biết bay đi đâu. Chỉ còn mùi thuốc súng khét lẹt.

- Đồ thỏ đế, cứ bình tĩnh mà bắn. Ai làm chi mà mày sợ. Đưa súng đây coi.

Thằng Dũng nhảy xuống võng giật lấy cây súng. Tay trái nó chống nạnh, né người, giơ cây súng thẳng căng dáng vẻ y sì bữa anh Cường tập thử cho chị. “Coi nè”. Nó bảo chị rồi bóp cò. Tờ giấy trắng trên vách hầm bị khoát ngay một lỗ thủng. Nó đưa trả súng cho chị:

- Ngó bộ mày chỉ ở nhà đuổi gà được thôi. Diệt ác chi mày. Mới bắn tập mà mặt đã nhợt ra như chết rồi!

Chị tự ái giằng lấy cây súng. “Pằng, pằng, pằng”. Chị bắn liền ba viên. Ngừng một chốc chị bắn tiếp. Cứ như vậy cho đến khi pháo địch ngừng bắn ngoài nỗng cát, tờ giấy găm trên vách hầm không còn một chỗ lành. Nó rớt xuống rách nát. Thằng Dũng ngó lằm bằm vô mặt chị. Khuôn mặt nó ngơ ngác, vừa thán phục vừa ngạc nhiên.

Người chị như bốc lên một thứ men say. Chị muốn bắn nữa nhưng không còn đạn. Cây súng trên tay trở nên nhẹ bỗng. Thằng Dũng không nói gì. Nó lượm tờ giấy, cất đi để tối gặp anh Cường.

 

5.

Thằng Dũng kể nhà nó ở xóm 3, Tý Thạnh Tây, dưới chân đồi Mồng Gà. Nó vô đội “Chim Én” cùng lượt với chị Hảo. Nhà nó cũng có năm người, giờ không còn ai. Mẹ nó mắc bệnh uốn ván, chết ở nhà thương quận. Nó học lớp ba trường làng, bị đuổi vì dám bảo thầy giáo là đồ Việt gian bán nước. Hai anh trai nó chết bởi một quả cối từ đề Mồng Gà bắn xuống. Từ đó nó đi mở bò thuê, hoặc ăn cắp đồ của tụi Mỹ mang ra chợ Tam Quan bán. Có lần nó còn lấy được cả quả lựu đạn về cho cha nó. Cha nó là đội trưởng đội du kích thôn, lầm lì, dữ tợn. Trong một trận đánh vào một quán nhậu ở ngã ba đường đất đỏ, đội du kích bắt được ba thằng tù binh từ đèo Mồng Gà xuống. Cả ba thằng đều bị dẫn về nhà nó. Mỗi thằng chỉ được mặc một cái quần cụt. Cha nó lần lượt hỏi từng thằng một.

- Mày lính gì?

- Dạ lính truyền tin.

- Còn mày?

- Dạ, lính súng cối.

- Mày nữa?

- Dạ, thưa chú, con cũng lính súng cối.

Cha nó không nói gì thêm mà chỉ bập thuốc liên tục. Lát sau cha nó bảo mấy chú du kích đang uống nước dừa ngoài vườn:

- Các anh để tụi này tôi xử. Với chúng nó không giáo dục chi hết. Giết hoặc thả, thế thôi!

Nói xong cha nó quay lại chỗ mấy thằng lính, khuôn mặt lạnh băng:

- Thằng này ở lại - Cha nó chỉ vào thằng lính truyền tin. - Hai thằng kia đi theo tao.

Hai thằng lính súng cối sợ co rúm người. Sau thấy nói là lên gặp ban chỉ huy, chúng mới ngập ngừng bước theo cha nó. Ông dẫn chúng đi tắt qua một ruộng nước, qua một vườn mía. Nó cũng bám theo cha tò mò, háo hức, không hiểu cha dẫn hai thằng lính đi đâu. Nó nhớ có một thằng tóc xoáy, mặt non choẹt, chỉ nhích hơn nó một vài tuổi. Thằng này nhanh nhảu, luôn mồm kêu cha nó bằng chú, xưng con. Đi vòng vèo một chập, đến khu nghĩa địa mai táng hai anh trai nó, cha nó bảo hai thằng lính súng cối dừng lại.

- Quỳ xuống!  - Ông nói, giọng rít qua kẽ răng, khô khốc.

