Sự cố thí sinh dự thi cao học Đại học Khoa học (ĐHKH) Huế chỉ đạt 2/100 điểm môn ngoại ngữ vẫn được chấm đỗ khiến giới trí thức bị sốc. Nếu tính theo thang điểm 10, có nghĩa là thí sinh ấy chỉ lấy được 0,2 điểm. Xin được nhắc lại là người dự thi tuyển sinh vào cao học hiển nhiên phải là cử nhân, thậm chí là cử nhân thuộc nhóm khá giỏi.
Đây không phải là sự "sai sót" đơn lẻ mà là cả một hệ thống sai phạm khó tưởng tượng. 17/18 bài thi môn Nga văn chấm lại không đạt yêu cầu. Tức là gần 95% những người đã thi đậu, đã học cả tháng nay, hoàn toàn không xứng đáng học cao học! Đó là chưa kể bài thi môn Anh văn, đang được thanh tra Bộ GD-ĐT đem ra Hà Nội chấm kiểm tra? Có rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh câu chuyện đáng hổ thẹn và thật sự đau lòng này.
Tính chất nghiêm trọng của vấn đề được những giáo viên chấm thi lý giải là vì… thương; vì sợ không đủ người học? Thì ra lâu nay, cao học phải có khuyến mãi mới đủ "tài năng" để đào tạo ông này, bà kia cho đất nước? Nếu đây là một "quan điểm" có từ lâu, thì vấn đề còn được đẩy đi xa hơn nữa: Những khóa trước, đã khuyến mãi như thế bao nhiêu phần trăm?
Ai cũng biết đã là sĩ thì phải có lòng nhân. Nhưng việc làm trái luật pháp thì lại là chuyện khác. Câu hỏi mà người đọc báo không thể không hỏi là: "Thương" đến mức khiến 17/18 người lẽ ra đã rớt lại thành đậu đàng hoàng được học tiếp để lấy tấm bằng thạc sĩ là thương kiểu gì đây?
Mọi sự bao biện trong những trường hợp trên đều thiếu tính thuyết phục. Chẳng lẽ vì "thương" mà chúng ta có thể "chuẩn bị" để tung ra cho xã hội, đặt nền móng cho tương lai 95% cao học dởm? Xét về mặt quy chế, những người chấm thi đã coi thường luật pháp; về nhận thức sau khi phạm sai lầm, họ thực sự thiếu thành khẩn.
Những tấm bằng thạc sĩ có nguồn gốc từ ĐHKH Huế đang bị rọi lại khiến những thạc sĩ xịn cũng bị ném chung vào đám sâu tai họa ấy. Hàng ngàn PGS, TS, giảng viên của một trong những trường đại học lớn nhất nước phải hổ thẹn…
Chúng ta buộc phải đối diện với sự thật, cho dù đau lòng đến mấy. Nếu giải quyết theo kiểu "tổ chức kiểm điểm", "khiển trách" như đã từng làm; thì chắc chắn những sai phạm vẫn tiếp diễn.
Điều đáng lo lắng là hiện nay hầu như trường đại học nào ở Việt Nam cũng mở ngành đào tạo thạc sĩ, và việc đầu tiên mà họ làm là "thạc sĩ hóa" cán bộ giảng dạy của mình bất chấp chất lượng, trình độ đầu vào. Có thể hình dung đó như một kiểu "vừa đá bóng vừa thổi còi" trong đào tạo "máy chủ, máy cái". Hãy hình dung, nếu chất lượng máy chủ, máy cái đã kém đến thế thì liệu sản phẩm của chúng sẽ là cái gì? Có gọi là chính phẩm được không?
Hà Văn Thịnh - Đại học Khoa học Huế
|