Ngày làm việc thứ nhất của Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa X:
Chương trình giảm nghèo phải cụ thể thiết thực hơn nữa
7:23', 12/10/ 2006 (GMT+7)

Hôm qua, 11-10, Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa X đã diễn ra tại TP Quy Nhơn. Buổi sáng, các đại biểu HĐND tỉnh đã nghe trình bày 9 báo cáo, tờ trình về các vấn đề định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương; định mức, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2007-2010; xây dựng tuyến đường phía tây; hợp tác với các tỉnh Nam Lào; chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm; nâng cấp các trường Trung học y tế, Công nhân kỹ thuật Quy Nhơn lên trường cao đẳng. Buổi chiều, các đại biểu (ĐB) đã tập trung thảo luận ở 4 tổ. Ghi nhận của nhóm PV Báo Bình Định về cuộc thảo luận này.

 

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Dương (ngồi hàng giữa, bên trái) nghe các ĐB phản ánh tổng hợp các ý kiến thảo luận ở tổ. Ảnh: N.S

 

* Giảm nghèo và giải quyết việc làm: còn thiếu đồng bộ

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm nhất là kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010. ĐB Lê Thanh Những (Vân Canh) cho rằng: Kế hoạch thì hay nhưng trên thực tế xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Bình Định những năm qua còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ. Tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí cũ) vẫn còn cao. Ông Những “nghi ngờ” số liệu hộ nghèo mà báo cáo đưa ra là 65.410 hộ (theo tiêu chí mới). Theo ông, số hộ nghèo có thể còn lớn hơn và các giải pháp thực hiện nêu trong chương trình còn chưa cụ thể. Tương tự với ý kiến của ông Lê Thanh Những, ĐB Đinh Hồ (Vĩnh Thạnh) cho rằng trên thực tế Chương trình giảm nghèo chưa thực hiện được bao nhiêu. Chỉ tiêu đến năm 2010 thu nhập bình quân của hộ thoát nghèo ở nông thôn trên 2,4 triệu đồng/người/năm rất khó thực hiện. Giải pháp cho vay vốn ưu đãi để giảm nghèo tại một số địa phương, nhất là ở miền núi xem ra thiếu hiệu quả vì nhiều người vay vốn để mua sắm xe máy, thậm chí nhậu nhẹt để nợ nần chồng chất. ĐB Đinh Hồ cho rằng Chương trình giảm nghèo cần được cụ thể hơn, và tốt nhất là đầu tư trực tiếp qua các dự án. Đối với Chương trình xóa nhà tạm, ĐB này cho rằng nếu cứ hỗ trợ tiền cho các nhà tạm để xây dựng kiên cố sẽ không bao giờ hết nhà tạm vì nhu cầu tách hộ không bao giờ kết thúc. ĐB Trần Hữu Hạnh (Phù Cát) cũng đặt dấu hỏi mục tiêu phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo và bồi dưỡng nghề lên 50% liệu có khả thi trong khi thực tế cho thấy trong những năm vừa qua các trường nghề của tỉnh ít được nâng cấp và phát triển.

ĐB Võ Thành Tiên (Phù Mỹ) nhận xét: “Tôi cho rằng chương trình giảm nghèo chưa được chuẩn bị kỹ vì chưa đi vào cái gốc của vấn đề là các giải pháp mà chỉ nói chuyện huy động, hỗ trợ. Đành rằng đây là chính sách xã hội nhưng giải pháp chính để giảm nghèo vẫn là giải quyết việc làm cho người dân. Cần phải xác định rõ là chúng ta cho người nghèo con cá hay cần câu”. ĐB Lê Hữu Cư (An Nhơn) cũng cho rằng về hai nội dung giảm nghèo và giải quyết việc làm cần có các giải pháp rạch ròi, cụ thể hơn.

Ở một khía cạnh khác, ĐB Võ Nhật Tịnh (Hoài Nhơn) cho rằng, việc áp dụng cơ chế huy động đa nguồn để đẩy mạnh phát triển kinh tế góp phần giảm nghèo và giải quyết việc làm như trong chương trình nêu có một số điểm cần bàn như: việc các địa phương bố trí một phần kinh phí trong dự toán ngân sách địa phương để lập quỹ giảm nghèo và giải quyết việc làm là rất khó vì ngân sách địa phương không đảm bảo; việc vận động mỗi cán bộ công chức, người lao động đóng góp tối thiểu 1 ngày lương/năm, nhân dân trong độ tuổi lao động có sức lao động mỗi năm đóng góp 1 ngày công lao động (tương đương 10.000 đồng) cần phải bàn kỹ vì các đối tượng này hàng năm đều phải đóng góp nhiều khoản, tham gia rất nhiều cuộc vận động.

* Làm đường phía Tây và đẩy mạnh hợp tác với Nam Lào: Tán thành nhưng...

