Quán triệt tư tưởng “dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các quan điểm, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận và Chỉ thị 18/2000-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về “công tác dân vận của chính quyền”, các cấp chính quyền trong tỉnh đã có những chuyển biến tích cực trong công tác dân vận.
|
Công tác dân vận luôn được các cơ quan quân sự tỉnh quan tâm hàng đầu. Trong ảnh: Lực lượng dân quân tự vệ TP Quy Nhơn giúp dân nạo vét kênh mương, sa bồi ở phường Bùi Thị Xuân. Ảnh: Hoàng Vân
|
UBND tỉnh đã thể chế hoá các quan điểm, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng các chương trình, dự án, kế hoạch cụ thể, thiết thực nhằm phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; gắn với việc ban hành, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư và kinh doanh. Nhờ vậy, hàng năm có hàng trăm doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh và đến cuối năm 2005 tổng số doanh nghiệp trong nước hoạt động trên địa bàn hơn 1.300 doanh nghiệp, thu hút trên 88.000 lao động. Đồng thời, UBND tỉnh và chính quyền các cấp chú trọng chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách xã hội, nhất là chính sách xóa đói giảm nghèo, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.
Chính quyền các cấp đã coi trọng việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) trong các loại hình ở cơ sở, từng bước đưa việc thực hiện QCDC đi dần vào nền nếp. Mọi chủ trương, chính sách quan trọng của Nhà nước đều tổ chức lấy ý kiến Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Nhiều nội dung công việc được thông báo công khai, lấy ý kiến nhân dân tham gia như: huy động sự đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng hương ước, quy ước, xây dựng cộng đồng dân cư tự quản... Nhiều nơi, UBND có quy chế phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể trong công tác vận động quần chúng thực hiện các phong trào, cuộc vận động lớn ở địa phương và giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân. Các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước tập trung triển khai thực hiện đề án cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa”, đến nay đã đạt được một số kết quả bước đầu, tạo điều kiện thuận lợi, giảm bớt phiền hà cho tổ chức và công dân. Đồng thời, tiếp tục duy trì chế độ tiếp công dân và quan tâm hơn trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; phối hợp làm tốt công tác hoà giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở. Bình quân hàng năm đã giải quyết hơn 2.000 vụ việc, đạt 88,5%.
Trong 5 năm qua, công tác dân vận gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền có nhiều chuyển biến tích cực, quan tâm hơn trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết kịp thời, hiệu quả nhiều vấn đề xã hội bức xúc và các kiến nghị của nhân dân và cơ sở; cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ hơn bản chất nhà nước của dân, do dân, vì dân và mọi việc làm đều phải lấy dân làm gốc. Từng bước ngăn chặn các biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, mất dân chủ, tham nhũng của cán bộ, công chức chính quyền. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế: công tác dân vận ở một số sở, ban ngành, huyện, thành phố và cơ sở còn thiếu kế hoạch cụ thể, chưa sát thực tế và gắn cụ thể với nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; công tác cải cách hành chính còn chậm, có lĩnh vực còn bất cập; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở một số nơi còn chậm, ít hiệu quả, nhất là lĩnh vực tranh chấp khiếu kiện về đất đai; một số địa phương, cơ quan thực hiện QCDC ở cơ sở chưa đạt yêu cầu (có tới 30- 40%); tình trạng quan liêu, mất dân chủ, tiêu cực trong hoạt động kinh tế - xã hội vẫn còn xảy ra một số nơi nhưng chậm được phát hiện và xử lý. Từ những kết quả, hạn chế của công tác dân vận chính quyền rút ra một số kinh nghiệm sau:
- Một là: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân vận phải có sự nhận thức đầy đủ, sâu sắc của các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước, nhất là người đứng đầu và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cùng với sự kiên trì tuyên truyền, vận động cán bộ nhân dân thực hiện.
- Hai là: Mọi chủ trương, quyết định, chính sách của địa phương có liên quan đến lợi ích đông đảo của nhân dân đều phải công khai cho dân biết và được nhân dân trực tiếp tham gia góp ý trước khi tổ chức thực hiện. Quá trình thực hiện phải kiểm tra, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm, động viên, khen thưởng và kịp thời xử lý những thiếu sót, sai phạm của địa phương, cơ quan, đơn vị.
- Ba là: Chủ trương, kế hoạch công tác dân vận của chính quyền phải gắn với nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và chăm lo đời sống nhân dân; phải gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, với cải cách thủ tục hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở.
- Bốn là: Phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và phân công trách nhiệm cụ thể giữa chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội trong quá trình triển khai thực hiện công tác dân vận.
|