Chương ba
16:16', 5/5/ 2005 (GMT+7)

1.

Nhưng đã hơn nửa tháng trôi qua, chị vẫn chưa trở lại ngôi nhà ấy phần vì công việc ở hội quá bận rộn, phần vì bị lời nói về trả thù của đứa bé ám ảnh.

Thời gian này, huyện chị đang có cuộc vận động quyên góp tiền, gạo, đồ dùng giúp những người dân vùng đông bắc Cam-pu-chia vừa mới thoát khỏi họa diệt chủng, sau biến cố ngày 7 tháng giêng năm 1979. Anh Cường, chủ tịch huyện giao cho hội liên hiệp phụ nữ huyện phụ trách công việc này và chị được phân công chịu trách nhiệm chính.

Một buổi tối, chị đạp xe tới dự cuộc họp của chị em phụ nữ thôn 4, xã Hoài Hương, nơi có phong trào quyên góp ủng hộ nhân dân Cam-pu-chia khá nhất huyện. Do phải ráng giải quyết nốt một số công việc còn lại trong ngày, nên khi chị đến, cuộc họp đã bắt đầu được nửa giờ. Chị hội trưởng phụ nữ thôn đang báo cáo lại chuyến đi áp tải hàng mới đây của chị sang vùng đông bắc Cam-pu-chia.

Chị đến, lặng lẽ ngồi xuống cạnh mấy bà má. Đêm đó trăng mười sáu sáng vằng vặc. Ánh trăng làm ngọn đèn bão để trên chiếc bàn, nơi chị hội trưởng đang đứng đỏ quạnh, lẻ loi. Những người dự họp ngồi rải rác thành từng cụm, rì rầm nói chuyện.

Phía sau chiếc bàn gỗ, chị hội trưởng vẫn đang say sưa kể về những nỗi khổ của người dân nước bạn và sự bức thiết phải có sự giúp đỡ về mọi mặt của nhân dân trong toàn xã.

Khi chị hội trưởng vừa dừng lại thì một bà má đứng lên. Ánh trăng như đọng lại trên mái tóc gợn sóng bạc trắng của bà cụ.

- Thôi cô Ba ơi, giờ ta bàn cách giúp bà con bên đó cách sao đi. Chớ cứ nói hoài nói hủy về tội ác của bọn Pôn Pốt thì đến khi nào cho hết.

Xung quanh mọi người cười rộ. Lác đác có tiếng hưởng ứng.

Chị hội trưởng hình như hơi bị hẫng. Chị bối rối đẩy cây đèn ra một góc bàn, khuôn mặt đanh lại, vẻ khó chịu.

- Vậy chị em bàn đi. Ai phát biểu trước?

- Tôi thấy không nên quy định. Đã quyên góp thì ai có gì ủng hộ nấy – Một người đứng dậy nói nhanh, vẻ sốt ruột – Mà có riêng xã ta, thôn ta ủng hộ đâu, cả nước xúm vào thì cái chi cũng có hết.

Tiếng cười lại rộ lên, ở góc sân, một người rụt rè đứng dậy:

- Tôi xin phát biểu, - Chị nói nhỏ nhẹ – Tôi thấy các bà con bên đó cần nhất là hạt giống. Ta nên giúp họ lúa giống, cả gà, lợn giống nữa. Phải giúp họ cái làm ra của cải chớ mình lấy đâu mà giúp mãi được.

Chị hội trưởng như bị bất ngờ và khó chịu bởi ý kiến này. Không kịp chờ cho người phát biểu ngồi xuống, chị đã nói, giọng hơi sỗ:

-Giúp mãi! Chưa chi chị đã sợ phải giúp mãi! Người ta giúp xương, giúp máu còn không tiếc huống chi dăm ba cái hạt giống nhà chị. Tôi nói để chị biết. Chị khỏi lo, chưa chắc chúng tôi đã nhận phần ủng hộ của chị đâu, còn lúa giống giờ chưa phải vụ gieo cấy của họ. Gà, lợn, chị tưởng vận chuyển dễ lắm sao? Ba bốn ngày đường làm sao nuôi nổi chúng? Chị tính giùm coi.

-Thì vậy mới cần bàn. Mà tôi hỏi, tại sao không nhận phần ủng hộ của tôi? Tại sao các người đối xử ác với tôi như vậy? – Giọng người thiếu phụ bỗng cao lên, uất ức – Cái gì các người cũng xử tệ với tôi. Tôi hỏi, ba mẹ con tôi có tội gì mà phải chịu cảnh hiếp đáp như vậy?

Chị hội trưởng cười nhạt:

- Chị nên hỏi cái vong linh khốn nạn của thằng chồng phản bội nhà chị. Trồng cây nào phải ăn trái cây ấy. Không ai thèm hiếp đáp nhà chị.

Chị giật mình, chết rồi. Tại sao chị hội trưởng lại nói với hội viên của mình như vậy. Xung quanh, mọi người đang ồn ào bỗng im phắc. Tất cả đều cúi xuống ngượng nghịu, tránh nhìn hai người đang đối thoại. Chị vừa định đứng dậy để sửa chữa sai lầm của chị hội trưởng thì người thiếu phụ đã kêu nấc lên một tiếng rồi vụt bỏ đi như chạy khỏi cuộc họp.

- Chị ấy nói đúng đó, sao lại nói vậy, chị Ba? Kêu chị ấy lại!

Chị kêu lên và vội vã đuổi theo người thiếu phụ. Sau lưng chị mọi người cũng lên tiếng phản dối. Chị còn kịp nghe được những lời trách móc gay gắt của bà má khi nãy. Chị vừa đuổi theo người thiếu phụ vừa gọi, nhưng chị ta không dừng lại mà càng đi nhanh hơn. Chị thấy giận chị hội trưởng ghê gớm, mặc dù biết chồng chị ấy trước đây đã bị chết thê thảm vì một tên phản bội nhưng không thể cố chấp như vậy. Người nào có tội người đó phải gánh chịu. Mắc chi lại bắt họ gánh chịu một cách vô lý tội ác của chồng con họ?

- Nè, chị ơi, quay lại họp đi, chị nói đúng đó. Tôi là cán bộ phụ nữ huyện về họp mà. Quay lại đi, chị Hai!

Chị gọi, cảm thấy đau thắt nơi ngực. Hình như ở đời, có bao nhiêu nỗi khổ, nỗi bất công thì người phụ nữ phải hứng chịu hết cả.

Trước mặt chị, người thiếu phụ vẫn chạy, như đang chạy trốn một cái gì đó. Mảnh áo trắng chị ta đang mặc nhập nhòa dưới bóng cây, rồi đột ngột biến vào một lối rẽ. Chị cũng không từ bỏ ý định. Cần phải gặp chị ta, nói để chị ta hiểu. Dường như chị sẽ bứt rứt suốt đêm nếu không thông cảm được với người thiếu phụ ấy.

Nhưng chị chợt đứng sững trước một ngôi miếu cổ. Không có lẽ lại như vậy. Chị đi thêm vài bước nữa. Một khu nghĩa địa hiện ra với một dãy nhà mồ nhấp nhô, và chiếc trụ sắt dựng bên đường, mười năm qua vẫn sừng sững đứng đó. Chị hấp tấp quay trở lại như sợ người thiếu phụ kia đuổi theo. Mồ hôi chị đổ ra ướt đẫm lưng áo. “Dũng ơi!”. Chị thầm gọi và cái ngày thật bi thảm lại vụt đến với chị. Không có lý do nào vợ của Hai Đích lại chính là người thiếu phụ đó!

 

2.

Sau ngày được cứu thoát khỏi nhà giam của hội đồng xã, sức khỏe của chị dần dần hồi phục. Nhưng chị trở nên đờ đẫn, thích ngồi một mình và xa lánh tất cả mọi người. Mỗi lần nhớ đến buổi chiều ở nhà giam hội đồng xã, chị lại rùng mình, khắp người sởn gai ốc, chân tay run lên cầm cập. Có lẽ những cơn co giật sau này thỉnh thoảng tái phát, hành hạ chị bắt đầu có từ ngày ấy.

Một buổi sớm, sau bữa ăn, anh Cường ngồi lại với chị. Anh ngồi rất lâu trên tấm ván kê sát vách hầm. Khi đôi bàn tay chị bỗng nhiên run lên, anh đã nắm lấy cả hai bàn tay bé nhỏ của chị. Đôi mắt anh như sẫm lại và anh đã nói với chị những lời thật dịu dàng. Không hiểu hơi ấm từ bàn tay hay vì những lời an ủi, xoa dịu của anh mà chị lấy lại trạng thái cân bằng trong cơ thể rất nhanh. Chị còn nhớ rất rõ buổi sáng ngày hôm ấy, một buổi sáng thật thuần khiết và yên tĩnh. Ngoài kia, cách chỗ chị ngồi không xa là mặt biển xanh biếc, vắng lặng như đang bị chìm trong quên lãng.

