Thứ tư, ngày 7/5/2025

Bình Định Online cập nhật nhiều lần trong ngày !
| Liên kết | Tìm kiếm

- Lễ hội kỷ niệm 48 năm ngày chiến thắng Đèo Nhông – Dương Liễu

- Lễ hội kỷ niệm 224 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa

- Hân hoan đón chào năm mới

- Thành công tốt đẹp

- Ấn tượng “Lễ hội đường phố”

- Đắm mình trong không gian võ

- Khai mạc Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần IV

- Lãnh đạo UBND tỉnh thăm các cơ quan báo chí

Ø Các làn điệu dân ca và bài chòi: Tiếng hát Kim Cúc

Ø Làn điệu dân ca

Ø Album mới, ca khúc mới

- Ở lại với dòng sông

- Tiến sĩ Bình Định hiện đại

- Bình Định -
Một vùng đất võ

- Mịch Quang

Kịch bản - Hồi ký

- Bão táp cung đình

- Sông Côn mùa lũ

- Tàu thống nhất

- Máy bay

- Xe Buýt

- Lịch xe khách

- Khách sạn - Nhà hàng

- Thông tin tuyển dụng

- Điện - Nước

- Dự báo thời tiết

- Chương trình Truyền hình

- Kết quả xổ số kiến thiết

- Quảng cáo

Du lịch Việt Nam trong năm 2013: Hướng đến thị trường mới

Trong hai tháng đầu năm 2013, lượng khách quốc tế tại nhiều thị trường vốn được xem là thế mạnh của du lịch nước ta bất ngờ giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2012.

3 đứa trẻ nghèo, mồ côi mẹ

Anh Trương Thành Đáo (34 tuổi) có vợ là Trần Thị Hồng (36 tuổi), ở thôn Thanh Danh, xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn. Gia đình làm nông, chỉ có 2 sào ruộng canh tác nên thu nhập rất thấp.

 
Đi dọc đường xuân quê hương
22:59', 28/1/ 2006 (GMT+7)

Trăm chiếc đèn lồng mang theo ước vọng về một mùa xuân mới viên mãn, một năm mới an lành, thịnh vượng đã bay trên bầu trời Quy Nhơn. Chúng ta bước vào một mùa xuân mới. Mời bạn hãy cùng Bình Định online dạo trên những nẻo đường xuân quê hương và cảm nhận không khí xuân đã về…

Sâu lắng giai điệu tổ quốc

Khi bạn đọc những dòng chữ này, chương trình văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân, diễn ra tại sân khấu ngoài trời trên đường Nguyễn Tất Thành với chủ đề "Hát cùng mùa xuân" đã mãn.

 

Khách quốc tế mua hoa chuẩn bị đón Tết tại Quy Nhơn - ảnh Đào Tiến Đạt

 

Hơn hai tiếng đồng hồ qua, chúng ta đã được thưởng thức tiếng trống rộn ràng của điệu múa lân, được nhìn cho đã thèm con mắt những màn biểu diễn võ thuật mang theo niềm tự hào của miền đất được định danh miền đất võ, cùng hàng chục tiết mục văn nghệ đặc sắc khác. Hơi thở của biển, Như hoa hướng dương, Rước đuốc giao thừa đón xuân… - những tiết mục đặc sắc nhất của chương trình này, đã mang lại cho người xem không khí xuân giữa đêm se lạnh. Màn múa cung đình, múa trình tường chúc phúc đầu năm do đích thân NSƯT La Cẩm Vân - Trưởng Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế, vào dàn dựng và do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Đào Tấn biểu diễn, đã thay cho lời cầu chúc đầu năm.

Thông tin năm nay tỉnh quyết định không bắn pháo hoa vào lúc giao thừa không làm mọi người bớt vui. Bởi hơn ai hết, người dân Bình Định vốn chịu thương chịu khó, luôn sẵn sàng thể hiện tấm lòng nhân ái, sẻ chia với những đồng bào còn gặp khó khăn. Ta càng thấy tự hào, như chính mình cũng góp một phần nhỏ bé vào việc hỗ trợ xây nhà cho người nghèo theo như chủ trương của tỉnh.

