Chương năm
10:11', 23/5/ 2005 (GMT+7)

1.

 

Đã sang tháng mười, nghĩa là hơn năm tháng kể từ ngày rời sư đoàn Sao Vàng, chị vẫn chưa nhận được thơ trả lời của anh. Như vậy, có thể giống như đối với anh Cường, chị đã đặt anh vào một trường hợp khó xử. Điều dự đoán này khiến chị ân hận và hổ thẹn. Chị trách mình đã viết thơ cho anh một cách vội vàng, bộc bạch hết nỗi khao khát của một người phụ nữ đối với một đời sống gia đình bình thường. Cũng có thể vì thế mà anh xem thường chị, không thèm viết cho chị một vài lời. Ý nghĩ này làm chị đau đớn. Chị cố gắng quên, không chờ đợi, nhưng mỗi buổi chiều xuống, chị vẫn  thấy lòng mong ngóng, phập phồng. Nhất là sau những lần đi cơ sở về, việc đầu tiên của chị là hấp tấp mở cửa phòng, nhìn nhanh trên bàn làm việc xem cô văn thư có để một bì thơ lạ lên đó hay không?

Căn phòng của chị, đêm xuống lại càng thêm vắng vẻ. Nhiều đêm, chị phải khóa cửa phòng, đi lang thang trên đường phố. Đôi khi, chị đến rất gần ngôi nhà ba gian, xây sát mép bờ sông Kim Sơn của anh Cường. Lúc ấy sao chị mong được gặp anh, nhìn thấy anh đến thế.

Từ ngày cưới vợ, anh ít chủ động gặp chị hơn. Hình như anh phải thường xuyên chạy trốn khỏi nỗi bất hạnh của chị. Khi biết anh không mấy hạnh phúc với người vợ trẻ, chị càng thương anh hơn. Cô ta là kỹ sư nông nghiệp, người Quảng Ngãi, theo mẹ tập kết từ nhỏ và mới trở về cuối năm 1979. Nghe nói cô kỹ sư này rất đỏng đảnh. Nhưng điều làm anh khổ tâm không phải vì sự đỏng đảnh ấy mà do thói ghen tuông quá quắt của cô. Cả ủy ban huyện, không ai không biết tình cảm của chị đối với anh, bởi vậy mỗi lần lên cơn co giật, chị lại gọi tên anh. Ngay cả những lúc tỉnh táo, nếu ai hỏi, chị cũng không hề giấu giếm mối quan hệ trước đây giữa hai người.

Chị không biết rằng, đó chính là nguyên nhân làm bùng nổ sự ghen tuông vô lối trong gia đình anh. Có lần, trong một bữa ăn, không hiểu nói về chuyện gì, anh nhắc đến chị. Lập tức, vợ anh dằn chén cơm xuống, rồi vừa khóc vừa bế con bỏ đi, ba bốn ngày sau mới trở về. Nhiều hôm trong các cuộc họp, chị đọc thấy rất rõ nỗi buồn của anh trên khuôn mặt. Đôi lúc anh cúi xuống, cố kìm nén một tiếng thở dài. Sau những cuộc họp ấy, anh thường tránh gặp chị. Nhưng những cái nhìn của anh thì nói lên tất cả. Chị hiểu anh rành rõ như hiểu về cuộc đời của chính bản thân chị.

Những ngày gần đây, chị hay tính đến chuyện đón một đứa trẻ mồ côi về nuôi cho đỡ trống trải. Trong huyện chị thiếu gì những đứa trẻ như vậy. Chị chỉ do dự vì chúng đều đã lớn. Còn đón một đứa nhỏ mới sanh trong bệnh viện thì chị không đủ thời gian và kinh nghiệm để chăm bẵm nó. Chú Tư Nhơn, một đôi lần gợi ý muốn chị về xã ở với ông, bởi ông không còn ai thân thích ngoài một cô con gái đã lấy chồng ở rất xa. Nhiều lần, cô viết thơ, thuyết phục ông lên cao nguyên ở với vợ chồng cô nhưng ông không nghe. Ông không thể xa mảnh đất, nơi vợ và hai đứa con ông đã nằm xuống trong một trận càn bởi một trái ca nông lọt vô đúng cửa hầm trú ẩn.

Cũng có lần anh Cường khuyên chị nên về ở với ông nhưng chị lại muốn kéo vợ chồng con gái của ông về huyện. Nhưng cả hai vợ chồng cô đều nói hoàn cảnh lúc này chưa thể thực hiện được ý định đó. Mà chưa thể có nghĩa là còn có thể. Hơn nữa, chị nghĩ, với sức khỏe của mình, chị ở lại cơ quan là thuận tiện hơn cả.

Khoảng vài tuần nay, chị luôn thấy đau tức ở phần bụng dưới. Những cơn đau âm ỉ chợt đến rồi lại dịu dần đi. Chị cho rằng đó là hậu quả của những đòn tra tấn kéo dài trong các nhà tù mà chị đã nếm trải hơn mười năm trước. Chị ráng không quan tâm đến nó và nhất định không chịu qua bệnh viện. Chị biết, một khi đã bước vào phòng khám, chị sẽ buộc phải nằm điều trị, vì trong cái cơ thể yếu ớt của chị không hiếm gì bệnh tật. Chúng đang chờ cơ hội để bộc lộ, để phá phách. Phương pháp tốt nhất đối với chị là không nghĩ gì đến chúng.

Nhưng sức khỏe của con người lại hoàn toàn nằm ngoài ý muốn của con người. Những cơn đau cứ mỗi ngày một tăng khiến chị lo lắng. Chị nói tâm trạng của mình với anh Cường, sau một buổi giao ban. Anh bảo:

- Tư nên đi Quy Nhơn khám xem sao. Biết bệnh còn hơn là không biết mắc bệnh gì. Bữa nào Tư đi được, anh sẽ kêu văn phòng, nói lo xe bữa ấy.

- Em không đi đâu hết! - Chị bỗng nổi cáu một cách vô cớ - Mắc chi anh cứ đuổi em đi? Em ở đây chướng mắt anh quá rồi phải không?

- Kìa, Tư. Sao nói kỳ quá vậy! - Anh Cường kêu lên ngạc nhiên.

Lúc chỉ còn lại một mình, chị mới nhận thấy mình đã dằn hắt vô lối với anh. Chị trở chứng rồi. Nhưng chị còn có ai ngoài anh đâu để có thể dằn hắt, hờn dỗi. Ngày xưa, nhà chị đông biết bao. Mỗi buổi mẹ đi chợ về, mấy anh em chị, kể cả anh Hai, lúc đó đã lớn tồng ngồng cũng thọc tay vô thúng đồ của mẹ. Còn cha chỉ đứng cười, hàm răng của cha trăng trắng … Bây giờ tất cả những con người ấy đang ở đâu đó và đang chờ đợi chị …

Những ngày này, không hiểu sao chị hay nằm nhớ lại những gì đã xảy ra trong cuộc đời mình. Nhưng trở qua trở lại nhiều nhất vẫn là ấn tượng về những cái chết. Những cái chết kẻ thù mang đến cho gia đình chị và những cái chết chị gieo cấy cho chúng. Chị đã giết những tên ác ôn khét tiếng nhất bởi cách mạng đòi hỏi chị làm như vậy. Vậy mà, bây giờ không hiểu sao, chị cứ thấy lòng mình không yên … Có một cái gì đó ngoài lý trí bắt chị phải suy nghĩ, trăn trở. Cái gì? Hình như nó ở đâu đó trong con người chị, trong mọi con người hàng ngày chị hằng tiếp xúc. Hình như nó ở trong đất, trong nước …

Những đêm dằn vặt như vậy làm sức khỏe chị mỗi ngày một suy kiệt. Song chị không chịu thừa nhận điều đó. Chị vẫn lao vào công việc một cách vội vã, hối hả, như thể sợ chậm trễ một chuyến đi nào đó.

 

2.

 

Sau lần bắn té thằng giám Tuân ở đầu con hẻm, ngay sát quốc lộ 1, chị và anh Cường đều tin chắc thằng giám Tuân đã chết. Bởi viên đạn bắn quá gần và khá chính xác. Chính chị đã nhìn thấy nó lăn nhào trên mặt đất, còn chiếc xe như một con ngựa bất kham, lồng lên lao thẳng vào bờ giậu.