Lúc bấy giờ hai thằng lính mới biết đã bị gạt. Cả hai vội vàng lăn lộn kêu oan. Khuôn mặt chúng trở nên khiếp nhược đến kỳ dị. Một thằng chồm về phía cha nó tuyệt vọng. Hai phát súng nổ gọn. Hai cái thân người vừa đi đứng, nói năng đổ vật xuống, giãy giụa, cào cấu một lát rồi đờ ra bất động.

Từ phía sau, nó nhìn và không bỏ qua một chi tiết nào. Nó thấy vai cha nó rũ xuống một cách thảm hại. Ông quay về, chân như kéo rê trên cát. Nó lủi vào một rãnh mía, nằm bàng hoàng. Lúc đó nó không hiểu tại sao cha nó lại làm như thế.

Nửa tháng sau cha nó chết bởi một quả lựu đạn gài. Một cái chết không thể giải thích nổi, bởi không có việc gì khiến cha nó phải đến cái bờ thổ ấy. Nghe chuyện, chị lo thắt ruột. Chị lên xin phép anh Cường về nhà thăm cha. Nhưng anh Cường bảo để sau trận đánh sắp tới đã. Ruôt gan chị cồn cào. Chị mong đừng bao giờ cha đi tới một bờ đất nào hết. Từ hôm ấy cái bờ đất có mìn gài lúc nào cũng cộm lên trong ý nghĩ non nớt của chị.

 

6.

 

Anh Cường nói với chị và thằng Dũng:

- Trận này tổ ta không đánh mà chỉ để Quy quen với công việc - Anh nhìn chị - Trưa nay có trận đánh ở cửa hàng mụ Sáu Lợi ngoài chợ Tam Quan. Dũng dẫn Quy tới đó coi. Chỉ coi thôi, nghe.

Thằng Dũng nhảy lên reo:

- Chỉ coi thôi hả anh. Cái Quy thật sướng nghen!

Anh Cường lườm thằng Dũng, dặn thêm:

- Nhớ là không tham gia chi hết. Không được mang theo súng. Sau trận đánh phải về ngay để nhận nhiệm vụ khác.

- Lúc chỉ còn lại hai ñöùa, thằng Dũng bảo chị:

- Anh Cường cưng mày nhất. Tụi tao đâu có được vậy. Học bắn súng xong, anh giao việc liền. Để sổng thằng ác ôn nào về chỉ có mà chui xuống lỗ.

Khoảng tám giờ, chị và thằng Dũng lên đường. Trời nắng rát. Chị xách một cái giỏ, mang theo một ít tiền để khi về mua đồ ăn cho đội. Thằng Dũng đi không. Nó bận quần cụt, chiếc áo vá chằng vá đụp. Vạt áo rách tướp, trông y sì một thằng chuyên đi ăn cắp vặt ngoài chợ. Vừa đi, thằng Dũng vừa huýt sáo. Nhìn bộ dạng thản nhiên của nó, chị bớt lo: “dầu sao cũng chỉ coi thôi”. Chị nghĩ.

Đến thân đèo Mồng Gà thằng Dũng dừng lại. Nó hiếng mắt nhìn lên đỉnh đồi đỏ quạch, lô nhô những cây cọc sắt và những hàng kẽm gai giăng mắc chằng chịt.

-Đưa tao vài chục Quy. Tao mua thẻ nhang. Rẽ qua nhà tao chút.

Chị móc túi đưa tiền cho thằng Dũng, không kịp nghĩ tối về anh Cường sẽ hỏi tiền đâu mà mua đồ ăn ít. Thằng Dũng chạy tới cái quán nhỏ bên đường:

- Dì Năm, bán cho con thẻ nhang!

- Trời, thằng Dũng. Mày đi đâu miết, giờ dì mới thấy mặt.

- Con ở bên ngoại - Nó đáp rồi đưa tiền, chọn một thẻ nhang - Giá có tiền mà mua vài cái bánh ít nhỉ? - Nó bảo chị - Ngày trước mẹ tao hay làm bánh ít lắm, ăn mệt nghỉ!

Nó liếm môi. Chị thấy môi nó như rộp lên và hơi sưng so với lúc thường. “Bao giờ hoà bình, tao phải ăn một chầu bánh ít cho thiệt đã”. Nó nói. Lúc đó, chị không thấy thèm bánh ít mà chỉ thấy thương nó. Sau này, ngồi trong xà lim, nhớ Dũng, không hiểu sao chị cũng thấy thèm bánh ít, thèm cồn cào, mặc dù chẳng mấy khi chị ăn thứ bánh đó.