Và thay cho màn pháo hoa rực rỡ như mọi năm, đã có 100 đèn lồng được thả lên bầu trời Quy Nhơn vào đúng thời khắc giao thừa. Những ngọn đèn mang theo ước vọng về một năm mới an lành.

Quy Nhơn: không khí xuân đến sớm

Nhưng bạn này cùng chúng tôi trở ngược thời gian lại một chút, để thấm đẫm không khí xuân từ những ngày chạm Tết. Có thể nói, đấy mới là thời điểm "Tết" nhất. Sau 23 tháng Chạp, thời tiết Quy Nhơn trở lạnh, thỉnh thoảng lại có những đợt mưa phùn bay bay. Nhưng thú vị là đến ngày 29 Tết, trời đỡ lạnh hơn và hy vọng những ngày đầu năm mới, tiết trời sẽ ấm dần lên, cho con người mặc lòng du xuân.

 

Con đường mùa xuân - ảnh Đào Tiến Đạt

 

Tại Trung tâm Thương mại Quy Nhơn và các chợ trong thành phố, đến tận chiều 29 Tết, cảnh mua bán diễn ra vẫn nhộn nhịp. Nhiều mặt hàng tại siêu thị Quy Nhơn đã được vét nhẵn ngay từ sáng 29 Tết. Lượng người mua sắm tăng đột biến, cho thấy đời sống người dân tỉnh nhà năm qua tiếp tục được nâng thêm.

Từ 20 tháng Chạp, đồng loạt các tụ điểm, chợ hoa xuân từ thành phố Quy Nhơn đến các huyện, các xã đã chính thức khai trương. Hoa cũng tràn ra suốt dọc đường thiên lý Bắc - Nam mà chủ lực vẫn là mai. Riêng chợ hoa xuân Quy Nhơn đã có hàng trăm lô hàng trải dọc hai bên đường Nguyễn Tất Thành. Ngoài ra, còn có một số điểm khác trên đường Đống Đa, Nguyễn Thái Học, Hùng Vương, Trần Hưng Đạo…

Dạo chợ hoa đêm cuối năm đã thành một thói quen với nhiều người Quy Nhơn. Nhưng năm nay, ngắm hoa xuân giữa đêm giao thừa se se lạnh, như thêm phần thú vị.

Thời tiết lạnh, hoa dọc "con đường hoa" Nguyễn Tất Thành kéo dài gần nửa cây số đường, có phần kém sắc hơn mọi năm, giá lại cao ngất ngưởng, cao hơn năm trước khoảng vài chục phần trăm. Mai, Đào, Quất, Cúc, Hướng dương… nghĩa là vẫn đủ chủng loại hoa, nhưng tươi sắc nhất, trụ được qua một mùa lạnh dài và những trận gió tiết Đại hàn ngày chạm Tết vẫn là cúc. Nhưng để mua một sắc vàng tươi cho sáng căn nhà vào ngày Tết, chậu cúc ngay chiều 29 tháng Chạp này, ta vẫn phải… xuýt xoa vì phải bỏ ra gấp đôi, gấp ba năm ngoái mới được chậu tương đương.

"Nếu như một chậu cúc đại đóa năm trước chỉ vào khoảng 150-200 nghìn thì năm nay đã lên đến 500 nghìn một chậu" - anh Công Hòa, nhà ở đường Hoàng Văn Thụ, Quy Nhơn, nhận xét.

Những nụ mai xuân chỉ vừa đủ độ chúm chím nụ, cây nào có hoa thì gặp lạnh, nên hoa rũ ra như trông ngóng ai vậy. Nhìn những đóa cúc, nụ mai, nhìn cái nụ cười buồn của người bán hoa co ro trong giá lạnh, mà nghĩ đến công sức những ngày chăm chút và vun ước mơ cho xuân, lại thấy se lòng. Rồi lại thấy quý, niềm vui của những người mang mùa xuân về nhà với những cành mai ngược phố, cả nụ cười tươi người bán khi bán được chậu hoa. Họ có thêm chút "lộc" để có cái Tết tươm hơn.