- Có lẽ em phải đi lên cứ nghỉ ngơi ít bữa – Anh nói – Phải tĩnh dưỡng cho thật khỏe. Anh sẽ đề nghị trên cho em ra miền Bắc …

Chị chợt ngẩng lên nhìn anh, như người đột ngột dứt ra khỏi cơn mê sảng. Một nỗi lo sợ, tủi hổ tràn ngập trong người chị.

- Sao lại thế? – Chị nói giọng đầy nước mắt – Em không đi đâu hết. Em chưa làm được gì ở đây. Em làm khổ anh, khổ mọi người nhiều lắm rồi phải không? Anh muốn tống khứ em đi cho khuất mắt anh phải không?

Nói đến đây chị bật khóc òa lên. Anh Cường nhè nhẹ xoa lên mái tóc cắt ngắn của chị. Anh càng dỗ dành, chị càng khóc to hơn và phải đến khi anh Cường hứa sẽ để chị ở lại với anh, với đội “Chim Én”, chị không cần phải đi đâu cũng sẽ hết bệnh, chị mới thôi khóc.

Đó là lần đầu tiên anh Cường nói với chị điều đó. Về sau không khi nào thấy anh nhắc với chị chuyện đưa chị ra Bắc chữa bệnh nữa. Phần vì sức khỏe của chị đã hồi phục hẳn, phần vì đường đi quá khó khăn và bản thân anh, hình như cũng không muốn xa chị.

Giai đoạn này, tình hình trên quê hương chị vẫn không khá hơn. Địch đóng thêm nhiều chốt điểm trên các trục đường giao thông, nhất là đường số 1. Vì thế, đường dây liên lạc giữa anh Cường và huyện gặp nhiều trở ngại. Có những lúc chị thấy anh ngồi lặng đi, hàm râu đâm ra tua tủa như bàn chải giặt. Anh ngồi lầm lì hàng giờ, khuôn mặt cau có rất dễ sợ. Cũng có những đêm anh trở về thật vui. Anh qua hầm đánh thức mọi người dậy, chia quà cho từng đứa nói rằng, sắp tới sư đoàn Sao Vàng sẽ bám xuống đồng bằng hoạt động và tình hình sẽ dễ thở hơn.

Nhưng cả anh Cường, cả chị và mọi người cứ thấp thỏm chờ đợi mà vẫn không thấy sư đoàn Sao Vàng trở về. Trong khi đó, những đợt lùng sục, càn quét, bắt bớ vẫn diễn ra liên miên ở khắp nơi trên quê hương chị. Thằng giám Tuân vẫn tác oai, tác quái. Sau lần bị chị bắn hụt, nó rất ít khi về nàh mà ở lì trên quận. Mỗi khi nó ra ngoài, thường có một tiểu đội lính đi kèm. Bản thân nó cũng luôn thay đổi hình dạng, khi mặc đồ lính dù, khi mặc thường phục nhằm đánh lạc hướng sự theo dõi của các đội viên đội “Chim Én”.

Một đêm cuối tháng năm, anh Cường trở về với bộ đồ lính biệt động vào quãng hai giờ sáng. Lúc đó chị đã thức giấc và đang nằm trăn trở trên võng. Trong ngách hầm, thằng Dũng nằm co quắp trên tấm ván, còn Thêm thì ngủ li bì bên cạnh chị. Nó mới lên cơn sốt từ hồi sáng.

Nghe tiếng chân người bước xuống hầm, chị choàng tỉnh . sau đó là thằng Dũng, rồi Thêm cũng lật người khỏi võng. Đôi mắt mở sáng long lanh trong bóng tối

Anh Cường bỏ mũ, ngay lối cửa ra vào. Chị biết những lúc như thế, anh sắp nói một điều gì đó hệ trọng, hoặc giao nhiệm vụ, hoặc báo động chuyển địa điểm vì có kẻ đã phản bội. Và chị đã đoán không lầm.

- Có một thằng làm việc ở văn phòng huyện ủy mới ra chiêu hồi mấy bữa nay – Anh nói giọng trầm trầm – Nó tên Đích, nhà ở xóm 4, Hoài Hương. Sớm nay nó chỉ điểm khui một căn hầm làm chết hai cán bộ xã. Cơ quan huyện đã phải di chuyển. Cần phải diệt ngay nó. Trên tín nhiệm giao cho đội “Chim Én” … - Anh dừng lại, như để chờ xem phản ứng của mọi người ra sao rồi nói tiếp:

-Việc này anh tính giao cho Dũng và Quy. Thế nào, được chớ? – Anh hỏi theo thói quen.

- Còn em thì sao, anh Cường – Thêm hỏi hốt hoảng.

- Em đang bệnh, khỏi sẽ có việc khác. Trận này anh để Quy đi vì dưới đó, chưa ai biết Quy cả. Ở xã nhà, bọn dân vệ và thằng Tuân tường mặt Quy rồi, Dũng sẽ thi hành bản án, còn Quy đứng hỗ trợ. Việc gấp không được trinh sát rồi mới đánh như mọi khi. Dũng và Quy tính sao?

Chị giật mình trước câu hỏi của anh Cường. Người chị thoắt rét run, vừa ơn ớn, vừa háo hức, chị chưa kịp đáp thì Dũng đã nhanh nhảu:

- Đường xuống xóm 4 em biết. Dễ ợt mà. Quy chưa khỏe để em đi một mình.

- Em đi được, - Chị vội nói – Nếu Dũng không ưng đi với tôi thì để tôi đi một mình. Tôi cũng biết đường xuống xóm 4. – Chị nói liều.

Anh Cường cười:

- Không thể đi một mình được. Cứ vậy nghe, thôi ngủ tiếp đi. Lát anh sẽ bàn cụ thể với Quy và Dũng.

 

3.

Nắng sớm trải dài trên con đường đất đỏ chạy sát ven biển. Rải rác hai bên đường là những nghĩa địa cổ. Người dân vùng biển quê chị thường xây mộ bằng đá ong, hình con thuyền. Mũi thuyền luôn hướng về phía biển.

Buổi sáng hôm ấy, chị và Dũng đóng vai hai anh em xuống quê ngoại ở Hoài Hương ăn giỗ. Trong chiếc giỏ xách của chị lỏng chỏng vài bó trầu, chục cau và hai thẻ nhang Dũng mua ở quán bà Năm dưới chân đồi Mồng Gà. Trước khi đi cả hai được anh Cường cho coi hình Hai Đích. Đó là một trung niên trạc tứ tuần, tóc  chải lật, rẻ đường ngôi giữa trán. Đôi mắt Hai Đích hơi lồi, lòng trắng nhiều, coi đùng đục. Điều đáng nhớ là một mụn cơm to bằng đầu đũa ở giữa cằm. Cái, mụn cơm đó thì không trộn lẫn với ai được.

Theo kế hoạch, đến xóm 4, Dũng sẽ hỏi nhà Hai Đích. Anh Cường nói nhà Hai Đích ở rất gần khu nghĩa địa. Sau đấy Dũng vào nhà, còn chị đứng ở ngoài cổng chờ. Nếu Hai Đích không có nhà. Dũng sẽ trở ra cùng ngồi chờ với chị ở khu nghĩa địa, giả đò cắm nhang ở một ngôi mộ nào đó. Đánh xong, cả hai phải tìm đường xuyên xuống mé biển.

Từ chân đồi Mồng Gà, hai người đi tắt qua mấy vạt ruộng đến trục lộ chính, trộn lẫn vào những người dân đi chợ cá Hoài Hương. Khẩu K.54 của chị để dưới đám lá trầu. Vì công việc gấp, Dũng không kịp rẽ qua nhà, qua nghĩa địa thăm mộ bố mẹ như thói thường Dũng vẫn làm. Nó có vẻ bồn chồn và đăm chiêu. Riêng chị, chị thấy lo và sốt ruột. Chị gia nhập đội “Chim Én” đã lâu nhưng vẫn chưa làm được công việc gì và điều day dứt, bức thiết nhất với chị hồi đó là diệt thằng giám Tuân, trả thù cho cha, cho anh Dương, cho chị Hảo, và cho chính bản thân mình thì cho đến giờ chị vẫn chưa làm được. Thêm vào đó, chị còn gấy ra bao nhiêu phiền nhiễu cho anh Cường, cho đội. Nghĩ đến điều này chị càng cảm thấy tủi thân và hổ thẹn.

Nhưng dù sao, chị cũng thấy mình đã khôn lớn, dày dạn hơn. Cái ý muốn lập công nhiều lúc như muốn đốt cháy một cái gì đó trong con người chị. Chị chợt nghĩ ra ý nghĩ thương lượng với Dũng, để Dũng nhường chị diệt tên Đích, còn Dũng sẽ ở bên ngoài hỗ trợ. Đối với chị, kẻ phản bội nào cũng độc ác, tàn bạo như thằng giám Tuân. Giết nó phải là chị nhớ không phải Dũng. Như vậy có lý hơn. Chị nghĩ giận anh Cường. Hẳn là anh vẫn chưc tin ở chị nên mới giao việc nổ súng cho Dũng.