Vòng vèo một chặp, thằng Dũng dẫn chị đến một nghĩa địa hoang tàn. Những ngôi mộ nằm chen xít nhau, mọc đầy cỏ tranh, dừa đất và những cây cúc dại. Thằng Dũng ngơ ngác một lúc lâu mới tìm thấy mộ của bố, mẹ và hai anh nó. Đến lúc ấy nó mới sực nhớ là đã quên không mua một hộp quẹt và nó hấp tấp chạy trở lại quán bà Năm, bỏ chị đứng trơ trọi trong khu nghĩa địa hoang vắng.

Một cơn gió từ biển bất chợt nổi lên thổi giàn giạt trên những bụi cỏ tranh xơ xác. “Cha nó đã bắn chết hai thằng lính súng cối ở chỗ này đây”. Chị rùng mình, thấy ớn lạnh dọc sống lưng. “Nếu không phải hai thằng đó bắn chết hai anh trai nó thì sao?”. Chị có cảm giác ngờ ngợ, nhưng ngờ ngợ cái gì, tại sao lại ngờ ngợ thì chị không nghĩ ra. Chị chỉ thấy tội tội hai thằng lính, nhất là cái thằng mặt non choẹt, luôn miệng kêu cha nó bằng chú.

Như để trả lời những ý nghĩ đó của chị, từ đỉnh đèo Mồng Gà, một tiếng “cạch” vang lên, liền sau đấy là tiếng rít xoèn xoẹt của đạn cối. “Nằm xuống”. Thằng Dũng vừa chạy lao về phía chị, vừa hét. Chị vội lăn xuống một cái hố đạn cũ. Quả cối nổ gần. Đất phủ lên người chị. Sau tiếng nổ, bầu trời trở lại yên ắng. Gió vẫn thổi giàn giạt trên những bụi cỏ tranh, nhưng đã nồng lên mùi khen khét của thuốc đạn.

Thằng Dũng lóng ngóng đốt nhang. Mùi nhang thoảng lên. Khói toả ra từ những chấm đỏ lựng rồi mất hút vào gió. Thằng Dũng vội vã cắm nhưng ở bốn ngôi mộ. Mỗi lần đến một ngôi mộ, nó lại lầm bầm khấn khứa. Nó bảo trước khi đi làm việc gì anh Cường giao, nó đều tạt qua thắp nhang trên mộ ba, mẹ và hai anh nó. “Nhờ vậy tao làm gì cũng không trật”. Nó bảo. Chị bỗng thấy xấu hổ. Từ ngày anh Dương chết, chưa lần nào chị đi một mình ra thắp nhưng trên mộ anh cả.

- Mày nói gì khi thắp nhang thế?

Trên đường đi tiếp xuống chợ, chị tò mò hỏi.

- Tao nói y như cha tao khấn mẹ và hai anh tao. Nè mày có gặp lại ba, mẹ và anh chị mày bao giờ không?

- Chết, sao còn gặp?

- Vậy mà tao gặp mới kỳ. Không phải một lần mà nhiều lần. Một bữa tao vừa nằm xuống võng thì thây ba, mẹ và hai anh tao đứng ở đầu võng. Không nói gì. Hai anh tao chỉ cười cười. Tao ngồi dậy, tao gọi. Mẹ tao khóc còn cha tao thì xua xua tay ra hiệu bảo tao nằm xuống.

- Theo mày thì tất cả những người chết xuống âm phủ đều sống lại à? - Chị hỏi vẻ ngờ vực.

- Chớ sao nữa. Thì tao đã gặp rồi thôi!

- Thế dưới âm phủ cũng vẫn còn đánh nhau sao? Vì những thằng Mỹ, thằng ngụy cũng chết xuống dưới đó?

- Chắc chắn là như vậy - Thằng Dũng nói nhưng nó cũng có vẻ không tin lắm.

Lúc ấy chị đã tin tất cả những điều thằng Dũng nói. Trong nhiều năm về sau, Dũng đã trở thành chỗ dựa của chị. Dũng nhỏ con, nhưng biết nhiều, cực nhiều. Chị thương Dũng. Càng ngày tình thương đó càng thay đổi theo tuổi tác của chị. Đôi khi nhớ lại, chị vẫn thầm hỏi rằng, nếu như sau này, Dũng không chết, liệu Dũng có đủ can đảm để đến với chị hay không? Dũng đã hy sinh khi chưa kịp trở thành một người con trai, nhưng chị tin Dũng, bởi Dũng quyết liệt, dám quên mình cho một sự chia sẻ nào đó. Trong trí nhớ của chị, Dũng vẫn là một cậu bé gầy gò, khuôn mặt vêu vao với cái yết hầu quá nhọn. Chính Dũng chứ không phải anh Cường đã dẫn chị những bước đi đầu tiên trong đội “Chim Én”, những bước đi định đoạt cả cuộc đời chị.