Nhưng lần ấy thằng giám Tuân không chết. Nó chỉ bị thương nặng. Người đầu tiên mang tin này về là cái Thêm. Nó nghe được lời người ta bàn tán ở chợ. Hay tin, anh Cường ngồi thừ ra. “Đ.m. thằng chó có thần bảo mạng không bằng”. Anh chửi tục. Còn chị thì choáng váng. Những gì tưởng đã quên được, đã chết đi lại trở lại tiếp tục giày vò chị. Chị thầm hứa với mình, dù phải mạng đổi mạng, chị cũng tìm mọi cách diệt thằng Tuân cho bằng được.

Nhưng hiện thời nó đang nằm ở nhà thương Quy Nhơn. Nghe nói đích thân bọn Mỹ chữa chạy cho nó. Chị chưa biết Quy Nhơn ra sao, cũng không thể vào trỏng để tìm giết nó. Vì thế, chị đành ngồi chờ với tâm trạng của một người đi săn, hy vọng con mồi vừa tuột khỏi tay mình sẽ trở lại hang ổ cũ.

Thời kỳ này, anh Cường giao cho chị, Thêm và Dũng nhỏ diệt một số tên ác ôn, có tên chị biết rõ tội ác của nó, nhưng cũng có tên diệt theo lệnh kiểu Hai Đích. Những tên này dường như phải lãnh thêm cả số đạn mà thằng giám Tuân chưa lãnh đủ. Trong số những trận đánh ấy, có một trận chị không thể quên. Đó là trận diệt thằng phó cảnh sát quận trên cầu đường sắt. Trận này, chị đi cùng với thằng Dũng nhỏ.

Về thằng Thưởng, chị đã nghe người ta nói tới nhiều ngay từ hồi anh trai chị còn sống. Khác với thằng Tuân, thằng Thưởng không phải là một tên phản bội. Nó vốn là dân Bắc di cư và là một tên cảnh sát nòi. Cao, to và độc ác khét tiếng. Những người bị bắt trên địa bàn huyện hầu hết đều qua tay nó. Và một khi đã qua tay nó thì không chết gục trong phòng hỏi cung cũng trở thành bán thân bất toại. Người ta kể nó có một ngón đòn tra tấn hết sức thâm hiểm: dùng một cây búa gõ vào đầu tù nhân sau mỗi câu hỏi, gõ nhẹ nhưng đều đặn, gõ mãi vào một điểm cho đến lúc tù nhân choáng váng, mụ mị, buộc phải trả lời các câu hỏi trong trạng thái chập chờn nửa mê, nửa tỉnh …

Các đội du kích, biệt động ở các xã nhiều lần tìm cách diệt tên ác ôn này nhưng không được. Nhà nó nằm ngày giữa chi khu cảnh sát quận. Nó ít khi ra ngoài một mình. Đi đâu nó cũng cưỡi một chiếc Jeep màu cỏ úa, đôi khi cưỡi honđa màu đen và bao giờ cũng có một thằng cảnh sát cắp tiểu liên ngồi ở phía sau bảo vệ.

Mới đây các tổ du kích mật ở Tam Quan phát hiện thằng Thưởng đang mê đắm một con bồ làm ở sở Mỹ. Ả cũng cao lớn không kém chi hắn và giàu sụ. Nhà ả ở kề chung bờ giậu với nhà bà ngoại thằng Dũng nhỏ. Bởi vậy anh Cường mới để nó đi với chị. Ảnh cho đi nhưng ra lệnh cấm nó không được mang súng. Tuy thế, loanh quanh thế nào nó vẫn thủ được một trái mỏ vịt, y hệt Dũng lớn trong trận diệt thằng ấp trưởng Linh năm ngoái. Dọc đường, nó khoe chị mới biết. Dọa mách, nó chỉ nhăn răng ra cười, bảo: “Anh Cường cấm nó không được mang súng chớ không cấm mang lựu đạn. Nếu chị mách, lần sau nó không thèm đi với chị nữa!”.

Hai chị em tới nhà bà ngoại thằng Dũng lúc chín giờ sáng. Nhìn bộ đồ của chị, bộ đồ thằng Dũng mang về bữa trước, chắc bà già đoán biết chị là ai nên không nói gì. Bà dặn hai chị em coi nhà rồi hớt hải ra tiệm đồ ngoài chợ. Thằng Dũng dẫn chị vào buồng thăm bà cô nó mới sanh con gái, đang thời kỳ nằm cữ. Lúc chị hỏi thăm mẹ thằng Dũng thì cô nó bảo: Mẹ nó đi nhà thương chữa bệnh. Hồi bả bị bắt, chính thằng Thưởng đã tự tay tra hỏi, bà ngoại nó phải đút cả lượng vàng mới xin ra được.

- Thằng Thưởng nào vậy chị? - Chị giả đò hỏi.

- Thằng phó cảnh sát quận chớ còn ai! - Chị ta hất đầu sang nhà bên - Nhà con bồ của nó đó. Cùng một giuộc mèo mả gà đồng. Mấy bữa nay trưa nào nó cũng mò tới, ăn nhậu với mụ.

- Em nghe người ta nói nó bắt được phụ nữ, ổng không tha người nào hết.

- Không tha nghĩa là sao?

- Nghĩa là làm cái gì như chị vừa nói đó - Chị nói, thoáng đỏ mặt.

Người thiếu phụ ném sang chị một cái nhìn ranh mãnh:

- Làm chi thì làm cũng phải cẩn thận để khỏi sa vào tay ổng.

Mười giờ, có tiếng xe máy ngoài đầu ngõ. Thằng Dũng vội vất cỗ tam cúc đang chơi dở xuống hiên nhà, chạy nhanh ra phía bờ tường, dòm qua lỗ hoa thị. Chị cũng đứng dậy theo Dũng. Chị thấy thằng Thưởng, đúng như anh Cường nói: cao, to và đen đang bước vô sân nhà. Theo sau nó là một thằng cảnh sát có khuôn mặt vừa choắt vừa nhọn. Tay thằng Thưởng cầm một chai rượu và một gói đồ nhậu. Từ trong nhà, mụ bồ của nó bước ra, khuôn mặt trát đầy phấn, ngái ngủ. “Mụ đi suốt đêm với tụi Mỹ”. Thằng Dũng thì thào. “Coi nước da, em biết liền à!”.

Chị khẽ bấm vai Dũng. Nó im nhưng cúi xuống nhổ nước bọt. Lúc đó thằng Thưởng đang dang tay ra ôm lấy mụ nhân tình, vỗ vỗ vào tấm lưng béo núc của mụ, đẩy mụ vô nhà đoạn khép cửa. Thằng cảnh sát mặt choắt thì ngồi ở giữa sân, mặt quay ra lối cổng, trung thành và tận tụy như một con chó giữ nhà cho chủ.

Từ trong nhà bắt đầu vọng ra tiếng thìa dĩa, ly cốc va chạm. Tiếng thằng Thưởng khàn đục. Lát sau chị không còn nghe gì thêm ngoài tiếng rú rít mà bất kỳ người nào nghe cũng đỏ mặt vì mắc cỡ.

- Xong hắn vù luôn đó chị - Thằng Dũng nói.

- Chị ra trước theo kế hoạch, nghe. Em nhớ đánh tín hiệu cho chị.

Chị xách chiếc giỏ, đi nhanh ra phía cổng. Thằng Dũng ngồi lại với cỗ tam cúc. Nó xòe ra, chập lại một hồi đoạn liệng vô giường, đứng lên, tiếp tục ngó qua lỗ hoa thị.

