(BĐ) - Ngày 17-10, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị đánh giá sản xuất (SX) nông nghiệp 9 tháng đầu năm 2006 và triển khai SX vụ đông xuân năm 2006-2007. Dự Hội nghị có ông Phạm Văn Thanh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện chủ trì Hội nghị.
9 tháng đầu năm 2006, SX nông nghiệp ở tỉnh Bình Định phát triển khá toàn diện, giá trị SX nông nghiệp tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng diện tích gieo trồng 2 vụ (đông xuân và hè thu) đạt 128.274 ha, trong đó diện tích lúa trên 87.779 ha, tăng trên 6.874 ha so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý trong 2 vụ SX vừa qua, toàn tỉnh đã chuyển đổi được gần 5.400 ha đất SX 3 vụ lúa/năm bấp bênh sang 2 vụ/năm ăn chắc, năng suất lúa đạt khá. Riêng lúa mùa 33.723 ha, có khả năng cho năng suất cao. Đàn gia súc, gia cầm ổn định và phát triển. Các lĩnh vực: trồng rừng, xây dựng hệ thống thủy lợi, cung cấp nước sinh hoạt... đều đạt kết quả khá.
Tuy vậy, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ vẫn còn nhiều hạn chế, năng suất một số cây trồng, nhất là cây trồng cạn còn thấp. Nghề chăn nuôi tuy có phát triển nhưng chậm và chưa bền vững. Việc đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến còn lúng túng, hiệu quả chưa cao.
Vụ đông xuân 2006-2007, tỉnh Bình Định có kế hoạch gieo sạ 46.000 ha lúa, 2.500 ha bắp, 12.000 ha mì, 4.000 ha mía và 7.000 ha rau đậu các loại. Năm 2007, tiếp tục tăng trưởng đàn heo, bò, gia cầm. Ngành nông nghiệp và các địa phương cần tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, nhất là chuyển đổi SX từ 3 vụ lúa/năm sang 2vụ/năm và chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Phạm Văn Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã biểu dương những thành tích mà ngành nông nghiệp đạt được trong thời gian qua và lưu ý: Ngành nông nghiệp, các địa phương phải kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, cần phải xem việc chuyển đổi từ SX 3 vụ lúa/năm bấp bênh sang 2 vụ/năm ăn chắc là một cuộc cách mạng trong SX nông nghiệp. Tập trung phát triển các vùng nguyên liệu dứa, mì, mía có hiệu quả; phát triển làng nghề, nhằm giải quyết lao động cho nông dân...
|