 

7.

Chợ Tam Quan hồi ấy nằm trong một vườn dừa lớn. Hàng quán bày bán trong chợ cũng nghèo nàn, chủ yếu là tôm, cá, lúa gạo và dăm bảy sạp tạp hoá. Tất cả những thứ hàng xa xỉ, đắt tiền lại được bày bán ở những cửa tiệm dọc hai bên lối phố dẫn xuống chợ.

Hôm ấy, chị đã bám sát thằng Dũng không rời một bước. Trời còn sớm nên người qua lại đông nghẹt. Cá từ Hoài Hương, Hoài Xuân gánh lên hoặc chở xích lô tới; gạo, đậu phụng từ Hoài Sơn đổ xuống. Honđa, xe ba bánh chạy, phụt khói mù mịt. Tiếng chào hàng, tiếng quát và tiếng nhạc từ các tiệm ăn, tiệm giải khát tuôn ra đường trộn lẫn với mùi mồ hôi, mùi dầu nhớt khiến không khí trong lành của buổi sớm trở nên oi ngộp, khó chịu.

Thằng Dũng dẫn chị tới tiệm ăn của mụ Sáu Lợi. Có lẽ đó là tiệm ăn sang nhất khu chợ. Chị nhìn những tảng thịt lớn treo trong tủ kiếng với những củ hành tây, hành ta, ớt, cà chua đỏ rực. Một mùi thơm từ cửa tiệm trào ra khiến thằng Dũng nuốt nước miếng. Lúc đó tiệm còn rất vắng người. Sau khung cửa treo rèm trúc xanh đỏ là những dãy bàn ăn trải khăn trắng muốt. Mụ chủ tiệm to béo, khuôn mặt như được thoa mở, ngồi bên cạnh chiếc tủ kiếng, mắt săn đón những người khách sang trọng dừng xe máy trước cửa tiệm.

- Tụi nó sẽ giết chết thằng Sang tại cửa tiệm này. Mày phải chú ý coi cho quen. Vẫn chưa tới giờ đâu. Đi mua đồ ăn đã.

Chị cảm thấy nhột nhột trong dạ:

- Thăng Sang là thằng nào vậy? - Chị hỏi giọng run run.

- Nó là thằng trưởng cảnh sát quận, mới từ Quy Nhơn chuyển ra. Anh Cường bảo nó ác một cây. Nó thường ăn trưa ở tiệm mụ Sáu, không chịu trả tiền nên mụ cũng căm nó.

Chị lại thấy ớn lạnh dọc sống lưng như lúc đứng trong nghĩa địa hồi nãy. Ngoài cái chết của anh Dương, chị Hảo, chị chưa tường mặt một cái chết nào khác. Bản tính chị vốn nhút nhát. Trước đây, mỗi lần nhìn anh Dương thản nhiên bóp chết một con gà hay cắt tiết một con vịt, chị đều nhắm mắt lại, quay đi và suốt bữa ăn không hề thấy ngon miệng. Mối thù, đối với chị ngày ấy chỉ có thằng giám Tuân, kẻ đã giết anh trai chị gái của chị. Bởi vậy khi được giao nhiệm vụ đi giết một kẻ khác, hay chứng kiến một cái chết của kẻ khác, đối với chị đều xa lạ rùn rợn, dường như không có liên quan gì tới mối thù của gia đình mà chị phải thanh toán cho kỳ được.

- Mình sẽ đứng ở đâu, Dũng? Tôi hồi hộp quá. - Chị nói.

- Cứ đi mua đồ ăn đã. Coi mà cũng sợ thì làm được cái chi, mày? - Thằng Dũng trề môi, khinh bỉ.

Chị len lõi trong dòng người xuống chợ cá. Thằng Dũng cứ chị vừa đi vừa huýt sáo, mắt liếc ngang, liếc dọc. Nhiều người thấy nó đến gần, vội nắm chặt lấy miệng túi hoặc ngó nhanh xuống thúng đồ của mình. Chị bước đi theo nó, bập bỗng, chị lo lúc đó thằng Sang đứng lẫn với mấy người dân thì không biết tụi nó tính cách sao. Không lý sẽ có người phải chết oan? Liệu mấy đứa sẽ dùng súng hay lựu đạn? Rồi chúng sẽ ra sao nếu như bắn trật hoặc bị bọn quân cảnh, dân vệ bắt được….

