Nói không với tiêu cực thi cử và bệnh thành tích: Nói ra hết, rồi… chống
16:44', 23/10/ 2006 (GMT+7)

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Vừa qua, Sở GD - ĐT và Công đoàn ngành đã mở một hội thảo về “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” với sự tham gia của lãnh đạo các trường THPT, các phòng giáo dục và các Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp- hướng nghiệp- dạy nghề trong toàn tỉnh. Theo các đại biểu, tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích biểu hiện trên rất nhiều mặt, nhiều góc cạnh nhưng, muốn “nói không” thì trước hết, Sở GD - ĐT phải công khai trước đây, ngành đã có những biểu hiện bệnh thành tích, tiêu cực thi cử nào để các trường biết mà làm tốt hơn.

Nhập nhằng giữa “chất lượng” và “phổ cập”

Ông Lê Đình Tạo - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân chỉ ra ngay sự bất cập, mâu thuẫn giữa nội dung kiến thức quá tải và phân phối chương trình “eo hẹp” trong chương trình và SGK mới.

Theo ông Tạo, đây chính là cái “gốc” phát sinh ra bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử. “Chỉ nói riêng đối với môn toán, chuẩn kiến thức không thay đổi nhưng thời lượng từ 5 tiết/ tuần còn 3 tiết/tuần làm sao giáo viên (GV) có thể truyền tải hết kiến thức cho học sinh (HS) được. Bởi vậy, HS phải đi học thêm là khó tránh khỏi”. Bởi vậy, theo ông muốn “nói không với tiêu cực… phải có sự thay đổi từ “gốc”, đó là, “từ phân phối chương trình mới làm ra sách, chứ không thể làm sách xong mới phân phối chương trình như lâu nay”.

Về các chỉ tiêu thi đua, ông Tạo cho rằng: Nói không không phải là hạ thấp chỉ tiêu thi đua. Nếu một trường mà HS lên lớp chỉ có 50-60% thì xã hội khó chấp nhận. Nhưng muốn đánh giá cho đúng chất lượng thực thì các trường phải được quyền nhận HS đủ tiêu chuẩn. Phải kiên quyết làm lại từ đầu, để HS lớp 1 lên lớp 2, HS lớp 2 lên lớp 3… là đúng chuẩn. Muốn vậy, theo ông Tạo, không được đánh đồng giữa mục tiêu chất lượng và phổ cập. Nếu muốn phổ cập thì phải tách riêng ra, những HS nào không đạt chuẩn thì cho học phổ cập. Còn những HS còn lại phải được đánh giá theo đúng chất lượng, không được nhập nhằng, lẫn lộn.

Cũng theo hướng nhận định này, Giám đốc Trung tâm KTTH-HN-DN huyện Tuy Phước cho biết: hiện nay, HS học nghề phổ thông được cộng điểm trong thi tuyển sinh vào 10… Chất lượng GV, cơ sở vật chất, trang thiết bị của trung tâm còn hạn chế, ý thức học nghề của HS không cao nhưng tỷ lệ HS thi tốt nghiệp nghề đạt loại khá, giỏi lại rất cao là không hợp lý (!).

Hoàn thành phổ cập THPT vào năm 2010… là áp đặt

Đa số các đại biểu đều cho rằng việc áp đặt chỉ tiêu là căn nguyên dẫn đến bệnh thành tích.

Có đại biểu dẫn dắt: Vân Canh là huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ HS đậu tốt nghiệp thường lại rất cao (?)... Ông Đặng Hùng, Hiệu trưởng trường THPT Hùng Vương đề nghị: “Nơi nào có HS có tỷ lệ đậu cao như vậy, ngành phải khảo sát lại và có kết luận cho chính xác, nếu đúng thì phải biểu dương, nhân điển hình…”.

Cùng ý kiến này, có đại biểu cho rằng: “Phải đặt ra chỉ tiêu phù hợp với từng vùng, miền. Cấp trên phải giao chỉ tiêu cho sát và chỉ tiêu phải được thẩm định, tránh tình trạng đặt chỉ tiêu thấp hơn so với thực lực thì việc thi đua sẽ không còn ý nghĩa. Những đơn vị có chỉ tiêu thấp, thì ngành phải tập trung chỉ đạo để nâng cao chất lượng dạy và học ở nơi ấy lên”. Mặt khác, cũng không thể mỗi nơi đánh giá chất lượng theo một kiểu, Sở phải có ngân hàng đề…

Ông Lê Đình Phùng, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thái Học cho rằng, những biểu hiện tiêu cực xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhiều cấp, nhiều phía, nhiều đối tượng. Thi tốt nghiệp THPT, có thầy cô giáo đi coi thi về kể rằng, Sở cũng phải chỉ đạo nâng đáp án để có kết quả thi tương ứng với các tỉnh xung quanh. Rồi ông kết luận: “HS quen quay cóp, coi tài liệu là do chương trình còn nặng nề, cách ra đề thi còn chú trọng đến học thuộc lòng, dẫn đến dạy và thi còn hình thức. Thi khác thì  ắt GV phải dạy theo cách khác”.

