Cảm giác thiếu “an toàn” và “tin tưởng” là tâm trạng chung của rất nhiều giáo viên (GV) khi phải “nói không với bệnh thành tích...”. Dưới đây là một số ý kiến tiêu biểu của họ.
|
GV Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn ký cam kết “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích”. Ảnh: N.Q
|
THẦY GIÁO NGUYỄN VĂN BANG, GV TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN: Cải cách giáo dục thiếu tính kế thừa
Sách giáo khoa (SGK) hiện nay in ấn, trình bày đẹp hơn nhưng lượng kiến thức dành cho học sinh (HS) quá lớn. Chương trình mới lại thêm một số môn học mới như tin học, giáo dục quốc phòng… Với số lượng môn học và dung lượng kiến thức từng môn học nhiều như vậy liệu HS có nắm bắt được hay không? Kết quả tuyển sinh vào lớp 10 khóa học 2006-2007 (khóa học đầu tiên HS được học chương trình và SGK mới) rất thấp và cũng mới chỉ thể hiện ở 3 môn thi là toán, văn và sử… cho thấy chất lượng dạy chương trình và SGK mới, phương pháp dạy học mới của GV chưa đạt kết quả như mong muốn. Bởi vậy, muốn cải cách giáo dục, trước hết phải cải cách GV trước, trong khi ngành giáo dục đang làm ngược lại… GV chưa được trang bị một phương pháp, một cách nhìn, một kiến thức tương ứng với chương trình mới.
Giáo dục Việt Nam còn nặng về hình thức thi cử. Đó cũng là nguyên nhân của bệnh thành tích. Ngày xưa đi học, HS được đánh giá hàng tháng qua vị thứ nhất, nhì, ba… trong lớp. Nhờ thế mà các em nỗ lực phấn đấu để được xếp ở vị trí cao hơn. Còn bây giờ, HS tiểu học hầu hết đều khá, giỏi nên ngay cả phụ huynh cũng như bị lạc vào “mê hồn trận”, không biết mức độ học tập của con họ như thế nào? Giáo dục phải có tính kế thừa và phát triển nhưng trên thực tế, hễ thay đổi người đứng đầu trong giáo dục là lập tức lại phủ định cái cũ mà thiếu một định hướng, một chiến lược phát triển giáo dục lâu dài làm cho GV, HS và phụ huynh HS luôn bị động, trở tay không kịp…
CÔ GIÁO NGUYỄN THỊ TỐ TÂM, TRƯỜNG THCS LÊ LỢI, TP QUY NHƠN: Học sinh học yếu vẫn phải... cho lên lớp
Trên thực tế, có một số HS tiểu học kiến thức chưa vững nhưng vẫn được công nhận tốt nghiệp tiểu học. Lên lớp 6, các em không tiếp thu được nội dung chương trình của bậc học trên nên chán học, lười học, bỏ học. Trong khi đó, muốn phổ cập giáo dục THCS phải “hạn chế HS ở lại lớp hai năm trong một cấp học” nên thường thì, GV đã cho các em ở lại lớp một năm rồi cũng không muốn tiếp tục cho ở lại lớp thêm một năm nữa bởi cho ở lại lớp nhiều, các em sẽ bỏ học, mà bỏ học thì ảnh hưởng đến công tác phổ cập và ảnh hưởng đến việc đăng ký xây dựng trường chuẩn, trường tiên tiến của trường.
Bên cạnh đó, chương trình, SGK mới nói là giảm tải nhưng thực ra vẫn rất nặng đối với GV và HS. Dạy học đòi hỏi phải có thiết bị dạy học trực quan nhưng thiết bị được cung cấp thì còn ít và không đầy đủ cho tất cả các tiết dạy buộc GV phải làm thêm. Nhưng GV rất ít có thời gian để làm thiết bị vì còn phải soạn giáo án, chấm bài, làm hồ sơ, sổ sách, công tác chủ nhiệm, đoàn thể, tham gia các hoạt động của nhà trường, mặt khác, muốn làm thiết bị phải bỏ tiền túi ra để làm… Do đó, không phải GV nào cũng làm hết trách nhiệm của mình, dẫn đến làm đối phó, chạy theo thành tích.
