Quỹ BHYT mất cân đối thu chi:
Cần một sự thay đổi về chính sách
9:39', 2/11/ 2006 (GMT+7)

Chỉ trong quý I và II năm 2006, quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) tỉnh Bình Định đã bội chi 33 tỷ đồng. Đây là con số bội chi quỹ lớn nhất từ trước tới nay và cũng là lớn nhất trong cả nước. Theo dự báo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, cả năm 2006 con số bội chi quỹ sẽ đạt mức kỷ lục: gần 70 tỉ đồng! Những người tham gia BHYT, cơ sở khám chữa bệnh và cả cơ quan BHXH quản lý quỹ đều nóng lòng tự hỏi, tại sao có con số bội chi lớn như vậy?

 

Bệnh nhân đang chờ đợi tại phòng khám BHYT Bệnh viện đa khoa tỉnh. Ảnh: Văn Lưu

 

* Lỗ hổng từ việc ban hành chính sách

Việc sửa đổi chính sách BHYT bắt nguồn từ con số kết dư 2.000 tỉ đồng sau 14 năm triển khai thực hiện chính sách BHYT. Sự tồn quỹ quá lớn này đã làm nảy sinh nhiều nguồn dư luận không tốt trong xã hội như: khống chế quyền lợi người bệnh, chi trả viện phí cho các cơ sở y tế không hợp lý… Từ đây một tâm lý chủ quan xuất hiện trong các cơ quan ban hành chính sách BHYT, chủ yếu là Bộ Y tế và Bộ Tài chính, nếu thừa quá nhiều thì phải chi cho hết. Nghị định 63 của Chính phủ ra đời với việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT, mở rộng tối đa quyền lợi cho người tham gia, tạo thuận lợi tối đa cho các cơ sở y tế tận thu viện phí và BHYT bằng các văn bản mở rộng danh mục thuốc, BHYT phải chi trả hơn 1.000 dịch vụ y tế mới với giá rất cao, thanh toán các dịch vụ kỹ thuật cao mà không có một cơ chế kiểm soát nào, cả việc bãi bỏ các công cụ quản lý như cùng chi trả, trần thanh toán trong khu vực nội trú… Kết quả, toàn bộ số tiền 2.000 tỉ đồng kết dư BHYT chỉ trong vòng một năm qua đã được BHXHVN chi gần hết. BHXHVN đã có văn bản cảnh báo lên Chính phủ, nếu không điều chỉnh chính sách BHYT để kịp thời cân đối thu chi thì quỹ BHYT sẽ bị vỡ trong vòng 6 đến 8 tháng nữa.

* Càng mở rộng đối tượng tham gia, bội chi càng lớn

Tổng số người tham gia BHYT ở tỉnh Bình Định là 716.516 người, chiếm tỷ lệ gần 50% dân số của tỉnh. Trong đó đối tượng bắt buộc là 369.998 người, tự nguyện là 346.518 người với tổng số tiền thu được trên 45 tỉ đồng. Số người tham gia BHYT càng đông, không còn cơ chế cùng chi trả dẫn đến số lượt đi khám chữa bệnh gia tăng chóng mặt. 10 tháng đầu năm 2006 đã có trên 1,2 triệu lượt người KCB BHYT chiếm tỷ lệ 167,4%, tổng chi phí trên 90,6 tỉ đồng. Trong đó KCB nội trú 84.000 lượt, KCB ngoại trú 1.116 lượt. Hiện tượng đi khám bệnh một ngày 2 lần, cả nhà kéo nhau đi khám bệnh lấy thuốc, cả xóm kéo nhau đi khám bệnh, có xã người tham gia BHYT còn thuê xe lên trung tâm y tế huyện khám bệnh lấy thuốc về bán lại và cho rằng vẫn lời hơn đi làm ruộng. Các đơn vị y tế thì mặc sức lạm dụng quỹ BHYT cho thân nhân của mình. Họ coi quỹ BHYT như là một quỹ từ thiện do Nhà nước bao cấp.