Trên các trục đường chính từ nội thành đến ngã ba Phú Tài, đã xuất hiện rất nhiều cờ nheo, pa nô nhỏ, khẩu hiệu tuyên truyền với nội dung mừng Đảng, mừng Xuân. Đường phố Quy Nhơn như trở nên chật chội hơn bởi dòng người xe đi lại như không ngớt. Công ty Công viên Cây xanh và Chiếu sáng Đô thị Quy Nhơn đã lắp đặt thêm 7 cầu vồng trang trí tại các "điểm nhấn" trên địa bàn thành phố như Quảng trường Tượng đài Chiến thắng, Công viên Thiếu nhi Quy Nhơn… Sắc xuân nhờ vậy mà thêm phần rộn rã.

Một góc cạnh khác của Quy Nhơn trong những ngày giáp Tết thể hiện một cách bình dị, nhưng gần gũi là ở các hàng quán cà phê. Ở đó, những người thân, bạn bè học tập, làm ăn ở xa, giờ trở về tụ họp. Tay bắt mặt mừng, họ chia sẻ những vui - buồn và cùng thắp hy vọng cho một mùa xuân mới với nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống.

Tết Việt của sinh viên Lào

Ghé Trường Đại học Quy Nhơn, chúng tôi gặp 19 sinh viên Lào tự nguyện ở lại đón Tết cổ truyền Việt Nam. Trong số này, nhiều người từng đón Tết Việt lần thứ 2, thứ 3, có người thì mới ở lại năm đầu "cho biết" - họ nói vậy.

 

Các bạn sinh viên Lào đón Tết Việt với bánh chưng, bánh tét - ảnh Nguyễn Phúc

 

Khai Thong - sinh viên năm 2, Khoa Sinh Tổng hợp, đón Tết ở Quy Nhơn lần này là lần thứ 3. Không khí Tết Việt giờ đã thật quen với Khai Thong. Bạn cũng đi mua sắm quần áo mới để mặc trong các ngày Tết, cũng mua hoa về chưng trong phòng. Khai Thong nói: "Mình là sinh viên nữ nên sẽ có nhiều bạn nam đến phòng chúc Tết và cùng vui Tết. Do vậy, mình phải chuẩn bị thật chu đáo để đón các bạn và chúng mình sẽ đón một cái Tết Việt thật vui và ý nghĩa".

Còn Đa Văn - sinh viên năm 3, ngành Thương mại Quốc tế, Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, thì đây là lần đầu tiên đón Tết tại Quy Nhơn. Đa Văn nhận xét: "Tôi thấy rất vui khi được ở lại đón Tết Việt. Bởi lâu nay, mới chỉ nghe nói Tết Việt Nam thì có bánh chưng, bánh tét, nhưng chưa từng thấy bao giờ. Tết này, không những được thấy mà còn được ăn nữa. Tuyệt lắm!". Rồi Đa Văn khoe: "Mùng 2 và mừng 3 Tết mình còn phải đến nhà các bạn học cùng lớp ở Quy Nhơn để chúc Tết nữa!".

Hoài Ân: cồng chiêng mừng xuân

Tại Hoài Ân, hội hoa xuân đã được khai mạc vào sáng 25 tháng Chạp và kéo dài đến ngày 27 tháng Chạp. Tuy lượng hoa năm nay ở Hoài Ân có phần thua sút so với năm ngoái nhưng sắc hoa xuân vẫn làm ấm lòng người cả trời trung du xanh thẳm. Một chương trình vui xuân với các trò chơi dân gian cũng khai màn từ ngày 29 Tết và sẽ còn kéo dài trong ba ngày Tết tại Nhà Văn hóa trung tâm huyện. Anh Võ Chí Hà - cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện, tiết lộ thêm là trong hai ngày mùng 3 và mùng 4 Tết năm nay, huyện sẽ tổ chức đấu võ đài giữa các CLB trong huyện và các huyện bạn.

