1.
Bẵng đi một thời gian khá lâu, chị không còn nhớ tới ý định trở lại nhà thằng giám Tuân nữa. Công việc và cương vị mới đảm nhiệm đã cuốn hút hết thời gian của chị. Chị được bầu vào Quốc hội, là một trong những đại biểu trẻ. Những ngày ở thủ đô, chị được tiếp xúc nhiều, đi nhiều, trong đó có chuyến đi Lạng Sơn thăm sư đoàn Sao Vàng, đơn vị đã ra đời và để lại ngót một vạn liệt sĩ trên quê hương chị. Sau chuyến đi đó, trở về, lòng chị tràn ngập cảm xúc. Và ý định trên bỗng trở nên nhỏ bé, mờ nhạt trước những vấn đề lớn lao của đất nước, mà chị được nghe, được thảo luận.
Nhưng điều quan trọng hơn, khiến chị thay đổi một cách toàn diện về tâm lý là trong chuyến đi ấy, chị đã gặp một con người, một con người tuyệt vời theo quan niệm của chị. Anh nguyên là chiến sĩ cũ của huyện đội Hoài Nhơn, đúng hơn, của sư đoàn Sao Vàng biệt phái sang huyện đội. Anh quen biết nhiều người. Hầu như không có lối mòn nào, con đường nào trong huyện chị mà anh không nhớ tới. Bây giờ anh đang là trung đoàn trưởng một trung đoàn bộ binh. Năm nay anh ngoài 40 tuổi, vẫn chưa có gia đình. "Tôi cứ đi miết cô Tư à. Đến lấy vợ cũng không kịp". Anh nói đùa.
Trong buổi gặp mặt đầu tiên ở sư đoàn bộ, chị sững sờ khi bắt gặp khuôn mặt của anh, sao anh giống Dũng trong hình dung của chị đến thế. Cao, gầy, đôi mắt sáng linh lợi, vầng tráng hơi gồ lên, còn nụ cười thì thật hiền. Một nụ cười dễ dàng bỏ qua tất cả, chấp nhận tất cả.
Những cái đó đã khiến chị xúc động. Còn anh thì cũng nhìn chị thật chăm chú. Cái nhìn thẳng, không che giấu. Mỗi lần gặp cái nhìn của anh, người chị lại nóng lên, thấy ran rát ở hai bên gò má. Chị phải quay vội sang hướng khác, mắc cỡ như vừa làm một việc gì vụng trộm. Té ra anh quen chị Hảo và đã tìm thấy những nét hao hao của chị Hảo ở chị. Điều này thoạt đầu làm chị thất vọng. Nếu không có nét hao hao ấy, chắc chi anh thèm để mắt tới chị. Lòng chị gợn lên một nỗi buồn. Chị ráng tránh để không nhìn anh nữa.
Những ngày tiếp theo của chuyến đi, chị về thăm trung đoàn của anh, gặp gỡ, nói chuyện với các chiến sĩ trên điểm tựa. Trong mấy ngày đó, anh luôn thu xếp để cùng đi với đoàn. Chị còn nhớ hôm lên điểm tựa 800, đôi guốc của chị bị đứt quai. Cho đến giờ chị vẫn dị với chính mình về đôi guốc đó. Giữa lúc chị còn đang lúng túng thì anh đã tụt đôi dép của mình ra. Chị ngạc nhiên thấy đôi bàn chân anh không lớn hơn chân chị bao nhiêu. Thế là chị đi dép, còn anh cầm đôi guốc của chị, đi chân không. Anh nói đùa, anh vẫn thích đi chân đất như hồi còn ở quê chị vì đất cho anh nhiều thứ. "Trừ một tổ ấm riêng". Một người trong đơn vị nói chêm vào. Câu nói làm anh chạnh lòng và chị thấy thương anh vô hạn.
Buổi tối trước ngày chia tay, anh đến nhà khách tìm chị. Hai người đi dạo trên một con đường lớn dưới chân đồi. Bấy giờ đang là mùa hoa hồi. Rừng Lạng Sơn tràn ngập trong mùi hương thuần khiết của hoa hồi. Mùi hương lan tỏa trong ánh trăng bàng bạc, tưởng chừng như nó được phát ra không phải từ những vòm cây đứng im lìm mà từ cái ánh sáng bàng bạc đó.
Sau chuyến đi ấy trở về, chị luôn có cảm giác mình đã để lại một cái gì đấy ở phía sau và đã có thêm một cái gì đó. Lúc nào người chị cũng xốn xang, bứt rứt. Chị nhớ anh. Trải qua nhiều đêm dằn vặt, cuối cùng chị đã viết thơ cho anh nói rằng chị thương anh, muốn chia sẻ những thiếu thốn với anh. Chị không đòi hỏi anh phải đến với chị, nhưng hãy để cho được nhớ, được thương anh trọn vẹn. Chị cũng không e ngại nói rằng, chị đã hoàn toàn bị kẻ thù cướp mất khả năng làm mẹ…
Chị gửi lá thư ấy đi với tâm trạng phấp phỏng, đầy lo âu. Chị vừa mong, vừa lo sợ nhận được thơ trả lời của anh. Nhưng chính sự chờ đợi ấy đã giúp chị tìm thấy sự cân bằng trong tâm lý mà lâu nay chị vẫn thiếu hụt. Ngoài anh Cường, người mà chị không hề giấu giếm bất cứ điều gì, không một ai ở cơ quan huyện biết mối tình thầm kín này của chị.
Vì là đại biểu Quốc hội ở một huyện miền biển phức tạp, chị phải dành rất nhiều thời gian để tiếp dân. Một cặp vợ chồng ly hôn, tòa án huyện xử lý không thỏa đáng về tài sản; một vụ đánh đập, hành hung gia đình liệt sĩ, một vụ trù dập cán bộ… Tất thảy mọi người đều tìm đến với chị. Họ hy vọng tiếng kêu của họ sẽ vọng đi xa hơn. Té ra cuộc đời còn quá nhiều những điều ngang trái. Chị đã cố gắng can thiệp, giải quyết những gì có trong quyền hạn của chị. Những gì không giải quyết nổi, chị lập hồ sơ gửi lên đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh.
Nhưng có một cuộc tiếp xúc mà chị không chờ đợi đã xảy ra. Về sau chị cứ ngạc nhiên mãi về cuộc gặp mặt đó. Cuộc gặp để lại một ấn tượng thật nặng nề. Chị không sao lý giải nổi nguyên nhân nào đã dẫn đến cuộc gặp mặt không bình thường đó.
2.
Thoạt đầu chị không nhận ra người thiếu phụ ấy. Chị ta đứng ở ngoài hiên rũ áo mưa, vắt lên sợi dây phơi, buông hai ống quầy xuống đôi bụng chân đầy gân xanh rồi ngập ngừng bước vào. Chị ngờ ngợ như đã gặp người thiếu phụ này ở đâu rồi. Chị cố nhớ nhưng không tài nào nhớ nổi.
- Chào chị, mời chị ngồi.
Chị đứng dậy, kéo ghế, vẫn không rời mắt khỏi khuôn mặt gầy, nhọn sắc của người khách. Chị ta đưa mắt nhìn nhanh gian phòng, khẽ thở dài rồi ngồi xuống chiếc ghế tựa. Đôi mắt chị ta sáng long lanh, mắt của một người bệnh, chị thầm nghĩ.
Theo thói quen, chị không hỏi mà ngồi yên chờ đợi. Người khách cũng chưa nói ngay mà tiếp tục quan sát gian phòng. Đôi mắt chị ta dừng lại khá lâu ở góc phòng, nơi chị đặt cái bếp dầu, mấy chiếc chậu men, chiếc xô nhựa và vài ba thanh củi.
- Tôi là vợ của một tên phản bội - Người khách nói khe khẽ nhưng lời lẽ của chị ta vang lên như những tiếng búa gõ xuống đầu chị. Người chị nổi gai. Một cảm giác khó chịu ập đến. Chị đã nhận ra người thiếu phụ với tiếng thét: "Chạy đi" hơn mười năm về trước.
Khuôn mặt chị trở nên căng thẳng. Chị ta tới tìm mình để làm gì? Liệu chị ta đã biết những gì về chị. Chị nhớ tới lời đứa bé hôm trước nói về sự trả thù. Có phải chị ta đến để dọn đường cho một sự trả thù hay không? Chị đưa mắt nhìn nhanh ra phía cửa. Sau này chị đã phải ngượng với chính mình về sự hốt hoảng lúc đó.
Người thiếu phụ hơi mỉm cười. Trong nụ cười của chị ta có vẻ gì đấy vừa ngơ ngác vừa rầu rĩ.
