Vài năm gần đây, năm nào Chương trình chống lao Quốc gia ở Bình Định cũng tiếp nhận điều trị xấp xỉ 2.000 bệnh nhân mắc bệnh lao phổi. Đây chỉ mới là bề nổi của tảng băng bởi còn không ít người chưa phát hiện được mình có bệnh hoặc tự điều trị, thậm chí giấu bệnh… Tuy nhiên mối lo hàng đầu không phải là sự gia tăng của bệnh mà là tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn lao.
|
Khám bệnh cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện chuyên khoa Lao Bình Định. Ảnh: Q.K
|
* Không có xu hướng giảm
Theo khảo sát của Chương trình chống lao quốc gia, hằng năm cả nước có thêm khoảng 145.000 bệnh nhân lao (trung bình mỗi ngày thêm 400 người), trong đó có 65.000 bệnh nhân ho khạc ra vi trùng. Riêng ở Bình Định số bệnh nhân lao được phát hiện điều trị tính từ ngày 1-10-2005 đến 30-9-2006 là 1.955 ca, chiếm tỉ lệ khá cao so với dân số trong tỉnh và so với số bệnh nhân lao trong cả nước, có 16 người tử vong. Trong số này, TP Quy Nhơn số lượng bệnh nhân lao chiếm nhiều nhất: 418 ca; các huyện Tuy Phước: 259 ca, Hoài Nhơn: 246 ca, Tây Sơn: 228 ca, An Nhơn: 217 ca, Phù Cát: 212, Phù Mỹ: 194, Hoài Ân: 76 ca, Vân Canh: 28 ca, Vĩnh Thạnh: 22 ca, An Lão: 17 ca. Tuy nhiên đây chỉ mới là bề nổi của tảng băng bởi còn không ít người chưa phát hiện được mình có bệnh hoặc tự điều trị, thậm chí giấu bệnh. Trong một cuộc điều tra khảo sát mới đây, tại một khu vực của phường Lê Lợi - TP Quy Nhơn, đoàn khảo sát của Viện Lao và Bệnh phổi trung ương đã phát hiện ra khá nhiều bệnh nhân tiềm ẩn bệnh lao.
Nằm trong Chương trình chống lao quốc gia, từ năm 1995, Bình Định đã có nhiều thay đổi tích cực trong công tác phòng, chống lao. Hệ thống phòng chống lao được thiết lập và kiện toàn với 157 xã, phường, thị trấn đều có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm; 11 tổ chống lao hoạt động tại 11 trung tâm y tế cấp huyện và Bệnh viện chuyên khoa Lao. Sự kiện toàn tổ chức này cộng với phác đồ hóa trị liệu ngắn ngày (DOST) cùng với nhận thức của người dân về bệnh lao ngày một tốt hơn đã giúp công cuộc chống lao hiệu quả hơn. Theo thống kê của Bệnh viện chuyên khoa Lao, có khoảng 93% bệnh nhân lao ở nhóm không kháng thuốc được điều trị khỏi. Số còn lại đồng nghĩa với việc thất bại trong điều trị và cùng với nhóm lao kháng thuốc làm nên con số tử vong do bệnh lao trung bình mỗi ngày trong cả nước là 55 người!
Một trong những yếu tố khác khiến bệnh lao gia tăng, kìm hãm hiệu quả của Chương trình chống lao quốc gia là sự gia tăng số người nhiễm HIV. Theo thống kê, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm bệnh nhân lao ở nước ta đã lên tới 4,3%; vi rút HIV đã làm tăng nguy cơ tử vong và giảm khả năng chữa khỏi của bệnh nhân lao.
Tuy nhiên, mối lo hàng đầu không phải là sự gia tăng của bệnh lao hay tỉ lệ tử vong mà là tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn lao.