Tuy nhiên, hấp dẫn nhất là năm nay hai xã Dakmang và Boktới sẽ tổ chức thi diễn tấu cồng chiêng giữa các làng trong xã. Cũng từ hai năm nay, các làng ở Hoài Ân vẫn có lệ tổ chức đội cồng chiêng đi từ làng này qua làng kia để chúc Tết. Tiếng cồng, nhịp chiêng, cùng lời ca, tiếng hát sẽ rộn vang trên khắp các bản làng, như một mơ ước về một mùa xuân viên mãn đã tới.

Phù Cát: lo Tết cho miền đất lũ

Phù Cát là một trong những địa bàn hứng chịu nhiều thiệt hại nhất trong các đợt lũ lụt lớn xảy ra liên tục trong năm. Không để dân "đói" trong dịp Tết - với chủ trương này, huyện đã tích cực tổ chức hỗ trợ đỏ lửa trong những ngày cận Tết. Hàng trăm tấn gạo, hàng trăm triệu đồng được đưa về tận tay bà con trong niềm vui với ngôi nhà mới, những hũ gạo đầy ắp tình người.

Cũng với mục tiêu phục vụ bà con nhân dân các xã khó khăn và vùng bị bão lũ, huyện đã lên kế hoạch tổ chức đoàn chiếu phim mừng Đảng, mừng Xuân tại các xã Cát Hưng, Cát Hải, Cát Thành và Cát Khánh.

Niềm vui vậy là không chỉ lăn dài theo những giọt nước mắt của người lớn mà còn ánh lên trong nét tinh nghịch của các em nhỏ vùng lũ. Đêm giao thừa ở đây dường như vui hơn, thêm nồng ấm tình người.

Chợ hoa xuân với những sắc màu rộn rã, hồ sinh thái được hoàn tất, cùng với Khu Sinh hoạt Trung tâm huyện được trang trí cờ hoa tạo điểm nhấn rực rỡ trong đêm giao thừa này. Đến chiều 29 tháng Chạp, không khí Tết đã náo nức bởi có rất nhiều bạn trẻ dạo chợ hoa xuân và tập trung quanh công viên hồ sinh thái chờ xem ca nhạc và khu trò chơi dân gian của tỉnh Đăk Lăk.

Giao thừa, người dân đổ về các chùa để lộc và cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp trong năm mới càng nhiều.

Trong các ngày Tết, Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện sẽ còn tổ chức nhiều chương trình vui xuân khác như giao lưu văn nghệ quần chúng, trò chơi dân gian, võ cổ truyền... Nét mới năm nay là ngoài các hoạt động nói trên, huyện còn tổ chức nhiều hoạt động khơi dậy truyền thống văn hóa của địa phương.

Vừa tất bật chuẩn bị chạy chương trình văn nghệ, ông Võ Văn Long, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao huyện Phù Cát, tiết lộ với chúng tôi, rằng huyện sẽ tổ chức thi múa lân với sự tham gia của 18 đội lân, thi bơi lội tại hồ sinh thái và các chương trình lưu diễn phục vụ bà con của CLB Tuồng Suối Tre.

Tuy Phước: đậm sắc màu dân gian

Vào những ngày cuối tháng Chạp, không khí chuẩn bị đón Tết tại Tuy Phước đã hết sức nhộn nhịp. Trên mọi nẻo đường trên địa bàn huyện người dân đi chợ hoa, mua sắm Tết diễn ra khá nhộn nhịp với sức mua, bán tăng khá cao so với mọi năm. Năm qua, mặc dù thời tiết bất lợi làm cho người trồng hoa ở địa phương mất mùa hoa nhưng thị trường hoa Tết diễn ra khá nhộn nhịp do hoa ở các nơi đưa về nhiều, tuy giá cả tăng cao hơn so với mọi năm.

