Bước vào năm học 2006-2007, ngành GD-ĐT đã triển khai cuộc vận động "Nói không với… bệnh thành tích"- và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Sở đã triển khai cuộc vận động xuống phòng, phòng xuống trường, trường xuống GV… nhưng xem ra, cũng mới chỉ là… hình thức.
|
Trường nào cũng triển khai hưởng ứng cuộc vận động khá bài bản. Ảnh: Q.H
|
* Chỉ tiêu: trước sao nay vậy
Không trường nào thừa nhận trường có mắc "bệnh hình thức". Đó là điều chúng tôi nhận thấy sau khi đã đến khảo sát ở một số trường phổ thông ở TP Quy Nhơn. Ông Nguyễn Huy Hoàng, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Cảng cho biết: "Lâu nay, trường vẫn chịu thiệt thòi hơn so với các trường khác vì đánh giá đúng thực chất quá trình dạy và học, thi cử của GV và HS". Theo ông Hoàng, việc tổ chức kiểm tra kiến thức HS từ 15 phút, 1 tiết đến học kỳ, trường đều làm đúng quy chế. Khi GV vào điểm kiểm tra của HS trong sổ điểm, thấy có nghi vấn ban giám hiệu đều kiểm tra lại.
Năm nay, thực hiện cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục", Phòng giáo dục Quy Nhơn không áp đặt chỉ tiêu xuống như các năm trước mà để cho các trường tự đặt ra chỉ tiêu phù hợp với điều kiện thực tế của từng trường. Ông Hoàng cho biết: Trường THCS Hải Cảng đã đưa "số liệu" những năm trước cho GV tham khảo. Sau đó, cùng với thực tế khảo sát chất lượng HS đầu năm của lớp, GV xây dựng hệ thống chỉ tiêu cá nhân. Các tổ bộ môn dựa vào chỉ tiêu của từng GV trong tổ để xây dựng chỉ tiêu cho môn học mình và trường căn cứ vào những chỉ tiêu này để xác định mức chất lượng cần phấn đấu chung của toàn trường. Theo đó, chỉ tiêu HS lên lớp của các khối lớp là 95%, HS xếp loại học lực giỏi là 13%, khá 35%, yếu 5%, HS tốt nghiệp THCS đạt 97% trở lên… nhiều chỉ tiêu có giảm hơn so với năm học trước.
Tuy xác định đối tượng "đầu vào" của mình rất thấp, nhưng trường THCS Nguyễn Huệ cũng đưa ra những chỉ tiêu phấn đấu như sau: HS xếp loại học lực giỏi: 15%, khá: 36%, trung bình: 43%, yếu, kém: 6%, HS lên lớp thẳng đạt 94%, 98% số HS tốt nghiệp THCS, 35% số HS lớp 9 trúng tuyển vào lớp 10 công lập… so với năm ngoái, một số chỉ tiêu có giảm chút ít.
Trường Tiểu học Lê Lợi năm học trước có chỉ tiêu lên lớp thẳng là 99%, HS khá, giỏi (khối 1) đạt khoảng 70%, khối 2, 3 đạt 75%, khối 4, 5 từ 75- 80% HS khá, giỏi. Ông Hà Văn Tuyên, Hiệu trưởng cho biết: "Mặt bằng chất lượng HS của trường khá, phụ huynh HS quan tâm, HS được học 2 buổi/ ngày nên có tỷ lệ HS khá, giỏi như vậy là bình thường. Do đó, năm nay, có làm chặt hơn thì trường cũng chỉ hạ xuống khoảng 1- 1,5% đối với mỗi chỉ tiêu.
|
Sử dụng thiết bị dạy học trong giờ lên lớp ở một trường THCS. Ảnh: Q.H
|
* Nói không... không nói?
Đặt ra những chỉ tiêu thi đua không sát với thực tế là căn nguyên dẫn đến "bệnh thành tích". Tuy nhiên, không có chỉ tiêu thì cũng không có cái đích để vươn tới. Vấn đề đặt ra ở đây là cần phải xác định cho được chỉ tiêu nào cần phải có, chỉ tiêu nào phải loại bỏ bớt để tránh sự "quá tải" cho các hoạt động của nhà trường và của GV dẫn đến "bệnh thành tích". Bên cạnh đó, các mức chỉ tiêu đặt ra cũng phải được tính toán như thế nào cho phù hợp. Và muốn chẩn được "bệnh" thành tích thì trước hết, mỗi GV, mỗi nhà trường và các cấp cao hơn phải mổ xẻ, phân tích cho được "bệnh" thành tích đang nằm ở đâu, ở khía cạnh nào, phương diện nào trong quá trình tổ chức dạy và học và muốn "chữa trị" nó thì phải dùng biện pháp "đủ mạnh" như thế nào?
Không thừa nhận đơn vị mình ở một mặt nào đó, một hoạt động nào đó còn mang tính hình thức nhưng... các trường đều triển khai cuộc vận động "Nói không với… bệnh thành tích" theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên khá "bài bản" với đầy đủ các bước như lập ban chỉ đạo, lập kế hoạch và yêu cầu HS, GV ký cam kết "Nói không với bệnh thành tích"... Với 99 - 100% số HS lên lớp thẳng, 70 - 80% khá, giỏi ở tiểu học, 100% số HS tốt nghiệp THCS… liệu đã là những con số thực tế khi tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua- một kỳ thi mà ngành GD-ĐT đã xác nhận kết quả phản ánh đúng thực chất, nhưng, khoảng 45% số HS lớp 9 thuộc "top" trên vẫn có điểm các môn thi rất thấp? Ông Trần Văn Quí, Giám đốc Sở GD-ĐT đã từng giải thích nguyên nhân là "có thể có tình trạng GV đánh giá dễ dãi dẫn đến kết quả giáo dục chưa đúng thực chất".
Qua tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ các chỉ tiêu về lên lớp, tốt nghiệp vẫn khá cao là do nhiều trường đang phải đối mặt với một thực trạng nghịch lý: cho HS ở lại lớp nhiều, HS sẽ bỏ học nhiều, mà bỏ học nhiều thì không thể hoàn thành được chỉ tiêu phổ cập giáo dục (!). Mặt khác, để xoay chuyển kết quả giáo dục theo chiều hướng tích cực đòi hỏi phải có sự kéo theo hàng loạt vấn đề khác- tác động từ bên ngoài và bên trong- mà bản thân những chủ thể giáo dục không thể một sớm, một chiều "vượt qua" được. Trong khi đó cơ chế quản lý giáo dục hiện nay còn mang tính áp đặt, gia trưởng thiếu sự tôn trọng quyền tự chủ của mỗi giáo viên, mỗi đơn vị. Một cán bộ quản lý giáo dục cho biết: "Hễ trường nào, cá nhân nào làm việc gì không đúng ý của cấp trên là bị "dũa" ngay mà không cần biết nguyên nhân, động cơ của sự việc là gì. Bởi vậy, ai cũng phải bằng mọi giá để đạt cho được yêu cầu của cấp trên…".
Do đó, để "nói không với... bệnh thành tích", trước hết phải thay đổi cho được tư duy quản lý giáo dục với cách chỉ đạo còn thiên về hình thức và định lượng, ít chú ý đến nội dung và chất lượng. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đừng nên can thiệp quá sâu vào những vấn đề của nhà trường vì vẫn còn muốn thành tích ảo, sợ hạn chế thật. Có được như vậy thì các trường mới dám tin và mạnh dạn "nói không với… bệnh thành tích".
|