- Bữa trước tôi đi chợ về, nghe con tôi nói có người đến nhà. Tôi đoán người đó là chị. Từ lâu lắm rồi, không ai đến nhà tôi. Những người quen thì xa lánh, ngại liên quan, còn cán bộ đến chỉ để hoạnh họe - Đôi mắt chị ta bỗng long lên một thứ ánh sáng man dại khiến chị phải quay nhìn sang chỗ khác - Riêng chị, tôi biết chị đến không phải để hoạnh họe. Ở chỗ tôi người ta nói nhiều về chị. Vì thế hôm nay tôi đến tìm chị….
Người khách dừng lại. Đôi gò má tái ngắt của chị ta chợt đỏ lên. "Chị có thuốc an thần không, cho tôi xin mấy viên". Chị ta nói hấp tấp. Chị đứng dậy, như một cái máy, mở tủ lấy ra mấy viên thuốc màu hồng đưa cho khách. Bàn tay chị ta run run đón lấy mấy viên thuốc, cho rất nhanh vào miệng rồi cũng nhanh và thành thạo như vậy, uống liền hai cốc nước lạnh.
Sau đó chị ta ngồi yên. Trên vầng trán rịn ra những giọt mồ hôi nhỏ. Bên ngoài, trời đã ngớt mưa, có tiếng chuông điện thoại ở phòng bên, tiếng máy chữ gõ lách cách, đều đặn. Người thiếu phụ đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn ra phía cửa sổ rồi quay lại nhìn chị:
- Tôi làm phiền chị phải không? Nhưng tôi không thể gặp chị vào lúc khác được. Đúng ra, tôi đã đến tìm chị một vài lần nhưng chị đi họp vắng. Vả lại tôi sợ tôi không được tỉnh táo khi gặp chị - Rồi chị ta nói nhanh, như thể không nói nhanh thì không lúc nào còn có thể nói ra được những ý nghĩ ấy.
- Đúng, chồng tôi là một tên phản bội. Anh ta có nợ máu với nhiều người trong vùng. Nhưng có phải vì thế mà tôi, con tôi cũng phải chịu tất cả mọi tội lỗi của chồng tôi không? Người ta không để cho tôi làm ăn. Làm ruộng, người ta chia cho ruộng xa, xấu. Không nạp đủ sản lượng lúa, người ta tới khiêng bàn, khiêng bộ ghế ngựa sung vào công quỹ. Tôi xin vô tổ hợp làm mè xửng, người ta không nhận. Tôi đành đi buôn cá, người ta đánh thuế thật nặng, hoặc tìm cách tịch thâu... Con tôi đi học thì bị khinh rẻ. Tôi hỏi chị, tại sao lại như vậy? Tại sao? Người ta không muốn cho mẹ con tôi sống ở đây, tôi xin đi nơi khác, họ cũng không chịu cho giấy... Trước kia tôi cũng là du kích - Người thiếu phụ bỗng òa khóc cay đắng - Từ khi chồng tôi hồi chánh, tôi sống dở, chết dở. Tôi ghê tởm anh ta, nhưng không đủ can đảm đưa con đi nơi khác. Tôi tưởng hòa bình sẽ hết cực, nhất là khi chồng tôi chết. Chị chưa có con, chị không hiểu nỗi lòng của người mẹ khi biết con mình suốt đời phải mang tiếng là con của một tên ác ôn, một tên phản bội...
- Nhiều lúc tôi không thiết sống nữa - Người khách nói tiếp - Sống để làm gì hả cô? Nhưng chết được cũng khó. Có lần tôi đã ra đến bờ sông, nhưng đúng mùa nước ròng. Con sông Tam Quan chỉ cạn đến bụng chân. Cũng có lần tôi đã hòa một nắm bả chuột. Tôi toan uống thì thằng con út tôi cựa mình. Tôi lại đặt chén bả chuột xuống. Tôi chết nó sống với ai. Thằng anh nó thì đang ở trên rừng. Có thể bị bắt bỏ tù rồi cũng nên. Còn hai đứa nhỏ lúc nào cũng lăm le báo thù. Bởi vậy tôi không chết được cô Tư à! - Người thiếu phụ đột ngột thay đổi cách xưng hô, giọng chùng hẳn xuống - Tôi đến đây không phải để cầu cạnh gì cô, mà chỉ muốn tâm sự. Tôi cũng không biết tại sao tôi không làm việc ấy với người khác mà chỉ với cô. Thôi, chào cô, tôi về.
Người khách đứng dậy, không chờ chị nói, đi ra ngoài hiên rút chiếc áo mưa lảo đảo bước trên khoảng sân ướt đẫm. Chị bàng hoàng, cho đến lúc người thiếu phụ đi khuất sau hàng bông bụt, chị vẫn ngồi ngây ra trên ghế. Để trấn an, chị đành tự an ủi rằng, chị ta đang xúc động, đang lên cơn đau thần kinh, cứ nhìn đôi mắt chị ta cũng đủ biết. Nhưng chị vẫn cảm thấy lo lắng. Những lời lẽ của chị ta thật tỉnh táo, cay nghiệt. Làm sao một người đang lên cơn đau có thể nói được như vậy. Chị thấy mình cần phải làm một việc gì đó, một việc thật cấp bách để cứu giúp chị ta, như cứu một người đang chạy chông chênh trên bờ vực.
3.
Suốt đêm chị không ngủ. Việc chị Năm, vợ thằng giám Tuân đột ngột đến gặp chị tại cơ quan, không phải để nhờ vả mà chỉ để nói lên tâm trạng của mình khiến chị bối rối. Thật khó biết thực lòng chị ta đang nghĩ gì, cần gì ở chị. Nhưng thế nào đi nữa, chị ta vẫn cần được giúp đỡ. Về chánh quyền, chị sẽ gặp anh Cường, còn về chị... Chị nghĩ tới số gạo dư ở nhà bếp, tới số tiền không nhiều lắm đang gửi ở ngân hàng. Rõ ràng đối với chị ta, kinh tế đang là một sự bức thiết. Song giúp thế nào, nói thế nào để chị ta nhận số tiền gạo ấy không phải là việc đơn giản, nhất là khi chị ta đã biết rõ về chị.
Hình như suốt đời chị ta không bao giờ có hạnh phúc. Chị ta ghê tởm trước những tội ác của chồng đến mức phát điên, nhưng vẫn sống chung với hắn cho đến phút chót, phút mà chị, với một cây K.54, đến thẳng trụ sở hội đồng xã, nã bốn viên đạn vào người hắn, để rồi từ đó cũng chấm dứt tuổi thiếu niên cay đắng và sôi nổi của chị.
Nhưng để dẫn đến cái kết cục ấy là cả một thời gian chờ đợi dai dẳng. Chị nhớ lại rằng, vào cái đêm chị đưa Dũng về, đội "Chim Én" đã làm lễ truy điệu Dũng. Cái Thêm bảo, chính nó cũng không ngờ đội "Chim Én" đông đến vậy. Có người Thêm biết, có người không. Đó cũng là đêm chị từ giã tuổi thơ, để trở thành một cô gái - mặc dù năm ấy chị mới tròn mười lăm tuổi.
…. Khoảng một tuần lễ sau, khi chị đã bình phục hẳn, anh Cường dẫn về một thằng bé trạc mười hai tuổi, nhỏ con nhưng có cái đầu to kì dị. Đôi mắt của nó cũng thật kỳ: Sáng, cách rất xa nhau, màu xám tro. Còn cái mũi và miệng thì nhỏ và xinh như mượn của cô bé nào vậy.
Thằng bé đeo một cái gùi sau lưng, cắt ra từ một ống quần rách của người lớn. Nó có vẻ nhanh nhẹn và hoạt bát. "Chào hết mấy chị". Nó nói khi vừa nhìn thấy chị và Thêm. Anh Cường bảo: "Đây là đội viên mới của đội. Cũng tên Dũng. Ba chị em làm quen với nhau đi". Anh quay sang thằng bé: "Đây là Quy nè, chị ấy vừa giết thằng Hai Đích. Còn đây là chị Thêm".
Lúc ấy chị đã thầm kêu lên khi cậu bé cũng tên là Dũng. Trong một khoảnh khắc, cái phần hụt hẫng trong người chị như được lấp đầy. Tự nhiên chị có cảm tình ngay với Dũng. Còn Dũng, như nhận biết được điều đó cũng rất bám chị và cho đến ngày chị bị bắt, hai chị em rất ít khi rời nhau.
- Nè Dũng, mắc chi em vô đội "Chim Én"? - Lúc chỉ còn lại ba người, chị hỏi.
- Chúng nó truy đuổi em, giết ba em - Dũng đáp.
- Đứa nào?
- Thằng giám Tuân và tụi lính.
