Thẳng thắn đánh giá lại thực chất chất lượng giáo dục (GD); không chạy theo thành tích trong thực hiện phổ cập giáo dục GD THPT; nhân rộng mô hình trường chuẩn… để hạn chế, loại bỏ bệnh thành tích. Đó là nội dung trao đổi giữa ông Trần Hữu Hạnh, Trưởng ban VH-XH HĐND tỉnh và phóng viên Báo Bình Định.
|
Không phải HS nào cũng đủ điều kiện để học tiếp lên các bậc học cao hơn. Trong ảnh: Những HS lớp 6 ở trường THCS Cát Tường đang phải học lại chương trình tiểu học. Ảnh: Q.H
|
* Học sinh (HS) bỏ học có xu hướng gia tăng, chất lượng GD đã bộc lộ những khiếm khuyết, tồn tại không thể phủ nhận được, như chuyện HS lớp 6 phải học lại chương trình tiểu học; chuyện thi “đầu vào” thì kết quả rất thấp nhưng “đầu ra” thì lại rất cao… Tất cả những chuyện đó đã nói lên điều gì, thưa ông?
- Những cái gì không phải như thế nhưng vẫn cho kết quả như thế đều là “bệnh thành tích” cả. Tôi được biết, kết thúc năm học 2005- 2006 vừa qua, ngành GD-ĐT đã đánh giá: chất lượng GD mầm non tiếp tục được giữ vững, có mặt tiến bộ, chất lượng GD tiểu học tiếp tục ổn định và có chuyển biến tốt theo hướng GD toàn diện, tỷ lệ HS lớp 5 được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học là 100%; về chất lượng GD THCS và THPT có chuyển biến tích cực và chứng minh cho nhận định, đánh giá đó là số HS được xếp loại học lực khá, giỏi (THCS) là 32,9%, tăng 1,1% so với năm học trước, bậc THPT đạt 20,6%, tăng 0,8% so với năm học trước. Tỷ lệ HS bỏ học ở tiểu học là 0,12%; ở THCS là 0,4%, THPT là 2,8%. Kết quả tốt nghiệp của HS lớp 6, năm học 2005-2006 là 99,37%; ở THPT là 95,42%, tăng 6,69% so với năm học trước… Nhìn bức tranh GD như vậy, ai cũng thấy là rất khả quan và đáng mừng, nhưng tiếc thay, qua thực tế chung của cả nước và của tỉnh đã được báo chí phản ánh và qua khảo sát, giám sát của HĐND tỉnh trong thời gian qua thì không phải như vậy. Tôi cho rằng, lãnh đạo ngành GD phải thẳng thắn xem xét, nhìn nhận lại chất lượng của GD một cách nghiêm túc để có những biện pháp, giải pháp đưa đến kết quả thực chất hơn. Nếu không, cuộc vận động “hai không” (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích) của ngành sẽ khó đạt được hiệu quả.
* Thưa ông, trong cái lỗi chạy theo thành tích, không phải chỉ có cán bộ quản lý GD, giáo viên và nhà trường, xin nêu lên một dẫn chứng: Nghị quyết HĐND tỉnh kỳ họp trước đây đã đặt ra mục tiêu đến năm 2010, ngành GD phải hoàn thành phổ cập GD THPT. So với thực lực của GD hiện nay thì đây là mục tiêu khó trở thành hiện thực. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Hoàn thành thì vẫn có khả năng hoàn thành được, bởi vì chúng ta đã từng bước phổ cập tiểu học, THCS… và những mốc thời gian ấn định đều đạt cả. Vậy thì, chắc chắn cũng sẽ hoàn thành phổ cập THPT! Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là chất lượng phổ cập sẽ như thế nào. Thực tế cho thấy, những HS học chính quy do học yếu, không học được, bỏ học có vận động được vào những lớp phổ cập thì cũng chỉ ngồi đó cho có tên, có tuổi mà thôi. Hồi còn làm Phó chủ tịch huyện Phù Cát, trưởng ban chỉ đạo các kỳ thi của huyện, có năm đi kiểm tra thi, tôi đã bắt gặp một số giáo viên phải đến từng nhà năn nỉ HS đi thi phổ cập. HS thi xong buổi sáng, Hội đồng thi phải lo cơm nước cho các em ăn, rồi chở các em đi hát karaoke… chỉ với mục đích giữ chân các em không bỏ về để chiều còn thi tiếp môn thứ 2 (!). Các em đi thi, kết quả như thế nào không biết, nhưng chắc chắn là được công nhận hoàn thành phổ cập tiểu học. Bây giờ, phổ cập THPT mà cũng như thế thì lãng phí quá và đầu tư như thế thì không có hiệu quả.
Nghị quyết HĐND ra đời trên cơ sở đề án do ngành GD xây dựng và được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sau đó, được UBND tỉnh thông qua và trình ra kỳ họp. Đã có nghị quyết thì phải tổ chức triển khai, thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết và không chỉ đạt phổ cập về số lượng mà còn phải đảm bảo cả chất lượng, không được chạy theo thành tích. Trong trường hợp đã cố gắng hết mức nhưng đến năm 2010 vẫn chưa đạt được phổ cập THPT thì đây cũng là vấn đề phải rút kinh nghiệm từ nhiều phía, từ cơ quan tham mưu, đề xuất các kế hoạch, đề án đến cơ quan có thẩm quyền xem xét trước khi trình ra HĐND và cuối cùng được HĐND quyết định.
* Với vai trò và trách nhiệm của mình, ông có đề xuất giải pháp gì giúp ngành GD-ĐT nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích?
- Theo tôi, để cuộc vận động này có kết quả thì phải thực hiện đồng bộ bằng nhiều biện pháp. Qua tham gia các hoạt động khảo sát, giám sát cùng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh về GD-ĐT, tôi xin có một số kiến nghị: để chống tiêu cực thi cử và bệnh thành tích, ngành GD-ĐT cần tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình trường chuẩn quốc gia ở các cấp học, ngành học để tạo ra sự tương đối đồng đều về chất lượng giữa các trường. Để nhân rộng mô hình trường chuẩn, bản thân ngành GD phải chủ động đề xuất, phối hợp với các ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn của ngành. Đối với vấn đề giáo viên, phải giải quyết cho được số giáo viên không đủ điều kiện đứng lớp và tạo điều kiện thu hút giáo sinh khá, giỏi tốt nghiệp từ các trường đại học vào ngành. Sở GD-ĐT và các phòng GD phải tăng cường công tác quản lý và thanh tra chuyên môn, nhất là thanh tra đột xuất đối với giáo viên và các trường. Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng để động viên, khuyến khích những tập thể, cá nhân giàu lương tâm chức nghiệp, tích cực hưởng ứng cuộc vận động, đồng thời những cá nhân, tập thể nào làm trái thì phải được xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, cũng phải xác định đây là việc không thể làm ngày một, ngày hai mà phải có điều kiện, có thời gian và đối với xã hội nói chung, các ngành, các cấp nói riêng, phải có chủ trương lãnh đạo, kế hoạch đầu tư đồng bộ, ủng hộ và tạo điều kiện giúp đỡ, phối hợp ngành GD-ĐT thực hiện cho được các mô hình trường chuẩn. Bên cạnh đó, từng gia đình có con đi học và toàn xã hội cũng phải xác định trách nhiệm của mình trong việc nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích.
* Cám ơn ông!
|