Kỳ họp HĐND tỉnh vào trung tuần tháng 10 qua đã thông qua Đề án “Đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa tỉnh Bình Định và các tỉnh Nam Lào đến năm 2010”. Đây là cơ sở để việc hợp tác từ chỗ chỉ là viện trợ, hỗ trợ tiến đến mục tiêu cùng có lợi nhuận, cùng phát triển bền vững và hội nhập quốc tế trên cơ sở nhu cầu và nguồn lực của mỗi bên.
|
Vườn cà phê của Công ty liên doanh Hữu nghị Lào-Việt tại huyện Paksong, tỉnh Champasak. Ảnh: Q.K
|
Trong những năm qua, phát huy truyền thống đoàn kết keo sơn giữa hai nước Việt Nam và Lào, tỉnh Bình Định và các tỉnh Nam Lào gồm: Champasak, Attapư, Sêkong và Salavan đã có mối quan hệ đặc biệt qua việc ký kết thỏa thuận hợp tác trên một số lĩnh vực kinh tế và văn hóa - xã hội. Với việc thành lập Công ty liên doanh dược phẩm Champasak - Bình Định (CBF Pharma Co., Ltd) từ năm 1994, Bình Định trở thành tỉnh đầu tiên của Việt Nam đầu tư tại Nam Lào. Ngoài ra, Bình Định còn là một trong những tỉnh đi đầu trong việc hợp tác, giúp đỡ các tỉnh Nam Lào trên một số lĩnh vực như đào tạo đại học, phát triển chăn nuôi, trồng trọt… Bên cạnh những thuận lợi mang tính truyền thống, việc đường 18B dài 111km nối từ huyện Xămkhixay (Attapư) đến cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) đã rút ngắn giao thông từ TP Quy Nhơn đến các tỉnh Nam Lào chỉ còn từ 400-600km. Đây chính là những cơ sở và tiền đề cho những chương trình, nội dung hợp tác mới hướng tới mục tiêu cùng có lợi nhuận, cùng phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Thế mạnh của các tỉnh Nam Lào là tài nguyên rừng, đất đai và khoáng sản chưa được khai thác bao nhiêu trong khi dân cư lại thưa thớt, thiếu vốn đầu tư và thiếu kinh nghiệm sản xuất. Còn Bình Định cái thiếu lại chính là đất đai còn thế mạnh lại là nguồn nhân lực, khả năng và kinh nghiệm trên các lĩnh vực mà nền kinh tế các tỉnh Nam Lào còn yếu. Chính vì vậy việc hợp tác, giúp đỡ và bổ sung cho nhau được đặt ra vừa xuất phát từ tình cảm gắn bó vừa là một đòi hỏi khách quan.
Đề án “Đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa tỉnh Bình Định và các tỉnh Nam Lào đến năm 2010” đã đưa ra 4 chương trình gồm: Chương trình hợp tác về quy hoạch - kế hoạch; Chương trình hợp tác Nông - Công nghiệp; Chương trình hợp tác Giáo dục - Đào tạo - Y tế; Chương trình hợp tác Thương mại - Du lịch - Giao thông vận tải và một số dự án: Trồng cây công nghiệp và cây nguyên liệu gỗ; Xây dựng các nhà máy gắn liền với phát triển vùng nguyên liệu; Thăm dò khai thác vàng tại Attapư. Với chương trình thứ nhất, Bình Định sẽ cử chuyên gia giúp lập quy hoạch phát triển một số ngành, lĩnh vực ưu tiên hoặc kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu. Chương trình thứ hai tập trung vào các vấn đề trao đổi cán bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, thú y, lâm nghiệp, thủy lợi, hoàn thiện mô hình khuyến nông; giúp quy hoạch và phát triển công nghiệp. Chương trình thứ 3 thực chất là sự giúp đỡ mang tính một chiều như cấp học bổng đại học cho lưu học sinh Lào có hoàn cảnh khó khăn; bồi dưỡng kiến thức hành chính công cho cán bộ một số tỉnh Nam Lào; bồi dưỡng chuyên môn kỹ thuật cho ngành y tế các tỉnh Nam Lào; hỗ trợ một số trang thiết bị y tế thiết yếu cho các bệnh viện ở Nam Lào… Ở chương trình hợp tác thứ 4, đáng chú ý là việc tạo điều kiện để hai bên giao lưu mua bán, trao đổi hàng hóa; thiết lập và khai thác có hiệu quả các tuyến du lịch sinh thái biển - rừng giữa Bình Định và các tỉnh Nam Lào, tuyến vận tải hành khách hai chiều: Bình Định - Attapư - Sêkong - Champasak.
Đề án “Đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa tỉnh Bình Định với các tỉnh Nam Lào” thực hiện ngoài các ý nghĩa về mặt kinh tế và chính trị chắc chắn sẽ là cơ hội giúp các cơ quan quản lý và cán bộ, nhân dân của các tỉnh Nam Lào tiếp cận, ứng dụng tiến bộ KHKT, nâng cao trình độ quản lý, điều hành nền kinh tế, hành chính và văn hóa - xã hội; giúp nhân dân các bộ tộc Lào tại các vùng có dự án có việc làm, thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thay đổi tập quán sản xuất, hình thành nền kinh tế hàng hóa và phát triển nguồn nhân lực tại chỗ. |
Tính chất “cùng lợi nhuận, cùng phát triển bền vững” bộc lộ rõ nhất ở các dự án đầu tư. Dự án trồng 5.000 ha cao su và cây công nghiệp tại Champasak và Sekong của Công ty cao su Hữu nghị Lào - Việt (do BIDIPHAR và CBF pharma Co., Ltd liên doanh thành lập) với vốn đầu tư 10 triệu USD (phía BIDIPHAR 80%). Hiện công ty này đã trồng được 1.000 ha cao su ở Sêkong. Dự án trồng 10.000 ha cao su, mía, sắn, nguyên liệu gỗ tại Sêkong do Công ty TNHH Công - Nông nghiệp (BIDINA) đầu tư với số vốn là 23 triệu USD. Hiện BIDINA cũng đã trồng được 500 ha cao su. Dự án trồng 10.000 ha cây công nghiệp tại Attapư và Champasak do các công ty Lâm nghiệp Quy Nhơn, Hà Thanh, Sông Côn và Công ty cổ phần phân bón dịch vụ tổng hợp góp vốn thành lập công ty cổ phần với vốn đầu tư 18 triệu USD…
Ngoài ra, một số dự án xây dựng các nhà máy chế biến mủ cao su, chế biến đường, chế biến tinh bột sắn và cồn công nghiệp, chế biến đồ gỗ, sản xuất phân bón cũng sẽ được triển khai gắn với phát triển vùng nguyên liệu. Riêng dự án Thăm dò, khai thác vàng tại Attapư sẽ đầu tư theo hình thức liên doanh giữa Công ty cổ phần khoáng sản Bình Định với các công ty TNHH Bình Nam, Viễn Hoàng (đăng ký tại Phú Yên) hợp tác với Công ty thương mại dịch vụ quốc tế Lào với vốn đầu tư 2,2 triệu USD.
|