Hiệu trưởng Trường THPT Tuy Phước số 2 cho biết một thực tế: “Cứ qua một kỳ thi, nếu HS của trường có tỷ lệ  đỗ cao thì hiệu trưởng mới yên ổn, còn nếu HS đỗ thấp thì y rằng, hiệu trưởng bị lãnh đạo địa phương gọi lên “chất vấn”…

Đề cập đến khía cạnh khác, ông Đặng Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương cho biết: “Để xây dựng trường chuẩn quốc gia phải có 3% HS giỏi không phải dễ, trường tôi phấn đấu mãi mà vẫn chưa tới 1,5% HS giỏi, còn muốn “đẩy” lên nữa thì cũng “dễ” thôi!”.

Theo Nghị quyết HĐND tỉnh, đến năm 2010, tỉnh ta phải hoàn thành phổ cập THPT. Nhiều đại biểu cho rằng, đây là chỉ tiêu còn mang tính áp đặt, so với thực lực của giáo dục hiện nay. Muốn hoàn thành chỉ tiêu chỉ còn cách… “ăn gian, làm dối”.

Kế hoạch “3859”- triển khai rồi sao nữa?

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Tây Sơn) đặt ra một câu hỏi: nên đặt tên cho cuộc vận động là “không tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích” thay vì “nói không… “ vì mới chỉ cho thấy nói mà chưa thấy làm. Tuy nhiên, ông Tạo tiếp lời: “Trước hết phải nói được chữ “không” trước đã. Làm sao để tất cả mọi người và toàn xã hội ủng hộ, đồng tình nói không với ngành giáo dục. Để thực hiện được đổi mới phải nói và thực hiện được từ cấp Bộ trở xuống và phải có nội dung thực hiện cụ thể". Ông Đặng Hùng cho rằng: Ngay cả báo cáo đề dẫn của Sở vẫn còn chung chung… Sở phải nói cho được thời gian qua chúng ta có bệnh thành tích, tiêu cực trong thi cử không ? kết quả đánh giá chất lượng dạy và học, kết quả thi cử, tốt nghiệp của ngành đã đúng thực chất chưa? Ông Hùng cho rằng có những kỳ thi còn mang tính hình thức, không thực chất, chắc chắn ai cũng biết nhưng ngại chưa nói ra. Ông Nguyễn Hoàng, Hiệu trưởng trường PTTH An Nhơn 2 cho rằng: “Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tương đối có chất lượng còn thi tốt nghiệp THPT rất nhiều trường đã đỗ 100% nói lên rằng chưa thật nghiêm túc”. Ông Phan Văn Chung, Trưởng phòng Giáo dục TP Quy Nhơn cho rằng: phòng đã triển khai tất cả các văn bản hướng dẫn từ Bộ đến Sở về cuộc vận động này (kế hoạch 3859/ QĐ-BGD&ĐT ngày 28-7-2006) nhưng những bước tiếp theo như thế nào thì… rất lúng túng. Sở phải có lộ trình thật cụ thể để các trường, các phòng GD thực hiện.

Nhiều đại biểu cho rằng, từ lâu ngành đã nói “có” với thành tích và căn bệnh đã trầm kha, lờn thuốc. Bây giờ “nói không” thì hơi muộn. Nói không còn hơn không nói. Nhưng để làm thay đổi nhận thức, hành vi của những người trong cuộc là phải có thời gian, từ từ, từng bước nếu không sẽ phá vỡ tính ổn định của giáo dục.

  • Ngọc Quỳnh (ghi)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những mục tiêu và giải pháp  (23/10/2006)
Hội thảo “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”  (23/10/2006)
Luật sư Cẩm Hòa bị thu hồi thẻ cộng tác viên TGPL  (22/10/2006)
“Tiếp sức đến trường” cho 11 sinh viên ĐH Quy Nhơn  (22/10/2006)
Sức sống của một phong trào phụ nữ  (20/10/2006)
Các nhà doanh nghiệp nữ phải tự nâng tầm...  (20/10/2006)
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Chi bộ Hồng Lĩnh  (20/10/2006)
Mở lớp nghiên cứu quán triệt nghị quyết Đại hội X của Đảng cho quần chúng ngoài Đảng  (20/10/2006)
Huyện sớm xây dựng cơ sở hạ tầng hai cụm công nghiệp Gò Bùi và Cây Duối  (20/10/2006)
Tuy Phước: Thu hồi gần 23.000 m2 đất sử dụng sai mục đích  (19/10/2006)
Cấp phát miễn phí trên 59 tấn muối iốt cho đồng bào dân tộc thiểu số  (19/10/2006)
Vân Canh đã có 193 ca mắc bệnh đau mắt đỏ  (19/10/2006)
Bộ đội và thanh niên giúp dân phòng chống bão lụt  (18/10/2006)
Tăng cường công tác VSATTP tại các bếp ăn tập thể  (17/10/2006)
Giáo viên nói gì về "bệnh thành tích" ?  (17/10/2006)