 

Cầu vồng trên đại lộ Nguyễn Tất Thành

 

Tối giao thừa, tại trung tâm huyện, Đoàn Văn nghệ quần chúng của huyện đã trình làng một chương trình ca nhạc mừng xuân thật vui với rất nhiều bài hát mừng Đảng quang vinh, mừng đất nước đổi mới. Nhiều bạn trẻ xem ca nhạc, nhưng vẫn không quên hẹn nhau: ngày mai sẽ dậy thật sớm đi hội chợ Gò chịu tuổi, lấy may.

Hội chợ Gò năm nay hứa hẹn hấp dẫn hơn với rất nhiều tiết mục hấp dẫn như: hái lộc đầu xuân, biểu diễn võ thuật, hát tuồng, múa hát theo nhạc và nhiều trò chơi dân gian khá đặc sắc như: nhảy bao bố, thi cắm cờ nhanh… Chiều mồng 2 Tết, lại còn có thêm hội đua thuyền truyền thống được tổ chức trên sông Gò Bồi (xã Phước Hòa). 4 đội thuyền của bốn xã ven biển Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Thuận, Phước Sơn sẽ tham gia.

Ngày mồng 4 Tết, tại UBND xã Phước Sơn, Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao huyện cũng sẽ phối hợp với xã Phước Sơn tổ chức giải bóng chuyền mở rộng với sự tham gia của các đội bóng chuyền trong huyện. Ngoài ra, tại nhiều địa phương trong huyện cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao chào mừng xuân mới Bính Tuất.

Tết trên đất Kinh xưa

Không khí Tết trên đất An Nhơn, có lẽ đã được báo hiệu từ rất sớm bằng cái rộn rã khác ngày thường của những phiên chợ Bình Định. Cũng những sản vật khắp nơi về hội tụ, cũng những lời gọi nhau í ới, gợi nhớ nhiều đến phiên chợ Gò Chàm xưa: "Bớ chị em ơi! Đi chợ/ Chợ nào bằng chợ Gò Chàm". Đi chợ Tết đang thành một thú vui của người nay, vừa mua sắm, vừa ngắm nghía sản vật quê nhà, vừa có thể tự đánh giá đời sống một năm vừa qua đo lường bằng cái nhộn nhịp của phiên chợ giáp Tết.

 

Dạ hội đêm giao thừa tại TP Quy Nhơn - ảnh Hoài Thu

 

Nếu bạn chưa từng xem thú chơi xổ cổ nhơn ngày Tết, bạn đừng bỏ lỡ dịp được thưởng lãm thú chơi này ngay tại đất Kinh xưa. Ngay từ ngày 27 tháng Chạp, xổ cổ nhơn đã được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện và các xã như Nhơn Phong, Nhơn Hạnh và còn lai rai cho đến tận mùng 5 Tết. Những câu thai đọc giữa trời xuân, hẳn nhiên là những lời cầu chúc tốt đẹp, an lành. Không khí xuân cứ theo đó, mà dần tan trong mỗi hồn người.

Và hẳn nhiên, đất Thành không thể thiếu các hoạt động văn nghệ, thể thao truyền thống như hát tuồng, hò đối đáp, thi đấu võ đài, chạy việt dã được tổ chức đều khắp 15 xã, thị trấn trong huyện… Nhưng có lẽ, với tôi, đón đợi nhất ở đất Kinh xưa này, cũng như ở Tuy Phước, vẫn là những lễ hội mùa xuân sẽ được tổ chức, mà khai màn sẽ là lễ hội chùa Ông.

Trước đó, để giúp các hộ gia đình diện chính sách, người có công cách mạng, các hộ có hoàn cảnh khó khăn đón Tết vui vẻ, UBND huyện An Nhơn đã chi ngân sách hàng trăm triệu đồng để mua quà biếu, hỗ trợ lương thực để người dân ăn Tết vui vẻ.