Đi khỏi nhà bà ngoại thằng Dũng chừng ba trăm mét, chị gặp một con dốc băng qua đường sắt. Theo kế hoạch, chị sẽ chờ và diệt thằng Thưởng tại đó. Nhưng thấy còn sớm, chị đành tạt vào một quán nước ở bên kia chân dốc, kêu một ly nước dừa. Lúc chị quay lại đã thấy Dũng đang bắt châu chấu ở ven bàu nước cạn. Như vậy là thằng Thưởng sắp xuất hiện. Chị nhìn trước, nhìn sau. Đoạn đường này vắng, ngay quán giải khát cũng rất vắng khách. Chị rẽ xuống một bụi cây dưới chân đường sắt giả đò đi ngoài, nhưng vừa nghe tiếng xe máy chị đã xách giỏ đi lên. Tiếng xe máy mỗi lúc một gần. Chị liếc nhanh vào giỏ. Khẩu K.54 vẫn nằm gọn trong đó, chị bước đi chậm chạp, chỉ nơm nớp lo súng nghẹt hoặc bắn trật. Trong các trận đánh gần đây, chị đã thi hành bản án một cách lạnh lùng, khô khốc. Chị ít tính đến hậu quả mà chỉ nghĩ tới mục đích cần phải đạt tới cho kỳ được trong một khoảnh khắc quyết định.

Cách chị một quãng, chiếc xe máy đang rú ga để vượt dốc. Thằng Thưởng đổi chỗ, ngồi phía sau. Đầu nó gục vào vai thằng mặt choắt. Có lẽ nó say. Chị thò tay vào giỏ. Khi khuôn ngực thằng mặt choắt chỉ còn cách vài sải tay chị mới bình tĩnh nổ súng. Chiếc xe đang lên dốc chợt loạng choạng rồi đổ vật xuống. Thằng Thưởng ngã ngay tại chỗ. Thằng cảnh sát thì lăn theo chiếc xe một đoạn ngắn. Viên đạn xâu táo cả hai đứa. Để tình huống thằng giám Tuân không lặp lại, chị nán lại, bồi hai viên đạn vào thằng Thưởng, một vào đầu, một vào ngực đoạn mới chạy xuống con ấp phía tay mặt. Lập tức, Dũng nhỏ cũng cuốn theo chị như một chiếc bóng.

Hai chị em chạy miết trên con lộ đất đỏ ở giữa ấp làm những con chó thấy động sủa ầm ĩ. Từ một ngõ hẻm bỗng nhô ra một toán dân vệ. “Đứng lại!”. Một thằng quát. “Thôi rồi!”, chị nghĩ rất nhanh và thò tay vào giỏ. Nhưng chị chưa kịp rút súng thì Dũng đã bứt lên: “Dẹp, không tôi chọi lựu đạn”.

Đám dân vệ dáng chừng đang mải nhậu ở ngôi nhà bên đường, nghe chó sủa vội nhào ra, không kịp mang theo súng. Vừa nhìn thấy trái mỏ vịt trong tay Dũng, chúng vội đứng giạt ra. “Nếu muốn bể sọ thì cứ đuổi theo coi!”. Chạy được một quãng xa, thằng Dũng còn quay lại dứ dứ trái mỏ vịt về phía tụi dân vệ.

Cái thằng thiệt kỳ. Bây giờ nghĩ lại chị vẫn thấy tức cười và thương nó.

Chạy qua con ấp, tới được đồng mía, chị và Dũng đều mệt nhoài. Nhưng cả hai vẫn không dám dừng nghỉ vì đã nghe tiếng súng nổ rát ở bìa ấp. “Thế là thoát!”. Chị nghĩ lúc chạy tới khu gò mả. Hai chị em ngồi vật xuống gò thở. Đây đã là vùng đất hoạt động của du kích. Bọn giặc rất ít khi dám mò tới, trừ các cuộc càn lớn.

Người ra đón chị và Dũng bữa đó không phải cái Thêm như hợp đồng mà là anh Cường. Không mấy khi anh đi một mình mà không cải trang giữa ban ngày như vậy. Trong cái nhìn của anh, chị đọc thấy một cái gì đó. Một cái gì vừa mơ hồ, vừa rõ ràng làm chị xao xuyến. Cái nhìn chứa đọng bao nỗi cảm thông, lo lắng, và trong chốc lát, chị bỗng thấy chính anh chứ không phải chị là người đang cần được che chắn, bảo vệ.

Ba người ngồi lại khu gò mả tới tối mịt mới trở về khu căn cứ của đội du kích xã.

Gọi là căn cứ cho có vẻ bề thế chứ thực ra, nơi đó chỉ là một khu đồi thấp, mọc đầy những bụi tầm ma tiếp giáp với chân núi Kho, cũng đã xơ xác, lở lói vì bom đạn và thuốc độc hóa học. Trái núi nhọn hoắt như một ngọn tháp. Người ta bảo nó là anh em sanh đôi với núi Voi Quỳ. Còn vì sao kêu là núi Kho thì đến giờ, vẫn không ai biết thật tường tận.

Khác với các đội viên đội “Chim Én” hoạt động ban ngày, các đội viên du kích chỉ hoạt động ban đêm. Họ tập kích, diệt các mâm tề ở các xã Đông đường, đôi khi lên cả các xã Tây đường 1. Thường thì họ đột nhập vào các thôn ấp, các khu đồn, lôi những tên đại diện, xã trưởng, ấp trưởng, ấp phó, những tên điệp viên nằm vùng ra bìa ấp tuyên án rồi xử bắn tại chỗ. Ban ngày họ trở về, chui xuống những căn hầm bí mật cạnh các ngôi mộ cổ trên đồi nằm ngủ.

Nhiều lần, bọn giặc đã mò tới khu đồi này, nhưng chỉ biết loanh quanh dòm mấy ngôi mộ, chửi bậy rồi bỏ đi. Chúng cho rằng, nếu đội du kích có ở thì ở hẳn trên núi chứ không dại gì nằm giữa khu đồi trống trải này. Bởi thế, đã hơn hai năm, khu căn cứ của đội du kích vẫn giữ được an toàn, kể từ ngày thằng giám Tuân làm phản.

Những buổi sáng đến với khu đồi thật yên tĩnh. Gió từ biển thổi lên khua động những bụi tầm ma già cỗi. Một con bìm bịp đi ăn đêm về muộn vỗ cánh hốt hoảng ở ven đồi. Rồi mặt biển rạng dần trong màu tím sẫm. Sao nhạt đi trên bầu trời và mặt đất ướt đẫm những hạt sương sớm như mưa bụi.

Vào lúc đó, các anh du kích đã đi hoạt động trở về, ngồi túm tụm trên thành mấy ngôi mộ cổ hút thuốc, nói chuyện tầm phào, chờ cái Thêm mang cơm đến. Từ ngày về ở với đội du kích, cái Thêm được giao làm cấp dưỡng. Nó nấu ăn cẩn thận chứ không đểnh đoảng như chị. Ăn xong mọi người cầm theo phần cơm trưa xuống hầm, để lại một khu đồi hoang vắng với những con đường mòn chạy ngang dọc như chân nhện.

Một bữa đang phụ với Thêm và Dũng nhỏ dọn cơm, chị nghe tiếng một anh du kích nói với anh Cường:

- Coi bộ con Quy và con Thêm lớn rồi, bổ sung chúng vào du kích thôi. “Bồ câu” chớ “Chim Én” chi tụi nó.

- Nẫu sắp kêu tụi mình bằng anh như kêu thằng Cường cho coi!

- Thằng Cường chờ con Quy lớn lớn chút, tụi tao làm lễ cưới cho. Cách mạng còn dài dài, nhịn làm chi cho cực!

Câu nói có phần tụi tĩu của chú du kích già làm chị nóng rát khắp mặt. Chị không nghe anh Cường nói gì. Anh vốn nói ít, thường không hay tranh cãi. Những ngày gần đây, chị mới biết anh nguyên là cán bộ của huyện đội biệt phái xuống xã. So với các cán bộ trên biệt phái xuống, anh là người trụ bám ở xã chị được lâu hơn cả. Trước chị không hề quan tâm tới điều đó. Chỉ biết anh là người chỉ huy trực tiếp đội “Chim Én” và không phải là người ở quê chị. Dần dần, cùng với tuổi lớn, chị tò mò muốn biết về anh. Thoạt đầu chỉ là bản năng của một đứa trẻ. Sau thành nhu cầu, chị nơm nớp lo hòa bình, anh sẽ không còn ở xã chị, như vậy chị cũng không còn được sống gần anh nữa.