Lại thằng giám Tuân. Khoảng không trước mắt chị chợt tối sẫm. Chị lại thấy ân hận vì đã không giết nó như giết chết Hai Đích. Hình như việc chưa diệt được thằng giám Tuân cũng làm anh Cường mất ăn mất ngủ. Nhiều bữa chị thấy anh giở một tấm hình ra coi. Đó là tấm hình chớp anh, anh trai chị và thằng giám Tuân. Chị cứ thắc mắc hoài vì sao anh không cắt bỏ tấm hình ấy. Trong hình, thằng Tuân đội mũ tai bèo, tay chống nạnh, khẩu K.54 đeo trễ bên hông. Thiệt tình nó không có gì khác mọi người. Hồi còn ở nhà, nó cũng vui vẻ, thậm chí còn tỏ ra hiền lành nữa.
- Mắc chi thằng Tuân truy đuổi em? - Chị hỏi Dũng nhỏ. Về sau cả chị và Thêm đều gọi là Dũng nhỏ để phân biệt với Dũng lớn, đã chết.
- Bởi em chém một thằng lính của nó.
- Em?
- Chớ sao? - Thằng Dũng vênh mặt, đôi mắt màu xám tro hơi nheo lại như ngầm bảo: - Đừng coi thường em, nghe. Em không kém chi mấy chị hết.
Và nó kể: Nhà nó có ba người. Cha nó là thôn đội trưởng du kích, có một cái thẹo lớn nơi trán vì bị miểng pháo xía vô. Ông hay nói giỡn, thích ca bài chòi một mình. Có người khác tới, ông mắc cỡ không ca nữa. Một buổi tối, cha nó về, một tay áo bị gãy đẫm máu buông lủng lẳng bên sườn. Mẹ nó lúc đó đang nấu cháo heo dưới bếp. Nghe tiếng động vội chạy lên thì thằng giám Tuân và tụi lính cũng từ ngoài cổng ập tới. Cả mẹ nó và tụi lính cùng chạy vô nhà thì cha nó không còn ở đó nữa. "Chạy ra vườn sau nhanh lên, nó vọt qua cửa sổ". Thằng giám Tuân quát. Bọn lính nhào ra vườn và nó nghe tiếng súng nổ. Lát sau bọn lính kéo xác cha nó vô sân, chọi báng súng lên mặt. Mẹ nó lúc đó nằm chết giấc nơi bậc cửa. Còn nó sợ quá chỉ biết đứng nép vào tường bếp nhìn mà không hiểu chi hết. Trước khi bỏ đi, thằng giám Tuân còn đạp vào đầu mẹ nó, chửi tục.
Đấy là chuyện năm ngoái. Sau đấy, thằng giám Tuân còn dẫn lính vô nhà nó nhiều lần, có lần nằm phục kích ngoài vườn mì tới hàng giờ. Nó biết nhưng mặc kệ. Nó thương mẹ và nhớ cha nó. Nhiều lúc, không biết cái gì xui khiến nó cũng ngồi ca bài chòi một mình. Tiếng ca buồn thúi ruột làm mẹ nó khóc thầm dưới bếp. Khi biết mẹ khóc nó thôi không ca nữa.
Trước nhà nó có một cây bưởi, cây bưởi trái rất bự, vừa chua đanh, vừa ngọt. Bưởi đào. Một bữa, mới đây thôi, bọn lính sáu đứa kéo vô nhà. Chúng nó mới ăn nhậu ở đâu đó nên mặt chúng nom rất dữ. Đứa mặt đỏ rừ như chậu tiết, đứa tái mét như chàm đổ. Chúng nó vô nhà lục lọi một chặp rồi lăn ra ngủ. Duy có một thằng to con nhất bọn không chịu ngủ. Nó đứng dưới sân ngó chằm chằm lên cây bưởi. Không biết nó ăn chi mà ợ liên tục. Khi nhìn thấy thằng Dũng, nó gọi: "Ê, thằng cộng sản con, lại đây". Đích thị là thằng giết cha nó bữa trước rồi. Nó nghĩ và ngập ngừng bước lại. "Mày leo lên hái cho tao vài trái bưởi, nhanh lên". Nó định cưỡng lại thì thằng lính liền nắm lấy tai nó, vặn mạnh. Tai nó bỏng rát như sắp bị vặt trụi. Nó đành leo lên cây, hái bưởi vất xuống. Một trái, hai trái. Nó xót ruột. Mẹ vẫn bảo rằm trung thu sẽ hái mang ra chợ khu đồn núi Voi bán. Nhà nó hết gạo mấy bữa rồi. Hôm nào ăn mì luộc, nhìn nó mẹ đều khóc. Nhưng nó vừa định tụt xuống thì thằng lính lại hét lên: "Hái nữa!". Rồi nó giơ súng nhằm vào những quả thật gần nó. Tiếng nổ đầu tiên làm thằng Dũng giật thột, chút xíu nữa thì rớt xuống đất. Thấy vậy thằng lính cười sằng sặc, nó bảo mày cứ hái đi, xuống tao bắn chết! Nó sợ nên phải tiếp tục hái. Thằng lính vẫn nhằm vào những trái bưởi bắn hoài. Có trái nó vừa định đưa tay ra đã nghe một tiếng rít lạnh bên tai và trái bưởi rớt ngay xuống như bị tiện đứt cuống. Phải thừa nhận rằng thằng lính bắn rất giỏi. Biết điều này, nó không sợ nữa. Trong đầu nó bỗng bật ra một ý định, một ý định bất chợt nhưng thật dữ dội. Lúc nó run run tụt xuống thì cây bưởi đã xơ xác. Trên sân, thằng lính vẫn ngửa cổ cười sằng sặc như hóa dại. Mùi rượu chua ói tỏa ra xung quanh gốc bưởi. "Dao!". Thằng lính nhìn nó. Nó chạy vô bếp lấy ra con rựa bén nhất. "Gọt". Thằng lính ra lệnh. Nó gọt. Thằng lính cầm trái bưởi, ngồi xuống đám rễ cây ăn ngốn ngấu, phun hạt phì phì. Trong lúc thằng lính mải ăn, nó liếc nhìn cái cần cổ của thằng lính đang cúi xuống. Người nó thoắt nóng rực rồi lại lạnh ngắt. Nó nhìn vào trong nhà. Tụi lính vẫn ngủ say. Súng nổ vậy mà tụi chúng vẫn ngủ. Có thằng còn ngáy như sấm. Thằng Dũng bảo, lúc đó, nó trở nên linh lợi và khôn khéo kỳ lạ. Nó sán tới bên thằng lính: "Thầy hai không biết ăn rồi. Để con bóc giùm". Nó nói và tách trái bưởi thành từng múi, cắt xơ, bỏ hạt, đưa cho thằng lính. Thằng lính gật gật đầu tỏ vẻ bằng lòng. Nó vẫn ăn ngốn ngấu, ăn rất nhiều. Vừa gọt bưởi, thằng Dũng vừa ngó chăm chăm vào cái cần cổ của thằng lính. Rồi thật nhanh và thật bất ngờ, nó đứng lên, nắm con rựa bằng cả hai tay vung lên, bổ xuống cái khoảng đo đỏ như ức gà chọi dưới gáy thằng lính với toàn bộ sức mạnh của tuổi mười một. Thằng lính ngã vật ra, chết ngay, lưỡi con rựa vẫn cắm ngập vào cổ nó…..
Hôm ấy, thằng Dũng còn kể rằng, sau khi bổ con rựa vào cổ thằng lính mà nó đã tin chắc đã giết cha nó năm trước, nó phải trốn khỏi nhà, chui rúc ở mọi xó xỉnh, chịu đói, chịu khát. Nó không ngờ vì chuyện đó mà mẹ nó bị bắt, bị đánh đập. Tụi lính không ngớt truy lùng nó. Ban ngày trốn, ban đêm nó vẫn mò về gần nhà. Nhà nó vắng hoe. Mẹ nó vẫn bị giam ở trên quận. Bà ngoại nó đang chạy tiền để tụi cảnh sát thả mẹ nó về. Còn nó, nó quyết vô đội du kích. Nó tìm mấy chú cùng sắp với cha nó, nhưng không gặp ai. Đêm cuối, nó đang lò dò đi trên con đường đất thì gặp anh Cường. Thoạt đầu tưởng gặp lính, nó liền rúc vô bụi. Nhưng anh Cường đã nhận ra nó. Anh kêu nó ra, đưa nó về đây, bảo sẽ cho nó vô đội "Chim Én". Nó không biết đội "Chim Én" là gì. Nó nói với anh Cường nó không vô đội "Chim Én" mà chỉ thích làm du kích như cha nó.
