Trong những năm qua, cải cách hành chính luôn là nhiệm vụ trọng tâm và được ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền. UBND tỉnh đã đánh giá công tác cải cách hành chính giai đoạn 1 (2001- 2005) của tỉnh là: có bước tiến rõ nét và đạt được một số kết quả khả quan.
|
Trụ sở UBND xã Hoài Thanh (Hoài Nhơn). Ảnh: T.L
|
* Cải cách thể chế- một mục tiêu lớn
Cải cách hành chính, trước hết thể hiện ở cải cách thể chế. Mục tiêu của cải cách thể chế được đặt ra là xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế và hành chính phù hợp với cơ chế thị trường, định hướng XHCN, tập trung trước hết vào các thể chế kinh tế.
Trong những năm qua, cùng với việc triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và ban hành hàng loạt các cơ chế, chính sách, quy định cụ thể của tỉnh về phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là về ưu đãi, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, về khuyến nông, khuyến lâm, về hỗ trợ cơ sở hạ tầng, về phát triển khoa học công nghệ, về phát triển bảo vệ rừng... Qua thực hiện các quy định cụ thể đó, môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh của tỉnh đã được cải thiện, thông thoáng hơn trước, xóa bỏ dần những rào cản ngăn cách giữa doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. “Sân chơi” bình đẳng cho các doanh nghiệp hoạt động đã được thiết lập, từng bước tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng và ban hành các quy chế về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn, về quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn trong việc xây dựng, hoạch định và thực thi chính sách, kế hoạch, quy chế làm việc của UBND các cấp. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước phải đổi mới phương thức, lề lối làm việc phù hợp với cơ chế mới, giảm dần các hoạt động can thiệp đối với hoạt động của các doanh nghiệp. Mặt khác, để đảm bảo chất lượng các thể chế được ban hành, UBND tỉnh đã có quyết định về ban hành quy định tạm thời về soạn thảo, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, trong đó, xác định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan chuẩn bị dự thảo và cơ quan thẩm định dự thảo. Và cùng đó là công tác rà soát văn bản quy phạm luật cũng đã được triển khai nghiêm túc và đạt kết quả tương đối ở các cấp chính quyền. Riêng cấp tỉnh, đến cuối năm 2004, đã thực hiện xong việc rà soát và hệ thống hóa các văn bản quy phạm do UBND tỉnh ban hành trong 4 năm (2000-2003), gồm 92 chỉ thị và 450 nghị quyết. Qua rà soát, UBND tỉnh đã đề nghị bãi bỏ 196 văn bản hết hiệu lực thi hành và kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi một số văn bản hành chính vượt thẩm quyền hoặc có nội dung không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
* Thủ tục hành chính- đã bớt nhiêu khê
Đến nay, về cơ bản các thủ tục hành chính và các quy định về phí và lệ phí trong các lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của công dân và tổ chức như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, công chứng, cấp giấy phép xây dựng... đã được cấp có thẩm quyền ban hành và niêm yết công khai. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo xây dựng kế hoạch chung của tỉnh về tổng rà soát thủ tục hành chính trên tất cả các ngành, các lĩnh vực và các cấp mà trọng tâm là ở các lĩnh vực có nhiều bức xúc được dư luận xã hội quan tâm.
Về cải cách tổ chức, bộ máy hành chính, theo đề án được duyệt, từ năm 2001, tỉnh đã thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện; thực hiện việc rà soát, điều chỉnh và làm rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cơ quan, đơn vị và thực hiện tinh giảm biên chế hành chính sự nghiệp. Cuối năm 2004, UBND tỉnh tiếp tục xây dựng và trình HĐND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, huyện, thành phố. Với phương án này, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh về cơ bản được giữ nguyên, ngoài việc thành lập mới 2 sở và đổi tên, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan như Ban Tôn giáo chính quyền, Ban Dân tộc miền núi theo đặc thù của tỉnh. Các cơ quan chuyên môn cấp huyện được chia tách, sắp xếp điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và thành lập mới, gồm từ 12- 14 cơ quan. Qua các lần sắp xếp, tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn các cấp ngày càng tinh gọn, hợp lý hơn; tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa một số cơ quan trên một số lĩnh vực cụ thể đã được khắc phục dần.
|