Sớm ấy anh Cường về trễ. Trong bữa ăn, anh thông báo cho mọi người hay sư đoàn Sao Vàng đã trở về, hiện đang đứng chân trên suối Đá Tượng, bên Hoài Ân. Tin ấy làm mọi người háo hức. Rốt cuộc điều mà họ hằng mong mỏi đã đến. Họ sôi nổi bàn tính đến những trận đánh sắp tới của sư đoàn. Chắc chắn bọn giặc sẽ không còn hơi sức đâu để nống ra, càn quét xuống vùng Đông của họ. Chúng sẽ buộc phải co về các cứ điểm và tình hình nhờ vậy mà sẽ dễ thở hơn …

- Anh Ba có nhớ hồi họ diệt trận địa pháo Mỹ ở Xuân Sơn không? - Một người nói hào hứng - Họ làm mới gọn chớ, đánh ra đánh!

Một người khác:

- Chỉ cần họ nện cho vài cú ở tây đường là mình ngon hung rồi. Sao họ về trễ vậy, Cường?

- Họ có cái khó của họ. Thiếu hết mọi thứ. Người, súng đạn, gạo. Đau nhất thiếu dân - Anh Cường nói - xã mình còn đỡ. Các xã khác thành khu trắng trơn hết. Không dân, tài thánh cũng chịu.

Buổi sớm hôm ấy sẽ rất trọn vẹn với chị nếu anh Cường không tin thêm: thằng giám Tuân đã chữa lành vết thương và mới từ Quy Nhơn trở về. “Nó mập và khỏe như con bò tót”. Anh Cường thở dài. “Diệt nó thiệt khó. Nhưng không diệt không được. Nghe nói nó sắp được đề bạt thay thằng Thưởng, phó cảnh sát quận”.

Miếng cơm nhạt thếch trong miệng chị. Kẻ tử tù của chị đã trở về. Không những nó không chết mà còn thăng chức. Tại chị hết. Hai lần giáp mặt, cả hai lần đều giết hụt. Chị lại thấy giận mình quá. Cổ chị nghèn nghẹn. Nước mắt chị chực trào ra vì phẫn uất, hổ thẹn.

- Thôi, lần này để nó cho tao, Cường - Chú ba nói - Nó dạn đòn. Phải tính cách khác chớ không dùng đám trẻ được.

- Tôi cũng đang nghĩ vậy.

Chị lóng ngóng thu dọn chén đũa đi xuống chân đồi, đứng khóc rất lâu bên khe nước, cho tới khi thằng Dũng bước xuống.

- Nè chị Tư, em và chị lãnh việc diệt thằng giám Tuân nghe chị. Mình làm lẹ, mấy chú chưa kịp làm đâu.

- Nhưng anh Cường đâu còn tin chị - Chị nói trong nước mắt.

- Mắc chi không tin. Diệt nó bấy giờ phải mạng đổi mạng. Để em nói với ảnh.

 

3.

 

Loạt đạn xé nát không khí buổi sớm yên ả của khu căn cứ. Chị và thằng Dũng đứng sững ở khe nước, chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì những loạt đạn khác đã vang lên lẫn tiếng chân chạy và tiếng la hét của tụi lính. “Bị tập kích rồi!”. Chân tay chị run bắn, bủn rủn như muốn quỵ xuống. Riêng thằng Dũng thì vẫn tỉnh khô. Nó vừa vẩy vẩy nước ở chồng chén đũa cầm trong tay vừa hỏi chị:

- Có chuyện chi vậy chị?

- Địch.

Giọng chị lạc đi.

- Thế thì phải đánh chớ.

- Mình đâu có súng. Nói khẽ thôi - Chị nhớn nhác nhìn lên đồi. Người đầu tiên chị nghĩ đến là anh Cường.

- Để em lên lấy - Thằng Dũng nói và toan chạy đi. Chị vội túm lấy vai áo nó kẹp giật lại. Vừa lúc, một bóng người cầm cây AK chạy lao xuống khe nước. Chị mừng rỡ nhận ra anh Cường.

- Địch tập kích, rút thôi. - Anh nói hào hển - Đội du kích có đứa làm phản.

- Còn cái Thêm - Chị mếu máo vừa chạy theo anh vừa hỏi.

- Chú Ba và Thêm chết rồi. Mấy người còn lại mỗi người chạy một nẻo. Vất cái chậu đi, còn cầm theo làm gì cho cực - Anh gắt.

Lúc đó chị mới biết tay mình vẫn còn cầm theo chiếc chậu nhôm vẫn dùng để đựng cơm và nước uống. Ba người chạy men theo một bờ thổ, chị vấp ngã giúi giụi. Thỉnh thoảng, anh Cường dừng lại dòm chừng về phía sau. Ngay sát chỗ khe nước có bóng người đứng lố nhố! Trước mặt họ là một vạt ruộng trống. Bên kia là đồi mì. Bằng mọi giá cũng phải băng qua vạt ruộng ấy!

- Thằng Cường vừa chạy xuống lối này. Nó là thằng cỡ bự - Một tiếng quen thuộc vọng xuống.

- Thằng Kích! - Anh Cường rít lên. Chị cũng nhận ra ngay tiếng thằng Kích. Cái thằng vừa mới nhắc các trận đánh của sư đoàn Sao Vàng. Nếu nó không phản bội, làm sao bọn giặc có thể mò tới khu đồi này. Chị thoáng nhớ tới cặp mắt của nó thường chằm chằm dòm vào ngực chị. Những lúc đó chị thấy mắc cỡ, khinh ghét nó nhưng cố xóa đi cảm giác ấy.

- Làm sao bây giờ, anh? - Giọng chị trở lại bình tĩnh. Bên cạnh anh, chị không còn thấy sợ chi hết. Dũng nhỏ thì vẫn thản nhiên, tưởng chừng nó đang tham dự một trò chơi nào đấy.

Phía khe nước bọn lính dồn đến mỗi lúc một đông. Có tiếng loảng xoảng của thau, chậu bị đập vỡ.

- Tụi nó vẫn quanh quẩn đâu đây thôi, trung úy - Vẫn  tiếng thằng Kích.

Súng lại nổ ran trên đỉnh đồi. Tiếng nổ dội vào vách núi Kho rền rĩ. Trời rạng dần. Bọn giặc bắt đầu rời khe nước đi về phía ba người. Chúng đi dè dặt, lò dò từng bước. Đi đầu là thằng Kích. “Quân chó đẻ”. Anh Cường chửi rít qua khẽ răng. Anh giơ súng nhằm vào cái dáng thấp lùn của thằng Kích. Nỗi căm ghét làm tay run rẩy. Chị lo anh bắn trật. Ngực chị như bị ai đó bóp chặt, mỗi lúc một chặt. Bên cạnh chị, Dũng nhỏ thở gấp, chắc nó đang ước một trái mỏ vịt.

Một tiếng nổ giòn khô. Chị nhìn thấy thằng Kích đang bước lom khom chợt khựng lại, té sấp. Bọn lính cũng vội nằm bệt xuống, bắn loạn xạ về phía bờ thổ. “Đáng đời mày”. Anh Cường lẩm bẩm đoạn quay qua bảo chị:

- Bây giờ thế này. Anh sẽ chạy lên sườn gò kia quần nhau với tụi nó. Em dẫn Dũng chạy lên vạt mì. Tối chờ anh ở vườn nhà em, anh sẽ lại.

- Không, tụi em đi cùng anh - Chị kêu khẽ, hoảng hốt.

- Không được - Mắt anh quắc lên. Khuôn mặt trở nên kỳ dị, hung dữ. Không mấy khi chị thấy anh dữ dằn như vậy.