- Em chỉ ở với mấy chị ít bữa thôi. Chừng nào gặp mấy chú, em vọt liền - Thằng Dũng nói nhỏ với chị.
Nghe chuyện thằng Dũng, Thêm không nói gì. Nó cũng mất cha hệt như Dũng. Trong cái nhìn im lặng của nó chứa chất bao nỗi cảm thông. Còn chị thì chỉ muốn ngồi bật dậy. Cái ý nghĩ phải giết thằng giám Tuân cho bằng được lại rừng rực cháy trong người chị. Chị biết cuộc đời mới đem đến cho chị một người bạn. Chị tin Dũng. Nhất định Dũng sẽ làm được một việc gì đó mà cả chị và Thêm đều sẽ không làm được.
Nhưng anh Cường hình như không có ý giao việc cho Dũng, không bắt nó tập bắn súng như chị hồi mới vô đội. Nhiều lúc anh thở dài, bảo: "Quy nè anh tính đưa thằng Dũng ra Bắc cho nó đi học, để nó ở đây anh sợ….".
Song đưa Dũng đi bằng cách nào thì anh không nghĩ ra.
4.
Thời gian nặng nề trôi qua trong căn hầm bò nơi chị, Thêm và Dũng nhỏ đang ở. Suốt ngày ba chị em hết ăn, nằm lại đánh tam cúc mà vẫn chưa thấy anh Cường giao nhiệm vụ. Nhắc thì anh bảo: "Phải chờ!". Chị không biết còn phải chờ đến khi nào. Chị nóng ruột qua chừng. Với chị lúc đó, chỉ cần diệt xong thằng giám Tuân rồi nghỉ chờ bao nhiêu cũng được. Thằng Dũng cũng tỏ vẻ nôn nóng. Nó thích được đi, được bay nhảy. Tuổi nó phải ngồi ru rú một chỗ cũng cực. Riêng Thêm thì không nói gì. Suốt ngày nó im lặng và chỉ nói khi cần thiết. Nó bảo anh Cường sợ mọi người sẽ hy sinh lần lần như Dũng, như chị Hảo, vì thế anh do dự không giao nhiệm vụ.
Chị cũng mang máng thấy như vậy. Lúc này, tình hình trên quê hương chị còn rất đen tối. Sư đoàn Sao Vàng, niềm mong mỏi của mỗi người dân vẫn mất tăm, mất dạng. Các đội du kích hoạt động mỗi ngày một thưa thớt. Nhiều bữa đi công tác về, anh Cường ngồi ủ rũ trước cửa hầm, bập thuốc rê liên tục. Chị thương anh và thấy xót xa. Chị biết mỗi lần như thế, có nghĩa là cơ hội chưa đến, chị còn phải chờ đợi.
Rồi trận càn của bọn lính thủy đánh bộ Mỹ ập đến tàn khốc như một cơn bão. Hôm đó. Thêm vừa xách giỏ đi chợ, thằng Dũng nhỏ cũng bám theo. Nó xin phép anh Cường về thăm ngoại ở Tam Quan, tiện thể coi xem mẹ nó được thả chưa và kiếm thêm chút đồ ăn cho đội. Nhà chỉ còn lại chị và anh Cường. Anh Cường vừa ngả lưng xuống võng thì nghe tiếng L.19 vè vè bay trên đầu. Kinh nghiệm báo cho chị biết, có chuyện không bình thường sắp xảy ra. Anh Cưỡng cũng choàng dậy đứng ngoài cửa hầm ngó lên trời. "Cuốn võng dọn hết đồ đi em" - Anh quay lại nói. Chị vội giật đầu võng, thu tất cả mọi thứ cất vào ngăn hầm kèo. Trên trời chiếc L.19 bỗng rít lên rồi tắt lặng đi. Vài giây sau lại nghe tiếng vè vè của nó nhưng nhỏ hơn, xa hơn.
- Vô hầm nhanh!
Anh Cường bảo. Chị còn đang phân vân xem có nên đưa nồi cơm dư vào hầm kèo không thì những tiếng rít đã dồn dập chụp xuống trên đầu. Tiếp theo là những tiếng nổ liên tiếp. Chưa bao giờ chị gặp một trận bắn pháo dày đặc như vậy. Những đường đạn rít lên theo đường cầu vồng rồi chụp xuống khu gò thành những tiếng nổ lộng óc. Chị và anh Cường ngồi nép nhau trong ngách căn hầm kèo. Chị ngồi trong, anh ngồi ngoài. Mỗi lần có một tiếng rít ngay sát trên nóc hầm, anh lại ôm vội lấy đầu chị kéo vào ngực mình. Cử chỉ đó làm chị nghẹt thở và mắc cỡ. Chị cố tìm cách thoát ra nhưng không được. Thoạt đầu chị còn nghe thấy những tiếng ục, ục mơ hồ, xa xôi ở mạn Tam Quan, Đệ Đức, núi Voi, và sau thì không nghe tiếng gì nữa. Tai chị ù đặc. Căn hầm mù mịt khói và sặc sụa mùi thuốc đạn. Lúc đó, ý nghĩ đầu tiên đến với chị là ý nghĩ về cái chết. Chỉ cần một quả đạn trong số hàng ngàn quả đạn đang dội xuống, lọt đúng cửa hầm, chị và anh Cường sẽ vĩnh viễn không bao giờ đứng dậy được nữa. Chị chết còn thằng giám Tuân thì vẫn sống. Ý nghĩ này làm chị hốt hoảng. Chị khóc. Anh Cường như không hiểu chị, tưởng chị khóc vì sợ hãi nên càng cố ép chị vào sâu hơn. Cái cơ thể to lớn của anh như bọc kín lấy thân hình bé nhỏ của chị.
Sau này chị mới hiểu tâm trạng của anh lúc đó. Anh bảo không khi nào anh căm ghét sự bất lực của mình như khi phải ngồi bó tay, câm lặng dưới làng đạn pháo của địch. Bởi lúc ấy, con người chỉ còn một khả năng duy nhất là trông đợi ở sự may rủi. Ngoài ra không còn cách chống đỡ nào khác, giống như lúc nằm giữa một trận mưa bom cũng vậy. Con người chỉ còn đành nằm chờ một cái kết cục thật bi thảm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng bởi con người quá nhỏ bé, mỏng manh trong những hoàn cảnh như thế mà đôi khi, bom đạn đã không dính được vào họ.
Khoảng nửa giờ sau, trận mưa đạn pháo chấm dứt. Âm thanh đầu tiên mà chị nghe thấy là tiếng vè vè, dai dẳng của chiếc L.19. Nó vẫn đang xoi mói, nhòm ngó xuống quả đồi mới đây còn um tùm bờ bụi, nay đã bị cày xới lên nham nhở. Anh Cường loạng choạng bước ra căn hầm bò. Chợt anh quay ngay trở vào, luống cuống: "Chúng nó ném bom"- Anh nói. Chị điếng người vì biết rằng, lúc này vọt sang căn hầm bí mật của anh, cách đó dăm chục mét sẽ không qua khỏi mắt chiếc L.19, đang hạ dần độ cao bay xuống rất thấp. Còn cứ đành ngồi trú ở đây sẽ không chịu đựng nổi với những trái bom sắp sửa dội xuống. Chị nhớ khuôn mặt anh Cường lúc đó, một khuôn mặt vừa biểu lộ sự liều lĩnh, vừa biểu lộ sự bất lực chua chát. Anh chưa kịp nói gì với chị thì chiếc L.19 đã đột ngột tăng độ cao rồi từ độ cao chót vót ấy lao cắm xuống. Hai quả đạn pháo nổ ngay trên đỉnh gò. Lập tức, hai chiếc AD6 như đanh rình mò ở đâu đó cũng bắt đầu lượn vòng, tăng độ cao. Tiếng máy bay phản lực như vỡ ra, chật chội, lèn chặt khoảng trời trên đầu chị. "Chạy!". Anh Cường hét. Chị bật ra nhào theo anh. Vừa chạy vừa ho sặc sụa trong đám khói màu trắng đặc của hai quả đạn chiếc L.19 vừa phóng xuống. Đúng hơn chị và anh Cường, vừa chạy vừa lăn xuống mép gò vì quả bom đầu tiên đã nổ. Mặt đất chợt rung nẩy lên như đang mở ra một khoảng trống sâu thăm thẳm. Anh Cường hấp tấp mở nắp hầm. Chị nhào xuống trước, sau đó là anh. Anh đậy nắp hầm, kéo chị vào phía trong, ngồi tựa lưng vào vách hầm, thở gấp.
