Trong cuộc họp thường kỳ tại trụ sở LHQ ở New York vừa qua, Việt Nam đã được nhóm 50 nước châu Á - thành viên chính thức của “ngôi nhà lớn nhất thế giới”, nhất trí thông qua đề cử là ứng cử viên duy nhất của châu lục vào ghế ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Đây không chỉ là một tin vui đối với nền ngoại giao Việt Nam nói riêng, mà còn là kết quả tổng hoà đáng tự hào về vị thế, uy tín và sự tin tưởng sâu sắc của thế giới đối với vai trò, sức mạnh của Việt Nam hôm nay và ngày mai.
Nếu tính đến khi bắt đầu nhiệm kỳ đặc biệt (2008-2009), cũng vừa tròn 30 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của LHQ. Con số 30 có thể coi như là ngẫu nhiên của một định mệnh về sức mạnh và năng lực; vừa có thể là điềm báo vận hội mới đang đến với Việt Nam.
Phải đến tuổi 30, Nguyễn Ái Quốc mới tìm thấy Con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam (1920). Và, cũng phải mất 30 năm (1911-1941), bôn ba khắp thế giới để học hỏi kinh nghiệm, suy xét và chiêm ngẫm, Nguyễn Ái Quốc mới có thể an tâm trở về để trở thành Hồ Chí Minh, mở ra một bước ngoặt mạnh mẽ cho Cách mạng Việt Nam. 30 năm còn là chặng đường dài gian khổ để chúng ta băng qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, để tạo nên một nước Việt Nam mới, thống nhất và tự tín…
Nói như thế để thấy rằng, kể từ khi bước vào “ngôi nhà chung” của nhân loại đến khi có thể có được một vị trí vững vàng, con đường để tìm được sự khẳng định và được công nhận, không giản đơn một chút nào. Những thế lực chống đối vẫn còn đó. Nguy hiểm hơn, không ít giọng lưỡi mơ hồ và thiển cận luôn tìm cách xuyên tạc về thể chế chính trị, những cái mà họ gọi là “mâu thuẫn” tôn giáo, sắc tộc… ở Việt Nam.
Chắc hẳn, hôm nay, sau sự kiện trên, chúng ta hoàn toàn có đủ lý do để khẳng định về vai trò không thể thay đổi của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trên trường quốc tế. Bởi vì, ai cũng biết rõ châu Á là nơi có hàng trăm quốc gia lớn nhỏ; nơi sinh ra cả 3 tôn giáo thế giới; nơi có nhiều thể chế chính trị nhất; đồng thời, cũng là vùng “nóng” nhất của loài người trong suốt nhiều năm qua…
Trên bức tranh có quá nhiều màu sắc đến như thế, sự đồng thuận không bao giờ là điều dễ dàng, sự nhất trí tuyệt đối lại càng ít ỏi. Vì lẽ ấy, ở một mức độ tương đối nào đấy, có thể coi sự kiện trên như là một trong những kỳ tích của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tin vui đang đến từ mọi hướng. Nền kinh tế bất chấp mọi khó khăn và thử thách đang tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra (8,2 so với 8,0%).
Sau 11 năm, 6 tháng, 13 ngày đàm phán, Việt Nam về nguyên tắc đã trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Chính phủ mới sau một Đại hội Đảng nhiều đổi mới, đang tạo nên một một bước chuyển căn bản trong việc tẩy trẳng những vết đen trên nền của một xã hội trong sáng, tốt lành. Đầu tư nước ngoài so với cùng kỳ năm ngoái tăng hơn 20%; chuyến xe vượt qua chặng đường đói nghèo hàng ngàn năm đang băng băng về đích…
Tất nhiên, trách nhiệm mới, công việc sẽ nặng nề hơn. Năm 2006 đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng: Đại hội X, Việt Nam được giao hai trọng trách quốc tế (trở thành thành viên WTO và Uỷ viên Hội đồng Bảo an LHQ)… Nhìn lại mình, chúng ta càng thấy rõ hơn những công việc phải làm - nhất thiết phải làm nhanh! Sân chơi mới và trọng trách mới không chỉ đòi hỏi chúng ta phải trong sạch, lành mạnh mà còn đòi chúng ta phải trở thành một tấm gương, một sự thể hiện đầy đủ của vai trò được thừa nhận tuyệt đối. Đây là lúc, hơn bao giờ hết, mỗi chúng ta đều hiểu rõ sự tín nhiệm đối với một vai trò mới ở cấp độ duy nhất, có nghĩa là gì!
|