Chị mua đồ ăn nhưng không hề biết mắc hay rẻ. Gọi là đồ ăn cho sang chứ thực ra chỉ là vài con cá hố, ít bột ngọt và vài gói mì chay. Chị không quên mua thuốc cho anh Cường. Ảnh hút thuốc tối ngày. Lúc nào miệng hầm của ảnh cũng thấy đặc những khói thuốc lá.

Khi chị và thằng Dũng quay trở lại tiệm mụ Sáu Lợi đã thấy một chiếc Jeep mui trần đậu trước cửa tiệm. “Nó rồi”. Thằng Dũng thì thào, bấm vào vai chị. “Thôi, mình đứng ở chỗ kia. Có lẽ đánh xong tụi nó sẽ nhào vô trong hẻm vọt ra đồng. Nếu vọt được ra đồng thì coi như thoát”.

Chị nghe không thật hết những điều thằng Dũng nói. Tai chị ù đặc. Hình như thằng Dũng bảo chị dừng lại. Chị theo nó bước vô một vườn cây râm mát, cách chiếc Jeep dăm chục mét. Hai đứa đứng dưới một gốc vú sữa, như để trú nắng. Chỗ này rất tiện cho việc quan sát.

Ngoài đường người vẫn đi lại nườm nượp, xe đạp, xe máy từ chợ cá phóng lên đường 1 cuốn bụi mù mịt. Chốc chốc, một vài thằng dân vệ bảo an xách súng đi qua, ngó vào mặt từng người, xét hỏi giấy tờ, ngang nhiên thọc tay vô thúng đồ của mấy bà thím lục lọi, kiếm đồ mang về nhậu.

- Đù mẹ, ăn chi lâu dữ - Thằng Dũng nhổ nước bọt chửi tục - Mà sao vẫn không thấy tụi nó đâu. Hay lại hợp đồng trật lấc rồi!

-Chắc tụi nó chưa tới - Chị nói. Thâm tâm chị mong đừng xảy ra điều gì, mong thằng Sang ăn xong sớm, lên xe cuốn xéo ngay về quận.

-Đánh tụi này dễ ợt. Chỉ cần thật lẹ, chọn thời cơ thật trúng. Tao chỉ sợ pháo thôi - Thằng Dũng thú nhận - Pháo nó bắn mình không biết lối nào để tránh, bắn lại cũng không được. Còn bọn này, có chết cũng đổi được một vài mạng.

Chị không sợ pháo, bởi đã quá quen thuộc với nó. Còn đánh chác kiểu này thì chị sợ. Bỗng dưng nổ súng vào người mà mình không hề quen biết, không thù oán thì quả thực, vượt quá sức của chị.

Phía cửa tiệm mụ Sáu Lợi, bức mành trúc khẽ lay động, rồi một thân người cao lớn bước ra. “Mỹ! Không phải thằng Sang rồi”. Thằng Dũng ngớ người, miệng nó há hốc. Chị cũng chăm chắm nhìn. Thằng Mỹ vươn vai, nhìn đâu đó trên bầu trời. Nó rút gói thuốc trong túi ra hút, nhả khói rồi chăm chú nhìn chiếc Jeep cách đó vài bước. Sau lưng nó, một người khác, thấp lùn, bước lụp chụp vội vã. “Thằng Sang!”. Thằng Dũng kêu. “Nhưng sao không thấy bọn nó đâu. Đánh đấm kiểu này rồi chết với ổng!”. Nó giậm chân, mắt quắc lên, y sì anh Cường mỗi khi nổi cáu. Nhiều lúc chị thấy nó giống anh Cường quá, còn vì sao giống thì chị chịu, không cắt nghĩa nổi.

Bên kia đường, thằng mỹ quay lại nói gì đó với mụ chủ tiệm, chỉ thấy mụ cúi chào, miệng cười méo mó. Khuôn mặt mụ bầm ngay lại khi thằng Sang và thằng Mỹ bước lên xe. Bên cạnh chị, thằng Dũng đứng ngây người, còn chị thì chỉ mong chiếc xe nổ máy chạy khỏi tiệm mụ Sáu Lợi thật nhanh. Chị thấy ngợp thở vì sợ hãi. Nỗi sợ hãi của một người leo lên quá cao, giờ không có cách nào để xuống.

