Tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Nam đã quyết định không bắn pháo hoa trong đêm giao thừa Tết Bính Tuất để dành 400 triệu đồng tiền pháo hoa giúp bà con có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tỉnh ăn Tết.
400 triệu đồng với một tỉnh là không lớn, số tiền ấy chắc chắn chưa đủ để trợ giúp tất cả bà con nghèo trong tỉnh ăn Tết, nhưng quyết định nhạy cảm ấy lại rất hợp lòng dân, dù ai cũng biết, giao thừa mà có bắn pháo hoa thì đẹp hơn, "hoành tráng" hơn là không bắn pháo hoa.
|
Chợ hoa Tết Quy Nhơn
|
Tôi biết, cũng có những tỉnh rất nghèo, nhưng cứ đến "mùa" lễ hội, kỷ niệm hay dịp Tết lại thi nhau tung ra những "màn" trình diễn "ấn tượng" nào là "Lễ hội 5 màn 3 cảnh" thể hiện xuyên suốt mấy trăm năm lịch sử, nào là "kịch bản và lời bình" phải do những nhà văn và đạo diễn "tầm cỡ" thực hiện, nào những màn trình diễn tập thể phải huy động được hàng nghìn người tham gia với phí tổn ít nhất vài tỉ đồng mới "đã", mới "sướng cái bụng".
Họ đâu biết, trong khi trên sân khấu hay giữa quảng trường múa hát tưng bừng thì có những gia đình "dưới mức nghèo khổ" âm thầm trong bóng tối đêm trừ tịch với nồi cháo củ mì lẫn rau rừng. Họ "đón" giao thừa như thế đấy! Lúc bấy giờ, liệu những tràng pháo hoa bảy màu lung linh ở một nơi nào xa tít tắp kia có an ủi được những cái bụng đang réo sôi của đàn em nhỏ?
Tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Nam đã ghi tên mình vào "Câu lạc bộ nghìn tỉ", nhưng ở đó còn không ít những gia đình nghèo lại vừa phải trải qua những trận lụt bão tàn hại. Bắt đầu từ việc tiết kiệm 400 triệu đồng tiền bắn pháo hoa để dành cho người nghèo, hai tỉnh ấy đã tự nhắc nhở mình đừng quên những đồng bào còn chưa thoát phận nghèo của mình, và mỗi khi mình tổ chức những lễ hội hay những lễ kỷ niệm thường niên, một chút ý thức tiết kiệm là không thừa.
Bởi rất nhiều khi những phô trương không hợp thời hợp cảnh luôn đưa tới những phản cảm, và càng tung lên trời những tràng pháo hoa ca ngợi thì càng làm vơi đi niềm tin nơi những người dân.
Tôi đã không ít lần chứng kiến người dân thường đã phản ứng như thế nào khi dự những lễ hội phô trương lãng phí và phải nghe những bài diễn văn tràng giang đại hải đôi khi không dấu chấm dấu phẩy của vài vị lãnh đạo.
Chúng ta còn nghèo, thậm chí còn rất nghèo nếu so với mặt bằng trung bình của thế giới. Vì thế không có lý do gì để chúng ta cũng "xông lên" tổ chức những lễ hội "tưng bừng" và tốn kém như những nước phát triển khác vẫn làm.
Tôi biết, có một số vị vẫn thường vin vào những "mục đích ý nghĩa" để tổ chức những lễ hội tốn kém không chỉ vì muốn cho dân địa phương mình phấn khởi hào hứng, mà còn vì một lý do phía sau: không có thứ tiền nào dễ "chi" và dễ "quyết toán" như là tiền tổ chức lễ hội. Đơn giản vì những khoản chi thường không thể rõ ràng nhưng lại rất dễ được thông qua.
Tết này Bình Định và Quảng Nam không bắn pháo hoa, nhưng đâu phải vì thế ở những miền đất ấy kém đi niềm vui. Giao thừa, ta cùng nhìn lên màn hình: pháo hoa ở trên đó chứ đâu! Xem bắn pháo hoa trên ti-vi cũng thú vị và chắc chắn là rất đỡ… tốn tiền cho ngân sách.
Dĩ nhiên, thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì không thể thiếu màn bắn pháo hoa. Nhưng những địa phương khác, nên chăng hãy như Bình Định và Quảng Nam ghi tên mình vào "CLB… không bắn pháo hoa", một kiểu "CLB tiết kiệm và biết nghĩ đến người nghèo".
|