Ở khu phố An Kiều, thị trấn Ngô Mây, Phù Cát, nhắc đến vợ chồng anh chị Trương Đình Khâm - Lê Thị Hiền, người dân trong vùng không ai là không biết tấm lòng cùng hướng về người nghèo của họ...
|
Anh Trương Đình Khâm (phải) nhận quà tặng từ các chi hội thuộc Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi nhân dịp khánh thành Mái ấm tình thương 1-6. Ảnh: T.H
|
* Đồng lòng góp tay
"Đôi vợ chồng ấy đóng góp rất nhiều cho phong trào nhân đạo ở địa phương"- ông Nguyễn Văn Ba, Chủ tịch UBND thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát mở đầu câu chuyện về anh Khâm- chị Hiền bằng lời nhận xét như vậy trong hôm ông dự khánh thành Mái ấm tình thương 1-6. Còn nhớ, cách đây đã lâu, một chiếc xe chở khách đã rớt xuống cầu Ba Trang (Nhơn Thành- An Nhơn) làm chết 14 người và bị thương nhiều người. Vợ chồng anh chị đã đến động viên, giúp đỡ các nạn nhân trên 3 triệu đồng (số tiền rất có giá trị vào thời điểm đó). Rồi đến một cháu nhỏ ở địa phương bị bệnh nặng không có tiền chạy chữa, anh chị đã giúp gia đình cháu 1 chỉ vàng để có tiền lo thuốc thang. Đứa trẻ ấy nay đã lớn, xin kết nghĩa làm chú cháu, coi vợ chồng anh như người trong nhà. Gia đình nào nghèo khó trong địa phương, vợ chồng họ đều sẵn lòng giúp đỡ: người nghèo thiếu tiền xây nhà, sẵn sàng hỗ trợ; người chết không có tiền làm ma chay, anh chị biết được, đến liền. Một người được anh giúp xây nhà kể chuyện: "Thấy nhà tôi quá lụp xụp, anh Khâm động viên tôi: cứ xây đi, thiếu bao nhiêu tiền tôi cho mượn. Nhà xây lên xong, anh ấy lại bảo: Thôi, tiền đó coi như tôi ủng hộ, anh không cần phải trả lại đâu. Nghe vậy, tôi đã khóc vì cảm động"…
Đó là những chuyện tôi nghe được từ người địa phương kể lại. Tôi hỏi chị Hiền- người nhỏ nhắn có gương mặt phúc hậu- nguyên do vì đâu khiến vợ chồng chị bỏ ra trên 200 triệu đồng tu sửa lại ngôi nhà của mình thành Mái ấm tình thương 1-6 nuôi nấng trẻ mồ côi, tật nguyền, người già không nơi nương tựa… -"Chỉ vì tôi muốn góp tay cùng với mọi người nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh"- chị trả lời giản dị. Trong ký ức thời còn đi học, đi lễ nhà thờ ngang qua khu Bảo trợ xã hội tỉnh ở thôn Kim Châu, thị trấn Bình Định (An Nhơn), cô gái tên Hiền cảm thấy rất tội nghiệp cho những cháu nhỏ, người già cô đơn sống ở đấy. "Ước gì, mình có thể giúp họ vơi bớt phần nào nỗi khổ"- cô nhủ lòng.
Tâm nguyện đó càng có cơ hội trở thành hiện thực khi chồng chị- anh Trương Đình Khâm cũng cùng chung chí hướng giúp người nghèo khó. Anh Khâm trước là công nhân đường sắt. Trong một lần kiểm tra đường tàu, anh bị ngã xuống đường ray vừa ngay khi tàu lửa chạy ngang qua. Đến khi tàu đi rồi, anh mới biết mình đã lọt thỏm trong đường ray, người chẳng hề sây sát tẹo nào. Sau tai nạn hy hữu ấy, anh Khâm nghỉ việc, kết hôn với chị Hiền. Dẫu quê hai người cùng ở An Nhơn nhưng họ quyết định chọn Phù Cát làm nơi lập nghiệp. Hiện nay vợ chồng anh là chủ Cơ sở nước mắm Thanh Hiền.
|
Chị Lê Thị Hiền đón các cháu mồ côi, nghèo khó vào cơ sở Mái ấm tình thương 1-6. Ảnh: T.H
|
* Hạnh phúc là biết sẻ chia
Vợ chồng anh chị có 4 con, nếp, tẻ đều đủ, đứa con đầu học lớp 12. Cách đây gần 4 năm, trong một lần xuống huyện An Nhơn vì công việc làm ăn, nghe chuyện có một bà mẹ sinh con rồi bỏ lại ngay chợ Bình Định. Mủi lòng, chị ẵm cháu gái còn chưa rụng rốn về nhà mà lòng áy náy không yên bởi chị chưa hề hỏi qua ý kiến chồng. Ba đứa con trai thấy mẹ bế em bé về, lật đật đi mua sữa, rồi pha sữa cho em. Còn anh Khâm, vừa thấy con bé đã xưng "cha- con" ngay khiến chị Hiền mừng rỡ. Anh chị đặt tên cho con gái nuôi là Trương Lê Như Hậu.
Toàn huyện Phù Cát có 1.172 trẻ mồ côi và tàn tật, trong số đó, có nhiều trường hợp hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Tùng- Chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em huyện Phù Cát, thì việc một cơ sở tình thương tự nguyện ra đời như Mái ấm 1-6 tại thị trấn Ngô Mây sẽ là điểm tựa cho những gia đình bất hạnh ở trong huyện. |
Nói về cơ sở Mái ấm Tình thương 1-6 (ở số 476 đường Quang Trung- thị trấn Ngô Mây) anh Trương Đình Khâm tâm sự: "Chẳng phải vì sau lần thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc đó mà tôi mới có ý định làm điều thiện mà chỉ thấy đó là việc cần nên làm mà thôi. Thành lập được cơ sở từ thiện này, coi như tâm nguyện lớn nhất đời của tôi đã hoàn thành". Anh ấp ủ ý định thành lập cơ sở tư nhân nuôi dưỡng những người tàn tật, khó khăn từ năm 1995 nhưng cứ bị lần lữa mãi vì gặp một số trục trặc. Chưa thành lập được cơ sở từ thiện, vợ chồng anh chủ động đến với những người nghèo khó. Cuối tháng 5-2005, nhờ sự giúp đỡ của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh và chính quyền địa phương, Chi hội Mái ấm tình thương 1-6 ra đời, do anh Khâm làm chi hội trưởng cùng với một số cá nhân nữa góp tiền vào xây dựng.
Anh Lê Sinh Thịnh (ở thôn Phú Kim, xã Cát Trinh) dẫn đứa con trai 9 tuổi, học lớp 4 đến Mái ấm 1-6 trong ngày khánh thành cơ sở tâm sự: "Tôi gởi cháu vào đây, để có cơ hội được ăn uống, học hành đàng hoàng hơn". Gia đình anh Sinh rất nghèo, vợ chết, để lại 3 con. Anh Thịnh đi bán cà rem suốt ngày nên con cái nheo nhóc. Hiện nay, Mái ấm 1-6 đang nuôi dưỡng 5 trẻ em (4 cháu đang đi học, 1 cháu tật nguyền) và 4 người già neo đơn, không nơi nương tựa ở địa phương. "Hiện tại chúng tôi cũng gặp một số khó khăn, như chưa định hướng được việc làm dài lâu tại cơ sở, mặt bằng chật chội… Nhưng hy vọng, cùng với mọi người và cùng với thời gian, những khó khăn ấy sẽ được tháo gỡ"- anh Khâm nói.
|