Thực hiện Nghị định của Chính phủ về việc thiết lập phòng y tế là cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thành phố thuộc tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn, đến nay tỉnh Bình Định đã thành lập được 10 phòng y tế ở 10 huyện. Riêng thành phố Quy Nhơn đang xúc tiến. Mô hình phòng y tế bước đầu phải đối mặt với nhiều khó khăn. BS. Nguyễn Văn Cang, Giám đốc Sở Y tế đã trả lời phỏng vấn Báo Bình Định xung quanh vấn đề này.
|
Cấp huyện sẽ có 3 đơn vị y tế là Phòng y tế, Trung tâm y tế dự phòng và Bệnh viện. Trong ảnh: Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện huyện Vân Canh. Ảnh: T.X.C
|
* Thưa ông, có vẻ như mô hình trung tâm y tế mà chúng ta đang vận hành lâu nay tỏ ra có nhiều ưu thế, nhất là sự tập trung về nguồn lực sao lại phải chuyển đổi sang mô hình vừa phòng y tế vừa trung tâm y tế ở cấp huyện?
- Ở thời điểm này, chúng tôi vẫn thấy nhiều ưu điểm ở mô hình trung tâm y tế là duy nhất ở cấp huyện, tuy nhiên Nghị định của Chính phủ về việc thành lập phòng y tế đã ban hành, chúng ta không thể “ngồi yên”. Trước khi Chính phủ ban hành nghị định về vấn đề này, chúng tôi cũng đã đề nghị Bộ Y tế nên tổng kết mô hình trung tâm y tế đã thực thi trong suốt 20 năm qua để thấy mặt ưu, mặt nhược của mô hình này song Bộ Y tế đã không làm.
Việc thành lập phòng y tế ở cấp huyện, theo tôi, trước mắt có nhiều khó khăn song về lâu dài nó sẽ hợp lý bởi theo tiến trình đến năm 2008 cấp huyện sẽ có 3 đơn vị y tế là phòng y tế (thực hiện chức năng quản lý nhà nước), trung tâm y tế dự phòng (chịu sự chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh) và bệnh viện (lo việc khám, chữa bệnh).
* Việc thành lập phòng y tế đã gặp phải những khó khăn nào thưa ông?
- Khó khăn lớn nhất vẫn là công tác nhân sự. Hiện tại y tế cơ sở, nhất là ở cấp xã đang thiếu hụt bác sĩ. Theo thống kê sơ bộ năm 2006 và vài năm trước, chúng tôi đã có đến 16 bác sĩ cấp xã bỏ việc. Ở TP Quy Nhơn có 4 bác sĩ ở trạm y tế vừa bỏ việc, Tuy Phước có 3, Phù Mỹ có 5, Tây Sơn có 2; An Lão, Hoài Ân mỗi nơi bỏ việc 1 người. Nói chung, số bác sĩ được Sở Y tế hỗ trợ theo dạng cử tuyển cho đi đào tạo hàng năm ra trường không đủ bổ sung vào số bỏ việc vậy mà giờ đây lại phải cắt từ 1 đến 2 bác sĩ từ trung tâm y tế để có người biên chế cho phòng y tế. Ở một số huyện sự quan tâm của lãnh đạo chưa đúng mức khiến nơi làm việc cũng như trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn...
* Cứ theo văn bản hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của phòng y tế do Sở Nội vụ và Sở Y tế ban hành ngày 13-4-2006 thì nhiệm vụ, quyền hạn của phòng y tế là quá nhiều song được biết hiện nay có nhiều phòng y tế mới chỉ có 1 biên chế, vài phòng có từ 2-3 biên chế, như vậy làm sao hoàn thành được nhiệm vụ?
- Theo quy định, phòng y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ở địa bàn trên các lĩnh vực: y tế dự phòng, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, y dược học cổ truyền, thuốc phòng chữa bệnh cho người, mỹ phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế... Với chức năng đó thì nhiệm vụ và quyền hạn là khá rộng nên biên chế một vài người là không thể đảm đương tốt được. Tuy nhiên biên chế của phòng y tế là do chủ tịch UBND huyện, thành phố quyết định trong tổng biên chế hành chính được UBND tỉnh giao do vậy huyện nào được lãnh đạo quan tâm sẽ sớm hoàn chỉnh bộ máy để thực hiện tốt nhiệm vụ. Ví dụ hiện tại huyện Phù Cát đã có đến 3 biên chế là bác sĩ được chuyển qua hoạt động ở phòng y tế, song làm việc với chúng tôi mới đây, lãnh đạo huyện này cho hay sẽ tiếp tục tăng thêm 3 biên chế nữa cho phòng. Tôi nghĩ động thái tích cực này của lãnh đạo huyện sẽ giúp phòng y tế sớm hoàn chỉnh bộ máy để đảm đương tốt nhiệm vụ.
Tuy nhiên, gì thì gì, trước mắt hoạt động của các phòng y tế rất cần đến sự hỗ trợ của trung tâm y tế. Huyện nào mà phòng với trung tâm “ngoảnh mặt” nhau sẽ rất nguy hại đến nhiệm vụ chung là chăm lo bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương. Điều này Sở Y tế chúng tôi nhắc nhở thường xuyên.
* Xin cám ơn ông!
|