Mặc dù ở với anh Cường đã lâu nhưng đây là lần đầu chị xuống căn hầm của anh. Căn hầm chật chội, tối om, nồng nặc mùi thuốc lá. Trên đỉnh gò, những trái bom vẫn phóng xuống liên tiếp, hai trái một. Người chị chốc lại nhảy nhồi lên sau những tiếng thịch, thịch bên vách hầm. Cái ý nghĩ mình sắp chết còn thằng giám Tuân thì vẫn sống lại vụt đến với chị. Ngực chị như bị một vòng đai siết chặt, mỗi lúc một chặt. Ngột ngạt. Chị đưa tay lên bứt rứt trên cổ, trên ngực áo. "Lên thôi anh, chết thì chết chứ ở đây em không chịu thấu". Chị hổn hển bảo anh. Anh không trả lời mà khẽ kéo chị nhích về phía lỗ thông hơi. Bàn tay nóng rực của anh xoa nhẹ trên tấm lưng đang run nảy lên của chị.
Trận ném bom kéo dài chừng mười lăm phút. "Thoát rồi" chị ngượng ngập nhích ra khỏi anh. Nhưng chỉ lát sau đã phải bám chặt lấy vai anh khi nghe tiếng máy bay trực thăng ùng ục đáp xuống trên đỉnh gò. "Cái chi vậy anh?", chị hỏi. "Chúng nó đổ quân", anh đáp, đoạn bò vào ngách hầm, chị nghe tiếng va của những trái mỏ vịt. Tiếng lưỡi xẻng bập xuống đất. Hình như anh đang chôn giấu tài liệu.
Sau đó, trên đỉnh gò vang lên những tiếng động khác. Tiếng người nói, tiếng giầy đi lại. Một sự im lặng kỳ lạ. Chị không biết rằng, dưỡng khí trong căn hầm mỗi lúc một đặc lại, khiến cả chị và anh Cường đều nghẹt thở. "Anh Cường!". Chị gọi. Không nghe anh trả lời. Chị động khẽ vào người anh. Người anh nóng như đang bốc lửa. Chị bỗng lo cuống cuồng. "Đừng sợ". Anh nói nhỏ. "Đêm mình phải tìm cách thoát khỏi căn hầm này, trước khi chúng nó tìm ra nắp hầm. Em nằm xuống đi. Ráng chịu!". Anh nói một cách khó nhọc. Trong khoảng tối đen đặc, chị nhìn thấy đôi mắt của anh. Một đôi mắt như hai chấm đang treo lơ lửng ở góc hầm. Chị sợ hãi nằm xuống thầm nghĩ không biết tính mạng của mình, của anh Cường ngày mai, ngày mốt ra sẽ sao?
5.
Sở dĩ chị nhớ lại đêm hôm ấy, cái đêm dài dằng dặc nằm dưới căn hầm bí mật ven gò đất, bởi nó đã chấm dứt một cái gì và bắt đầu một cái gì vừa mơ hồ, vừa rõ ràng trong cuộc đời của chị.
Suốt đêm chị nằm cạnh anh Cường, người nôn nao bởi một sự gần gũi, va chạm giữa hai cơ thể xa lạ mà quyến rũ. Cảm giác ấy khiến chị sau này cứ phải ngơ ngác mãi. Làm sao một cô gái mới mười lăm tuổi đã có những xúc động, run rẩy khi tiếp xúc với đàn ông như của một người đã đến tuổi trưởng thành?
Hình như chiến tranh buộc con người phải sống nhanh hơn, gấp hơn những gì còn lâu họ mới có. Hình như chính bọn ác ôn trong nhà giam hội đồng xã đã biến chị từ một cô bé thành một cô gái quá sớm, để vĩnh viễn không bao giờ chị còn được làm một người phụ nữ bình thường nữa.
Không khí ẩm mát của ban đêm làm cho căn hầm trở nên dễ chịu hơn đôi chút. Bên cạnh chị anh Cường nằm yên lặng, mặt quay về phía vách hầm. Người ta nói khi một người đàn ông và một người đàn bà nằm chung trong một căn hầm bí mật, bao giờ người đàn ông cũng bức bối, khó chịu hơn người đàn bà. Tại sao vậy nhỉ? Chị thầm hỏi và thấy lo lắng. Từ ngày vô nhập đội "Chim Én", chị biết anh Cường cưng chiều chị nhất. Chị cũng rất thương anh. Vắng anh chị thấy thiếu, thấy nhớ. Chị muốn suốt đời được sống bên anh. Phải xa anh là điều chị không sao hình dung nổi.
- Anh Cường? - Chị rụt rè chạm vào người anh, gọi khẽ.
Anh cựa mình. Chị ngửi thấy mùi mồ hôi chua chua của anh, song không hề thấy khó chịu bởi cái mùi chua nồng đó.
- Chúng mình phải tìm cách thoát khỏi căn hầm này thôi - Anh nói - Nếu bọn Mỹ đóng quân lâu trên gò đất thì sao?
Lúc này chị không quan tâm tới điều ấy. Ở chị có một sự thúc bách, đòi hỏi khác cần được thỏa mãn mà chị cho rằng nó rất nghiêm trọng đối với cuộc đời chị.
- Liệu hòa bình chúng mình có còn sống với nhau không anh? - Chị nhỏm dậy nhìn vào mắt anh. Câu hỏi vụt ra như một viên đạn.
- Như thế nghĩa là sao?
Hình như anh hơi mỉm cười. Điều đó khiến chị tự ái.
- Sống như vậy chớ còn còn thế nào nữa. Dĩ nhiên lúc đó em đã lớn.
- Em nghĩ kỳ quá - Anh nói - Anh đã ngoài ba mươi tuổi, còn em vẫn là một cô bé.
Anh nằm im và chị không hỏi thêm. Như vậy là anh không thương chị. Anh coi thường chị. Có thể anh thương cái Thêm hơn. Ý nghĩ này làm chị tủi thân. Chị dằn dỗi nằm xuống, quay mặt vào vách hầm lặng lẽ khóc.
Đúng là chị đã yêu anh bắt đầu từ đêm hôm ấy, để sau này chị sống như bám vào nó. Có lần ở nhà tù Quy Nhơn, trong một cơn mê sảng chị đã gọi tên anh. Lúc chị tỉnh, thằng cai ngục căn vặn: "Thằng Cường là thằng nào?". "Là người yêu của tao, là chồng tao!". Chị quát lên khiến nó sững người, sửng sốt nhìn cái thân hình cỏn con, méo mó của chị như nhìn một vật kỳ quái.
- Đừng khóc - Anh Cường trở mình quay về phía chị. Chị nhận thấy người anh cũng đang rung lên - Hòa bình chúng mình sẽ ở với nhau như vầy - Anh dỗ dành, còn bây giờ thì phải tìm cách thoát ra khỏi căn hầm này trước khi trời sáng. Sớm mai có thể chúng sẽ bắt đầu lùng sục.
Chị biết rõ mười mươi anh đang đánh lừa chị như đánh lừa một đứa con nít. Anh chỉ hứa hão cho qua chuyện. Tuy vậy, chị không căn vặn anh nữa mà cùng anh ngồi dậy. Người chị bỗng nóng ran. Chị thấy ngượng với chính lời lẽ mới đây của mình. Dường như những lời nói ấy là của một ai khác chứ không phải của chị.
Hai người cùng nhích ra phía cửa hầm nghe ngóng. Chị không cảm nhận được gì ngoài mùi mồ hôi chua chua của anh. Vai áo anh cà nhột nhột trên khuôn ngực mới nhú của chị. Chị thấy anh ráng đẩy nắp hầm lên. Nắp hầm có vẻ nặng hơn bình thường. Hình như đất bom đã phủ đầy trên đó. Một luồng không khí mát lạnh chợt ùa vào trong hầm cùng với những tiếng động ồn ĩ và mùi thuốc lá, mùi nước hoa khen khét. Anh Cường vội hạ nắp hầm xuống, song chị vẫn kịp nghe tiếng giãy đạp, tiếng la eo éo của bọn gái điếm ngoài thị trấn đến mua vui cho bọn lính Mỹ.
Anh Cường quay trở vào, lặng lẽ nằm xuống. Chị nghe tiếng anh thở gấp gáp. Anh trằn trọc xoay qua xoay lại. Trên nóc hầm những tiếng động vẫn vọng xuống xa xôi như từ một thế giới khác. Đột nhiên, anh lồm cồm ngồi dậy, choàng tới ôm ghì lấy chị, áp khuôn mặt lởm chởm râu vào khuôn mặt non nớt của chị. Trong phút chốc, chị bỗng ghê tởm hành động đó của anh. Chị đẩy anh ra xa, vùng trở dậy, bò về phía cửa hầm ngầm bảo rằng, nếu anh còn làm như vậy, chị sẽ đội nắp hầm chui lên ngay, sau đó muốn ra sao thì ra. Nhưng từ lúc ấy, anh không động tới người chị nữa. Anh nằm yên và chị lại thấy thương anh. "Mắc chi anh ấy lại làm như vậy?". Chị nghĩ đoạn nằm xuống bên anh, bàn tay chạm khẽ vào người anh như thể xem anh còn nằm ở đó hay không.
