|
Các đấng "mày râu" có thể đến tiệm hớt tóc thanh nữ để được chăm sóc, thư giãn đúng nghĩa (ảnh chỉ có tính chất minh họa).
|
Ông bạn tôi nói có lý. Tính chi đâu xa, ngay trên con đường Trần Phú nằm giữa trung tâm thành phố cách đây 5 năm chỉ lèo tèo vài tiệm nhưng giờ đây cũng có đến 15 tiệm. Đường Nguyễn Thái Học có gần 10 tiệm. Nằm ở ngoại ô thành phố nhưng đoạn đường từ ngã ba Phú Tài đến đèo Cù Mông cũng lắm tiệm hớt tóc thanh nữ. Theo những người trong nghề thì các tiệm ở đây "mọc" lên nhiều từ khi tỉnh xây dựng Khu công nghiệp Phú Tài. Và các tiệm "làm ăn được" cũng là nhờ giới "mày râu" của khu công nghiệp này.
* Nghề sống "mát"
Dịch vụ làm đẹp cho giới mày râu ngày càng phát triển cũng là điều dễ hiểu bởi đây là nghề dễ làm ra tiền. Trang - một chủ tiệm hớt tóc cho biết, trước đây chị chuyên hớt tóc cho giới nữ thu nhập không đến 1 triệu đồng/tháng, nhưng từ khi chuyển sang hớt tóc cho nam giới, thu nhập hàng tháng từ 1,3 đến 1,5 triệu đồng, có tháng cao lên đến 2 triệu đồng!
Giá cả hớt tóc thanh nữ mỗi tiệm mỗi khác. Trung bình cạo mặt ngoáy tai 7.000 đồng, gội đầu 5.000 đồng, mát xa 20.000 đồng, mát xa mặt 5.000 đồng, giác hơi 20.000 đồng. Tuy nhiên, cũng bấy nhiêu "món" ấy nhưng có nơi lấy đến trên 70.000 đồng. Giá cả trên trời như vậy nhưng các đấng mày râu lại không quan tâm mấy mà "ngắm" vào ngoại hình và cách phục vụ của thợ hớt tóc.
Để trở thành thợ hớt tóc chuyên nghiệp, có tay nghề giỏi thì không dễ chút nào. Ngoài những thao tác đơn giản như cạo mặt, ngoáy tai, gội đầu thì người thợ phải biết cách phân loại tóc, phân loại khuôn mặt để cắt kiểu tóc phù hợp; trong quá trình mát xa phải làm cho khách thoải mái, tinh thần sảng khoái mà quên đi cảm giác mệt mỏi… Với những đòi hỏi như vậy người nào học nghề nhanh cũng mất ít nhất 6 tháng, người nào chậm có khi lên đến cả năm. Thế nhưng cũng có nhiều người học vài ba tháng đã đứng ra mở tiệm hớt tóc. Ấy mới có chuyện nực cười là rất nhiều thợ hớt tóc nhưng… không biết hớt tóc.
Một lần đi ngang qua tiệm hớt tóc Hoàng T. thấy cô bé có đôi mắt buồn đang ngồi đợi khách, N. "chạnh lòng" bèn ghé vào. Thường thì N. chỉ cạo mặt, ngoáy tai nhưng không biết hôm đó cô thợ "hót" hay đến độ nào mà từ cạo mặt, ngoáy tai, gội đầu cho đến mát xa, giác hơi, cắt tóc, N làm tất tần tật. Lúc đứng dậy móc túi tính tiền nghe "người đẹp" phán 65.000 đồng N. mới tá hỏa. "Đau lắm, "tiền mất tật mang", cái lỗ tai tôi lúc đó đau không chịu được, "nàng" ngoáy mà tôi cứ tưởng như ai lấy kim đâm vào trong đó khiến tôi phải luôn ở trong tình trạng "chờ đòn"; còn cái kiểu tóc của tôi thì khỏi phải nói nó nham nhở như những… đám ruộng bậc thang trông chẳng giống ai cả, báo hại tôi phải đến tiệm hớt tóc nam để "chỉnh" lại" - N. ca cẩm.
Cũng rơi vào hoàn cảnh như N, ở tiệm Ph.B., anh T. thấy cô bé có chiếc răng khểnh lượn ra lượn vào bèn "nổi máu" đi hớt tóc. Nhưng không may cho T, gặp phải cô thợ "dở người" đến nổi cạo mặt cũng chẳng xong, còn mát xa kiểu gì mà cứ đánh thùm thụp… muốn gãy cả lưng. Chi phí cho việc hớt tóc ngốn hết 60.000 đồng.
Có một điều lạ là nếu ở các tiệm hớt tóc do giới "mày râu" cầm tông đơ thì việc thu hút khách ở chỗ hơn thua nhau tay nghề, tiệm nào có thợ giỏi, tay nghề cao thì khách sẽ đến; còn ở tiệm hớt tóc thanh nữ thì nhiều khi tay nghề bị liệt vào hàng thứ yếu. Vì sao? Theo các chủ tiệm thì nhiều đấng "mày râu" đến tiệm hớt tóc nhưng không phải để hớt tóc mà muốn chiêm ngưỡng những cô thợ xinh đẹp, họ muốn tìm những giây phút thư giãn hoặc để "tán hươu tán vượn"… Do "nhu cầu" của khách như vậy, nên "tiêu chí" hàng đầu để trở thành thợ hớt tóc là phải có ngoại hình… bắt mắt. Để thu hút khách các chủ tiệm thường chọn các cô thợ trẻ, đẹp. Bởi vậy không phải ngẫu nhiên mà hiện nay đa số các thợ hớt tóc thanh nữ đều khá xinh đẹp.