Giữa lúc ấy, từ con hẻm đối diện với cửa tiệm, có hai cậu bé đi ra không mang theo gì, nhưng để ý kỹ, chị thấy sườn một cậu hơi ncồm cộm làm cánh tay trái vướng víu. Chiếc xe Jeep lúc ấy đã lùi đít vào phía cửa tiệm, do đích thân thằng Sang lái. Thằng Mỹ ngồi ngay phía bên cạnh, vẻ no nê thoả mãn. Cặp mắt nó nheo lại, xanh lét dưới ánh nắng. Còn thằng Sang thì mải quay phải, quay trái lựa cho bánh xe lăn ra phía đường.

Hai cậu bé đã đi tới rất gần chiếc xe. Cậu đi trước chợt thọc tay vô túi lấy ra một trái nổ. “Mỏ vịt”. Thằng Dũng thì thào. Nó chưa kịp nói gì thêm thì một tiếng nổ đã dội lên từ chiếc Jeep. Chị thấy thằng Mỹ quay lại dòm cậu bé rồi đổ vật xuống đường, nặng nề như một bao tải gạo. Thằng Sang ngã gục ngay trên tay lái. Chiếc xe không còn người lái cứ thế chồm lên lao thẳng vào bức tường bên kia đường. Rất nhanh, câu đi sau quay ngoắt theo chiếc xe, rút từ trong bụng ra khẩu Ru-lô nã liên tiếp vào đầu thằng Sang rồi cả hai vọt biến vào con hẻm trước mặt. Những người đi đường, nghe tiếng nổ la ó ầm ĩ. Bọn dân vệ, bảo an, quân cảnh, một lúc lâu sau mới kịp tới bên chiếc Jeep. Hai ba thằng chạy vào con hẻm. Những thằng khác đứng chặn ở hai ngã đường. “Cừ thiệt”. Thằng Dũng nói nhỏ. “Tụi nó bình tĩnh quá, đánh ra đánh”. Chị đứng chết trân, mắt không rời chiếc Jeep và chỉ thấy một màu đỏ lòm của thịt, của máu người. “Thôi xuống chợ, mua nốt số tiền thừa. Sao mặt mày tái xanh như mất máu thế?”

Chị lại đi theo nó, hốt hoảng. Bọn lính, cảnh sát đã bu kín lấy chiếc Jeep lúc đó đang bốc cháy cuồn cuộn. Chúng ra sức dập lửa và lôi thằng Sang xuống. Lát sau thằng Sang và thằng Mỹ được khiêng lên một chiếc Hồng thập tự. Chị thoáng nhìn thấy đầu thằng Sang vỡ toác. Từ chỗ vỡ đổ ra một cái gì đó trăng trắng phơn phớt hồng, có lẽ là óc.

Chị bỗng thấy cộn cạo, buồn nôn. Cái chết của thằng Mỹ và thằng Sang làm ồn ã cả khu chợ. Nhưng chỉ vài phút sau, nó lại ắng xuống như không hề có chuyện gì xảy ra, bởi đó là chuyện bình thường, xảy ra hàng ngày trên quê hương chị. Sau này, không bao giờ chị còn thấy người ta bình thản trước cái chết như những năm đó. Ngay cả đối với cái chết của những người thân cũng vậy. Sự đau đớn được khuôn lại trong một phạm vi rất hẹp để rồi lại tan loãng đi trong những lo toan khác. Đúng hơn, người ta không kịp đau đớn, đã phải gồng lên để đối phó chống trả với những cái chết khác, đang nhăm nhe nhằm vào chính bản thân họ.

Hôm ấy, khi chị và thằng Dũng trở về, đi qua tiệm ăn mụ Sáu Lợi thì cả thằng Mỹ, thằng Sang và chiếc xe Jeep đều không còn ở đó.