- Dũng nè, Dũng để mình thay Dũng diệt tên Đích, được không? – Chị nói với Dũng – Dũng đã diệt được nhiều tên rồi, tên này Dũng để mình. Mình muốn anh Cường không dám coi mình là con nít nữa.- Xí, bộ mày tưởng làm vậy anh Cường sẽ thương tao hơn hỉ? Ảnh cắt đầu. Như vậy là vô kỷ luật, là mất lập trường hiểu chưa?

Vô kỷ luật thì chị hiểu, nhưng mất lập trường thì đây là lần đầu chị nghe Dũng nói, kể từ khi vào đội.

- Dũng cứ bằng lòng đi, về mình sẽ cho Dũng con dao nhọn. Kỷ luật, lập trường mình xin lãnh hết!

Chị vẫn nằn nì, biết thằng Dũng rất ưng con dao nhọn hai đầu của chị.

- Thôi, đừng có nói xạo. Có mười con dao nhọn tao cũng không đổi, hiểu chưa. Phải biết giữ vững lập trường chớ, - Thằng Dũng nổi cáu, nó chít nước bọt qua kẽ răng.

- Mình biết thằng Dũng không thương mình vì mình không diệt được thằng giám Tuân, mình để bị địch bắt – Chị oà lên khóc – Dũng khinh mình, coi thường mình. Mình biết. Dũng được anh Cường cưng, còn mình …

- Kìa, Quy, - Thằng Dũng phát hoảng. Nó dừng lại bối rối dỗ dành chị – Mắc chi mình không thương Quy. Có điều, anh Cường … Thôi được, nín đi. Giờ hai đứa mình cùng vào gặp nó, cùng bắn nhưng để Quy bắn trước, chịu chưa? Khóc tụi nó biết nó cười cho thúi mũi.

Rồi Dũng sôi nổi bàn kế hoạch với chị, theo một phương án mà nó vừa nghĩ ra. Khi hai đứa tới khu nghĩa địa, nó sẽ hỏi một ông cụ hoặc một bà cụ nào đó: “Thưa bác, nhà chú Hai Đích ở trong kia phải không ạ?”. “Ừ”. Ông cụ đáp. Nó sẽ cảm ơn ông già đàng hoàng rồi cả hai cùng xách làn đi theo lối ông già chỉ. Nếu cổng đóng, nó sẽ gọi: “Chú Hai ơi chú Hai, ra con nhờ chút”. Nhất định vợ hoặc con Hai Đích sẽ ra. Nó sẽ hỏi: “Chú có nhà không cô?” “Có!” “Con có chút công chuyện muốn gặp chú”. Nếu vợ Đích không cho vào, nó sẽ gây gổ, cãi cọ, thậm chí chửi bả, chủ định để Hai Đích ló mặt ra. Nhưng nếu cửa không đóng, hai đứa cứ ung dung đi vô. Nhất định Hai Đích sẽ có nhà. Khi đã giáp Hai Đích, nó sẽ bảo: “Thưa chú, mấy chú trên huyện cho con xuống  mời chú lên”. Thế nào mặt Hai Đích cũng tái đi. Lúc ấy, nó sẽ cười nhạt, bảo chú đã chỉ điểm rất đúng mấy căn hầm và bây giờ đừng có vác mặt ra ngoài đường nữa. Đến đó, cả hai sẽ rút súng ra. Nó sẽ đọc bản án! “Thay mặt đội “Chim Én”, xét tội trạng của tên phản bội, chúng tôi quyết định xử bắn”…

- Nhưng nếu nhà nó có chó dữ thì sao? – Chị hỏi và biết thằng Dũng rất sợ chó dữ. Có lần nó đã làm hỏng việc chỉ vì một con chó cái mới đẻ.

- Nếu vậy thì đành phải nổ súng từ ngoài thôi – Dũng mất hứng xị mặt – Mà mày đừng hỏi nữa. Phải tuỳ cơ ứng biến chớ – Nó chấm dứt câu chuyện và lại chít nước bọt qua kẽ răng.

Lúc đó, mặt trời đã lên cao. Anh nắng bắt đầu gay gắt. Cái lưng áo gầy gò của thằng Dũng ướt đẫm mồ hôi, còn chị thì phải luôn đổi tay xách chiếc giỏ mặc dù nó rất nhẹ. Bên cạnh, chạy song song với con đường là mặt biển xanh thẫm, êm ả và chói chang. Một chiếc tàu tuần tiễu của hải quân ngụy xé nước, kéo theo một cái đuôi bọt trắng xoá.

Đang đi, thằng Dũng bỗng quay lại phía chị:

- Nè, Quy. Mày ngồi dưới gốc cây kia  nghỉ, đợi tao chút nghe!

- Không chờ chị trả lời, nó chạy lao qua vạt rau muống biển xuống bãi cát chói nắng, vừa chạy vừa cởi nhanh chiếc áo, rồi lao xuống mép nước. Lúc ấy nó hoàn toàn là một thằng bé mười bốn tuổi, gầy gò, đen đủi, nhỏ bé trước cái mặt biển im lìm, trải ra vô tận trước mặt.

Chị đành ghé vào một gốc me đứng trơ trọi bên vệ đường, bật cười vì thấy cây me sao giống y thằng Dũng, cũng đen đúa và khẳng khiu, có lẽ nó không trụ nổi với nắng và gió nên còi cọc, lay phay vài đám lá tàn úa. Chị ngồi xuống đám rễ cây. Dưới kia, thằng Dũng đang ngâm mình dưới mặt nước mê mải, tưởng chừng nó đã quên biến mất nhiệm vụ. Anh Cường vẫn thường mắng Dũng tự do, vô kỷ luật đâu có oan. Nhiều bữa Dũng đã làm những việc anh Cường không hề dặn, đôi lần mải chơi, bỏ cả công việc chính. Chị lo, vừa tính chạy xuống kêu thì Dũng đã bước lên bờ, mặt áo, rồi chậm chạp đi về phía chị. Thỉnh thoảng nó lại ngoái nhìn xuống mặt biển như vẫn thém thuồng, còn bỏ quên một cái gì đó ở phía sau.

Trên đường đi tiếp, Dũng buột miệng:

- Nóng quá, phải tắm một cái, kẻo chẳng bao giờ được tắm nữa.

Sau này nhớ lại, chị cứ ngạc nhiên mãi. Hình như lúc đó, Dũng đã linh cảm trước một điều gì và việc Dũng đột ngột bỏ xuống tắm giống như một sự từ giã. Đôi khi, chị vẫn thầm hỏi rằng, liệu con người có khả năng cảm nhận hết được những gì sắp xảy ra đối với mình hay không?

 

4

Việc đi giết một tên ác ôn đối với các đội viên đội “Chim Én” thật đơn giản. Bởi tất cả mọi người đều còn rất ít tuổi. Lớn nhất là mười sáu, còn lại chỉ ở độ tuổi mười ba, mười bốn. Đa số đội viên đều có nợ có thù trực tiếp với những tên ác ôn trong vùng, và việc thanh toán chúng là một lẽ hiển nhiên, hầu như không để lại một chút băn khoăn, do dự nào. “Sự khủng khiếp sẽ bị trả lại bằng chính sự khủng khiếp”. Anh Cường vẫn thường nói vậy sau mỗi trận đánh. Nhưng đi diệt một tên ác ôn, ở một địa bàn khác, gây tội ác với những con người khác mà mình mới chỉ nghe nói chứ chưa được chứng kiến tường tận thì quả có gây những bứt rứt, ngần ngại cho những đội viên trong đội.

Trường hợp Hai Đích là một ngoại lệ.

Có lẽ không còn gì ghê tởm hơn đối với mỗi người dân quê chị trong giai đoạn đó là lòng ghê tởm trước sự phản bội. Điều này cũng ngấm rất sâu vào tâm hồn những đứa trẻ như chị. Vì vậy, khi anh Cường vừa nói tới một tên phản bội, cả chị, Dũng và Thêm đều muốn được thi hành nhiệm vụ dù đấy là một chiến đi hết sức mạo hiểm. Nói mạo hiểm bởi hai lẽ. Thứ nhất, đây là một trận đánh không hề được chuẩn bị. Cả chị và Dũng chưa một lần tường mặt Hai Đích, ngoài việc coi hắn trong một tấm hình đã hoen ố. Thứ hai, nhà Hai Đích nằm sâu trong một hệ thống đồn bốt dày đặc của bọn bảo an, dân vệ. Đường tiếp cận, đường rút không được trinh sát trước. Do đó sẽ rất lúng túng một khi trận đánh không thành hoặc một trong hai người bị địch phát hiện. Trận đánh chỉ có một thuận lợi nhỏ: bởi mới ở cứ về nên chắc chắn Hai Đích dễ chủ quan, không đề phòng và việc tiếp cận hắn với những đứa trẻ như chị không phải là một điều khó.

