Vừa qua, Sở Giáo dục- Đào tạo (GD - ĐT) và Công đoàn ngành đã mở một hội thảo về “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” với sự tham gia của lãnh đạo các trường THPT, các phòng giáo dục và các Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp- hướng nghiệp- dạy nghề trong toàn tỉnh.
|
Đại biểu Phòng Giáo dục huyện Tuy Phước phát biểu tại hội thảo. Ảnh: N.Q
|
Theo các đại biểu, tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích biểu hiện trên rất nhiều mặt, nhiều góc cạnh nhưng, muốn “nói không” thì trước hết, Sở GD-ĐT phải công khai trước đây, ngành đã có những biểu hiện bệnh thành tích, tiêu cực thi cử nào để các trường biết.
* Nhập nhằng giữa “chất lượng” và “phổ cập”
Ông Lê Đình Tạo, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân chỉ ra ngay sự bất cập, mâu thuẫn giữa nội dung kiến thức quá tải và phân phối thời gian “eo hẹp” trong chương trình và SGK mới. Theo ông Tạo, đây chính là cái “gốc” phát sinh ra bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử. “Chỉ nói riêng đối với môn toán, chuẩn kiến thức không thay đổi nhưng thời lượng từ 5 tiết/ tuần còn 3 tiết/tuần làm sao giáo viên (GV) có thể truyền tải hết kiến thức cho học sinh (HS) được. Bởi vậy, HS phải đi học thêm là khó tránh khỏi”. Bởi vậy, theo ông muốn “nói không với tiêu cực... phải có sự thay đổi từ “gốc”, đó là, “từ phân phối chương trình mới làm ra sách, chứ không thể làm sách xong mới phân phối chương trình như lâu nay”.
Về các chỉ tiêu thi đua, ông Tạo cho rằng: Nói không không phải là hạ thấp chỉ tiêu thi đua. Nếu một trường mà HS lên lớp chỉ có 50-60% thì xã hội không chấp nhận được. Nhưng muốn đánh giá cho đúng chất lượng thực thì các trường phải được quyền nhận HS đủ tiêu chuẩn. Phải kiên quyết làm lại từ đầu, để HS lớp 1 lên lớp 2, HS lớp 2 lên lớp 3… là đúng chuẩn. Muốn vậy, theo ông Tạo, không được đánh đồng giữa mục tiêu chất lượng và phổ cập. Nếu muốn phổ cập thì phải tách riêng ra, những HS nào không đạt chuẩn thì cho học phổ cập. Còn những HS còn lại phải được đánh giá theo đúng chất lượng, không được nhập nhằng, lẫn lộn.
* Hoàn thành phổ cập THPT vào năm 2010... là áp đặt
Đa số các đại biểu đều cho rằng việc áp đặt chỉ tiêu là căn nguyên dẫn đến bệnh thành tích. Có đại biểu dẫn dắt: Trước đây, Vân Canh là huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ HS đậu tốt nghiệp lại rất cao (?)... Ông Đặng Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương đề nghị: “Nơi nào có HS có tỷ lệ đậu cao như vậy, ngành phải khảo sát lại và có kết luận cho chính xác, nếu đúng thì phải biểu dương, nhân điển hình…”. Cùng ý kiến này, có đại biểu cho rằng: “Phải đặt ra chỉ tiêu phù hợp với từng vùng, miền. Cấp trên phải giao chỉ tiêu cho sát thực tế và chỉ tiêu phải được thẩm định. Mặt khác, cũng không thể mỗi nơi đánh giá chất lượng theo một kiểu, Sở phải có ngân hàng đề…”.
Ông Lê Đình Phùng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Học cho rằng, những biểu hiện tiêu cực xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhiều cấp, nhiều phía, nhiều đối tượng. Thi tốt nghiệp THPT, có thầy - cô giáo đi coi thi về kể rằng, Sở cũng phải chỉ đạo nâng đáp án để có kết quả thi tương ứng với các tỉnh xung quanh. Rồi ông kết luận: “HS quen quay cóp, coi tài liệu là do chương trình còn nặng nề, cách ra đề thi còn chú trọng đến học thuộc lòng, dẫn đến dạy và thi còn hình thức”.
Theo Nghị quyết HĐND tỉnh, đến năm 2010, tỉnh Bình Định phải hoàn thành phổ cập THPT. Nhiều đại biểu cho rằng, đây là chỉ tiêu còn mang tính áp đặt, so với thực lực của giáo dục hiện nay. Muốn hoàn thành chỉ tiêu chỉ còn cách… “ăn gian, làm dối”. Đề cập đến khía cạnh khác, ông Đặng Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương cho biết: “Để xây dựng trường chuẩn quốc gia phải có 3% HS giỏi không phải dễ, trường tôi phấn đấu mãi mà vẫn chưa tới 1,5% HS giỏi, còn muốn “đẩy” lên nữa thì cũng “dễ” thôi!”.
* Kế hoạch “3859”- triển khai rồi sao nữa ?