Thằng Dũng chỉ chi chị một đống bầy nhầy, đo đỏ, lấm đất bên vệ đường, chỗ chiếc Jeep lao vào bức tường khi nãy. Chị lại chợt nhớ tới cánh tay văng trên hàng rào của người anh trai. Hình như có một cái gì đó cuộn lên trong bụng chị. Chị vội bưng miệng, chạy bứt lên khỏi thằng Dũng một quãng xa, ngồi nôn thốc, nôn tháo xuống vệ đường. “Mày sẽ quen thôi, cái Thêm bữa nào đánh xong, về nó cũng ói ra một đống”. Thằng Dũng nói qua vai chị. Chị lắc đầu, biết rằng mình không thể nào quen được với máu người. Không, chị xin về thôi. Chị không đủ sức lảm việc này. Nhất định chị sẽ xin về ở với cha. Cha già rồi, cha cần có chị ở bên cạnh. Nước mắt chị trào ra. Chị đứng lên đi theo thằng Dũng, cho đến lúc về tới nhà, vẫn không nói thêm một câu nào.

 

8.

Nhưng chị chưa kịp nói ý định của mình thì anh Cường đã bảo chị:

-Hôm nay anh cho em về thăm cha. Bác đang bệnh. Nếu em sợ thì cứ ở nhà luôn. Việc này làm ép rất có hại. Chừng nào em thấy cần trả thù cho anh Dương, chị Hảo, cho bà con cô bác thì lại đến. Lúc đó anh mới giao việc.

Chị giật mình. Sao anh hiểu bụng mình như bóc một tấm bánh vậy. Lúc đó, chị chỉ dám “dạ” khẽ một tiếng, không dám ngẩng lên nhìn anh. Chị thấy xấu hổ với cái Thêm và thằng Dũng. Chúng nó nhìn chị như nhìn một người lạ.

-Rồi em sẽ quen thôi - Anh Cường nói thêm đoạn đứng dậy, bỏ đi. Chị nhìn tấm lưng to lớn của anh như cũng rũ xuống mệt mỏi.

Lúc còn lại ba chị em, cái Thêm bảo:

-Đối với đứa nào mới nhập đội, anh Cường đều nói vậy, nhưng tụi tao không đứa nào ở lại nhà hết. Vì đứa nào cũng có thù với tụi Mỹ, ngụy. Việc này tuỳ mày. Tao biết, bác không ưng cho mày ở nhà đâu. Anh Cường tính giao thằng giám Tuân cho mày đó!

Chị ngẩng phắt lên, chằm chằm ngó miết mặt thằng Dũng, khiến nó phải quay đi nơi khác. Nước mắt chị bổng trào ra không ghìm lại được.

Về thăm cha xong, tôi sẽ trở lại - Chị nói với Thêm và Dũng.

Chị bước đi trên con đường đất đỏ nham nhở hố đạn đại bác. Lác đác trên những bụi xương rồng, những bông hoa nở muộn trắng muốt. Chị nhớ anh Dương có lần bị tụi dân vệ rượt, đã lao gọn vào một bụi gai và đến lúc bọn lính đi khỏi anh không tài nào chui ra nổi. Suốt đêm hôm đó hai chị em ngồi nhổ gai trên người anh. Mỗi lần rút một chiếc gai, chị và chị Hảo lại bặm môi như để san sẻ nổi đau với anh. Máu từ trên lưng anh chảy ra ướt đẫm nắm bông trên tay chị. Chị lại nhớ tới lời anh Cường hôm họp tổ. Anh nói mối thù mà cái mà kẻ ác vay nhưng không chịu trả vì thế chúng ta phải đi đòi, phải bắt chúng trả nợ. Những điều đó ngày ấy chị chỉ hiểu một cách mơ hồ, đại thể. Sau này, khi nằm trong nhà tù, chị mới thấm thía hết những lời nói ấy.

Đến con đường rẽ về nhà, chị đi như chạy. “Cha ơi!” Ruột gan chị thắt lại. Một cái gì đó, giống như một linh cảm không lành giật nhoi nhói trong tim chị. Chị chạy băng qua vạt vườn trồng mì, những đọt mì cao lút đầu vàng úa, gầy guộc. Ra khỏi vườn mì, chị đứng sững trên sân nhà. Ngôi nhà của chị không còn nữa. Thế vào đó là một căn lều thấp lụp xụp lớp vá víu bằng những tấm tôn giấy thủng lỗ chỗ. Căn lều dựng ngay trên miệng hầm tránh pháo. Chị run run và rụt rè đi đến bên căn lều, vừa muốn lao ngay vào bên trong, vừa sợ hãi nếu như căn lều bỏ trống. “Cha ơi”, chị gọi lạc giọng. Không có tiếng trả lời. Chị lao vào cửa lều. Trên bộ ván cháy nham nhở, kê sát đáy hầm, cha chị nằm bất động. Một tô cháo hành để bên cạnh. Chị cuống cuồng ngồi thụp xuống, đặt tay lên trán cha. Trán cha chị bỏng rát. “Cha ơi”, chị gọi nức nở. Cha chị từ từ mở mắt, khó nhọc quay đầu lại. “Cha bệnh lâu chưa hở cha!” Chị hỏi luống cuống, chỉ sợ cặp mắt kia lại nhắm lại. Cha chị không đáp. Ông nhìn chị, một cái nhìn vừa quen thuộc, vừa xa lạ. Chị hiểu rằng, mình về quá trể và không thể níu kéo cha lại được nữa. “Rồi cha sẽ hết bệnh thôi. Cha đừng bỏ con nghe cha.” Chị nói hấp tấp. Cha chị khẽ gật đầu. Mắt ông chợt nhoè đi, đẫm nước.