Bấy giờ, trời đã xế trưa. Nắng như đang bốc cháy trên mái tóc ướt đẫm nước biển của thằng Dũng. Con đường đi Hoài Hương vắng ngắt, không một bóng người. Thằng Dũng bảo chỉ cần vượt qua một dãy đồi thấp, một cánh ruộng nữa sẽ đến địa phận xã Hoài Hương. Từ đó, đi thêm chừng  nửa giờ thì sẽ tới khu nghĩa địa cổ.

Trước mặt hai người, hơi chếch về phía tây, căn cứ núi Voi Quỳ của tụi Mỹ nom lở loét, đứng sừng sững giữa một vùng đồi xơ xác vì bom đạn. Những mái nhà tôn mọc lúp xúp lấp loá dưới đám chân núi. Đó là khu đồn núi Voi. Thằng Dũng kể đã có lần nó lọt được vào khu đồn ấy và đã xoáy được một khẩu Ru-lô của tên ấp trưởng, khiến tên này phải ra toà vì tội để Việt cộng tước mất vũ khí. Hồi đó, Dũng chưa phải là đội viên đội “Chim Én”. Một bữa nó nghe hai anh nó than phiền với nhau về việc không có súng ngắn. “Tao thèm một khẩu Ru-lô của tụi Mỹ quá”. Anh Hai nó nói. Vốn rất yêu và khâm phục anh, nó thầm hứa sẽ kiếm cho anh một khẩu Ru-lô thực thụ. Nhưng lời hứa ấy sẽ mãi mãi bị chôn chặt trong gan ruột nó nếu nó không gặp một dịp may.

Trong một lần theo mẹ đi chợ cá Hoài Hương, Dũng tạt vào khu đồn núi Voi xin nước uống. Khu đồn đó đang được bọn Mỹ xây dựng thành một khu đồn thí điểm. Thằng Dũng vào đúng nhà thằng ấp trưởng, lúc ấy đang ngủ say, khẩu Ru-lô để dưới gối. Nhìn thấy khẩu súng, tim thằng Dũng đập thình thịch. Do dự một lúc, nó rón rén đi vào. Bà vợ thằng ấp trưởng còn đang lúi húi dọn dẹp gì đó ở dưới bếp. Căn nhà bề bộn giường tủ. Trên chiếc bàn bày la liệt đồ nhậu và những chiếc chai đã hết rượu. Dũng bảo lúc ấy nó không hề biết sợ. Khẩu ru-lô đã hấp dẫn nó tới mức không kiềm chế nổi. Nó bước đến và khe khẽ rút khẩu súng ra khỏi gối, đúng lúc thằng ấp trưởng trở mình, miệng đùn ra một dòng nước ói đùng đục, tanh lợm. Thằng Dũng lấy được khẩu súng thật lẹ và đi nhanh ra khỏi nhà. Nhưng tới cửa thì chạm phải mụ vợ. Mụ ta há hốc mồm toan la thì thằng Dũng, theo lời kể của nó, đã giơ khẩu súng lên bằng cả hai tay doạ bắn, khiến mụ vợ chết khiếp cứ từ từ ngồi tụt xuống bậc cửa, mồm há hốc mà không la nổi một tiếng.

Câu chuyện trên có thể xảy ra với Dũng, nhưng cũng có thể Dũng bịa để động viên chị. Cái Thêm thường bảo thằng Dũng là vua nói xạo. Nghe nói Dũng chỉ cười, không hề cãi lại, ngay cả khi điều Dũng vừa kể là có thực.

Đi đến chân một quả đồi thấp, Dũng chợt dừng lại hỏi chị:

- Quy nè, sau trận này, mình xin đi bộ đội chủ lực, liệu anh Cường có ưng không?

- Dũng còn nhỏ con quá, sợ mấy anh chỉ huy không nhận. Giải phóng người ta cao lớn chớ còm nhom vậy vác súng sao nổi!

Thằng Dũng cười, nó không hề tự ái về câu nói ấy. Hai người lặng lẽ đi lên đồi. Ngọn đồi mọc đầy những bụi cây gai lúp xúp với những đám cỏ chân vịt cằn cỗi. Đây đó một vài bụi chà là đang giấu những chùm quả vàng ửng dưới gốc. Chị thấy đôi mắt thằng Dũng sáng lên. “Chờ tao chút nghe”. Nó nói và tạt nhanh sang bụi chà là gần nhất. Chị chưa kịp ngăn Dũng vì sợ Dũng lại sa vào những bụi chà là, quên mất nhiệm vụ chính, thì một tiếng rít sắc lạnh như một luồng sét đã chụp xuống đồi. Sau đó là một tiếng nổ đanh chói khiến chị tối tăm mặt mũi, lăn nhào xuống một cái hố gần đấy. Rồi những tiếng rít khác, những tiếng nổ khác. “Dũng, ơi, Dũng!”. Chị bò về phía bụi chà là, bàn tay chạm phải một đám đất ướt bầy nhầy, nóng rực. Chị vội rụt tay lại, tụt nhanh xuống hố, ngồi thở hào hển, không biết cái gì vừa xảy ra với Dũng. Đầu chị vang lên một tiếng đập dồn đập, chát chúa. Chị cứ ngồi như vậy trong cái trạng thái kinh sợ đến đờ đẫn cho tới khi tiếng pháo địch dứt hẳn.

Lúc chị bước lên khỏi hố đất thì không gian đã hoàn toàn yên ắng. Đến cả những đám bụi cũng đã lắng xuống. Mặt đồi nham nhở hố đạn. Cách chỗ chị vài sải tay Dũng nằm, ngực vỡ nát. Đôi ống chân gầy gò của Dũng mở rộng, đầu gật về một bên. Chị đứng nhìn Dũng rất lâu, không dám đến gần, không tin ở mắt mình. Làm sao chị có thể tin khi mới đây, Dũng còn cười nói, đi đứng, còn kể cho chị nghe về khẩu súng của tên ấp trưởng…

Khắp người chị lạnh toát. Chị bỗng thấy hoảng sợ. Những tiếng đập trong đầu chị vẫn vang lên. Tưởng chừng như cái chết đanh từ Dũng bò tới sát bên chị, đang gõ vào đầu chị. Không tự chủ được nữa, chị hét lên một tiếng rồi bỏ chạy lao xuống chân đồi. Vừa chạy vừa ngoái nhìn lại. Đến gốc một cây dừa cụt, chị đứng sững, nước mắt cứ thế chảy ra giàn giụa. Phải rất lâu sau, chị mới hoàn toàn tỉnh táo trở lại.

Những tiếng đập trong đầu không còn nữa. Thay vào đó là một cảm giác trống rỗng, hoang vắng. Chị nặng nề đứng dậy, thất thểu đi lên đồi. Dũng vẫn nằm bên cạnh gốc chà là. Chị quỳ xuống bên cạnh Dũng, đưa bàn tay run rẩy vuốt nhẹ lên đôi mắt còn hé mở của Dũng như người lớn từng làm đối với những người đã chết.

Thế là chị chỉ còn lại một mình: Một mình với hai khẩu súng và Dũng đang nằm đó. Chị sẽ đi tiếp, làm cho kỳ xong nhiệm vụ mà Dũng chưa kịp làm hay trở về báo cáo với anh Cường, đành để Hai Đích sống thêm một vài ngày nữa? Sáng nay, lúc giao nhiệm vụ, anh Cường nói với chị và Dũng: “Để một tên phản bội sống thêm ngày nào, bà con mình sẽ chết nhiều thêm ngày ấy”. Không, chị phải đi tiếp, phải diệt cho được Hai Đích, cũng như phải diệt kỳ được thằng giám Tuân. Đó là món nợ của gia đình chị, của quê hương chị, của Dũng.

Chị cúi xuống, luồn một tay dưới gáy Dũng, một tay dưới khuỷu chân, ráng sức nâng Dũng dậy, đưa vào một bụi cây gai gần đấy. Chị làm việc này một cách thật bình tĩnh, đến chính bản thân chị cũng không ngờ tới. Xong việc, chị đứng nhìn Dũng một lúc lâu rồi xách giỏ đi xuống đồi, không hề biết rằng, trên vạt áo mình đã nhuốm loang những vết máu của Dũng.

 

5

Đi khỏi ngọn đồi một quãng ngắn, trời bỗng nhiên nổi gió. Những đợt gió mát rượi như thổi lên từ mặt biển. Một dải mây trắng xơ xác kéo ngang qua vầng mặt trời làm ánh nắng dịu đi trong chốc lát. Trên con đường đất đỏ, đã lác đác thấy những người đi chợ cá trở về và ở các thửa ruộng nước ven đường, một vài người dân đang cắm cúi làm cỏ. Chị cảm thấy kinh ngạc. Hầu như mọi vật vẫn y nguyên, vẫn không thay đổi mà Dũng thì không còn nữa. Phải đến lúc ấy, chị mới nhận thấy Dũng cần thiết đối với chị đến mức nào.