Sáng xuân Vĩnh Thạnh

Trong các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Vĩnh Thạnh thì Vĩnh Thuận là xã còn nhiều gian nan vất vả. Do vậy, chúng tôi đã chọn Vĩnh Thuận làm điểm trong một ngày cận Tết.

Đứng trên đỉnh dốc Thác Hải nhìn xuống, Vĩnh Thuận lọt thỏm giữa thung lũng ngút ngát màu xanh, dòng suối Sem mảnh như sợi chỉ màu lam chảy giữa đôi bờ xanh ngắt ấy. Đến Vĩnh Thuận khi những vạt lúa nương đã nhuốm vàng, trong hương sắc mùa xuân miền sơn cước vui tươi, tràn đầy nhựa sống, đã thấy một Vĩnh Thuận nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo...

Nhà bá Mưng (làng 6) hôm nay nhộn nhịp, đội cồng chiêng của làng đang tập dượt lại những bài cồng chiêng, các cô gái Bana đang lượn những vòng xoang uyển chuyển chuẩn bị cho lễ hội đêm giao thừa sẽ được tổ chức tại trụ sở UBND xã mới. Ở đằng kia góc sân, các mí, các giá đang gói bánh. những lo toan thường ngày dường như đã được mọi người cất kỹ ở góc nhà.

Bá Mưng vừa hướng dẫn cho trai làng gõ chiêng theo nhịp trống, vừa nói thật to với mọi người: "Tết này, lũ con gái phải múa cho thật dẻo, con trai phải chiêng cho thật hay để mừng xã mới, mừng cán bộ mới...".

Ở nhà giá Tháo (làng 7) hôm nay cũng vui không kém. Giá Tháo thuộc hộ gia đình neo đơn nên ngày cuối năm nhiều bà con trong làng đến giúp giá dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đón Tết. Bá Thìn - Bí thư Chi bộ làng 7, cho biết: "Làng đã họp rồi, năm nay tất cả mọi người trong làng đều phải đón Tết cho thật vui, vì sao à? Vì nhiều lẽ lắm. Nhà cửa mới này, xã mới này, năm nay là năm bà con đã thực sự ổn định nơi ăn chốn ở...".

Không khí đón Tết ở làng M9 (xã Vĩnh Hòa) cũng rộn ràng không kém. Bà con ở đây tự hào với ngôi nhà rông to nhất vùng. Bók Ly - thôn trưởng M9 chạy đi chạy lại nhắc nhở các gia đình sớm mùng một Tết ra nhà rông chào cờ và tham gia lễ hội đón năm mới.

Để cho mọi người, mọi nhà đều có được ngày Tết vui vẻ, Tết năm nay, huyện Vĩnh Thạnh đã tổ chức trợ cấp đỏ lửa cho gần một nghìn hộ có hoàn cảnh khó khăn. Việc tiếp nhận và phân phối quà Tết cho các gia đình chính sách, người già neo đơn cũng được tổ chức chu đáo. Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương còn vận động các cơ quan, các doanh nghiệp thăm và tặng quà cho nhiều hộ khó khăn.

Trong bữa cơm cuối năm ân tình giản dị, bá Khôi ở làng 3 giãi bày: "Người Bana mình tin vào Đảng và Nhà nước mình lắm. Chỉ có Đảng mới đem lại cuộc sống ấm no cho dân mình thôi".

Tây Sơn: mùa thể thao, mùa lễ hội

Nói đến Tết ở Tây Sơn không thể không nói đến không khí chuẩn bị cho lễ hội Đống Đa vào ngày mùng 5 Tết. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất.

Đến Tây Sơn vào những ngày này, đập vào mắt ta là rừng cờ hoa, ngoài cờ Tổ quốc còn có thêm lá cờ hội, rồi cờ chuối các sắc màu, tâm hồn ta như thêm náo nức. Bảo tàng Quang Trung với bức tượng Quang Trung mới được xây dựng, như mang một diện mạo khác, đẹp và hoành tráng hơn.

