Theo thống kê của Sở Y tế, đến nay số trạm y tế có bác sĩ là 125/157. Để đạt tới tỷ lệ 85% số xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) có bác sĩ vào cuối năm nay cần bổ sung thêm 9 bác sĩ nữa. Tuy nhiên đến giữa tháng 10, số bác sĩ về xã chỉ thêm 1 trong khi số bỏ việc chính thức đã là 3. Ấy là chưa kể một số bác sĩ tăng cường từ trung tâm y tế cũng đã "rời bỏ trận địa".
|
Khám và điều trị bệnh nhân của Trạm y tế Phước An. Ảnh: Xuân Thức
|
Chỉ tiêu mà ngành Y tế đặt ra theo yêu cầu của Nghị quyết HĐND tỉnh là phấn đấu đến cuối năm 2006 đạt 85% số trạm y tế có bác sĩ nhằm nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân tại tuyến y tế cơ sở. Để thực hiện chỉ tiêu này, Sở Y tế đã có Kế hoạch số 426 ngày 26-4-2006 về tăng cường bác sĩ về công tác tại các trạm y tế. Tuy nhiên đến giờ phút này kế hoạch xem ra rất khó đạt được.
* Về ít, đi nhiều
Theo thống kê của Sở Y tế thì hiện tại TP Quy Nhơn có 16 bác sĩ/21 xã; Tuy Phước có 11 bác sĩ/13 xã; An Nhơn có 15 bác sĩ/15 xã; Phù Cát có 16 bác sĩ/18 xã; Phù Mỹ có 12 bác sĩ/19 xã; Hoài Ân có 11 bác sĩ/14 xã; Hoài Nhơn có 17 bác sĩ/17 xã; Tây Sơn có 15 bác sĩ/15 xã; An Lão có 6 bác sĩ/9 xã; Vân Canh có 3 bác sĩ/7 xã; Vĩnh Thạnh có 3 bác sĩ/ 9 xã. Trong tổng số bác sĩ được tính này, số bác sĩ tăng cường từ các trung tâm y tế huyện chiếm tỷ lệ khá cao. Và thực chất đây là con số không ổn định bởi một số bác sĩ tăng cường từ huyện được rút về song lại không được thay thế. Như Tuy Phước chẳng hạn, con số thực hiện nay chỉ có 6 bác sĩ ở xã trong đó 5 bác sĩ đang có mặt tại xã còn một bác sĩ không thuộc xã nào!
Giả thiết nếu con số thống kê từ tháng 4-2006 này là ổn định thì để có đủ tỉ lệ 85% số xã có bác sĩ trên phạm vi toàn tỉnh vào cuối năm 2006, theo kế hoạch cần bổ sung thêm 9 bác sĩ trong đó Quy Nhơn 2, Tuy Phước 1, Phù Cát 2, Vĩnh Thạnh 1, Phù Mỹ 1, Hoài Ân 1, An Lão 1. Tuy nhiên đến trung tuần tháng 10 này, chỉ mới có TP Quy Nhơn có thêm một bác sĩ là Trà Vĩnh Trinh, nguyên y sĩ của Trạm Y tế Đống Đa được đào tạo bác sĩ ra trường và chấp nhận trở về địa phương làm việc. Trong khi đó, Sở Y tế đã chính thức cho thôi việc 3 bác sĩ bỏ nhiệm sở ở xã là Trần Thị Châu (Trạm y tế phường Trần Hưng Đạo - Quy Nhơn), Tô Văn Dũng (Trạm y tế xã Ân Tín - Hoài Ân), Võ Văn Đông (Trạm y tế xã Tây Vinh - Tây Sơn)… Theo ông Kim Anh, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Sở Y tế, 9 bác sĩ được Sở Y tế hỗ trợ kinh phí cho đi đào tạo đã tốt nghiệp ra trường trong năm này song chỉ mới có 1 bác sĩ đến trình diện xin nhận nhiệm sở…
|
Khám bệnh cho bệnh nhân tâm thần phân liệt tại xã Phước Sơn - Tuy Phước. Ảnh: Minh Quân
|
* Khó và khổ
Đó là tâm sự chung của nhiều bác sĩ làm việc ở xã. Cái khổ của bác sĩ ở xã hiện nay là làm đủ các thứ việc cả những việc mà nếu là bác sĩ ở bệnh viện sẽ để cho điều dưỡng hoặc hộ lý làm. Một bác sĩ ở một xã thuộc huyện An Nhơn than: "Bệnh nhân của bác sĩ xã bây giờ chủ yếu là những người có thẻ BHYT song quỹ khám chữa bệnh cho BHYT tuyến xã lại rất hạn chế. Mệt nhất là giờ ra chơi, có lúc học sinh kéo đến vài mươi đứa xin khám; rồi các cuộc họp ở xã, tan họp là hàng chục cán bộ xã đến khám xin thuốc…".
Còn khó khăn của bác sĩ ở xã thì muôn vàn. Hầu hết các bác sĩ ở xã chỉ có thu nhập từ tiền lương; không có điều kiện làm thêm và không có chế độ đãi ngộ nào. Bác sĩ Nguyễn Văn Bảy, Trạm Y tế Phước Hưng (Tuy Phước) tâm sự: "Cả đến tiền trực đêm, ở trạm y tế cũng chia theo kiểu "cá mè một lứa". Bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng sơ cấp hay trung cấp đều 10.000 đồng/người cho một tua trực. Còn bác sĩ muốn lên bệnh viện để củng cố thêm kiến thức thì phải viết đơn gửi trạm rồi qua UBND xã họp xét và thường bị từ chối với lý do "không có người làm"…
* Lối ra nào?
Chính cái "khó" và cái "khổ" của bác sĩ ở xã mà nhiều bác sĩ đã từng gắn bó lâu năm với xã cũng bỏ việc đi tìm cơ hội mới. Trong số 11 huyện, thành phố thì An Nhơn được coi là nơi có nguồn bác sĩ xã ổn định nhất do công tác đào tạo bài bản. Bác sĩ Lê Thái Bình, Giám đốc Trung tâm y tế An Nhơn cho biết: "Giờ đây chúng tôi đã có đến 17 bác sĩ cho 15 xã (có 2 bác sĩ sắp nhận việc). Xã có 2 bác sĩ là Nhơn Lộc và Nhơn Hòa. Các bác sĩ ở xã đều là người tại chỗ cho đi đào tạo. Ngoài chế độ chung của tỉnh, Trung tâm y tế huyện đã dành một khoản kinh phí khá lớn tiếp sức cho người đi học rồi một số xã đãi ngộ cho ưu tiên mua đất xây nhà…
Ngoài việc nỗ lực đào tạo bác sĩ tại chỗ, có chính sách ưu đãi của địa phương, một số giải pháp mà Sở Y tế cũng đã nghĩ tới là đi quan hệ với các trường đại học y để đặt nhu cầu xin số sinh viên tốt nghiệp ngoài tỉnh có nguyện vọng về công tác ở Bình Định; đào tạo bác sĩ xã theo chế độ cử tuyển; thực hiện chế độ phụ cấp đối với các bác sĩ tăng cường về xã…
|