Nội dung thứ hai cũng được rất nhiều ĐB quan tâm thảo luận là dự án xây dựng tuyến đường phía Tây tỉnh. ĐB Lê Minh Nghĩa (Quy Nhơn) cho rằng, cần phải xem xét về hiệu quả kinh tế, quốc phòng, văn hóa - xã hội của tuyến đường này để tránh lãng phí khi đầu tư. Về các phương án xây dựng, có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Theo ĐB Lê Minh Nghĩa, nếu đã quyết định đầu tư thì tỉnh nên chọn phương án 2 (điểm đầu tại thị trấn Phú Phong - km 40, Quốc lộ 19 theo tuyến đường tỉnh ĐT 636 đến km 19+500 và nối với tuyến theo phương án 1 ở ngã ba Bình Thuận) vì tuyến đường này đẹp, ngắn và đầu tư thấp nhất lại có khoảng cách chấp nhận được so với đường QL 1A. Còn các ĐB Lê Hữu Cư, Trần Thị Huyền Trang (An Nhơn) tán thành với phương án 3 nhưng đề nghị mở rộng mặt đường lên khoảng 5,5-6m, đồng thời phải thống nhất về mốc lộ giới, tránh tình trạng bị lấn chiếm.

Về đề án đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa Bình Định với các tỉnh Nam Lào đến năm 2010, hầu hết các đại biểu đều nhất trí và cho đây là đề án mở ra triển vọng lớn cho sự hợp tác phát triển KT-XH giữa hai bên. ĐB Lê Minh Nghĩa lưu ý, hợp tác là phải “hai bên cùng có lợi”, trong khi đó, nội dung đề án mới mang dáng dấp “hữu nghị” là chính. Do đó, cần phải đề cập rõ về lợi ích kinh tế qua thực hiện đề án vì các tỉnh Nam Lào là những tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về gỗ, đất, khoáng sản, dược liệu. ĐB Nguyễn Ngọc Trợ (Phù Cát) phát biểu: Cần phải giới thiệu khái quát về tình hình đặc điểm tự nhiên, xã hội, phát triển kinh tế của các tỉnh Nam Lào trong chương trình dự thảo cho các nhà đầu tư hiểu rõ thêm. Bên cạnh đó, cần phải hướng cho DN đầu tư phát triển nguồn nhân lực tại chỗ của nước bạn và tận dụng nguồn lao động có kinh nghiệm của tỉnh đưa sang để giải quyết việc làm cho người lao động và cũng chính đội ngũ lao động lành nghề này sẽ “cầm tay chỉ việc” cho người lao động bản xứ. ĐB Võ Thành Tiên khẳng định đây là mối quan hệ 2 chiều, nên muốn hợp tác, đầu tư có hiệu quả thì chúng ta phải hỗ trợ các tỉnh bạn. ĐB Lê Thanh Long (Tuy Phước) thì cho rằng cần sớm xúc tiến việc thực hiện đề án để các doanh nghiệp Việt Nam triển khai việc đưa vốn sang Lào đầu tư.

Về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2007, ĐB Mai Thanh Thắng (Tuy Phước) cho rằng, định mức chi cho sự nghiệp giáo dục đảm bảo tỷ lệ chi giảng dạy và học tập chiếm tối thiểu là 20% so với tổng chi cho sự nghiệp giáo dục là thấp và đề nghị tăng lên trên 25%. Theo ông, nếu tỷ lệ chi cho giảng dạy và học tập thấp thì điều kiện dạy và học không đảm bảo, không thể triển khai dạy và học theo phương pháp mới tốt được.

Về việc nâng cấp Trường TH Y tế thành Trường Cao đẳng Y tế và Trường CNKT Quy Nhơn thành Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn, đa số các ĐB đều tán thành, tuy nhiên băn khoăn chung của các ĐB là việc tính toán để làm sao đảm bảo cơ sở vật chất, giáo viên cũng như trang thiết bị cho các trường nhằm đáp ứng kịp nhu cầu.

  • Quỳnh Hoa - Quang Khanh - Bích Sương - Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trường Quân sự tỉnh Bình Định làm công tác dân vận ở xã Mỹ Hòa  (11/10/2006)
Khai mạc kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa X  (11/10/2006)
Xã Cát Khánh: Người dân ở 3 thôn ven biển đã có nước sạch  (11/10/2006)
Tổ chức khám chữa bệnh cho đồng bào tỉnh Sêkông  (11/10/2006)
Hội nghị sơ kết hoạt động HĐND 3 cấp giữa nhiệm kỳ  (11/10/2006)
Báo Lao Động mở điểm in tại Bình Định  (10/10/2006)
Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 23 hộ nghèo xây dựng nhà ở  (10/10/2006)
Các hoạt động văn hóa dần đi vào nền nếp  (10/10/2006)
515 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ gạo đủ ăn giáp hạt  (10/10/2006)
Xin chớ... nửa vời !  (10/10/2006)
Tăng cường phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm   (09/10/2006)
Thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản   (09/10/2006)
"Cao học khuyến mãi"  (10/10/2006)
Phải nhanh chóng trả lương theo mức lương tối thiểu mới   (09/10/2006)
Quyên góp tiền ủng hộ đồng bào bị bão số 6   (09/10/2006)