|
Với mức lương thuộc hơn 4 triệu đồng/tháng, nhận đồng nào để giành đồng ấy, không ăn - uống - hiếu - lễ - con cái - học hành... thì phải hơn 41 năm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy mới có 2 tỷ bạc để thực hiện phi vụ mua bán nhà số 6 Lý Thái Tổ (Hà Nội) rất lùm xùm mà Thủ tướng Chính phủ vừa buộc hủy bỏ. |
Phát biểu tại Quốc hội ngày 31.10.2006, ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) kiến nghị phải nâng cao chất lượng quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ đồng thời phải xây dựng thể chế công khai, minh bạch với nguyên tắc 3 không: “Không muốn, không thể và không dám” tham nhũng. Đây có thể coi là một khẩu hiệu hành động rất cần và rất đúng của đất nước ta lúc này.
1.
Vậy, nguyên tắc đầu tiên của việc bổ nhiệm cán bộ có nhiều trọng trách, nắm giữ tiền bạc phải là lựa chọn người có đạo đức trong sáng. Điều kiện tiếp theo là phải có chế độ đãi ngộ (lương) xứng đáng cho cán bộ. Nếu lương không đủ chi tiêu thì lỗi (sau đó là tội) người ta phải tính, phải kiếm cho đủ, cho dư; trách nhiệm một phần là của nhà nước. Con đường để đi ra khỏi bài toán khó này chỉ có một cách duy nhất: Tinh giản bộ máy quá cồng kềnh.
Những thông tin từ việc điều chỉnh lương cho thấy, ở nước ta dân phải nuôi quá nhiều cán bộ, đội quân hưởng lương do ngân sách chi ngày càng phình ra. Ngân sách do dân góp, dân góp không xuể thế là sinh ra tệ nhũng nhiễu. Lượng cán bộ tự làm để nuôi lấy thân thì ít, trong khi cơ cấu đối tượng hưởng lương sau nhiều đợt tinh giản biên chế lại phình ra.
2.
Để cho tham nhũng không thể lộng hành, tác oai, tác quái tràn lan như hiện nay giải pháp tháo gỡ cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho rằng “quan” thanh tra mà quyền hạn chỉ kiến nghị là chưa đủ. Đó là chưa nói đến việc thanh tra ở các tỉnh luôn trực thuộc chính quyền địa phương. Đi thanh tra mà không có thực quyền, phải sợ, phải luỵ một ai đó thì làm sao thanh tra nổi?
Mặt khác, chúng ta biết rõ lỗ thủng lớn nhất, dễ đục khoét nhất chính là các quy hoạch, các dự án bởi chúng liên quan đến trăm ngàn khoản chi tiêu, trong đó có vô số những khoản chi không dễ tính toán một cách cụ thể. Vì thế, công khai rõ ràng tất cả các dự án, kể cả việc tài chính công khai để cho dân giám sát, chắc chắn không ai có thể che nổi những lỗ hổng tài chính đen tối.
Luật pháp của các nước phương Đông thường xuất phát từ một tiền đề không đúng lắm là coi bản chất con người là tốt; nên hình phạt nhẹ, nặng về giáo dục là chủ yếu. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc các tội phạm tham nhũng khinh nhờn luật pháp.
Chẳng hạn, nếu quy định tham nhũng từ một triệu đồng trở lên, lập tức bị cách chức, không phân biệt địa vị, cống hiến; thì chắc chắn dù có muốn tham nhũng cũng không dám! Tham nhũng từ 10 triệu trở lên phải truy tố, hay mức cao thậm chí phải tử hình để răn đe là những biện pháp mạnh cần thiết. Tại sao tổng thống Mỹ không được đem về nhà một món quà trị giá trên 50USD mà một nước nghèo như chúng ta lại “vô tư” có tài sản bất minh hàng trăm triệu, hàng tỷ vẫn chỉ là phê bình, kiểm điểm? Cũng chẳng cần tìm ví dụ ở đâu xa. Hãy cứ lấy ngay trường hợp của Thống đốc Ngân hàng Lê Đức Thúy làm ví dụ, với mức lương 4 triệu đồng/tháng, nhận đồng nào để giành đồng ấy, không ăn - uống - hiếu - lễ - con cái - học hành... thì phải hơn 41 năm ông này mới có 2 tỷ bạc để thực hiện phi vụ mua bán lùm xùm mà Thủ tướng Chính phủ vừa buộc hủy bỏ. Báo chí nói rất chi tiết nên không ai không biết. Liệu ông Thúy sẽ giải trình như thế nào về khối tài sản đồ sộ của mình bên cạnh 2 tỷ bạc kia? Bất minh là thế đấy. Mà giá trị của sự minh bạch cũng là thế đấy. Nếu có cơ chế kiểm tra chặt chẽ, liệu có ai hóa giá nhà như ông Thúy, có ai dám ngang nhiên đánh rơi tiền tỷ như ông giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Hà Tây không?
3.
3 không là một giải pháp cần thiết. Phải minh bạch tất cả mọi tài sản bất bình thường, mọi dự án sắp triển khai; đồng thời phải có cơ chế cụ thể cho người dân có quyền giám sát những điều không thể khuất tất ấy, theo cung cách “mỗi người dân là một thanh tra viên” thì tham nhũng mới không dám và không thể. Một khi đã không dám và không thể, dù có muốn cũng đành phải bó tay.
Cái gốc của không muốn tham nhũng, trước hết phải là đạo đức của người Kách mệnh, đúng như Bác Hồ đã nói. Chắc hẳn bây giờ chúng ta càng thấm thía hơn cái lẽ vì sao trong bài giảng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc cách đây hơn 70 năm, ở số nhà 13/1 phố Văn Minh, Quảng Châu lại là bài về đạo đức cách mạng.
|