Ngôi nhà nhỏ, nhân cách lớn
13:48', 16/10/ 2006 (GMT+7)

Ông Trần Kiên

Những ai sống theo kiểu "chào người theo áo" thường bị nhầm. Với trường hợp ông Trần Kiên thì sẽ nhầm to. Những ngày qua, khi rộ lên chuyện một số cán bộ biến nhà công thành nhà tư, nhiều bạn đọc khi biết về cuộc đời và cách xử thế của ông Trần Kiên đã không nén được lòng khâm phục.

Rất nhiều người đến khi báo chí nhắc đến mới biết những chuyện về ông Trần Kiên. Thực ra, với thế hệ những người từng đi kháng chiến, nhất là từng vượt Trường Sơn, thì cái tên Trần Kiên không hề xa lạ. Đã có hàng chục hàng trăm giai thoại về con người này. Khi vượt Trường Sơn vào chiến trường Nam Bộ, đi qua đoạn rừng Lào giáp khu Năm, tôi đã nghe chuyện ông Kiên từng ra một cái lệnh độc đáo cho các binh trạm thuộc tuyến đường này: đó là, lệnh buộc mỗi người lính qua các binh trạm mà nhổ sắn (củ mì) ăn thì sau khi lấy củ phải trồng lại thân cây mì cho những mùa thu hoạch tới, đặng những lớp lính sau đến binh trạm lại có củ mì ăn. Một cái lệnh rất đơn giản, nhưng nó mang tính giáo dục, nó cụ thể hoá tinh thần "mình vì mọi người và mọi người vì mình" một cách thật đẹp đẽ.

Những người lính chúng tôi đã thực hiện mệnh lệnh này một cách vui vẻ, vì nó cũng không có gì khó. Nhưng mỗi khi trồng lại một đoạn thân cây mì, tự mình như được thêm điều gì. Đó là ý thức tình cảm về những đồng đội sẽ đi qua đây sau mình, và tới lượt họ, những cây mì mới lại được trồng xuống rẫy.

Ông Trần Kiên là thế! Không bao giờ ông làm một điều gì, ra một cái lệnh gì mà không nghĩ tới những người lính, người dân, những người sẽ trực tiếp hay gián tiếp chịu những ảnh hưởng từ những quyết định của người chỉ huy. Sau này, khi làm bí thư tỉnh Đắc Lắc, ông Kiên đã từng "điều" cả Ban thường vụ Tỉnh ủy từ Buôn Ma Thuột về sống và làm việc ngay tại Buôn Trấp. Không phải "bắt" các lãnh đạo cấp dưới của mình phải "ba cùng" hay "đi thực tế" để chơi trội hay tạo ra sự khác đời, ông Trần Kiên chỉ nghĩ đơn giản: lãnh đạo sản xuất thì phải có thực tế sản xuất, lãnh đạo nông nghiệp thì phải về nông thôn, chứ không thể ở mãi thành phố rồi lâu lâu "cưỡi xe ba nghìn trâu" về xã "thăm bà con". Nhất ở đây là bà con nghèo người dân tộc, những người mà sinh thời ông Kiên vô cùng yêu thương và lo lắng cho cuộc sống của họ sau chiến tranh.

Sinh thời, ông Trần Kiên thường than thở với những người thân biết chia sẻ với mình: "Bây giờ, các "quan" nhiều quá mà đời sống của dân nghèo lại khổ quá. Mình không hiểu sao người ta lại quên những người dân từng đùm bọc nuôi nấng mình trong chiến tranh nhanh đến vậy!". Ông Kiên suốt đời là người hành động, ông không chỉ "nói", mà "miệng nói tay làm". Đó là tác phong của một người du kích, một người xuất thân từ lớp dân nghèo, và đi làm cách mạng chỉ vì nghĩ cách mạng sẽ mang lại một đời sống xứng đáng hơn cho mọi người, nhất là những người nghèo.