Gần sáng trở dậy. Anh bò ra phía cửa hầm, chị nhìn thấy một bầu trời sao chi chít trên đầu. Người chị tỉnh hẳn. Chị chui lên theo anh. Lúc ấy dù có xảy ra tình huống nào đi nữa, chị cũng không chịu quay trở lại căn hầm ấy mặc dù nó đã cất giữ những kỷ niệm thiêng liêng nhất của cuộc đời chị.
6.
Ba ngày sau, anh Cường tìm lại được Dũng nhỏ và Thêm. Họ cùng trở về địa điểm mới ở chung với đội du kích xã dưới chân núi Kho. Tại đây, anh Cường nhận được chỉ thị mới của huyện: phải tìm cách diệt thằng giám Tuân cho bằng được.
- Lần này anh trực tiếp làm - Anh Cường nói với ba chị em - Quy sẽ đi với anh. Trận đánh có thể rất mạo hiểm. Thằng này phá phong trào vùng đông dữ lắm rồi. Ta phải diệt nó ngay trên quốc lộ 1 vào lúc nó không đề phòng nhất.
- Còn em làm cái chi? - Dũng nhỏ lau chau hỏi.
- Em lãnh nhiệm vụ đi trinh sát, nghĩa là coi kỹ xem thằng Tuân thường từ quận đi về nhà hắn lúc mấy giờ. Trước hết phải kiếm cho chị Quy một bộ đồ thiệt ngon, cả nón nữa.
Thêm không hỏi gì. Nó im lặng. Xưa nay nó vẫn vậy. Bằng lòng hay uất ức điều chi, rất ít khi nó nói ra. Có lần chị thấy nó vừa nấu cơm vừa chùi mắt. Hỏi miết chị mới hay, nó tủi thân vì đã lâu anh Cường không giao việc diệt ác cho nó. Làm việc gì nó cũng làm rất chắc chắn nhưng chậm. Khi chạy nó lạch bạch như một con vịt. Có lẽ bởi vậy mà từ ngày chị về, anh Cường chỉ giao cho nó việc lo cơm nước cho đội.
Ngược lại, Dũng nhỏ rất nhanh. Anh Cường vừa giao việc, nó đi liền. Chiều tối thì nó về với một bộ đồ thiệt mới, chưa mặc chị đã mắc cỡ. Thằng Dũng bảo mẹ nó mới được thả về, hiện giờ ngoại nó đang sắc thuốc cho mẹ nó uống. Suốt ngày nó bám riết mẹ, còn việc điều tra thằng giám Tuân đi đứng cách sao nó quên khuấy đi mất.
Lúc anh Cường hỏi tới việc này, mặt nó nghệt ra coi thật tội. Chị và Thêm cứ bấm nhau cười miết. "Mai em sẽ coi lại". Nó bảo. Nhưng ngày mai anh Cường và chị đã xuống quận rồi. Chị nhận thấy anh Cường tỏ vẻ nôn nóng. Chưa bao giờ chị thấy anh nôn nóng như vậy.
- Tụi nó sắp mở chiến dịch đánh phá ba xã vùng Đông - Anh nói riêng với chị - Để thằng Tuân sống rất nguy hiểm. Em mặc thử bộ đồ coi có vừa không. Không vừa phải kiếm bộ khác.
Chị xuống hầm. Bộ đồ còn nguyên trong bao ni lông. Chắc là bà ngoại thằng Dũng mua ở tiệm vải. Đó là một bộ đồ màu tím hoa cà, hai vai áo hơi bồng lên. Gấu áo, gấu quần đều rua đỏ, bận rất khít với cái cơ thể đang lớn của chị. Lúc chị ngập ngừng bước ra khỏi hầm, cả anh Cường và cái Thêm đều ngớ người. Có lẽ không ai ngờ chị thay đổi đến như vậy. Trong bộ đồ mới chị như mập ra, khuôn ngực nổi rõ hơn. Thằng Dũng bước tới chụp cái mũ rộng vành bằng nỉ đỏ lên đầu chị:
- Anh Cường coi nè. Chị Quy xinh không kém chi mấy cô đào cải lương hết!
Mặt chị nóng rát. Chưa bao giờ chị cảm thấy sung sướng và hạnh phúc như lúc đó. Còn anh Cường thì không ngớt ngó chị. Trong ánh mắt anh, thoáng gợn một nét buồn. Mãi lâu sau anh Cường mới nói nhỏ. Giọng khô khan:
- Ngon hung rồi. Tiếc là không có dép.
Bất giác, chị nhìn xuống chân mình. Đôi bàn chân đen đúa của chị lồng trong đôi dép mòn vẹt, đứt rách nham nhở. Thường thì chị đi chân không. Trước lúc đi ngủ mới dùng đến dép.
Hôm sau, Thêm thúc chị dậy ăn cơm sớm. Chị ăn trệu trạo, không hề thấy ngon miệng. Ăn xong, Thêm giúp chị bận quần áo. Trước lúc đi, Thêm ôm chị rất chặt. "Phải thiệt bình tĩnh nghe Quy. Tao lo quá!". Nó rơm rớm nước mắt. Chị đứng với Thêm một lát, không biết an ủi gì đoạn đi nhanh ra con đường đất đỏ trước mặt.
Trời đã sáng rõ. Ánh nắng màu đồng thau bắt đầu đổ tràn lên những đám rau muống biển ở ven đường. Anh Cường dặn chị cứ đi về phía đèo Mồng Gà, anh sẽ cưỡi xe máy tới đón. Chị chưa được ngồi xe máy bao giờ nên vừa lo ngại, vừa háo hức. Sau tất thảy, những gì đã trải qua, chị trở nên dày dạn. Chị không sợ chết, sợ bị bắt, mà chỉ sợ không diệt được giám Tuân. Nó và chị phải một chết, một sống chớ không thể cùng sống.
Từ quãng rẽ từ đèo Mồng Gà đi núi Voi, một chiếc xe máy xuất hiện. Nó cua một vòng rồi lao thẳng về phía chị. Chị nhận ra anh Cường. Anh bận bộ đồi lính dù, đội mũ nâu, mang kiếng mát. Cái Thêm bảo mấy anh du kích có đủ loại đồ lính. Cộng hòa có, biệt động, dù có. Mấy anh còn có cả thẻ căn cước của sĩ quan. Nó bảo không biết mấy anh kiếm đâu ra những thứ đó.
Tới gần chị, anh Cường thắng xe, ngó chị chăm chăm. Chắc bộ dạng chị lúc này tức cười lắm. Chị lóng ngóng leo lên ngồi phía sau lưng anh. Anh cài số, chiếc xe lại lao vút đi, kéo theo một đám bụi đỏ quạch.
- Gần đây thằng Tuân luôn thay đổi giờ giấc đi lại - Vừa chạy xe anh Cường vừa nói với chị - Từ lâu, nó không ngủ nhà, thỉnh thoảng mới về. Thời gian về của nó cũng thay đổi luôn, giáp nó em bắn ngay. Bắn trật, hai anh em phải chết thay nó.
Chiếc xe quẹo về phía đường 1. Chị bám chặt lấy lưng anh. Gió lùa như quất vào mặt. Xe chạy qua ấp Tài Lương, ấp Vạn Mỹ thì tới đường 1. Mặt đường nườm nượp xe cộ và người qua lại. Đông hơn cả vẫn là lính. Đủ các sắc lính. Lính đi phép, đi công vụ, quân cảnh, cảnh sát … Không khí ồn ào, nhộn nhạo. Tất cả nhoang nhoáng ào qua trước mắt chị.
Chạy trên con lộ được một đoạn, anh Cường đậu xe trước một tiệm giải khát. Chị biết đây là khoảng giữa tính từ nhà thằng Tuân tới trụ sở hội đồng xã. Dù cố giữ cho thật tự nhiên, chị vẫn lướng vướng trong bộ đồ mới. "Vô uống nước đã em", anh Cường nói đoạn dẫn chị vào tiệm. Anh chọn một chiếc bàn để trống ngay cạnh cửa sổ nhìn ra đường, kêu cà phê cho mình và cho chị một ly sữa nóng.
Cả chị và anh đều uống một cách chậm chạp. Nhiều người vào sau đã đứng dậy mà hai người vẫn ngồi đó, như mê mải với băng nhạc đang quay dở.