|
Ngày càng nhiều tiệm hớt tóc thanh nữ trang bị máy lạnh để phục vụ nhu cầu xã hội (ảnh chỉ có tính chất minh họa).
|
Nếu tiêu chí xinh đẹp có ảnh hưởng lớn đến việc các tiệm có "làm ăn được" hay không, thì biết chiều khách cũng là một tiêu chí không kém phần quan trọng. Theo cách nói của những người trong nghề thì: muốn moi được tiền trong túi của khách thì phải biết chiều khách. Kinh nghiệm cho thấy, biết chiều khách không bao giờ là việc làm thừa, bởi ngoài việc thu hút được khách, khách còn khoái đưa dư tiền, tuy không nhiều, để gọi là… sành điệu. Ngược lại những cô không chiều khách thì dễ bị khách "bái bai" và người chịu thiệt trước hết là chủ tiệm. Vậy nên nhiều cô khi khách buông lời tán tỉnh mà tỏ ra khó chịu là bị bà chủ "cắt hợp đồng".
* Những gam màu sáng - tối
Nghe người ta kháo nhau ở tiệm Th.H. có hớt tóc… ôm, một buổi trưa tôi đi "thực tế" để xem thực hư thế nào. Khi tôi vừa đến thì một cô đang ngồi trong tiệm gọi vọng ra: Anh ơi, vào hớt tóc anh ơi!. Tôi bước vào. Trong tiệm lúc này có ba cô khoảng 19, 20 tuổi, ăn mặt kiểu "con nhà nghèo". Kịp quan sát thấy phía trong tấm màn (bên trong là phòng mát xa được ngăn cách bởi tấm màn) có tiếng cười rúc rích tôi định hỏi thì một cô tóc vàng miệng cười đưa đẩy bước đến: "Anh đi đâu giữa trưa nắng vậy, mồ hôi ra kìa để em lau cho". Tôi chưa kịp trả lời thì cô tiếp: "anh cạo mặt, ngoáy tai, gội đầu hay mát xa… Tôi ậm ừ: Cứ cạo mặt đi rồi hãy tính.
Trong lúc cạo mặt cô đã "khuyến mãi" những cái va chạm. Như dò được "luồng sóng" tôi mạnh miệng: Ở đây có gì hấp dẫn hơn không? - Anh khéo lo, tí nữa tới "công đoạn" mát-xa em chiều - Vậy giá của "công đoạn" mát-xa bao nhiêu? - tôi hỏi. 20.000 đồng là "phần cứng" còn "phần mềm" thì tùy lòng "hảo tâm" của anh. Tôi viện cớ đã đến giờ đi làm hẹn dịp khác ghé lại. Khi tôi vừa đứng dậy định về thì bên trong tấm màn có tiếng "đôi co" của hai người. Rồi cô thợ gạt phắt tấm màn sang một bên bước ra ngoài ném phịch mấy tờ bạc xuống nền nhà chửi đổng: "đ...mẹ nó… sờ gần cả tiếng đồng hồ mà nó "bo" có 5.000 đồng, không có tiền nói tao cho…". Chao ôi, trong trường hợp này ai đúng, ai sai? Thật hết biết!
Công bằng mà nói, những tiệm hớt tóc thanh nữ "chịu chơi" như tiệm Th.H là rất ít, đa số hoạt động rất kín kẽ, chủ yếu phục vụ cho khách quen để tránh những trường hợp "nhầm hàng". Có lẽ vì những "con sâu" như thế nên trong con mắt nhiều người vẫn còn cho rằng nghề cắt tóc, gội đầu cho giới "mày râu" là việc làm không chân chính, vì vậy nhiều chị gặp phải những tình huống dở khóc dở cười.
Thảo - chủ một tiệm hớt tóc cho hay: "Em làm nghề uốn tóc đã gần mười năm nay. Thời gian gần đây thấy dịch vụ uốn tóc ế ẩm nên em chuyển sang nghề hớt tóc nam. Mới vừa được ba tháng cha mẹ em từ quê lên phản đối quyết liệt. Em giải thích mãi các cụ mới nghe. Nhưng trước khi về các cụ còn "thòng" lại một câu "làm gì thì làm chứ tao cấm không được mát xa mát gần đó".
Còn Thủy quê ở Phù Mỹ vào Quy Nhơn hành nghề gần 5 năm tâm sự: Chị quen anh D gần năm nay. Anh là một cán bộ. Khi biết D quen với chị, gia đình D ngăn cản cho rằng nghề nghiệp của chị không "chân chính", chẳng khác gì với những cô bán ở quán cà phê đèn mờ. Danh dự bị xúc phạm, chị quyết định "đoạn tuyệt" với D. Thế là "đường ai nấy đi". Vậy đấy, những chuyện hiểu lầm như thế sẽ làm cho các chị tủi thân dù họ là người hoàn toàn đứng đắn, một cách kiếm tiền hoàn toàn trong sạch.
* Thay lời kết
Phần lớn các dịch vụ hớt tóc thanh nữ là trong sáng, lành mạnh, nhưng một số nơi đã biến tướng thành những tụ điểm môi giới bán dâm, hoặc mở ra một số "công đoạn" thiếu lành mạnh. Dù không nhiều nhưng những tiệm hớt tóc thanh nữ như thế ở Quy Nhơn đang âm ỉ tồn tại là một thực tế cần có biện pháp chấn chỉnh, nhằm trả lại môi trường lành mạnh cho xã hội và để các chị hành nghề hớt tóc đứng đắn không bị vạ lây.