Về cuối đời, khi đã từ chối cái "biệt thự" ở Hà Nội để về thị xã Quảng Ngãi sống trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, ông Kiên đã dốc hết tâm trí và sức lực mong tìm những giải pháp giúp bà con nông dân nghèo thoát nghèo. Những chương trình, kế hoạch của ông có thể chưa thành công vì rất nhiều lý do, trong đó có lý do những người lãnh đạo lớp sau ông ở tỉnh cứ nghĩ vì sao "ông già" này không nghỉ ngơi cho khoẻ xác lại cứ "bày chuyện" ra như thế, tự làm khổ mình và làm khổ... cả họ như thế ? Và thật ra khi làm quan, họ cũng chỉ muốn an thân, muốn giữ "chắc ghế" hơn là muốn dân thoát nghèo. Dĩ nhiên, nếu "dự án" xoá nghèo nào mà dính tới tiền (nhà nước, dĩ nhiên) thì họ cũng không từ chối "làm chủ". Dân thì chưa hết nghèo nhưng họ thì đã có thêm vài mảnh đất, dăm cái nhà, nhà cũ thì xây mới, nhà nhỏ thì phá ra xây cho to hơn. Và một điều chắc chắn là như ở cái nơi mà ông Trần Kiên sống những ngày cuối đời, không mấy người từng làm quan to hơn ông Kiên, nhưng chắc chắn không có ông quan nào chịu ở nhà nhỏ hơn nhà ông Kiên. Tất nhiên, đây là đang nói về những kẻ "dân chưa hết nghèo mà nhà quan đã to ra".

Ông Trần Kiên đã phải sống trong một bi kịch: muốn làm một việc có ích cho dân nào cũng phải dựa vào "nhà nước". Nhưng đã dựa vào tiền "dự án" thì không thể biết cuối cùng tiền ấy có tới được dân nghèo không ? Ông đã bươn bả suốt phần đời còn lại của mình, cho tới lúc đột ngột qua đời, vì khát vọng vì mơ ước làm sao để giảm nghèo cho dân, đặc biệt là dân miền núi Quảng Ngãi. Nhưng kết quả thì không được như lòng ông mong muốn.

Tôi chỉ là người thuộc lớp hậu sinh, lại không phải quan chức, lại không phải đảng viên, nhưng không hiểu vì sao, tôi lại là người được ông Kiên thổ lộ nhiều điều. Có vẻ, ông nghĩ tôi là người đồng cảm được với "một tấc lòng" vì dân vì nước vô tư của ông. "Bui một tấc lòng trung với hiếu/Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông" (Nguyễn Trãi).

Chuyện ông Kiên không phải chuyện cái nhà. Cái nhà, dù to tới đâu, kể một lúc cũng hết. Chuyện ông Kiên là chuyện CON NGƯỜI. Là chuyện nhân cách, nhân phẩm. Là chuyện hy sinh, chuyện quên mình vì người khác, vì dân.

  • Thanh Thảo
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều cơ hội mua được nhà thuộc SHNN cho người đang thuê  (16/10/2006)
Mít tinh kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam  (16/10/2006)
Cấp 130 suất học bổng cho lưu học sinh Lào tại Đại học Quy Nhơn  (15/10/2006)
Mấy kinh nghiệm từ công tác dân vận của chính quyền  (13/10/2006)
Gặp mặt nhân kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng  (13/10/2006)
1 học viên đạt loại xuất sắc  (13/10/2006)
Đôi vợ chồng "góp tay" giúp đời  (13/10/2006)
Hội CTĐ tỉnh: Hỗ trợ kịp thời cho gia đình anh Nguyễn Văn Nhứt  (13/10/2006)
An Lão: Tiến độ thực hiện dự án di dời dân vùng sạt lở An Trung quá chậm  (13/10/2006)
Thông qua 7 Nghị quyết  (13/10/2006)
VSA cam kết triển khai các dự án đã thỏa thuận  (12/10/2006)
Khó nhiều bề  (12/10/2006)
Trung tâm y tế huyện An Nhơn: Quản lý bệnh viện qua mạng LAN  (12/10/2006)
Lễ tưởng niệm Đức Thánh Trần nhân ngày giỗ thứ 706  (12/10/2006)
Chương trình giảm nghèo phải cụ thể thiết thực hơn nữa  (12/10/2006)