Chị chưa kịp nói gì thêm, anh đã nhổm dậy, lia một băng rồi vọt lên mé đồi. Bọn giặc đang nằm sấp dưới ruộng vội la hét lao theo. Không còn đứa nào ngó ngàng tới chị và Dũng. “Đi thôi, em”. Chị nói. Hai chị em chạy trầy trật qua vạt ruộng lên đồi mì. Sau lưng chị súng của bọn giặc vẫn nổ. Không nghe tiếng súng của anh Cường bắn lại. Chị bước đi bập bỗng, tan nát. Chị biết, anh không thể thoát được. Chúng nó đông vậy, anh chỉ có một mình. Rồi tiếng súng cứ xa dần, xa dần cho đến khi dứt hẳn. Chị thấy ghê tởm mình quá. Chị đã bỏ anh lại để chạy lấy thân. Anh luôn luôn lo cho chị, còn chị chỉ biết lo cho mình. Chị muốn quay ngay trở lại, có chết thì cùng chết với anh. Chị không thiết sống nữa.

- Dũng nè, bấy giờ em về chỗ ngoại nghe. Chị phải quay lại với anh Cường - Đang đi, chị đột ngột dừng lại bảo Dũng.

Thằng Dũng trợn tròn mắt nhìn chị:

- Chị quay lại để chết sao? Súng không, lựu đạn không. Chị cứu anh Cường sao nổi?

- Muốn gì chị cũng phải quay lại. Thôi em về đi, nghen. Nếu chị và anh Cường còn, mai mốt chị sẽ đến kêu em. Nghe chị đi Dũng - Chị van vỉ như người hụt hơi, nước mắt trào ra trên má.

- Chị nói thiệt kỳ. Rồi anh Cường sẽ về vườn nhà chị tìm mình. Em đố tụi nó làm gì được ảnh.

Ngẫm nghĩ một lát, nó bảo:

- Nếu chị muốn chết thì giết xong thằng giám Tuân hãy chết. Chết một mình uổng. Thôi đi chị. Tụi nó sắp mò tới chỗ này bây giờ đó.

Lời nói ấy có tác dụng lạ lùng đối với chị. Chị như bứt khỏi một cơn mê sảng. Thằng Dũng nói đúng. Chị không thể chết khi thằng giám Tuân vẫn còn sống.

Buổi chiều, ý muốn trở về khu đồi lại đốt cháy trong đầu chị. Muốn gì chị cũng phải trở lại để chôn cất Thêm và chú Ba, phải xem anh Cường và mọi người có việc gì không. Nếu anh Cường bị thương thì phải băng bó, đưa về chạy chữa. Chị không thể chịu đựng được tâm trạng cồn cào, thiếu hụt như lúc này. Chị cảm thấy bơ vơ, côi cút, giống như buổi chiều trở về chôn cất cha chị. Từ ngày mai, ngày mốt chị sẽ sống ra sao nếu như anh Cường không còn sống?

Chị nói ý định đó với Dũng. Không dè lần này Dũng chấp nhận ngay. Hai chị em liền đi ngược lại con đường vừa chạy khi sáng. Chị đi hấp tấp, vấp té liên tục. Nhưng lúc đã đứng ở đồi mì nhìn sang chị lại thấy lo lắng. Khu đồi đã hoàn toàn yên tĩnh. Chị muốn chạy qua ngay song lại sợ bọn địch vẫn còn nằm rình rập ở bên đó. Thế là đành ngồi chờ trời tối. Chị nhìn thấy xác thằng Kích trên vạt ruộng. Nó vẫn nằm đấy, vàng nhợt dưới ánh nắng. Từ ven đồi, một con chó hoang cụp đuôi chạy xuống. Lúc đi ngang cái xác, nó dừng lại hít hít một hồi rồi bỏ đi. “Chó cũng không thèm cái đồ phản bội” - Chị thầm rủa.

Ngồi trên đồi mì, gan ruột chị nóng như lửa đốt. Mặt trời như trêu ngươi không chịu xuống thấp mà cứ treo lơ lửng mãi trên đỉnh núi. Chợt có tiếng đập cánh và tiếng kêu nhớn nhác của mấy con le le trên đỉnh gò. Chị giật mình, dòm sang, thấy nhột khắp người. Năm sáu cái bóng áo rằn ri đang nối nhau đi xuống. Chúng nó vẫn nằm phục suốt từ sáng. Thật may cho chị và Dũng. Chờ cho bóng tụi lính khuất hẳn, chị quay qua phía Dũng:

- Bây giờ sang được rồi. Nhưng phải thật cẩn thận, nghe em. Để chị qua trước.

Nhưng thằng Dũng không chịu. Chị vừa bén gót nó đã bám theo liền. Hai chị em đi ngang xác thằng Kích. Dũng nhổ nước bọt, cái đầu to kỳ dị của nó ngúc ngắc. Còn chị thì quay đi, nghe lờm lợm nơi cổ họng. Trên đỉnh đồi, nơi mọi người ngồi ăn cơm khi sớm, đất bị quật lên từng tảng. Thêm nằm ngay bên những tảng đất vương vãi đó, trên người không còn mảnh vải. Cách đây một quãng là chú Ba. Chú nằm cuộn tròn như những lúc lên cơn đau bụng kinh niên. Một tay chú với về phía trước.

- Em đi coi xem còn ai nữa không? - Chị quay về phía Dũng, không muốn Dũng nhìn thấy Thêm trong tình cảnh ấy. Dũng như chợt hiểu, nó lảng đi. Chị nhìn quanh. Cả bốn căn hầm của đội du kích đều bị giật mìn. Riêng căn hầm của chị và Thêm nằm dưới một bụi tầm ma thì hãy còn nguyên vẹn. Chị chạy lao đến, hấp tấp giở nắp hầm, chui xuống vơ vội bọc quần áo thì nghe tiếng thằng Dũng kêu lớn:

- Chị Tư, chú Sáu đây nè, cả chú Ngãi nữa.

Chị cài nhanh khuy áo cho Thêm rồi chạy về phía Dũng. “Nói nhỏ thôi, lỡ tụi nó còn lẩn quất quanh đây thì sao!”. Từ xa, chị đã nhìn thấy chú Sáu và anh Ngãi. Hai người nằm đè lên nhau. Lưng áo rách nát. Máu đổ xuống thành vũng tím đen trên mặt đất.

- Coi thử có thấy anh Cường không em? - Giọng chị run run - cứ để chú và anh ở đó!

Hai chị em cùng chạy lộn lại chỗ khe nước. Từ khe nước lại chia nhau sục vào các bờ bụi, nơi khi sáng anh Cường đã chạy qua, nhưng không thấy gì. Trong đầu chị lóe lên một tia hy vọng. Như vậy anh đã chạy thoát. Lạy trời cho anh không việc chi hết. Bỗng chị đứng sựng. Trên một vạt đất trống phía sườn gò, một người nằm úp mặt xuống đất, một cẳng chân đứt đoạn rời ra ngay bên cạnh. Chị đứng chết lặng. Trời đất quay cuồng trước mặt chị. Đầu chị như dại đi. Chị sẽ ngã gục xuống nếu ngay lúc đó, không có tiếng kêu của Dũng:

- Chú Hai Liêm. Chị Tư ơi, chú Hai Liêm!

“Không phải anh Cường”. Chị chạy nhào tới, mừng rỡ. Tại sao chị lại mừng rỡ vì không phải anh Cường thì về sau chị không dám thú nhận với chính mình. Nhưng lúc đó, chị đã thở phào, mừng hết chỗ nói. “Vậy là anh ấy không chết, không phải là anh ấy”. Chị cứ lặp đi lặp lại ý nghĩ này cho tới lúc cùng với Dũng trở lại đỉnh đồi.

Trời đã tối hẳn. Vài vì sao bắt đầu mọc lẻ loi, heo hút sau những tảng mây màu xám. Gió thổi rạp những bụi tầm ma trên đỉnh gò. Những con đom đóm không biết từ đâu thi nhau giăng mắc những sợi ánh sáng xanh lét đứt, nối. Thật lạ vì mọi đêm đâu có thấy bầy đom đóm ấy. Chị bỗng nghe rờn rợn. Hai chị em ráng sức khiêng, kéo các thi thể nằm rải rác đây đó về đỉnh gò, đặt xuống các căn hầm bí mật bị phá vỡ, hì hục san lấp, bằng một chiếc xẻng US. Công việc kéo dài tới giữa đêm. Cả hai đều đói và mệt lả.