Một tốp quân cảnh đội mũ sắt, xách AR.15 bước vào tiệm, lần lượt xét giấy những bàn ngồi bên cạnh. Chị thấy nhột nhưng anh Cường vẫn điềm nhiên nhấm nháp ly cà phê, mắt vẫn không rời con lộ. Bữa nay anh để râu nên coi anh ngang tàng. Chính bộ dạng ngang tàng phớt đời đó khiến tụi quân cảnh e ngại. Một thằng bước tới trước mặt anh:
- Thưa, xin phép cho chúng tôi thi hành công vụ.
Anh rút từ túi ngực ra tấm thẻ đưa cho thằng lính. Nó nhìn tấm hình trên giấy và nhìn anh không chớp. Lát sau nó trả anh tấm thẻ:
- Xin lỗi trung úy, cô này …
- Nó là em tôi - Anh đáp cộc lốc, vẻ bực dọc.
- Xin cảm ơn trung úy.
Khi tụi lính bước ra khỏi quán, chị nghe loáng thoáng: "Thằng chả chơi mèo non, gớm thiệt". Chị đưa mắt nhìn anh. Hình như anh cũng nghe thấy câu nói đó.
7.
Hơn chín giờ, vẫn không thấy tăm dạng thằng giám Tuân đâu. Anh Cường đành dẫn chị la cà hết quán nước này tới quán nước khác. Có lúc anh giả bộ sửa xe ngay vệ đường. Lúc đi ngang một tiệm giày dép, anh ghé lại mua cho chị một đôi dép mới. Tay anh móc tiền, mắt vẫn không chịu rời con lộ. Đến khi không còn quán nước nào nữa thì anh thực sự lúng túng. Hai người đành dừng ở một con hẻm, giả đò như đang chờ ai đó.
- Mấy ổng ở trên cứ hối thúc, mắc chi vẫn chưa diệt được nó. Nẫu 1 đâu có thấu cái khó của tụi mình. Anh không sợ mạo hiểm, nhưng mạng đổi mạng thì anh ngán lắm rồi. Mình ít người, làm sao chịu thấu.
- Anh nè - Chị ngập ngừng ngước lên nhìn anh - Giết hắn giữa đường 1 thì nguy hiểm thật. Hay anh cứ để mình em chờ hắn. Em nhỏ con, chạy dễ ợt mà.
Anh Cường cười mỉm, như thừa biết sự khôn vặt của chị:
- Đừng nói nhảm, thôi, lên xe.
Hai người lại phóng xe trên con lộ đi đâu đó không cần biết, chỉ cốt cho kịp đến cái thời gian cần đến. Nhưng cái thời gian cần đến ấy là bao giờ, lúc nào thì cả anh lẫn chị đều không nắm được.
Chị nhận thấy từ sau trận càn, anh Cường đối với chị khang khác. Anh không cưng chiều như trước mà tỏ ra nghiêm khắc. Trong các cuộc hội ý, giao việc, anh tránh nhìn chị. Nhưng khi nói với chị, anh thường bảo: "Chúng mình, tụi mình", điều mà trước đây, không khi nào anh nói cả.
Bỗng một chiếc hon đa màu đen vọt qua trước mặt anh và chị. "Nó!". Chị la khẽ, người nổi gai. Chị nhìn không lẫn được cái lưng to bè bè của nó. Cái lưng chị vẫn nhìn mỗi lần giở nắp hầm cho nó chui xuống mấy năm trước. "Phải thiệt bình tĩnh. Nhắm cho thật trúng". Anh Cường vừa phóng xe đuổi theo vừa dặn chị.
Như biết rõ đang bị nỗi đe dọa bám sát, thằng Tuân phóng xe rất nhanh. Bữa nay nó đội mũ phớt, mặc bộ đồ bà ba gụ. Chị rút khẩu Côn ở thắt lưng anh Cường ép sát vào bụng. Khẩu Côn đã lên đạn sẵn. Ngực chị thắt lại vì hồi hộp, vì lo bắn trật. Chỉ còn một quãng ngắn nữa nhưng không hiểu sao anh Cường đột ngột cho xe chạy chậm lại. "Chờ tới khúc dưới. Chỗ này đông tụi lính quá". Chị đưa mắt nhìn. Đúng, đoạn đường này bọn lính đổ ra đen đặc. Từ lúc thấy thằng giám Tuân, chị hoàn toàn bị hút vào lưng nó, chỉ nhìn thấy nó mà không nhìn thấy gì khác.
Đột nhiên thằng giám Tuân cũng cho xe chạy chầm chậm. "Nó sắp quẹo rồi. Chuẩn bị". Anh Cường nói. Thật may, đoạn đường này vắng. Hai bên đường chỉ có dăm nóc nhà thưa thớt, còn hầu hết là vườn cây, ruộng trống. Chiếc xe của anh Cường vọt lên. Chị nghe tiếng nó rú một cách không bình thường. Tim chị giật thót. "Bắn đi!". Anh Cường nhắc lúc thằng giám Tuân vừa ngoặt vào một lối rẽ. Chị nâng súng, nhằm thẳng vào mảng lưng áo màu nâu sẫm của nó. Cái mảng lưng nhập nhòa, đang có cơ tuột khỏi tầm nhìn của chị. Một tiếng nổ đanh, gọn vang lên như bật ra từ lồng ngực chị. Cái mảng lưng to bè hơi chững lại rồi từ từ đổ vật xuống, còn chiếc xe thì vẫn lao vọt lên đâm nhào vào một bờ giậu. Trong cái khoảnh khắc chớp mắt ấy, chị chỉ kịp nhìn thấy thằng giám Tuân, kẻ tử thù của chị lăn lộn trên mặt đất. Sau đấy chị không còn nhìn thấy gì bởi chiếc xe đã bỏ qua con hẻm một đoạn khá xa. "Trúng không?" - Anh Cường hỏi "Dạ, trúng" - Chị đáp. "Có thằng nào đuổi theo không?" - Anh lại hỏi, chị quay nhìn lại. Nơi con hẻm thằng Tuân vừa rẽ, dăm bảy thằng lính loạng quạng lao ra đường, huơ tay chỉ trỏ. "Quẹo đi anh. Chúng đang ngoắc xe đuổi theo!"
Anh Cường giảm ga, cho xe chạy sát mé đường rồi quẹo gấp xuống chợ Bộng, chìm khuất vào dòng người và xe cộ ở lối cổng chợ. Mười phút sau, hai người về tới chân đèo Mồng Gà. Lúc anh Cường tắt máy, xuống xe, chị vẫn ngồi chết lặng ở phía sau, nước mắt chảy giàn giụa trên hai gò má.
8.
Khi người ta buộc phải suy nghĩ day dứt về một việc gì, điều khó khăn nhất là thoát khỏi những ý nghĩ ấy. Nhưng anh càng cố quên, cố lẩn trốn, những ý nghĩ ấy càng bám riết lấy anh, dai dẳng, nghiệt ngã, cho đến khi bắt buộc anh phải hành động.
Việc chị Năm, vợ thằng giám Tuân đường đột tìm đến với chị, không đòi hỏi, kiện cáo hoặc nhờ vả mà chỉ để tâm sự khiến chị vừa bối rối vừa lo ngại.
Hầu như suốt đêm chị không ngủ. Sáng dậy, chị thu xếp công việc ở cơ quan xuống nhà bếp lãnh số gạo dư rồi hối hả đạp xe đi Tam Quan. Chị thấy ân hận vì đã không làm việc này sớm hơn, ngay từ bữa chị đến nhà chị ta gặp thằng nhỏ. Chị cũng hiểu, vài chục cân gạo mà chị cột ở sau xe không giúp được gì nhiều cho chị ta mà phải tìm cách giải tỏa hết những định kiến hẹp hòi của mọi người đối với vợ con những tên ác ôn đã bị giết chết hoặc còn đang đi cải tạo.
Thật đáng buồn bởi con người, đôi khi chỉ để thỏa mãn những nhu cầu bình thường cũng trở nên hết sức độc ác. Huống chi đây lại là một sự thù ghét. Người ta lập luận: Một khi người thân của tôi bị giết, thì không có lý gì, những người thân của kẻ giết người có thể sống yên ổn. Phải chăng luật đời là như vậy và người ta đang sống như vậy. Họ không hiểu, nếu cái vòng luẩn quẩn này cứ quay mãi thì tội ác sẽ không bao giờ chấm dứt và sự công bằng mà con người từng khao khát sẽ chẳng bao giờ có cả.
