Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bình Định, tình trạng lãn công, đình công của người lao động (NLĐ) có chiều hướng tăng hơn những năm trước. Nguyên nhân từ đâu ?
|
Ông Đoàn Phương Thanh - Giám đốc Xí nghiệp Dầu thực vật Phù Mỹ chủ trì cuộc họp giải quyết những kiến nghị của công nhân. Ảnh: Ngọc Diên
|
* Khi quyền lợi của NLĐ không được bảo đảm
Sáng ngày 12-1-2006, gần 400 công nhân của Công ty Cổ phần May Bình Định (105 Trần Hưng Đạo- Quy Nhơn) đã đồng loạt đình công đòi tăng lương, đòi chế độ BHXH. Theo phản ánh của NLĐ, công ty trả lương chậm, nhiều năm qua công ty đã trích thu 6% tiền lương hàng tháng của công nhân, nhưng lại sử dụng với mục đích khác mà không hề đóng BHXH cho người lao động dẫn đến nợ BHXH khoảng 2,3 tỉ đồng và bị ngừng chi trả các chế độ cho NLĐ khiến hơn 100 trường hợp (trong đó có nhiều trường hợp sinh đẻ) lẽ ra được BHXH chi trả theo quy định đã không được chi trả...
Tiếp đó, ngày 26-1-2006, gần 30 lao động của Công ty Sản xuất XNK Tiểu thủ công nghiệp Miền Trung kéo đến trước cổng UBND tỉnh phản ánh tình hình: đã hơn 6 tháng công nhân không được nhận lương (từ tháng 8-2005 đến 1-2006). Ngày 24-1-2006 (giáp Tết), Quyền Giám đốc Công ty thông báo không có tiền để trả lương và không có tiền tết cho công nhân. Bên cạnh đó, Quyền Giám đốc Công ty đã tự ý cho 29 cán bộ là trưởng, phó các phòng ban nghỉ việc và bổ nhiệm lại nhân sự mới mà không có sự thống nhất trong Ban Giám đốc...
Còn mới đây, từ ngày 12 đến ngày 20-10, gần 30 công nhân ở tổ cắt tách của Xí nghiệp Dầu thực vật Phù Mỹ thuộc Công ty Cổ phần Dầu thực vật Bình Định đã đình công yêu cầu giám đốc xí nghiệp trả lời các vấn đề, như: NLĐ không được mua BHYT và BHXH, không có HĐLĐ kể cả HĐLĐ thời vụ; tiền bồi dưỡng tăng ca, xí nghiệp quy định phải ăn tại nhà ăn của xí nghiệp thì mới được thanh toán dù chất lượng bữa ăn tại đây không đảm bảo... Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đình công của tổ cắt tách nhân hạt điều là việc bị phạt tiền (khấu trừ lương) do làm bể hạt điều vượt mức cho phép (50% công nhân trong tổ bị phạt), số tiền phạt cao... đã khiến cho NLĐ bức xúc, đình công tự phát.
Ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh: Trong thời gian đến, LĐLĐ sẽ chú trọng nâng cao vai trò của CĐCS, đặc biệt là CĐCS trong khối DN ngoài quốc doanh gồm: DNTN, công ty cổ phần, công ty TNHH, các công ty liên doanh với nước ngoài. LĐLĐ sẽ tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục cho NLĐ hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, nắm bắt nguyện vọng chính đáng của công nhân, lập hòm thư góp ý xây dựng DN do công đoàn quản lý, phân công ban chấp hành CĐCS tiếp công nhân lao động; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ lao động, thời giờ làm việc, BHXH, định mức lao động... tại các DN, đồng thời, tạo điều kiện cho các DN được tham gia các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm. |
Theo báo cáo của LĐLĐ tỉnh, tình hình lãn công, đình công ở tỉnh Bình Định tuy ít so với các địa phương trong nước nhưng lại có chiều hướng tăng. Theo ông Nguyễn Mỹ Quang - Trưởng phòng Chính sách - Lao động tiền lương Sở LĐ-TB&XH, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do lương công nhân quá thấp, chủ DN chậm trả lương; thời gian làm việc trong một ca quá dài, từ 10 đến 12 giờ thay vì 8 giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. Bên cạnh đó, các quyền lợi khác của NLĐ như được tham gia BHXH, BHYT không được đảm bảo, đồng thời quyền dân chủ, công bằng của NLĐ không được thực hiện đúng... “Khi quyền lợi chính đáng của NLĐ không được đảm bảo, cộng thêm một nguyên nhân khác sẽ như “giọt nước tràn ly” khiến cho NLĐ lãn công, đình công”- ông Quang nói.
* Công đoàn cơ sở chưa được phát huy vai trò
Điều đáng nói ở đây là các vụ lãn công, đình công diễn ra ở các đơn vị có tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS), nhưng thực tế cho thấy, các tổ chức CĐCS đều đã không phát huy được vai trò bảo vệ quyền lợi của NLĐ; đại diện cho NLĐ đề đạt, phản ánh nguyện vọng lên ban giám đốc của DN. Trường hợp đình công của công nhân Xí nghiệp Dầu thực vật Phù Mỹ - như lời nhận xét của lãnh đạo Công ty Cổ phần Dầu thực vật Bình Định - là do CĐCS đã không kịp thời nắm bắt những phản ánh, thắc mắc của NLĐ, chưa dám đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của công nhân...
Ông Nguyễn Văn Bằng - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh nhận xét: “Xảy ra các cuộc lãn công, đình công, nguyên nhân một phần là do các tổ chức CĐCS chưa phát huy được vai trò của mình, chưa sâu sát công nhân lao động nên khi vụ việc xảy ra thường bị động, không thể giải quyết được vụ việc mà phải nhờ đến công đoàn cấp trên giải quyết”. Tuy nhiên, theo ông Bằng thì “nguyên nhân của nguyên nhân” là do hầu hết các chủ tịch công đoàn cơ sở đều làm kiêm nhiệm, hưởng lương do DN chi trả nên không dám mạnh dạn đứng ra bảo vệ quyền lợi của NLĐ vì sợ “bị cắt mất nồi cơm”. Ngoài ra, cho đến nay vẫn chưa có hình thức xử lý thích đáng những trường hợp DN cố tình vi phạm Bộ luật Lao động, không thực hiện quyền lợi cho NLĐ mà mới chỉ dừng lại ở hình thức nhắc nhở, tạo tiền lệ xấu cho các DN khác tiếp tục vi phạm.
|