Chị nhớ khi sáng, lúc ở dưới biển lên, Dũng đã nói với chị: “Cái thằng Hoài Hương thiệt kỳ, xóm thôn xếp lộn xộn hết chỗ nói. Xóm 3, xóm 5, xóm 1 rồi mới tới xóm 4”. Như vậy, chị phải qua xóm 3 trước nhất. Thỉnh thoảng chị lại liếc nhìn xuống chiếc giỏ, như muốn kiểm tra xem khẩu K.54 quen thuộc có còn nằm ở đó không.

Đi ngang qua khu đồn núi Voi, chị nghe nhột nhột trong dạ. Cũng may không có bót gác nào cả. Người ta vẫn bảo: một con muỗi mắt cũng không lọt qua được trạm núi Voi. Vậy mà giờ đây nó trống huơ trống hếch. Hình như bọn lính cũ đã chuyển đi nơi khác, chị thầm đoán vậy và cảm thấy vững tâm. Chị càng cảm thấy vững tâm hơn khi những bụi tre gai vàng úa của xóm 3 đã hiện ra trước mặt.

Nhưng vừa đặt chân vào đầu xóm, chị đã bất ngờ chạm một tụi dân vệ ba bốn đứa. Chúng đang lục lọi, chòng ghẹo một cô gái, gánh đồ chắc là mới đi chợ trở về. Cô gái cố giữ lấy gánh hàng còn bọn dân vệ cố giằng lấy, vừa giằng vừa cười nói nhớt nhả. Dường như chúng không để ý gì đến chị. Chị cố giữ nét mặt cho thật thản nhiên lặng lẽ bước qua phía sau đám lính. Chị giật thót người khi có một tiếng kêu giật lại:

- Ê con nhỏ, có gì trong làn, lựu đạn hay súng ngắn? Lại đây coi.

Chị dừng lại, chân tay bủn rủn, muốn khuỵu xuống.

- Mà sao mày có máu vấy ở mặt, ở áo thế kia? Chà, chắc dính trận pháo vừa rồi, hỉ?

- Dạ, - Chị mếu máo, - Con và anh con đi ăn giỗ ở bên ngoại. Anh con bị trúng pháo, còn để nằm ở trển. Xin mấy chú cho con về báo người nhà tới. – Nói đến đây, nước mắt chị không hiểu sao bỗng trào ra, mặt dù chị không hề có ý đóng kịch trước tụi lính.

- Thôi, mấy anh đừng hành con nhỏ, tội chưa. – Cô gái đang bị chòng ghẹo bỗng lên tiếng. – Giỡn mấy anh chút thôi chớ em có thuốc đây nè. Mấy anh có chịu cho em về hông?

Nghe nói tới thuốc, bọn lính liền xúm ngay lại. Chị vội vã len lén bỏ đi, thầm cảm ơn cô gái. Hình như cô đoán được những gì giấu trong chiếc giỏ của chị.

- Đù mẹ, pháo tụi Mỹ đó. Chỗ cần bắn thì không bắn, chỉ được cái sủa tầm bậy, tầm bạ. Nè, tới cái khe bên đường mà rửa mặt đi, có rảnh nước trong lắm đó.

- Một người lính, vừa chửi tục vừa gọi với theo vẻ  thương hại.

Rồi tất cả lắng lại ở phía sau. Chị ráng đi thật nhanh nơm nớp lo bị gọi giật lại. Chị không sợ đoạn đường ở phía trước mà chỉ lo đoạn đường ở phía sau. Lúc nào chị cũng có cảm giác như đang có tiếng chân đuổi theo gấp gáp. Tới giữa xóm, chị gặp một máng nước trong vắt. Chị dừng lại bốc nước rửa mặt, tính lau những vết máu trên vạt áo xong lại thôi, cứ để đó, nếu bọn lính có hỏi, còn có cái để nói xạo.Vả lại, lúc đó, những vết máu đã đen bầm, gột đi chắc gì đã sạch.

Mọi việc sau đấy diễn ra hết sức thuận lợi. Chị đi qua xóm 5, xóm 1 rồi tới xóm 4. Không cần hỏi, chị cũng tìm thấy ngay khu nghĩa địa cổ có trồng cây cột sắt vì nó nằm ngay bên đường. Nhưng nhà Hai Đích ở chỗ nào thì loanh quanh một chập, chị vẫn chưa tìm ra. Không còn cách nào khác, chị đành đứng cạnh khu nghĩa địa chờ người để hỏi. Lúc ấy, chị chỉ còn một nỗi lo. Lo vào nhằm nhà và không gặp được Hai Đích.

Từ lối rẽ phía trước, một ông già vác cuốc lặng lẽ đi thẳng về phía chị. Chị ngó nhanh ông già. Ông già cũng ngó chằm chằm vào chị. Nhìn khuôn mặt gầy, tiều tỵ nhưng phúc hậu của ông, chị thoáng nhớ đến cha và thấy vững dạ.

- Thưa bác cho con hỏi thăm nhà chú Hai Đích?

Ông già dừng lại, nhìn chị xoi mói. Rất lâu ông cụ mới hỏi lại:

- Cháu là thế nào với Hai Đích?

- Dạ, con có chút việc cần nhờ vả.

Ông già bỗng cười khẩy:

- Đó, nhà hắn ở trỏng, chỗ cây dừa cao nhứt đó. Bây giờ, nhờ việc chi mà hắn không giúp lọt.

Nói xong, ông già bỏ đi, vừa đi vừa nhổ nước miếng sang vệ đường như ghê tởm một cái gì đó.

Chờ ông già đi khuất, chị xách giỏ tạt nhanh vào lối rẽ, hướng tới chỗ cây dừa ông già vừa trỏ. Được một quãng, chị phải dừng lại để trấn tĩnh. Chị hồi hộp quá chừng. Chị nhớ lại tấm hình Hai Đích anh Cường cho coi khi sáng. Mập, thấp, có mụn cá to bằng đầu đũa dưới cằm. Anh Cường bảo, nhờ cái mụn cóc đó mà Hai Đích không trộn lẫn được với người khác.

Đến gần cây dừa, trồng sát ngay lối nhỏ dẫn vào sân chị ngập ngừng dừng lại. Ngộ nếu hắn ta không có nhà thì sao? Chị sẽ chờ đợi bằng cách nào? Hoặc giả trong nhà hắn nuôi chó giữ và đang có bọn lính ở? Bao nhiêu câu hỏi đặt ra trong đầu chị. Chị hốt, nhưng không thể quay lại được nữa. Chị đã bước qua cây dừa và chỉ còn vài bước chân là tới khoảng sân gạch sạch sẽ. Chị hơi ngạc nhiên khi thấy nhà Hai Đích cũng nghèo. Ba gian nhà tranh, vách trát đất, một gian bếp thấp tè, xếp đầy vỏ trái dừa khô. Chị bước nhanh tới bên cửa, ngó vào trong. Căn nhà vắng tanh. Hai Đích không có nhà. Chị tính trở ra khu nghĩa địa chờ, có gì sẽ xử lý ngay tại đó. Nhưng liền sau đấy, chị nhìn thấy một đầu mẩu thuốc còn ngún khói dưới chân vách. Sự phán đoán nhanh nhạy đầy bản năng báo cho chị biết Hai Đích đang quanh quẩn ở đâu đây, trong buồng hoặc ngoài vườn. Chị vừa toan cất tiếng gọi thì nghe tiếng bẻ tay rắc cắc ở sau vườn. “Hắn rồi”. Chị vội đặt giỏ xuống cầm nhanh lấy cây súng đi vòng qua đầu hồi ra phía sau. Trên một vạt đất trống, một người đàn ông đang lúi húi trồng dừa. Chị đứng sững. Hắn đang làm một công việc hết sức bình thường. Một thoáng ngần ngại vụt đến với chị. Nhưng nó liền tan biến ngay khi chị nhớ tới thằng giám Tuân. Hắn là một tên phản bội, cần phải giết chết hắn. Nếu không hắn sẽ giết chết chị, giết chết những người khác. Ý nghĩ này đến với chị vừa quyết liệt, vừa dứt khoát. Chị bước nhanh tới từ phía lưng Hai Đích. Hai Đích lúc đó đang loay hoay cúi xuống móc đất lên, bên cạnh là một cây dừa non, búp mảnh như một lưỡi dao nhọn màu xanh sáng. Hai Đích vẫn cắm cúi làm, không hề hay biết cái chết đang đến rất gần hắn.

- Ông Hai! – Chị cất tiếng gọi, nhận thấy giọng mình hơi lạc đi.

Hai Đích ngoái cổ lại. Chị nhìn cái mụn cóc lơ phơ mấy sợi râu rất dài dưới cằm hắn. Trúng hắn rồi. “Bắn đi!”. Một tiếng nói vang lên trong đầu chị. Nhưng chị vẫn do dự, luống cuống chưa biết nên làm gì. Còn Hai Đích thì hoảng hốt khi thấy họng súng đen ngòm đang chĩa vào người hắn.