Riêng Thêm, chị đưa về căn hầm còn nguyên vẹn của mình, để Thêm nằm dưới đó. Sau đấy hai chị em cùng đứng một lát trước những ngôi mộ, không ai nói gì đoạn theo nhau đi xuống. Được một quãng, quay lại nhìn, chị vẫn thấy bầy đom đóm đang giăng mắc những sợi ánh sáng đứt, nối. Gió vẫn thổi ù ù. Rồi khu đồi mỗi lúc một chìm sâu vào bóng đêm, phía sau lưng chị.

 

4.

 

Hiếm có giai đoạn nào con người phải trải qua những thử thách nghiệt ngã như giai đoạn đó. Suốt phần đêm còn lại sau khi từ chân núi Kho trở về, chị và thằng Dũng đã ngồi trong vườn mì thấp thỏm chờ đợi. Một tiếng động khẽ, một cơn gió thoảng qua cũng làm chị giật mình, tưởng chừng chỉ vài phút sau anh Cường sẽ xuất hiện với bộ quần áo bê bết bùn đất. Anh sẽ ngồi xuống bên chị và chị sẽ kể cho anh nghe về chú Ba và Thêm, về những gì hai chị em đã làm ở khu căn cứ du kích …

Nhưng trời sắp sáng mà vẫn không thấy anh đâu. Chưa bao giờ chị mong trời chậm sáng như hôm ấy. Đêm chưa tàn nghĩa là hy vọng của chị chưa mất hết. Cũng có thể anh còn mắc đến các cơ sở khác, thông báo, chuẩn bị cho một kế hoạch nào đấy. Lúc xong việc thì không còn kịp để trở về trong đêm như đã hẹn với chị. Nhưng nếu anh bị thương, bị bắt rồi thì sao? Chị cố xóa bỏ ý nghĩ này song nó cứ hiện ra, cùng với ánh ngày mỗi lúc một rõ khiến chị không thể nào còn lý do để phản bác được.

Suốt đêm, chị lang thang đi trên phần đất trước kia là ngôi nhà của chị. Ngôi nhà từng có một thời thật ấm áp, thật dễ chịu. Bây giờ, nền nhà chỉ còn trơ lại một vài đoạn gỗ dừa, một ít cây cột cháy dở. Căn hầm cha chị nằm trước lúc qua đời cũng đã sụt lở. Chị bước xuống căn hầm, như còn thấy thoảng lên mùi thuốc rê quen thuộc của cha. Chị bàng hoàng nghĩ rồi tất cả sẽ nhòa đi, mất đi để không còn một dấu tích nào nữa. Chị ngồi xuống bộ ván lót dưới đáy hầm. Thế là hết, hết trơ trọi. Không nhà cửa, không người ruột thịt. Đoàn thể cũng không … và mối thù chưa trả xong lại rừng rực cháy trong người chị.

Lúc chị bước ra khỏi căn hầm thì trời đã rạng. Một người đàn ông có tuổi, đứng bên chum nước bể miệng như đang chờ đón chị.

- Quy đó à con. Con về hồi nào? - Người đàn ông cất tiếng khàn khàn hỏi.

- Cha … a! - Chị kêu lên rồi chạy lao tới. Đôi bàn chân ríu lại, lấp vấp.

- Chú đây mà con. Bình tâm lại đi. Chú bảy đây!

Nhưng hầu như chị không nghe thấy gì hết. Chị vẫn chạy lao tới té nhào vào vòng tay của ông, miệng vẫn không ngớt lắp bắp “Cha, cha ơi!”.

Ông Bảy để yên. Đôi bàn tay gân guốc vuốt nhẹ lên đôi bờ vai của chị. Lòng ông se lại. Ông không nỡ dứt đi sự nhầm lẫn mà ông biết nó sẽ vò xé thêm nỗi đau trong lòng đứa cháu khi nó hồi tỉnh lại.

Lát sau, hai chị em đã ngồi ăn cơm bên nhà chú Bảy. Nhịn suốt từ sớm qua đến giờ nhưng chị không hề thấy đói. Thằng Dũng cũng vậy. Nó bảo chỉ thèm ngủ. Chị mong anh Cường. Liệu giờ này anh đang ở đâu?

- Chính con bắn bị thương thằng giám Tuân hả Tư? - Chị nghe tiếng ông Bảy hỏi.

- Từ bữa đó, người ta bàn tán dữ. Không bữa nào tụi lính không sục vô đây kiếm con và ông trung úy biệt động. Cái mạng hắn lớn quá.

- Sớm muộn hắn cũng phải đền tội thôi chú!

- Vừa ở nhà thương về, hắn đến trụ sở hội đồng xã liền và ở miết trỏng. Đi, phải có một tiểu đội lính kèm. Nhà, hắn cũng không về nốt.

- Chú bảo hắn ở lì trong trụ sở hả chú? - Chị hỏi.

Cơm nước xong, chị bảo Dũng:

- Chị em mình ráng chờ anh Cường đêm nay nữa. Biết đâu đêm nay ảnh sẽ về. Tụi nó đừng hòng làm chi được ảnh!

Chị nhẹ người khi nói ra được cái điều mà chị thừa biết nó quá ư mỏng manh và không có cơ sở nào hết.

Rồi đêm lại trôi qua trong vườn mì già cỗi. Vẫn không thấy anh Cường trở về. Mấy lần đang mơ mơ ngủ chị choàng tỉnh dậy; chạy ra con đường dốc, cố nghĩ rằng anh đang hối hả bước lên với dáng đi chắc nịch, hơi lao về phía trước. Nhưng con đường dốc vẫn vắng ngắt. Chị lại thất thểu trở vào, nằm xuống bên cạnh Dũng. Chị nhớ anh, mong anh khắc khoải, không phải với một nỗi lo sợ đơn thuần mà với một cái gì thật da diết, sâu nặng. Chị không thể thiếu được anh. Anh trai chị chết, chị Hảo chết, cha chị chết, chị cũng không đau đớn bằng khi thiếu anh. Chị hoảng sợ với ý nghĩ này song không muốn xóa bỏ nó. Thời gian vừa qua, anh đã là tất cả đối với chị, vừa là cha, là anh, là chị Hảo… “Thằng Cường chờ con Quy lớn chút chút, tụi tao tổ chức cho…”. Sớm qua chú Ba còn nói vậy và đêm nào, chị còn dại dột hỏi sau này anh có sống với chị như vợ chồng không? Cái khái niệm vợ chồng của chị ngày đó thật đơn giản. Chị chỉ nghĩ tới chuyện sống với nhau, cùng ăn, cùng làm …Vợ chồng là thế. Và khi anh đường đột ôm riết lấy chị, chị đã đẩy anh ra và thấy thật kinh tởm … Nhưng lúc này, trong khi nằm co quắp giữa vườn mì già cỗi mong đợi anh, chị đã hiểu hết mọi thứ. Hình như ở lứa tuổi mười lăm, sự thay đổi diễn ra từng ngày. Một cái gì đó thật mảnh, thật mơ hồ đang hình thành, đang vỡ ra để biến một cô bé thành một cô gái trọn vẹn.

Và buổi sáng lại chói chang đến tàn nhẫn. Chị xin chú Bảy mấy thẻ nhang rồi rủ Dũng đi thăm mộ cha, mộ anh Dương, chị Hảo. Cả bốn ngôi mộ được chôn trên một vạt đất nhỏ, dưới chân đồi. Chị thắp nhang, lại nhớ tới Dũng lớn. “Con sắp trở về với cha mẹ, anh chị”. Chị khấn thầm trong bụng … “Sớm nay con sẽ tới gặp nó. Con biết làm thế là thật liều, thật mạo hiểm. Nhưng con phải giết chết nó. Cha mẹ hãy phù trợ cho con …”.

Chị cắm nhang, ngồi chờ nhang cháy hết mới cùng Dũng trở về. Chị xuống hầm, thay bộ đồ mới, bảo Dũng:

- Dũng nè, chị tính anh Cường đã bị bắt. Nếu chết, hẳn tụi mình phải tìm thấy xác ảnh. Bây giờ, em tạm về nhà ngoại. Chị đi tìm bắt liên lạc với đoàn thể. Có gì chị sẽ kêu. Nghe chị đi Dũng.