* Nguy cơ cho cộng đồng
Theo một công trình nghiên cứu của bác sĩ Đỗ Phúc Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Lao Bình Định, có khoảng 32,5% trong tổng số bệnh nhân lao trong cả nước bị kháng thuốc (TP Hồ Chí Minh có 40%), có nhiều người bị kháng nhiều loại thuốc. Một cuộc khảo sát trên 593 bệnh nhân lao ngẫu nhiên từ Bình Thuận đến Cà Mau đã phát hiện đến 208 bệnh nhân bị kháng thuốc và nguy hiểm hơn là có đến 50% trong số này kháng từ 2 loại thuốc trở lên, 20 bệnh nhân kháng tất cả các loại thuốc đặc hiệu. Có những bệnh nhân mới bị lao lần đầu, chưa điều trị lần nào nhưng đã kháng thuốc đặc hiệu.
Bệnh nhân bị lao kháng thuốc (lao mạn tính) là những người đã được điều trị thuốc kháng lao qua 2 phác đồ của Chương trình chống lao quốc gia nhưng không khỏi dù có kiểm soát việc dùng thuốc chặt chẽ. Vấn đề điều trị những thể lao mạn tính, kháng nhiều thuốc cực kỳ khó khăn, thời gian điều trị kéo dài, tốn kém nhưng hiệu quả thấp. So với tỉ lệ 93% bệnh nhân điều trị khỏi ở nhóm bệnh nhân lao không kháng thuốc thì ở nhóm kháng thuốc tỉ lệ này chỉ đạt tới 56%.
Bệnh lao kháng thuốc xuất phát từ 2 nguyên nhân: từ quá trình điều trị không tuân thủ nguyên tắc và từ nguồn lây là vi trùng lao kháng thuốc. Với nguyên nhân thứ nhất có thể từ phía bệnh nhân không tuân thủ quy trình điều trị đúng và đủ liều; cũng có thể do thầy thuốc cho phác đồ không đủ mạnh hoặc tăng thêm một loại thuốc chống lao khác sau khi điều trị thất bại. Chính vì tỉ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc khá cao và vi khuẩn lao kháng thuốc có thể lây lan trực tiếp nên đây thực sự là một mối đe dọa đối với cộng đồng.
* Niềm hy vọng mới
Việc chữa trị lao mạn tính ở Bình Định lâu nay hầu như vẫn đang bỏ ngỏ bởi các phác đồ điều trị hiện nay của Chương trình chống lao quốc gia gồm các thuốc kháng lao loại 1 đã được điều trị nhưng không hiệu quả; những thuốc kháng lao loại 2 được Tổ chức Y tế thế giới khuyên dùng thì giá thành rất cao (khoảng 50 triệu đồng cho một ca) lại có nhiều tác dụng phụ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bệnh nhân lao mạn tính phải chấp nhận cái chết từ từ. Nguy hiểm hơn là sự phát tán loại “vi khuẩn khó chữa” này ra môi trường không thể kiểm soát được.
Trong bối cảnh đó, Trung tâm Lao và Bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh) đã tiến hành thí điểm việc điều trị lao kháng thuốc theo phác đồ gồm 5 thứ thuốc kháng lao hạng 2: Kanamycine, Ethionamide, Cycloserine, Pas và Fluoroquinolone. Riêng ở Bình Định, bác sĩ thạc sĩ Nguyễn Anh Quân- Bệnh viện chuyên khoa Lao đã tiến hành điều trị thăm dò theo phác đồ KRHZEO trên một số bệnh nhân lao mạn tính bước đầu cho kết quả khả quan. Từ thể nghiệm này, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi trung ương, Sở Y tế, bác sĩ Quân cùng một nhóm cộng sự đã triển khai thành đề tài “Nghiên cứu tác dụng điều trị phác đồ KRHZEO đối với bệnh nhân lao phổi mạn tính”. Đề tài đã khởi động từ tháng nay và đang được tiến hành trên 75 bệnh nhân với thời gian kéo dài trong 2 năm rưỡi.
Hy vọng sự thành công của đề tài sẽ mở ra một hướng mới để bệnh nhân lao, nhất là lao kháng thuốc ở Bình Định có thêm cơ hội sống.
|