- Kìa, cái gì thế. Hai Đích la lớn giọng khàn đục. – Đừng có giỡn, này này …. – Vừa la hắn vừa tiến về phía chị. Bàn tay giơ ra phía trước muốn giằng lấy cây súng. Đôi mắt của hắn, một đôi mắt to, lồi nhìn chằm chằm vào chị nửa như van nài, nửa như để doạ.

- Đứng im, đồ phản bội!

Hai Đích đứng khựng lại, hắn nhận thức rất nhanh điều gì đang xảy ra với hắn. Hắn vội vã quỳ thụp xuống chồm tới gần như bò trên mặt đất:

- Đừng bắn, đừng bắn, cô Hai. Tôi van cô Hai. Tôi không chịu được cực nên bỏ về, tôi không phản bội …

- Nhân danh đội “Chim Én …”.

Chị nói đoạn hấp tấp bóp cò vì biết rằng nếu để Hai Đích nói thêm vài lời nữa thôi, rất có thể chị sẽ bỏ súng xuống và không biết những gì sẽ xảy ra sau đấy. Khi bóp cò, mắt chị nhắm nghiền và đến lúc mở ra, chị thấy Hai Đích đang lăn lộn  trên mặt đất, hai bàn tay quờ quạng như muốn cố bám vào một cái gì đó. Chị kinh hoàng nhìn xuống tay mình. Như để xoá đi nỗi kinh hãi vừa ập tới, chị bắn liền hai phát đạn nữa vào cái thân hình đang nhập nhoà như bao phủ một lớp sương mù của Hai Đích rồi không ngoái nhìn lại, bỏ chiếc giỏ trên sân nhà, chị lao ra bờ rào, cứ thế chạy băng qua các bụi gai, bờ thổ, như không còn cảm giác gì nữa.

 

6.

Khi một sự việc đã xảy ra, đã kết thúc, con người thường có thói quen nhìn lại để rút ra những điều hay, điều dở. Nhưng riêng đối với cái ngẫu nhiên trong chiến tranh, cái ngẫu nhiên đã trở thành số mệnh thì không một ai có thể hy vọng tìm thấy bài học nào cả.

Do tính chất bức thiết của trận đánh, chị không được đi trinh sát địa hình trước, nên khi nổ súng xong, chạy tưởng đứt hơi, chị vẫn loanh quanh trong xóm 4, giữ một vòng vây dày đặc của bọn bảo an, dân vệ.

Cuối cùng, không còn sức để chạy tiếp, chị đành nằm bẹp trong một bụi dứa dại, ven một vườn mì tinh ở cuối xóm. Khẩu K.54 còn hai viên đạn để ép sát dưới bụng. Chị nằm thở dốc, người run lên vì lo lắng và sợ hãi. Chị cũng không biết mình sợ hãi vì lẽ gì. Sợ bị địch bắt hay vì vừa mới giết chết một sinh mạng. Có lẽ vì cả hai thứ.

Cùng với con buồn nôn khi nhớ lại đám máu phùi ra từ bụng nhuộm đỏ kẽ tay Hai Đích là một nỗi tủi thân bởi sự đơn độc, không được bảo vệ tràn đến trong cơ thể non nớt làm người chị run lên. Chị cố cắn chặt răng để khỏi bật thành tiếng khóc.

Sau này chị mới hiểu rằng, chính kẻ thù đã đẩy chị vào hoàn cảnh ấy, biến chị từ một đứa bé gái chưa đến tuổi mười lăm, đã phải cầm lấy cây súng. Chị đã làm công việc ấy một cách hoàn toàn tự nguyện, đầy ý thức, mặc dù mỗi lần diệt một tên ác ôn trở về, chị đều đờ đẫn, cảm thấy day dứt, một sự day dứt không lý lẽ nào có thể xoa dịu.

Chị đã nằm dưới bụi dứa ấy hơn một giờ đồng hồ. Những tàu dứa già đầy gai sắc đã che chở cho chị. Chị nghe thấy tiếng chân chạy, tiếng la thét của bọn dân vệ và cả tiếng khóc hờ thảm thiết của vợ Hai Đích. Cuối cùng tất cả lại chìm xuống, yên ắng. Lúc ấy, trời đã ngả chiều. Một con gà ở đâu đó nhảy ổ cục tác ầm ĩ. Tiếng gà đánh thức chị dậy và chị bắt đầu bò ra khỏi bụi dứa dại. Chị nghĩ, bằng mọi cách phải thoát khỏi xóm 4, phải đi thẳng về phía biển. Từ đó mới có thể tìm đến ngọn đồi Dũng nằm trước khi trời ập tối.

Chị ngồi dậy, đưa mắt nhìn quanh. Té ra chị đang nằm ở phía sau một ngôi nhà tranh. Một làn khói bếp mỏng manh đang lờ lững trườn trên mái rạ cũ kỹ. Chị bỗng thấy đói cồn cào. Môi chị se lại. Cổ họng khô rát như phải bỏng. Không cưỡng lại được cơn khát, chị đứng lên lần lần đi về phía ngôi nhà. Thỉnh thoảng lại ngồi thụp xuống nghe ngóng. Chị không hay biết rằng, có một cặp mắt ở phía sau ô cửa sổ của ngôi nhà đang chăm chú dõi theo từng bước đi của chị.

Đến gần hiên sau ngôi nhà, chị do dự dừng lại: bên phải chị là dãy chuồng lợn và ở phía trước là khoảng sân đất sạch sẽ. Một chum nước đặt dưới gốc cây cau già, giống y sì chum nước nhà chị. Chị liếm môi, suy tính chốc lát rồi nhét khẩu K.54 vào lưng quần, đi rất nhanh đến bên chum nước. Nhưng chị vừa cầm lấy mảnh gáo dừa thì một tiếng nói cất lên ở sau lưng, khiến cơn khát vụt tan biến trong người chị.

- Đừng uống nước lạnh.

Chị quay phắt lại và sững sờ khi gặp khuôn mặt ông già chị hỏi đường ở khu nghĩa địa hồi nãy. Ông già chăm chú nhìn chị, đuôi mắt hơi nheo lại. Chị toan bỏ chạy thì ông già đã nói nhỏ:

- Con vô nhà. Có nước trà ở bình tích. Không chạy được đâu. Các ngả lính gác sạch trơn rồi.

Linh tính báo cho chị biết: chị đã gặp một con người tốt. Chị bước vô nhà. Ông già cẩn thận khép cửa rồi rót nước ra chiếc bát lớn cho chị.

- Con người xã nào? – Ông già hỏi.

- Dạ ở Hoài Thanh, - Chị đáp.

- Con vừa giết Hai đích phải không?

Chị không đáp mà cúi xuống uống nước. Vừa uống vừa nghĩ, không biết liệu ông già sẽ xử sự cách sao. Ông có tìm cách đi kêu lính tới bắt chị không? Và khi ông già mở cửa bước ra ngoài, chị cũng bỏ bát nước uống dở bước ra theo, bàn tay sờ nhanh vào cây súng. Nhưng ông già chỉ xuống bếp. Lát sau ông bước lên, mang theo một đĩa mì luộc.

- Con ăn tạm. Rồi qua sẽ tính cách đưa con ra khỏi đây. Thằng Hai Đích xấu bụng lắm. Nhưng nó chưa kịp làm gì đâu. – Ông già thở dài. – Chưa kịp làm rồi sẽ làm. Chỉ tội cho con vợ và sắp nhỏ.

Chị nhìn đĩa mì luộc, tự nhiên không thấy đói bụng nữa, chị nói:

- Bạn con bị pháo bắn, còn đang nằm trên đồi gần núi Voi. Bác làm ơn chỉ giùm con đi tới đó.

Ông cụ không đáp mà hỏi lại:

- Tại sao con còn nhỏ tuổi vậy đã đi làm công việc của người lớn? Ai xui khiến con?

- Không ai xui khiến con cả. Tự con. Cha con, anh chị con đều bị một thằng phản bội giết chết trước mặt con. Vì thế con phải giết chúng.

- Chính Hai Đích làm việc đó? Hắn mới về hồi chánh được ba bữa chớ mấy? – Ông cụ hỏi, vẻ ngạc nhiên.

- Hắn không giết cha con nhưng sẽ giết những người khác.

Im lặng một lát, ông cụ nói nhỏ:

- Bây giờ thế này. Con chịu khó ngồi vô trong chum, qua sẽ đổ mì khô lên trên rồi khiêng con đi, nói là mang cho bà chị ở khu đồn núi Voi. Chỉ cách đó mới đưa con lọt qua bót gác được.