Có hai ba người bước vô lều. Chị nhận ra anh Cường, cái Thêm và cả thằng Dũng. Khắp người chị tê dại, chị gục đầu xuống ngực cha, muốn mãi mãi không bao giờ ngẩng lên nữa.

Cho đến bây giờ, chị vẫn còn nhớ cái cảm giác trống vắng không sao bù đắp được, khi từ nghĩa địa trở về, nhìn bộ ván nơi cha chị vừa mới nằm khi nảy, giờ đây chỉ còn những vết cháy dở loang lổ. Chưa đầy nửa năm, những người thân yêu nhất của chị đã lần lượt ra đi và kẻ gây nên ba cái chết thảm khốc ấy chỉ là một. Những người hàng xóm kể rằng, một tuần lễ trước đó, thằng giám Tuân dẫn lính tới truy bức cha chị về việc chị đột nhiên vắng nhà. Hình như nó linh cảm thấy trước một sự trả thù sắp sửa giội xuống đầu nó.

Tôi báo cho ông biết, nếu nó đi theo vết con Hảo, nó sẽ phải chết khổ, chết sở. Ông nên kêu nó về. Tôi sẽ lấy cái nghĩa cũ với ông bảo lãnh hoàn toàn cho nó.

Cha chị ngồi im không nhúc nhắc trên bộ ghế, thản nhiên như không nghe tiếng gì rồi giở túi thuốc rê ra hút. Chính cái túi thuốc ấy, trước đây thằng Tuân, mỗi lần đi hoạt động với con trai ông trở về, vẫn thọc tay vô moi vét đến sợi thuốc cuối cùng.

Thằng giám Tuân ngồi xuống bộ ghế:

Tôi trọng cái nghĩa khí của gia đình ông - Nó nói - Nhưng ông coi, vài đứa trẻ ranh, dăm thằng du kích nằm bờ, ngủ bụi làm sao chọi nổ với bom đạn Mỹ?

Cha chị đứng phắt dậy, với vẻ mặt đầy căm phẫn và ghê tởm. Không tự chủ nổi, ông nhổ thẳng một bãi nước bọt xuống mặt nó rồi bước ra ngoài. “Đập bể sọ thằng già cho tao, bay”. Thằng giám Tuân gầm lên. Hai thằng dân vệ xô ngay đến và một trận mưa báng súng quật ông ngã sấp xuống mé đồi. Sau lưng ông căn nhà bén lửa bốc cháy giần giật. Ông cứ nằm như vậy, bất động cho đến lúc tỉnh dậy thì ngôi nhà chỉ còn là một đống tro. Nhiều bóng người đanh hấp tấp chạy chữa, khuôn mặt họ nhoè nhoẹt than bụi. Ông gắng gượng đứng lên để rồi lại đổ gục xuống. “Cất giùm tôi tấm hình thằng Hai, con Hảo”. Ông kêu lên, nhưng không ai nghe được tiếng của ông. Lúc ấy trời đã tối. Gió từ biển thổi vào làm đỏ rực những đống than còn chưa lụi hẳn.

Ngày hôm sau, bà con lối xóm, mỗi người một tay dựng tạm cho ông một căn lều. Ông nằm liệt giường từ bữa đó.

Anh biết bác bệnh quá trễ - Anh Cường thở dài nói với chị - Thôi đứng dậy đi em. Ngày mai anh sẽ giao việc cho em. Phải tìm cách diệt nó thôi. Không thể để nó sống thêm ngày nào nữa.

Chị biết anh đang nói về thằng giám Tuân. Chị lau nước mắt, đứng dậy lẳng lặng theo anh và các bạn đi xuống đồi.

(Còn nữa) 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>