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Tây Sơn) đặt ra một câu hỏi: nên đặt tên cho cuộc vận động là “không tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích” thay vì “nói không…” vì mới chỉ cho thấy nói mà chưa thấy làm. Tuy nhiên, ông Tạo tiếp lời: “Trước hết phải nói được chữ “không” trước đã. Để thực hiện được đổi mới phải nói và thực hiện được từ cấp Bộ trở xuống và phải có nội dung thực hiện cụ thể. Ông Đặng Hùng cho rằng: Ngay cả báo cáo đề dẫn của Sở vẫn còn chung chung… Sở phải nói cho được thời gian qua chúng ta có bệnh thành tích, tiêu cực trong thi cử không ? Kết quả đánh giá chất lượng dạy và học, kết quả thi cử, tốt nghiệp của ngành đã đúng thực chất chưa? Ông Hùng cho rằng có những kỳ thi còn mang tính hình thức, không thực chất, chắc chắn ai cũng biết nhưng ngại chưa nói ra. Ông Nguyễn Hoàng, Hiệu trưởng Trường PTTH An Nhơn 2 cho rằng: “Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tương đối có chất lượng còn thi tốt nghiệp THPT rất nhiều trường đã đỗ 100% nói lên rằng chưa thật nghiêm túc”. Ông Phan Văn Chung, Trưởng phòng Giáo dục TP Quy Nhơn cho rằng: phòng đã triển khai tất cả các văn bản hướng dẫn từ Bộ đến Sở về cuộc vận động này (kế hoạch 3859/ QĐ-BGD&ĐT ngày 28-7-2006) nhưng những bước tiếp theo như thế nào thì… rất lúng túng. Sở phải có lộ trình thật cụ thể để các trường, các phòng GD thực hiện.
Ông Nguyễn Đình Huệ, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước:
Chịu “đau” vài năm để có chất lượng giáo dục thật
Ngành giáo dục huyện Tuy Phước đã có nhiều động thái tích cực nhằm đẩy mạnh việc “dạy thực- học thực” sau vụ việc báo cáo không trung thực về tỷ lệ học sinh bỏ học ở Trường THCS Phước Sơn. Ông Nguyễn Đình Huệ, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước đã trao đổi với phóng viên về vấn đề này.
* Thưa ông, huyện Tuy Phước đã xử lý vụ việc ở Trường THCS Phước Sơn như thế nào rồi?
- Ngay sau khi báo Bình Định ngày 21-3-2006 phản ánh vụ việc (Trường THCS Phước Sơn: Trầm kha căn bệnh thành tích), chúng tôi đã chỉ đạo Trường THCS Phước Sơn giải trình và giao cho Phòng Giáo dục huyện kiểm tra lại, đề xuất biện pháp xử lý. Sau đó, Phòng Nội vụ- thương binh xã hội, cơ quan giúp việc cho UBND huyện đã xúc tiến xem xét trách nhiệm của tập thể và các cá nhân sai phạm. Trong đó, Hiệu trưởng Trường THCS Phước Sơn đã nhận hình thức kỷ luật là khiển trách (Quyết định ngày 4-8-2006 của UBND huyện Tuy Phước) vì đã báo cáo không trung thực với cấp trên về số liệu HS bỏ học.
Huyện đã làm báo cáo gởi UBND tỉnh và Sở GD-ĐT nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi của cấp trên. Riêng về phía dư luận xung quanh huyện Tuy Phước, nhiều người đã đồng tình theo hướng xử lý này của huyện…
* Căn “bệnh” thành tích hiện nay không phải chỉ là vấn đề của riêng Trường THCS Phước Sơn. Vậy sau vụ việc này, huyện đã có những động thái gì để “nói không” với nó?
- Huyện đã làm việc với ngành giáo dục, chỉ đạo ngành rút kinh nghiệm và tìm các biện pháp tập trung đi sâu vào đúng chất lượng giáo dục thực, nâng cao chất lượng và giữ vững số lượng... Kể cả trong buổi sơ kết 9 tháng vừa qua, Ban lãnh đạo huyện cũng đã đặt vấn đề đối với ngành giáo dục, qua đó tác động trong cấp ủy, và ban chấp hành đảng ủy mở rộng các xã, thị trấn, đặt vấn đề nâng cao trách nhiệm của từng đảng ủy trong việc chăm lo sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là chất lượng giáo dục những vùng khó, những vùng còn có những tác động khách quan dẫn đến chất lượng giáo dục không đạt yêu cầu. Thời gian vừa qua, ngành giáo dục và các trường cũng đã tiến hành rà soát lại tất cả các khâu, từ chỉ tiêu thi đua đến việc đánh giá thi cử… Phòng Giáo dục đã cử cán bộ về giúp hội đồng sư phạm các trường về phương pháp quản lý nhằm chấn chỉnh những tồn tại của mình.
* Thưa ông, nhiều cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, việc các trường chạy theo thành tích một phần là do sức ép của cấp ủy và chính quyền địa phương. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này ?
- Tôi cho rằng, với trách nhiệm của một người quản lý địa bàn, một khi chất lượng giáo dục của địa phương không được như mặt bằng chung thì nhất định người quản lý phải kiểm tra lại việc thực hiện của mình và cấp dưới phải giải trình nguyên nhân… là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc ấn định chỉ tiêu thì không có. Tuy Phước có 4 trường THPT trên địa bàn, mỗi trường có một đặc điểm riêng, do đó, không thể đòi hỏi chất lượng giáo dục như nhau được. Còn nếu có “bệnh thành tích”, thì quan điểm của huyện, thà chịu đau vài năm hoặc 5- 10 năm để có chất lượng thật, con người thật. Với vai trò của chủ tịch huyện và phụ trách khối, trong chỉ đạo định hướng phát triển giáo dục, tôi không bao giờ chủ trương chạy theo thành tích, chấp nhận “bệnh thành tích” trong giáo dục.
* Cám ơn ông!
| |