THẦY GIÁO VÕ CÔNG TRÍ, TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN: Hãy để cho giáo viên sáng tạo
Đặc trưng của sáng tạo trong giáo dục thể hiện rõ nhất ở người thầy. Song người thầy ở trường phổ thông hiện nay còn thiếu những điều kiện để phát huy sáng tạo, bởi phân phối chương trình quá nghiêm ngặt và có nhiều bất hợp lý giữa kiến thức cần cung cấp cho HS hiểu với thời gian quy định. Nhiều tiết dạy, GV cứ phải “vắt giò lên cổ” mà… dạy, còn HS thì chép không kịp... thở. GV nào cũng thấy làm như thế là không có hiệu quả nhưng không thể làm khác được, lơ mơ là bị ghép vào tội “tùy tiện”, “vi phạm quy chế” ngay. Tôi nhớ, đã có một văn bản của cấp trên phổ biến đến tận GV yêu cầu GV không được nói gì ngoài nội dung trong SGK, khổ nỗi, SGK lắm chỗ chưa chuẩn xác như dư luận đã từng chỉ ra.
Để tạo điều kiện cho GV phát huy tính sáng tạo, thiết nghĩ, trước hết phải đổi mới tư duy trong quản lý giáo dục. Các nhà quản lý không nên hành chính hóa hoạt động của GV, cần có niềm tin ở họ. Trước hết là cho phép GV vận dụng mềm dẻo chương trình theo nguyên tắc phải đảm bảo khối lượng kiến thức. Việc kiểm tra, đánh giá hoạt động của GV nên tránh hình thức. Chẳng hạn, có nhất thiết phải quy định khuôn mẫu giáo án hay chỉ cần quy định GV lên lớp phải có giáo án, còn giáo án đó soạn theo hình thức nào thì tùy họ?
MỘT NHÓM GIÁO VIÊN THPT HUYỆN HOÀI NHƠN: Chúng tôi không thể “nói không”... với cấp trên
Chủ trương là đúng, là cần thiết nhưng lại kêu gọi chúng tôi “chống” mà không “đỡ” thì không thể chống. Bắt chúng tôi cam kết “nói không với tiêu cực…” nhưng không trao cho chúng tôi vũ khí, thì làm sao có thể chiến đấu bằng tay không được! Muốn có lực lượng chống và xây trước hết phải tạo ra một lực lượng đỡ, cần tạo ra một sức đủ mạnh cho người chống tiêu cực. Bởi sau khi chống chắc chắn GV bị “phản đòn” vì đối tượng chống chính là cấp trên của mình. Đấu tranh xây dựng thì tức khắc bị gây khó khăn nên tinh thần đấu tranh của phần đông GV dần dần bị thủ tiêu, tạo nên sự an phận và nhu nhược.
Bệnh thành tích và tiêu cực còn tồn tại quá nhiều, đơn cử như việc đánh giá giờ học trong sổ đầu bài ở các trường sau mỗi tiết học. Vì thành tích thi đua trong nhà trường, GV cũng quen hào phóng nhận xét trong sổ thông thường tốt (điểm 9 hoặc 10) là chủ yếu. Có tiết học chưa đạt như HS không thuộc bài, không trật tự trong giờ học… thì cũng chỉ cho 9 điểm “trừ” chứ ít khi cho điểm 8 vì như vậy, cuối tuần không được khen bởi hầu hết các lớp điểm toàn 9, 10".
Thi đua khen thưởng cũng là... “cái nôi” của tiêu cực và bệnh thành tích. Ai khen là luôn luôn được khen, mà số lượng khen đã có chỉ tiêu! Nên ngay từ đầu năm học GV đã biết cuối năm ai được khen rồi. Cái danh sách khen thưởng khó thay đổi cũng như cách nghĩ đã “mọc rễ” trong đầu cấp trên rồi. Nhiều GV biết chắc rằng mình có làm giỏi cũng không được khen nên… thôi, phấn đấu để làm gì? Cuối năm, lớp nào chất lượng 100% trung bình trở lên là được nhà trường, công đoàn khen thưởng. Ai cũng được nhận vài trăm ngàn, còn người trung thực đã không có tiền thưởng, cuối năm lại bị xếp loại công chức trung bình!
|