Vừa đạp xe đi trên con đường quen thuộc, đầy kỷ niệm của mười năm trước, chị vừa tính rằng, chị sẽ đến thẳng nhà chị ta, không giấu giếm chị là ai, nói chuyện một cách thật sòng phẳng với tư cách của hai người phụ nữ cùng có những nỗi bất hạnh giống nhau. Đó là sự đơn độc. Sau đấy chị đến nhà chú Tư, bí thư đảng ủy xã. Nếu đây là một trường hợp phổ biến, không giải quyết nổi, chị cũng đề nghị xã giải quyết riêng trường hợp này, bởi nó đã khiến chị mệt mỏi, khắc khoải và đây cũng là trường hợp điển hình trong toàn huyện.
Gần đến nhà thằng giám Tuân, chị đạp xe chậm lại. Từ xa, chị đã nhìn thấy một đám đông trẻ con đang xúm quanh một người nào đó, ở ngay lối rẽ lên cây cầu gỗ bắc qua con lạch. Chúng la hét, reo hò ầm ĩ. Nhiều người lớn đi ngang, đứng ngó một chốc rồi bỏ đi. "Có chuyện gì vậy nhỉ?". Chị thầm hỏi. Đôi chân chị tự nhiên thấy chùng mỏi rời rã.
Đến nơi, chị kinh ngạc thấy chị Năm, người đàn bà vừa tới gặp chị sớm qua tại cơ quan, đang đầu tóc rũ rượi, chân đất, quần ống thấp ống cao, ngồi xổm giữa đám trẻ. Một thằng bé, đầu húi cua, thằng to con nhất bọn cúi xuống hỏi:
- Nè, bà Năm, thế máu người có uống được không?
Người đàn bà ngẩng phắt lên, đôi tròng mắt sáng man dại:
- Cái gì, máu à? Ta uống như uống la ve ấy chớ!
- Thế thịt người có nhậu được không? - Một đứa khác hỏi.
- Các cháu không được nói bậy - Chị vội chống xe quát át đi - Không được xấc với thím ấy.
Lũ trẻ vội im bặt, chúng ngơ ngác nhìn chị. "Bà điên mà cô". Một đứa nói. "Bả vừa nói bả ăn được thịt người. Bà là vợ thằng giám Tuân đó".
Đột nhiên, người đàn bà chồm dậy, nhìn gườm gườm như sắp nhảy bổ vào đám trẻ:
- Cái gì? Mày nói gì? Hả?
Đám trẻ chạy giạt ra, nhưng không chịu bỏ đi, chúng vẫn đứng vây xung quanh người đàn bà, chỉ trỏ, nói cười nhăn nhở.
Chị bước tới bên người đàn bà, kêu khẽ:
- Chị Năm, chị có nhận ra tôi không?
Người đàn bà quay lại nhìn, vẫn bằng cái ánh sáng man dại trong đôi mắt. Chị ta cứ nhìn trừng trừng như vậy hồi lâu rồi bỏ đi, vừa đi vừa lẩm bẩm một câu gì đó trong miệng. "Chị ta không nhận ra mình", chị thầm nghĩ và cảm thấy ân hận, như chính vì sự chậm trễ, thờ ơ của mình đã đẩy chị ta tới nông nỗi ấy.
- Bả mắc bệnh từ hồi chồng bả làm phản. Nhưng hồi đó nhẹ chớ không như bây giờ.
Một bà thím đứng bên cạnh chị, thấy chị tỏ vẻ băn khoăn liền giải thích.
- Mai bả lại đi chợ cá cho coi, thiệt lạ, dở tính, dở điên. Cứ y như giả đò. Người điên đâu có vậy.
- Ôi dào, chồng bả uống máu người thì giờ bả phải chịu sự trừng phạt thay cho chồng bả - Một người nào đấy dài giọng cay nghiệt.
Chị thấy mình không đủ sức nghe tiếp. Người ta nói nhưng không có một chút băn khoăn trước tình cảnh thương tâm của người đàn bà. Họ nói hả dạ, cho đã sự thù ghét. Chị không giận họ nhưng họ thật đáng trách. Thử hỏi người đàn bà kia và mấy đứa con chị ta có can dự gì vào tội ác mà chồng chị ta đã gây cho họ?
Lúc ấy người đàn bà đã đứng cách chị một quãng. Tay chị ta cầm một cành lá mới bẻ bên hàng rào rồi vừa khua khoắng cành lá, vừa nhằm vào một cái gì đó vô hình, miệng lảm nhảm chửi rủa không ngớt.
Chị thở dài, dắt chiếc xe đạp qua cầu vào thẳng nhà chị ta. Sân nhà đầy lá rụng. Có lẽ lâu lắm nó không được quét dọn. Chị dựa xe, tháo túi gạo ở sau xe lặng lẽ để lên hiên nhà, nhưng chị vừa dắt xe quay ra thì có tiếng kêu rất xấc ở phía sau:
- Nè, bà, gạo nào đó?
Chị giật mình, đổ mồ hôi như đang làm một việc gì đó vụng trộm bị bắt quả tang. Chị quay lại nhìn. Không phải thằng nhỏ bữa trước mà là một thằng bé khác gầy gò, bờm xờm. Chắc là thằng anh. Chị nghe nhồn nhột trong người khi nhìn khuôn mặt nó giống thằng giám Tuân như tạc.
-Bữa trước tôi vay mẹ cậu, giờ đem trả - Chị nói dối vì biết nói thật, thằng bé sẽ không nhận. Tự dưng chị nghe đăng đắng ở đầu lưỡi.
-Nếu bố thí thì bà mang về. Còn mượn thì trả. Ở đời, có vay, có trả, thế thôi!
Cái giọng xấc, đầy đe dọa của nó khiến chị ghê tởm. Chị dắt xe đi như chạy khỏi ngôi nhà. Ngoài vệ đường, người đàn bà vẫn đứng đó với cành lá. Đám trẻ đã bỏ đi. Bởi thế chị ta trở nên trơ trọi, đơn độc đến thảm hại.
Buổi chiều, chị đạp xe tới nhà chú Tư Nhơn, bí thư xã, người đã cõng chị trốn khỏi nhà giam của hội đồng xã bữa chị bị thằng giám Tuân bắt ở chợ Bộng.
-Bữa trước chị ấy tới cơ quan gặp con, nói chỉ để tâm sự chứ không nhờ vả gì - Chị nói - Sáng nay con gặp chị ta ở ngoài đường. Con thấy chị ta cần phải được giúp đỡ … - Chị nói liền một hơi, tất cả những ý nghĩ của mình như sợ ông Tư ngắt lời, sợ sự phản bác của ông sẽ làm chị không thể nói tiếp được.
Ngồi ở bên kia bộ chõng, ông Tư nghe chị chăm chú. Điếu thuốc sâu kèn tắt ngấm trên miệng. Chị rất quí ông, coi như cha. Còn ông cũng hết sức cưng chiều chị. Đi họp huyện bữa nào, dù sớm, dù muộn, ông cũng ghé qua chị, uống chén trà, giúp chị kéo thùng nước hoặc chẻ giùm đám củi.
-Con nói hết chưa Tư? - Ông hỏi khi thấy chị dừng lại lau mồ hôi - Bữa nào chú cũng nghe con nhắc tới mẹ con nó là sao? Nẫu có ơn huệ gì với con? Tại sao bao nhiêu người đang gặp trắc trở, nghèo túng con không hề nhắc đến họ? Cái chuyện ruộng khoán xa, xấu có. Chú sẽ nói họ điều chỉnh trong vụ tới. Chuyện khiêng tủ, ghế ngựa cũng có. Tụi trẻ mà con! Chú sẽ nói tụi nó khiêng trả. Còn trợ cấp thì e không ổn. Trong xã có tới hàng trăm hộ phải trợ cấp kịp thời, lại đều là gia đình có công với cách mạng mà chú chưa biết xoay xỏa ra sao. Chuyện đưa chị ta đi viện thì được. Nhưng chị ta đâu có điên, con! Chị ta giả đò đó. Còn thằng con thứ, con phải dè chừng. Nó đã biết ai là người giết cha nó. Dĩ nhiên con khỏi lo, chú không để đứa nào đụng đến cái lông chưn của con. Nhưng con trả lời chú, mắc chi con quan tâm tới mẹ con nó dữ vậy?
Trở về chị rất buồn. Ông Tư chưa hiểu chị. Chị thấy thật khó nói hết tâm trạng của mình với ông. Về lý, ông chịu. Về tình thì không. Ông đã nói rõ ràng như vậy. Ông bảo chị ta giả đò điên. Điều đó có đúng không? Tại sao chị ta lại giả đò? Chị nhớ tới lời xấc xược của thằng bé. Chị không sợ bị trả thù, nhưng phải tìm cách ngăn chặn khi điều đó hãy còn chưa muộn.
(Còn nữa) |