- Em đi với chị. Chị đi đâu, em đi đấy. Sống cùng sống, chết cùng chết - Thằng Dũng nói.

- Vô tổ chức phải có kỷ luật, không phải muốn làm chi cũng được. Hơn nữa má đang bệnh. Em phải coi sóc má, đừng để má lo buồn. Thôi sửa soạn đi em!

Thằng Dũng không nói gì. Nó giận. Lòng chị se lại vì thương nó. Chị sẽ không gặp được em nữa đâu, Dũng ơi. Em phải sống. Ráng sống. Anh Cường còn, nhất định ảnh sẽ tìm cách đưa em ra Bắc học. Gặp ảnh, em nói chị thương ảnh, thương hết sức, nhưng chị không đợi được. Em nói với ảnh đừng sớm quên chị nghen!

Chị cúi xuống tháo chiếc khuyên vẫn đeo ở ngón tay giữa, chiếc khuyên anh Dương để lại, đưa cho Dũng:

- Em cầm giùm chị chiếc khuyên này. Bữa nào về chị sẽ xin lại.

- Chị đừng gạt em - Thằng Dũng cau có - Em thừa biết chị đi diệt thằng giám Tuân một mình. Anh Cường về em sẽ mách hết với ảnh.

Hai chị em im lặng đi xuống đồi. Đến lối rẽ, đột nhiên chị ôm riết lấy thằng Dũng khóc. Mắt nó cũng đỏ hoe. Có ai ngờ, sau cuộc chia tay ấy mười một năm hai chị em mới gặp lại nhau, không phải ở quê hương mà trên một đất nước xa xôi, nơi Dũng đang làm luận án phó tiến sĩ chế tạo máy.

Chị đi về trụ sở hội đồng xã. Dũng về thị trấn Tam Quan. Nếu như buổi sớm hôm ấy, chị biết anh Cường đã bị thương vào chân, đang nằm lê lết trong một gộp đá trên núi Kho, chắc chắn chị sẽ không hành động như sau đấy vài giờ chị đã hành động. Nhưng chiến tranh là như vậy. Chị đã trải qua những ngày đêm quá sức căng thẳng. Trong thâm tâm, chị muốn chấm dứt ngay sự căng thẳng ấy. Thêm nữa chị tính rằng, nếu như anh Cường bị bắt nhất định chị sẽ được gặp anh. Lúc này được gặp anh là một nhu cầu bức thiết đối với chị.

 

5.

 

Trụ sở nhà hội đồng xã nằm ngay ở khu đất trường phổ thông cơ sở bây giờ. Nó vẻn vẹn gồm ba ngôi nhà lợp tôn xếp theo hình chữ U, nằm sát cạnh đường 1. Xung quanh khu nhà là hàng rào kèm gai, bốn phía đều có bót gác. Sau lưng nó là một đồn bảo an cỡ trung đội và trước mặt ở bên kia đường là căn cứ trung đoàn 40 ngụy, một căn cứ lớn, nằm trọn vẹn trên một dãy đồi thấp kéo dài gần hai cây số.

Thực ra, khi đến gần khu nhà chị đã thoáng một chút do dự. Nếu kế hoạch đổ bể thì sao? Hoặc thằng giám Tuân không có ở trỏng? Chị nhớ lần bị bắt ở chợ Bộng năm trước, lại thấy gai gai khắp người. Nhưng chị đã tới trước cái cổng có bót gác. Mấy thằng dân vệ đã dòm thấy chị. Không thể lui về được nữa. Lui chúng sẽ kêu, không lại tất chúng sẽ bắn. Nghĩ vậy, chị bước thẳng tới chỗ bót gác:

- Mấy chú cho con vào gặp ông Ba Tuân - Chị nói cũng không hiểu mình lấy đâu được tiếng nói và bộ dạng tự nhiên đến thế.

- Cô em là gì với ổng? - Một thằng hỏi, cợt nhả - Đừng kêu tụi anh là chú, nghe!

- Dạ, em là cháu ruột ổng.

Từ căn nhà phía trong bót gác, có tiếng nói vọng ra:

- Người nhà ông Tuân thì cho vô. Tụi mày đừng chọc con nhỏ. Ổng đập bể sọ!

Chị đi thẳng vô trong sân. Thằng dân vệ gọi với theo:

- Quẹo về phía tay mặt, cô em. Ổng ở căn phòng cửa sơn màu ghi đó.

Chị lấy làm ngạc nhiên vì không một người nào trong khu nhà để ý tới chị. Chị nghe tiếng tranh cãi lầu bầu ở một căn phòng nào đấy, tiếng máy chữ gõ lách cách và tiếng chuông điện thoại. Chị thấy ơn ớn dọc sống lưng, luôn cảm giác có người đang dòm mình. Chị chờ đợi một tiếng quát: đứng lại, hoặc một cú đánh vào đầu hay một viên đạn. Nhưng không có gì xảy ra. Chị bước lên hiên nhà, tới bên cánh cửa sơn màu ghi sáng, cố trấn tĩnh rồi đưa tay gõ cửa. Tiếng gõ cửa vang lên cùng với tiếng tim chị đập thùm thụp nơi ngực.

- Ai đó, mời dô! - Tiếng thằng giám Tuân. Chị giật mạnh cánh cửa, đồng thời tay rút nhanh khẩu K.54 ở lưng quần. Thằng giám Tuân vẫn ngồi sau bàn giấy, chưa ngẩng lên nhìn chị. Mặt bàn bề bộn những chiếc cặp có dây buộc, máy điện thoại và khẩu Côn 45 chặn lên một chồng giấy. Chị chằm chằm nhìn vào khuôn mặt nó. Khuôn mặt hồng hào sau ba tháng nằm nhà thương trở về. Nó đã phải mang kiếng cận. Hồi ở nhà chị, khi đọc và viết, chị không thấy nó mang kiếng.

Bất chợt thằng giám Tuân ngẩng lên. Nó sửng sốt khi nhìn thấy chị. Nó nhận ra chị rất nhanh. Miệng nó há hốc và cứ trân trối nhìn chị. Khuôn mặt hồng hào của nó trắng bệch. Nó lắp bắp một câu gì không rõ, bàn tay quờ quạng tìm khẩu súng, nhưng không hiểu sao, nó rờ tìm miết mà không chạm vô báng súng đặt sát ngay cạnh nó.

- Ngồi im - Chị nói qua kẽ răng - Tao đến để đòi nợ mày. Đồ phản bội. Mày đã giết anh tao, chị tao, cha tao. Mày đã giết anh Cường, mày …

Thằng giám Tuân kêu thét lên một tiếng. Nó chồm dậy khi chị siết tay vào vòng cò. Viên đạn trúng chóp đầu nó. Nó gục ngay xuống bàn.

- Viên đạn này cho chị tao, viên đạn này cho cha tao, viên đạn này cho tao…

Chị nói và bóp cò liên tiếp. Lúc bọn dân vệ kịp chạy xô vào thì chị vẫn đứng ở nơi cửa, đờ đẫn. Trước mặt chị, thằng giám Tuân nằm gục trên bàn. Máu đổ ra như xối trên đống giấy tờ nó đang đọc dở. Khu nhà nhốn nháo tiếng chân chạy, tiếng quát tháo. Một vật gì đó giáng rất mạnh vào đầu chị. Chị ngã vật xuống, bất tỉnh. Cảm giác đầu tiên của chị lúc tỉnh dậy là cảm giác lãng đãng như đang trôi trên một vật gì thật mềm mại. Chị cứ trôi mãi, trôi mãi cho tới khi thấy mình nằm trơ trọi trong căn phòng mà chị từng nằm hơn một năm về trước.

 

6.

 

Anh Cường nói với chị:

- Chị vợ thằng giám Tuân uống thuốc độc tự sát. Nghe nói thằng con thứ của chị ta không hiểu sao cũng bị xe cán chết trên quốc lộ 1. Người ta bảo hình như nó cố ý lao vào xe chứ không phải bị xe cán. Chị ta đang hấp hối bên bệnh viện. Cô thư ký văn phòng vừa qua bển, nhói chị ta muốn gặp em. Em nên qua với chị ta một chút!