Chị thầm kêu lên. Làm sao ông già có thể nghĩ ra được cách đó. Nhưng một thoáng nghi ngại cũng vụt đến với chị. Ngộ nhỡ ông già khiêng thẳng mình tới nạp cho tụi lính thì sao? Như biết được mối nghi ngờ của chị, ông già thoáng cười:

-Con đừng ngại. Nếu qua làm điều xấu thì các bạn con cũng sẽ xử qua như con vừa xử Hai Đích. Hồi chín năm, qua cũng là du kích, qua hiểu.

- Ông cụ  nói đoạn đứng dậy chậm chạp đi vào gian buồng. Lát sau ông vần ra một chiếc chum lớn, loại chum đan bằng nan tre, trát xi măng ở bên ngoài và bê ra một thúng lát mì khô. Ông cụ còn sửa soạn rất lâu với những đoạn dây chão và đòn khiêng. Ở vùng quê chị, người ta đôi khi vẫn thường khiêng cả chum đi như vậy.

Khi đã ngồi vào trong chum, ông cụ chụp một chiếc nón rách lê đầu chị để tạo một khoảng trống ở đáy chum rồi bắt đầu đổ những lát mì lên trên. Thoạt đầu, chị có cảm giác tức thở vì mùi mì khô mốc ải và thế ngồi quá gò bó. Nhưng rồi chị cũng quen dần vì đã trải qua một chặng đường quá ư căng thẳng, chị thiếm đi và có cảm giác chiếc chum như một chiếc nôi cứ bồng bềnh, bồng bềnh đưa chị vào giấc ngủ.

 

7

Chị tỉnh dậy khi nghe có vật gì gõ bộp bộp vào thành chum và tiếng hỏi gắt gỏng của tụi lính:

-Khiêng khoai đi đâu vậy, cha nội. Sao không gánh bằng thúng mà khiêng cả chum?

- Tôi mang cho người bà con ở khu đồn núi Voi. Ở đó bả không có đồ chứa.

- Không tin thì thầy Hai cứ kiểm tra coi. – Tiếng của một cô gái, - làm sao bọn tui có thể qua mắt thầy Hai được?

- Thôi, để ông già đi, mày. Bữa trước mày chả uống rượu tí số ở nhà ổng là gì. Thôi, để ổng đi. Cô em đừng trách tụi này nghe. Tụi này phải thi hành công vụ.

- Xin đội ơn thầy Hai.

Và cái cảm giác bồng bềnh, bồng bềnh lại đến với chị. Nhưng chị đã tỉnh hẳn. Khắp người chị mỏi rời rã. Chị muốn đội khoai đứng dậy, nhưng đành ráng chịu.  Không biết chị đang ở đâu? Liệu đã qua khỏi xóm 4 chưa? Cái xóm trở nên thật khủng khiếp đối với chị. Chị khẽ cựa mình, nghe rất rõ những lát khoai chuyển động trên nón. “Ráng chịu chút xíu, con. Sắp tới khu đồn rồi”. Ông già nhắc. Chị đành cố ngồi yên. Nhưng càng cố ngồi yên mùi khoai càng ngột ngạt. Trong mũi, trong lòng ngực chị tràn ngập một mùi mốc ải. Chị cố quên đi bằng cách lắng nghe bước chân của ông già và cô gái để đoán xem mình đang ở đâu. Mỗi lần ông già và cô gái đổi vai, chiếc chum lại chao đi, dây chão rít lên kèn kẹt. Rồi chị nghe tiếng ông già thở gấp, đáy chum như bị kéo rê sàn sạt trên mặt đất. “Đến dốc núi Voi rồi?”. Chị đoán và lại thấy hụt hẫng khi nghĩ đến Dũng. Ngày hôm nay đối với chị sao dài lê thê. Một ngày chứa đựng biết bao căng thẳng, mệt mỏi. Nhưng chị cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi nhớ tới anh Cường, nghĩ rằng, mình đã làm được một việc gì đó cho anh. Chắc anh không còn xem thường chị. Cả Thêm cũng thế. Nó sẽ không nhìn chị bằng con mắt vừa thương hại, vừa chê bai trong mỗi buổi sinh hoạt. Cách đây mấy ngày, Thêm đã trở thành một cô gái. Nó thấy tháng. Khi biết chuyện đó, anh Cường tỏ ra bối rối, không biết xử sự cách sao, còn nó thì nằm lì trong hầm khóc. Không hiểu tại sao nó lại khóc. Chị đã giúp nó xé chiếc khăn mặt ra làm nhiều mảnh, thoáng lo lắng cho mình.

Bỗng chị nghe tiếng cười nói, tiếng gầu nước va vào thành giếng. Như vậy đã lên đến khu đồn núi Voi, khu đồn mà sáng nay Dũng mới kể cho chị nghe nó đoạt khẩu Ru-lô của tên ấp trưởng như thế nào. Rồi chị thấy chiếc chum được đặt xuống, tiếng chiếc đòn khiêng dựng ở vách nhà, tiếng khép cửa và tiếng ông già, hình như cố nói thật to cho mấy nhà ở bên cạnh nghe tiếng:

- Nè cô Tám. Tôi mang cho cô chút khoai và chiếc chum. Giờ khê ở chỗ nào được? Chà, nhà chật quá hè!

Sau đấy là tiếng nói khe khẽ của một người đàn bà đã có tuổi. Hình như cả ba người đều đến bên chiếc chum. Những lát khoai trên đầu chị chuyển động. Đầu chị nhẹ dần và một khoảng sáng ùa vào mắt chị “Ra lẹ lên con, ổn rồi”. Ông già cúi xuống miệng chum nhắc. Chị ráng đứng dậy, nhưng không sao đứng lên nổi. Ông già và cả cô gái phải đưa tay kéo chị ra ngoài. Vừa chạm chân xuống nền nhà, chị đã lảo đảo, khắp người cứng đơ, tê dại. Cô gái vội dìu chị đến chiếc giường kê ở góc nhà còn ông già thì cuí xuống lượm những lát khoai vương vãi trên mặt đất.

- Thế là ổn. – Ông nói – Giờ tôi về nghe cô Tám. Nấu cho cháu nó tô mì chay nó còn về bển. Chắc không thể ở qua đêm được.

Ông đến bên giường chị.

- Qua về nghe con. Cô Tám đây là người tốt, con yên tâm, nghe!

Chị “dạ”, cố ngồi dậy, nhưng ông già đã ấn vai chị ra hiệu nằm xuống. Chị ngước nhìn lên. Cô gái vẫn đứng ở đầu giường. Một khuôn mặt thật dịu dàng. Cô mỉm cười với chị. “con cảm ơn bác, em cảm ơn chị Hai”. Chị nói nhỏ. Cô gái gật gật đầu. Nụ cười như còn ngưng đọng lại trên khoé mắt.

Mười ba năm sau, khi đi học xa trở về, chị đã xuống Hoài Hương tìm gặp những con người ấy, những con người từng trải qua nhưng giây phút căng thẳng, còn mất để cứu giúp chị, nhưng không gặp được ai. Nghe nói cả ông già và bà thím đều đã chết bệnh, còn cô gái thì đã hy sinh trong một trận chống càn năm 1973. Năm đó cả mấy xã vùng đồng quê chị vẫn chưa được giải phóng.

Chờ chị ăn xong tô mì, bà thím đưa cho chị một chiếc giỏ nhựa bên trong đựng mấy gói đồ lặt vặt dẫn chị ra tận con đường lớn, vừa đi vừa gỉ bộ dặn dò như đang tiễn một đứa cháu gái từ quê ngoại qua chơi. Những người dân trong khu đồn và cả bọn lính đang đi lang thang kiếm đồ nhậu quanh các quán hàng, hầu như không một ai để ý đến chị.

-Thôi con về nghe. – Tới lối rẻ bà thím đứng lại nói. – Con nhớ đừng đi qua đỉnh đồi. Hồi trưa, pháo hắn dập quá trời xuống đó.

Chị cảm ơn bà thím, trao lại chiếc giỏ cho bà rồi bước đi gần như chạy trên con đường đất đỏ. Vừa đi vừa ngoái nhìn lại phía sau. Bà thím vẫn đứng đó giữa ngã ba đường. Nắng chiều nhuộm vàng lên toàn bộ thân thể  bà. Hình như bà đang kinh ngạc khi thấy chị không theo lời dặn của bà, cứ bươn bả vượt dốc đi lên đồi. Bà đâu hay biết gì Dũng của chị còn đang nằm trên đó. Bằng mọi cách, chị phải đưa Dũng về. Nhưng đưa về bằng cách nào thì cho đến lúc ấy chị vẫn chưa thể lường tính được.

 

8 

Bây giờ, hơn mười năm trôi qua, mỗi lần nhớ lại buổi chiều ảm đạm ấy, chị vẫn không sao hiểu nổi, sức mạnh nào đã giúp chị xốc nổi Dũng lên vai, loạng choạng đi suốt một đoạn đường dài ngót chục cây số tới chân đèo Mồng Gà, trong mưa lạnh và những đợt gió thổi như quất lên từ mặt biển.

