Năm học 2006-2007, môn tin học đã được đưa vào giảng dạy chính khóa trong chương trình phân ban từ lớp 10. Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, mỗi trường dạy tin học phải được trang bị tối thiểu 1 phòng máy với 25 máy tính. Tuy nhiên, đến nay, máy tính chưa có đủ, nên việc dạy và học môn tin học vẫn còn lắm khó khăn.
|
HS Trường Quốc Học Quy Nhơn thực hành môn tin học tại phòng máy của trường. Ảnh: Q.H
|
* Thiếu máy
Trường Quốc Học Quy Nhơn là một trong hai trường THPT của tỉnh đã được triển khai thí điểm phân ban từ lần trước, dù chương trình phân ban thất bại và được Bộ GD-ĐT tuyên bố “giải tán” nhưng việc tổ chức dạy tin học vẫn được trường duy trì cho đến nay. Ông Trần Xuân Bình, Hiệu trưởng, cho biết: “Hiện trường đã được trang bị 50 máy vi tính có cấu hình cao và được nối mạng internet, đường truyền tốc độ cao để học sinh (HS) thực hành”.
Trường Quốc học có 14 lớp 10, đã có 3 giáo viên (GV) tin học, trong đó, 2 GV có trình độ cử nhân tin học, 1 GV đang học đại học tại chức tin học năm thứ 2. Để giảng dạy tin học 2 tiết/ tuần (chương trình lớp 10), trường chỉ cần 2 GV. Còn HS các khối lớp 11, lớp 12 hiện nay vẫn học chương trình cũ, có 1 tiết/ tuần. “Các năm sau, triển khai dạy tin học chương trình mới ở lớp 11, lớp 12 với 1, 5 tiết/ tuần trường mới cần tuyển thêm GV”- ông Bình khẳng định.
Trường PTTH Hoài Ân tuy cũng đã triển khai dạy tin học ngoại khóa từ năm học 2004-2005 cho HS các khối lớp 10, lớp 11, lớp 12, nhưng hiện vẫn thiếu máy. Ông Đinh Văn Ất, Hiệu trưởng, cho biết: “Trường có 1 phòng máy với khoảng 20 máy tính, nhưng hầu hết là máy đời cũ nên hiện chỉ 15 máy là có thể sử dụng được. Để đảm bảo dạy tin học cho 8 lớp 10, trường yêu cầu Sở GD-ĐT cấp thêm 20 máy nữa nhưng đến nay vẫn chưa có”. Việc thiếu máy tính khiến 3 HS thực hành chung 1 máy hoặc 1 lớp được chia làm 2 ca để thực hành. Vậy mà, vẫn chưa ổn, do trường hiện tại rất đông HS do “đa hệ”- vừa có HS cấp 3, vừa có HS cấp 2, vừa có HS người dân tộc thiểu số học bán trú, nội trú. Ông Ất cho biết: “Phòng học đang thiếu rất trầm trọng nhưng không thể không có phòng máy nên trường đành phải tiếp tục rút bớt 1 phòng học để làm phòng máy và 1 phòng để chứa thiết bị dạy học lớp 10”.
Trường THPT Vĩnh Thạnh có 12 lớp 10 nhưng cũng chỉ có 15 máy tính cũ. Ông Nguyễn Bá Lập, Hiệu trưởng trường, cho biết: “Phải có 2 phòng máy với khoảng 40 máy tính mới đủ cho HS thực hành!”.
Tình trạng thiếu máy tính, phòng máy còn tạm bợ là tình trạng khá phổ biến ở các trường THPT trong toàn tỉnh khi triển khai dạy tin học chính khóa.
* Thiếu thầy
Muốn quản lý tốt máy móc và nâng cao hiệu quả thực hành tin học cho HS thì các phòng máy phải có kỹ thuật viên tin học để cùng giáo viên hướng dẫn thực hành cho HS. Thông thường, một lớp có 45 HS, 1 GV tin học phải hướng dẫn cho từng đó em thực hành là rất khó. Hơn nữa, trước khi thực hành, máy móc cần phải có thời gian chuẩn bị (trước và sau), trong khi, GV xong tiết dạy phải qua lớp khác, phòng máy không có người trông coi.
Ngày 23-8-2006, Bộ GD-ĐT đã có thông tư hướng dẫn mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, trong đó quy định về công tác thiết bị, thí nghiệm như sau: “Trường hạng 1 (28 lớp trở lên- PV) được bố trí 2 biên chế; trường hạng 2, hạng 3 được bố trí 1 biên chế”.
Mục tiêu của Sở GD-ĐT trong năm học 2006-2007 là trang bị đủ số máy vi tính cho các trường theo yêu cầu tối thiểu của Bộ GD- ĐT (25 máy/ trường). Theo dự kiến, Sở sẽ phải mua thêm 567 máy vi tính và 47 máy in để trang bị cho 48 trường THPT trong toàn tỉnh với kinh phí hơn 4,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay máy vi tính vẫn chưa mua được vì các thủ tục đấu thầu quá rườm rà. Bà Đoàn Thị Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Hiện giờ, Sở đang chờ UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ thầu để tổ chức đấu thầu rộng rãi gói thầu trang bị máy vi tính cho các trường. Chậm nhất là cuối tháng 11 các trường sẽ có máy tính”.
Để khắc phục việc thiếu máy vi tính, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo “vẫn dạy đúng chương trình lý thuyết, phần thực hành để lùi lại sau...”.
Đối với vấn đề GV tin học ở tỉnh Bình Định không “căng” lắm vì từ nhiều năm trước, Sở GD-ĐT đã liên kết với các trường đại học, mở nhiều khóa cử nhân tin học cho những GV dạy các môn học tự nhiên muốn lấy bằng đại học thứ 2. Tuy nhiên, một khi tin học đã đưa vào giảng dạy chính khóa thì đòi hỏi rất nhiều, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đến đội ngũ GV đều phải đạt yêu cầu và đạt chuẩn.
|