Chị nhìn anh Cường, như không hiểu anh nói gì. Thế là không kịp rồi. Chị vội thu dọn giấy tờ, quên cả khóa cửa phòng chạy nhào sang bệnh viện.

Mấy bữa trước, sau lần gặp chú Tư Nhơn, chị đã bàn với nhiều về việc khắc phục những ấn tượng và quan niệm thiếu nhân đạo đối với vợ con những tên ác ôn đã bị giết chết. Đó là những cuộc nói chuyện căng thẳng nhưng cần thiết. Có người ủng hộ chị. Có người phản đối. Chị đã nói quyết liệt rằng, trong giai đoạn này, huyện ủy chủ trương những ai làm tốt nghĩa vụ công dân, dù xuất thân từ thành phần nào, có quá khứ thế nào đều đáng được khen ngợi. Riêng trẻ em, phải để chúng được bình đẳng như nhau, bởi chúng không hề tham dự vào tội ác của cha mẹ chúng và đừng đẩy chúng về phía tội ác mà lẽ ra chúng có thể xa lánh được …

Riêng trường hợp chị vợ thằng giám Tuân, ban chủ nhiệm hợp tác xã đồng ý chia lại ruộng khoán, nhận chị ta vào tổ hợp làm mè xửng, cho chịu tiếp số lúa còn nợ và cho vay thêm một khoản tiền, gạo khác để cứu đói.

- Em không biết vì sao người ta vẫn xa lánh những đứa trẻ. - Sau những cuộc tiếp xúc mệt mỏi ấy, chị nói với anh Cường - Ai dám bảo đảm rằng, những đứa trẻ kia lớn lên sẽ thua kém con em chúng ta nếu như chúng được học hành đến nơi đến chốn. Tại sao gần một chục năm rồi, nhiều người có năng lực ở huyện ta vẫn chưa được giao việc xứng đáng chỉ vì họ phải gánh chịu một quá khứ nặng nề của cha mẹ họ. Tại sao ta lại phân loại, thành kiến, thậm chí còn xa lánh họ?

Anh Cường thở dài:

- Phá vỡ định kiến của một tập thể khó hơn nhiều việc phá vỡ định kiến của một vài người. Nhưng Tư coi, trong nghị quyết của huyện ủy đâu có khác những điều em vừa nói. Đừng vội phê phán. Mỗi giai đoạn có đặc điểm riêng, có những việc cần làm của nó. Cái gì mình chưa làm được ở giai đoạn trước, giai đoạn này đã có thể làm. Đừng vì một hoàn cảnh cụ thể mà dẫn tới những suy diễn không chính xác…

- Trời ơi, anh không hiểu em - Chị kêu lên bực bội - Tôi vô Đảng ở trong tù, tôi hiểu mình phải bảo vệ cái gì, sống chết vì cái gì. Tôi không ưng cái cách biện hộ lỗi thời của anh. Lúc nào anh cũng kêu đổi mới. Nếu vẫn suy nghĩ vậy, tôi tin anh không đổi mới được cái chi hết!

Rất ít khi chị và anh Cường tranh cãi gay gắt như vậy. Thường thì chị nghe anh. Còn anh bao giờ cũng nghe chị với một thái độ bao dung và độ lượng. Đôi lúc nghĩ lại, chị thấy anh có lý. Chỉ vì mẹ con người đàn bà ấy, chị đã nổi sùng lên với anh, đã cáu bẳn, giận dỗi. Suốt ngày qua, chị đã làm mọi việc có thể làm để cứu giúp chị ta nhưng vẫn không kịp. Chị ta đã lăn xuống vực và giờ đây, chị đang đứng bất lực trên bờ vực đó.

- Tụi tôi đã rửa ruột cho chị ấy - Người bác sĩ trực nói với chị - Nhưng vì được đưa tới bệnh viện quá trễ nên chất độc đã ngấm qua thành ruột nhiễm vào máu …

Chị hấp tấp bước vào phòng cấp cứu. Trên giường bệnh, người đàn bà nằm rũ rượu, khuôn mặt gầy võ, xám đen. Chị ta nằm bất động, nhỏ bé như một đứa trẻ. Vừa nghe tiếng chân chị, người đàn bà quay lại. Cái nhìn yếu ớt đọng rất lâu trên khuôn mặt chị. Chị bước tới bên chiếc giường sắt. “Chị Năm!”. Chị gọi khẽ, tiếng gọi làm cho đôi mắt đang lờ đờ của người đàn bà sáng vụt lên.

- Cô ngồi xuống đi cô Tư. - Người đàn bà cất tiếng nói nhỏ, đứt quãng - Trước khi chết, tôi muốn gặp cô … để nói một vài lời. Tôi biết cô không hề ghê tởm tôi như những người khác mặc dù cô có quyền ghê tởm tôi hơn ai hết… Cô đã thương tôi … thương sắp nhỏ. Tôi biết … Chị ta dừng lại, nuốt nước miếng một cách nặng nhọc. Đôi mắt cuống cuồng tìm một vật gì đó ở xung quanh rồi lại đờ đẫn dừng trên khuôn mặt mặt chị - Cô đừng nghĩ tôi là người … Tôi tỉnh táo lắm. Thằng con lớn của tôi đã vượt biên sang Thái… Mới đây nó gởi thơ về, nói sẽ tìm mọi cách để báo thù… Tôi lo sợ quá… Cô nên giữ mình… Tôi hiểu những việc cô làm trước đây… Và bây giờ… Tôi xin cô giúp đỡ thằng nhỏ… nó…

Người đàn bà chợt khóc nấc lên. Tiếng nấc khô khan, nghẹt đứt nơi cổ họng.

- Đừng nói nhảm, chị Năm - Chị nói luống cuống như cố níu kéo một cái gì đó - Mọi việc khác lắm rồi. Ráng điều trị cho khỏe. Chị phải thông cảm cho em mới đúng. Em đến quá trễ. Đừng nghĩ ngợi chi hết. Chị giả điên để làm gì. Bình tĩnh lại đi, chị Năm…

Khuôn mặt xám đen của người đàn bà hơi rạng lên. Một chút màu hồng trở lại nhợt nhạt trên đôi gò má. Chị ta nằm yên với một dáng vẻ thật thanh thản. Nhưng chỉ được một lát, chị ta lại co gập người, giẫy đạp, quằn quại, mép sùi ra những đám bọt màu sẫm. “Chị Năm, chị Năm”. Chị nghẹn ngào gọi. Nhưng người đàn bà như không nghe tiếng. Bàn tay chị ta quờ quạng tìm kiếm. Chị vội nắm lấy bàn tay giá lạnh ấy. Trong hai hố mắt người bệnh ứa ra hai giọt nước đùng đục. Chị ta lại nằm yên rồi cứ thế lịm đi, bàn tay đặt hờ hững trong bàn tay chị.

Buổi chiều, đám tang người đàn bà được thu xếp ngay tại bệnh viện. Một đám tang thật vắng lặng và nghèo nàn. Đi phía sau quan tài chỉ có dăm bảy người bà con xóm giềng. Họ đi vẫn với một thái độ chiếu lệ, ruồng bỏ. Chị ngạc nhiên vì không thấy thằng nhỏ chị gặp bữa trước đâu. Có người nói hình như chị ta đã gởi nó đi một nơi nào đó.

Thế là kết thúc một cuộc đời. Một cuộc đời chắc chắn đầy cay đắng, tủi cực. Chị đã đưa người đàn bà đơn độc ấy đến khu nghĩa địa ở đầu thị trấn với một tâm trạng vừa buồn rầu, vừa lo sợ. Chị luôn thầm hỏi rằng, liệu những gì sẽ xảy ra, sắp xảy ra đối với cuộc sống đơn chiếc, quá ư mỏng manh của mỗi một con người?

 

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chương bốn  (13/05/2005)
Chương ba   (05/05/2005)
Chương hai   (29/04/2005)
Tiểu thuyết của Nguyễn Trí Huân  (22/04/2005)