* Tăng cường trang bị, tăng cường sử dụng dịch vụ y tế

Phải nói rằng, chưa bao giờ người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế từ thông thường đến cao cấp thuận lợi như hiện nay. Các bệnh viện từ tuyến huyện, tỉnh, thành phố tăng cường tối đa các trang thiết bị y tế nhằm tăng nguồn thu viện phí. Chủ trương xã hội hóa sự nghiệp chăm sóc sức khỏe tạo thuận lợi hơn cho việc đầu tư nâng cấp các cơ sở y tế. Thế nhưng việc khoán kinh phí, góp vốn mua trang thiết bị để làm dịch vụ, nếu quản lý không tốt, các cơ sở y tế sẽ đi lệch hướng xã hội hóa mà chạy theo lợi nhuận đơn thuần dẫn đến việc tận thu triệt để nguồn viện phí, xem nhẹ tính hiệu quả, chất lượng. Cùng một căn bệnh, nhưng giá tiền khác nhau tùy bệnh viện, tùy người thầy thuốc điều trị. Không có một phác đồ điều trị nào để quy định dịch vụ y tế, thuốc men cần cho căn bệnh, mà hoàn toàn theo yêu cầu chủ quan của thầy thuốc và cả người bệnh tùy vào túi tiền của họ.

 

Bảo hiểm y tế đã giúp cho người bệnh có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế. Ảnh: Trang Xuân Chi

 

* Cơ quan BHXH không kiểm soát nổi

Hiện nay, mức đóng BHYT bình quân đầu người ở tỉnh Bình Định vào khoảng 63.000 đ/người/năm.Trong khi đó chi phí khám chữa bệnh xấp xỉ trên 160.000đ/người/năm. Trung bình cứ 100 người có thẻ BHYT thì có khoảng 200 lượt KCB ngoại trú, và 14 lượt KCB nội trú/năm. Trong quá trình triển khai BHYT tự nguyện, cơ quan BHXH không thể kiểm soát tình trạng lạm dụng của người mua thẻ BHYT. Do quy định quá dễ dàng đối với đối tượng là thân nhân người lao động, hội đoàn thể, và cả hộ gia đình nên BHYT tự nguyện được mua bởi phần lớn những người có nhu cầu khám chữa bệnh thật sự, thường xuyên. Đây là bài học đắt giá cho việc thực hiện chính sách BHYT ở nước ta do không thu hút được người khỏe mạnh tham gia BHYT.

* Cần có một sự thay đổi ở tầm chiến lược

Tình hình vỡ quỹ BHYT hiện nay, không thể đổ lỗi cho ngành y tế, cơ quan BHXH hay người tham gia BHYT mà phải nói rằng do các cơ quan ban hành chính sách chỉ đưa ra những chính sách tình huống đáp ứng lợi ích trước mắt mà không đưa ra những quyết sách mang tầm chiến lược đáp ứng lợi ích lâu dài cho người tham gia và phát triển quỹ BHYT. Quỹ BHYT là một quỹ tự hạch toán, ngoài ngân sách Nhà nước nên cần phải có một chính sách năng động để bảo tồn và phát triển quỹ. Để tránh sự lập lại tình hình vỡ quỹ BHYT trong quá trình thực hiện chính sách BHYT đã xảy ra  năm 1997 và nghiêm trọng như hiện nay, không thể loay hoay trong những chính sách cũ, càng không thể sử dụng những quy định tạm thời để đối phó tình huống cho một chính sách xã hội lâu dài. Thiết nghĩ các nhà quản lý ở tầm vĩ mô cần một cái nhìn khách quan, tổng thể, toàn diện mang tầm chiến lược để ban hành những quy định hoàn toàn đổi mới nhằm duy trì hoạt động và phát triển quỹ BHYT lâu dài. Để có được chính sách đúng đắn cần những chuyên gia có kinh nghiệm trong nước và nước ngoài tham gia.

  • Hà Thúc Chí
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chị Vy chết là do tắc mạch ối  (02/11/2006)
Còn nhiều thách thức  (02/11/2006)
Thượng tọa Thích Quảng Xả thăm và cảm ơn lãnh đạo tỉnh  (02/11/2006)
3 không  (01/11/2006)
Vì sao lãn công, đình công gia tăng ?  (01/11/2006)
Một cơ hội để quảng bá TP. Quy Nhơn  (01/11/2006)
Triển khai công tác phòng chống cơn bão số 7  (01/11/2006)
Lãnh đạo tỉnh làm việc với xã Tây Thuận  (01/11/2006)
Tín nhiệm Việt Nam  (31/10/2006)
Cứu hộ thành công một tàu cá  (31/10/2006)
Ngành Giáo dục - Đào tạo: “Mổ xẻ” tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích  (31/10/2006)
Gần 81% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ  (31/10/2006)
Khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống cơn bão số 7  (31/10/2006)
Phải chịu đau để thay đổi chất lượng giáo dục  (30/10/2006)
Cùng phát triển bền vững  (30/10/2006)