Hôm ấy, khi chị chạy lên tới đỉnh đồi thì Dũng vẫn nằm bên bụi chà là dập nát. Những đám máu trên ngực Dũng đã đông lại từng mảng. Chị kinh sợ khi thấy một đàn kiến lửa bu kín trên đôi môi  hơi hé mở của Dũng. Chị hấp tấp ngồi xuống, phủi sạch đàn kiến và một cách trầy trật, xốc Dũng lên đôi vai gầy gò của mình. Chị loạng choạng đi xuống đồi trong ánh hoàng hôn nhợt nhạt và trên mặt biển đang đùn lên những cụm mây màu chì. Người Dũng lạnh giá, cứng nặng như tạc bằng đá.

Lúc đó, chị đã ngạc nhiên với chính bản thân mình. Không biết cái gì đã giúp chị bình tĩnh và gan góc đến như vậy. Bởi trước đấy, chị từng hốt hoảng bỏ chạy khỏi ngọn đồi, khi thấy ngực Dũng đang đùn ra những đám bọt đo đỏ. Ngay cả khi bắn Hai Đích cũng vậy. Người chị cứ run lên cuống cuồng như đang phạm phải một tội áchình như khi đã trải qua những gì kinh khủng nhất, con người trở nên lì lợm, bất chấp tất cả. Hình như từ lúc bước ra khỏi chiếc chum của ông già, ở chị có một sự lột xác nào đó, khiến chị trong giây lát trở thành một con người khác. Con người mà trong nhiều trận đánh về sau đã trở nên dày dạn, có thể nhìn kẻ thù giãy chết với đôi mắt thật điềm tĩnh.

Chị cứ bước đi như vậy, tưởng chừng chỉ dăm phút nữa thôi, chị sẽ kiệt sức, phải đặt Dũng xuống. Nhưng chị vẫn bước đi từng bước một và Dũng vẫn nằm trên vai chị. Rồi trời đổ xuống một màu đen nhập nhoà. Con đường vắng ngắt, không một bóng người. Từ mặt biển, gió bắt đầu nổi lên, hắt từng nắm bụi vào mặt chị, vào Dũng.

Những năm sau này, khi trở về quê hương, sống đơn độc trong căn phòng rộng thênh thang của khu tập thể, chị luôn nhớ đến Dũng. Chị biết rằng, nếu Dũng còn sống, nhất định Dũng sẽ bất chấp tất cả để chung sống với chị. Hầu hết những đêm thao thức bởi những khát vọng bình thường của người phụ nữ chưa hề được làm vợ, làm mẹ, chị đã sống bằng mộng mị với Dũng. Chị tưởng tượng Dũng, lúc này là một sĩ quan quân đội. Điều này không thể khác, vì vào bộ đội chủ lực luôn luôn là mơ ước của Dũng. Chị và Dũng sẽ vẫn ở căn nhà này. Mỗi lần Dũng về phép, khu tập thể lại náo động vì tiếng cười và những câu chuyện Dũng kể. Chị sẽ bỏ ra thật nhiều thời gian để chọn một, gói bánh ít, thứ bánh mà chị tin lớn lên Dũng vẫn thích ăn như hồi nhỏ…

Những đêm như vậy, tỉnh dậy, người chị trở nên phờ phạc. Chị vội vã chạy lao ra ngoài, cố trấn tĩnh cho thật tỉnh táo. Thời gian còn lại, chị nằm trân trân nhìn lên trần nhà, vặn mở đài thật to, dò tìm bất cứ làn sóng nào miễn là trong căn phòng của chị có tiếng cười hoặc một thứ tiếng động khác.

Còn khi đó, vào cái đêm ấy, Dũng vẫn nằm trên vai chị. Những quả đèn sáng từ căn núi Voi, từ chốt Mồng Gà thỉnh thoảng lại vọt lên khiến con đường hiện ra dài hun hút, lởm chởm đá gan gà để vài phút sau, lại chìm sâu vào bóng tối. Rồi trời đổ mưa, một cơn mưa độc ác, dữ dội hiếm thấy trong cuộc đời chị. Nước mưa dội xối xả xuống mặt chị, xuống người Dũng. Những đám máu đông khô trên ngực Dũng bắt đầu tan ra, chảy loang sang cổ, sang áo chị. Nhiều lần chị phải đặt Dũng nằm xuống mặt đường nhầy nhụa, loang lổ những vũng nước ngầu đục.

Sau này, chị cũng gặp một đêm mưa thật dữ dội, độc ác, nhưng ở vào một hoàn cảnh cay đắng khác.

Vào đêm trước ngày cưới, anh Cường đột ngột đến thăm chị. Đêm ấy, trời bỗng dưng đổ mưa lớn. Cơn mưa dai dẳng, kéo dài không dứt. Hai người ngồi đối diện nhau bên chiếc bàn kê sát cửa sổ. Anh ngồi im lặng, như một người có lỗi. Còn chị thì vừa thương hại vừa căm ghét anh. Sự im lặng kéo dài cho tới lúc ngọn đèn điện treo lủng lẳng giữa nhà vụt tắt. Ở cơ quan huyện, đèn điện chỉ thắp sáng đến mười giờ. Chị luống cuống tìm hộp quẹt để trên bàn và đã gặp bàn tay anh. Một bàn tay nóng hổi như biết nói. Người chị tê dại, cái ướt muốn được chia sẻ, được thỏa mãn đột ngột đốt cháy tim chị. Chị đứng dậy và anh cũng đứng dậy. Hai cái thân hình cùng nóng bổng, cùng bốc lửa như hoà nhập vào nhau làm một. Chị ôm riết lấy anh, cảm thấy đau thắt nơi ngực bởi một sự mất mát. Chị hổn hển cố kiễng chân tìm đôi môi cương nghị của anh mà ngày thường, chị đã nhìn trộm không biết chán trong các cuộc họp.

Bên ngoài trời vẫn đổ mưa. Sấm rền rĩ trên mái nhà và chớp vẫn rạch liên tục trên mặt biển. Chị kéo anh lại phía chiếc giường đơn ở góc phòng điên cuồng và mạnh mẽ. Nhưng đúng vào lúc mà dục vọng sắp sửa bị thiêu huỷ, sắp được thoả mãn tới tận cùng thì anh vụt đứng dậy, vội vã gỡ tay chị ra. “Đừng, đừng, Tư tha cho anh”. Anh lắp bắp một cách máy móc và tầm thường rồi chạy lao ra ngoài. Khi đó, sấm vẫn rền vang và chớp vẫn rạch lên từng lằn sáng như roi quất ngoài khung cửa…

Rốt cuộc, chị chỉ còn lại có Dũng.

Đêm hôm đó, chị đã vác Dũng đi, khắp người nhoe nhoét bùn đất và máu. Đến đoạn đường hồi sáng Dũng nghỉ để tắm, chị kiệt sức đành đặt Dũng xuống vệ đường ngồi thở. Từ đây về chân đèo Mồng Gà không còn xa mấy, nhưng sức chị đã kiệt quệ quá rồi, không dễ gì có thể nâng nổi Dũng lên vai được nữa. Tuy vậy chị vẫn ráng sức đỡ Dũng dậy, loạng choạng nâng Dũng lên và cả hai cùng ngã nhào xuống. Chị lồm cồm bò dậy, vuốt nước mưa trên mặt, thấy có vị tanh mặn của máu. Giữa lúc ấy, lúc chị vừa định xốc Dũng lên một lần nữa thì một bóng đen hiện ra trên mặt đường. Chị hốt hoảng rút khẩu súng vẫn cài chặt nơi bụng. Bóng đen đến gần, như không e ngại, cứ đi thẳng về phía chị. Đáng lã phải quát to thì chị vẫn ngồi im như một khúc gỗ. Một tia chớp rạch lên. Chị bủn rủn chân tay khi nhận ra anh Cường. Anh đang đi tìm chị và Dũng. Khi anh đến gần, chị chỉ kịp nói: “Anh Cường, Dũng…” thì đổ vật xuống, không còn biết gì hết.

Chị tỉnh dậy lúc trời đã sáng trắng, thấy mình đang nằm trong chiếc hầm bò quen thuộc. Bên cạnh chị là anh Cường. Anh nhìn chị, cái nhìn vừa gần gũi vừa xa vắng. Người chị nóng rực. Anh đặt một bàn tay lên trán chị, thở dài rồi đi ra. Lát sau Thêm vào. Nó bảo suốt ngày hôm qua, anh Cường cứ ngơ ngác, lo lắng và đến tối thì bất chấp lời khuyên của Thêm đã đội mưa đi tìm chị và Dũng.

- Quy nè, mày cũng thành một cô gái như tao rồi đó – Thêm nói nhỏ. – Lát, ráng dậy mà thay đồ đi! Lấy mấy miếng xô của tao dùng tạm.

Chị trân trân nhìn Thêm, như hiểu, lại như không hiểu điều Thêm vừa nói.

(còn nữa)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chương hai   (29/04/2005)
Tiểu thuyết của Nguyễn Trí Huân  (22/04/2005)