 

                                          Xuân đã về - ảnh Đào Tiến Đạt

 

Chợ Phú Phong trong ngày 29 Tết vẫn "nóng". Người ta tranh thủ mua sắm những gì còn thiếu để có một cái Tết thật trọn vẹn, ấm cúng. Sức mua của người tiêu dùng tăng cao đến chóng mặt, phần nào cho thấy chất lượng đời sống của người dân đang được tăng dần.

Anh Văn Bình, một người dân ở thị trấn Phú Phong, cho biết: "Tết năm nay sẽ vui lắm. Bởi ngay từ ngày mồng 1, mồng 2, tại các xã đã tổ chức thi đấu các môn thể thao như bóng chuyền, bóng đá, các trò chơi dân gian, thanh niên tụi tui tha hồ đi xem, ghé chỗ này một chút, chỗ kia một chút, vậy mà vui. Rồi nhất là các trò chơi dân gian sẽ được tổ chức ở khoảng đất trống trước Bảo tàng Quang Trung suốt trong dịp Tết".

Nhưng được chờ đợi nhất hẳn nhiên là giải đấu võ đài liên tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Tây Ninh và các huyện trong tỉnh, sẽ diễn ra vào mồng 4, 5 và 6 Tết và tất nhiên là Lễ Kỷ niệm 217 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào ngày mùng 4 và mùng 5 Tết. Tết ở Tây Sơn, bởi vậy, vừa đậm chất lễ hội, vừa giàu tinh thần thượng võ.

An Lão: rộn ràng Tết vùng cao

Không khí đón Tết cổ truyền năm nay ở An Lão đến sớm hơn mọi năm. Trong cái se lạnh của những ngày cuối năm, những giò phong lan từ đại ngàn An Lão vẫn thi nhau đua nở muôn màu sắc, gởi vào gió chút hương rừng, tạo nên cái thi vị rất riêng ngày Tết vùng cao.

Đã nhiều năm nay, đồng bào H're, Bahnar ở An Lão tổ chức ăn Tết cùng lúc với bà con dưới xuôi, chấm dứt một thời kỳ sau mùa vụ thu hoạch, người H're, Bahnar mới bắt đầu ăn Tết từ làng này đến làng khác, kéo dài hàng tháng trời.

Những ngày cuối năm An Lão vừa trải qua một đợt tổn thất về kinh tế khá nặng nề. Hon 600 con gia súc bị chết do rét lạnh. Tuy vậy, nền kinh tế năm qua ở An Lão vẫn tiếp tục phát triển, đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Điều này, được thể hiện khá rõ nét bởi sức mua sắm của người dân khá mạnh tại các phiên chợ Tết. Chỉ riêng tại các quầy hàng hóa phục vụ Tết của Cửa hàng Thương mại Miền núi huyện đã đạt tổng doanh số bán ra hơn 700 triệu đồng.

Năm nay, việc đón Tết ở An Lão càng trở nên đầm ấm hơn bởi trước Tết huyện đã chi hơn 20 triệu đồng và 62,5 tấn gạo thăm và tặng quà, hỗ trợ cho các gia đình chính sách, hộ nghèo đỏ lửa trong những ngày Tết.

Ngày giáp Tết, các bản làng vùng cao An Lão cũng rộn ràng không kém dưới xuôi. Hàng trăm ngôi nhà mới được xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, được đưa vào sử dụng đúng vào dịp đón Tết Nguyên đán này. Nhà nhà đầy ắp những ché rượu cần để đãi khách trong ba ngày Tết. Những nhánh lan rừng, cùng cúc vàng, mai, hồng từ dưới xuôi chở lên được bày biện ngay trong những ngôi nhà sàn cách tân.

* * *

Phút giao thừa đã vừa trôi qua. Bạn đã thả theo những chiếc đèn lồng lên cao kia, lời ước nguyện cho năm mới tốt lành.

Trong hơi gió của đêm giao niên, khi vừa trở về Tòa soạn để viết nên những dòng này, tự dưng tâm hồn chúng tôi lại thấy nồng ấm lạ. Dẫu vẫn biết, rằng mùng 7 Tết mới vào tiết Lập xuân mà nhịp đập rộn ràng của những hồn người làm cho đêm giao thừa làm khí xuân như nồng ấm hẳn lên. Càng ấm lòng hơn khi dự cảm về tương lai của quê hương, đất nước.

Nhưng: trời đã sang canh. Ngoài đường, đã râm ran tiếng nói cười của những người lên chùa đón lộc đầu năm. Chúc bạn hưởng trọn một mùa xuân viên mãn Tết này và một năm mới đắc tài, đắc lộc.

  • Nhóm thực hiện: Viết Thọ - Hoài Thu - Lê Cường - Nguyễn Phúc -Nguyễn Hân -Thu Hiền -Xuân Dũng - Hoàng Nam Quốc - Lý Khánh Vinh

Gửi tin nay qua Email In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà thăm và chúc Tết lực lượng công an  (28/01/2006)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương thăm và chúc Tết tại huyện Vĩnh Thạnh  (28/01/2006)
Tặng quà Tết cho nạn nhân chất độc da cam  (28/01/2006)
Những dấu ấn năm Tuất trong lịch sử dân tộc   (28/01/2006)
Chuyện về 2 "ông Tây" ăn Tết ta   (28/01/2006)
Công an Bình Định tặng 30 tấn gạo cho đồng bào dân tộc ít thiểu số   (28/01/2006)
Quy Nhơn: Lắp mới 4 trụ đèn tín hiệu giao thông   (28/01/2006)
Tặng quà Tết cho người khó khăn   (28/01/2006)
Phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình thăm và chúc Tết văn phòng đại diện VSA tại Bình Định   (28/01/2006)
Lãnh đạo tỉnh viếng Nghĩa trang Liệt sĩ TP Quy Nhơn   (28/01/2006)
Gặp mặt kiều bào Bình Định về quê ăn Tết  (27/01/2006)
Lãnh đạo tỉnh chúc Tết các tổ chức tôn giáo  (27/01/2006)
Biến Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh thành thực tiễn sinh động trong cuộc sống  (27/01/2006)
Tăng công suất cấp nước sinh hoạt cho người dân  (26/01/2006)
3,5 tỉ đồng cho chương trình trợ giá trợ cước  (26/01/2006)
 
Theo dòng thời sự

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam ngày 7.3 đã ký 2 hiệp định vay vốn với tổng trị giá 111,88 triệu USD nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng phát thải khí các-bon thấp và tăng cường năng lực của Chính phủ để khởi động, chuẩn bị và triển khai tốt hơn các dự án do ADB tài trợ.

Một trận động đất 3,6 độ richter gây rung chuyển toàn vùng núi tại khu vực huyện Bắc Trà My, Quảng Nam vào lúc 15 giờ 39 ngày 7.3. Trận động đất này đã phát ra tiếng nổ và kéo dài khoảng 3 giây. Theo đánh giá của Viện Vật lý địa cầu, động đất gây nên rung động cấp IV (theo thang MSK-64) ở khu vực chấn tâm động đất. Đây là trận động đất thứ 7 trong vòng 4 ngày qua tại khu vực này.

Văn hóa lễ hội

Từ bao đời nay, lễ hội luôn giữ vai trò như sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa vừa trang trọng, linh thiêng vừa tưng bừng, náo nức mỗi dịp đầu năm. Lễ hội cũng là dịp để mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ công ơn người đi trước, cầu mong những điều tốt lành.

Báo Bình Định xuất bản: Thứ hai, ba, tư, năm, sáu, bảy, chủ nhật và Bình Định điện tử
Bản quyền thuộc về Báo Bình Định

(Giấy phép xuất bản số 500/GP-BVHTT của Bộ Văn hóa - Thông tin cấp ngày 15.11.2002)
Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP.Quy Nhơn - Điện Thoại: 056.3821867 - 3813573 - 3818664
E-mail: tsbbd@dng.vnn.vn - http://www.baobinhdinh.com.vn