Hơn 2 năm qua, 60 giáo viên đang gặp khó khăn ở huyện An Lão đã được vay vốn và tổ chức làm kinh tế khá hiệu quả. Số vốn vay tuy còn ít ỏi nhưng là cú hích giúp các thầy cô giáo vượt qua khó khăn.
Trong nhiều năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ giáo viên tại huyện An Lão được cải thiện khá nhiều. Báo Tuổi Trẻ TP.HCM thực hiện chương trình “Hỗ trợ vốn cho giáo viên nghèo” (do ông bà Dương Quang Thiện - một nhà hảo tâm ở TP.HCM) cho 60 giáo viên khó khăn tại huyện An Lão với tổng số tiền là 180 triệu đồng không tính lãi trong vòng 2 năm. Các thầy cô giáo đã sử dụng đồng vốn trên khá hiệu quả bằng nhiều hình thức khác nhau như chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, kinh doanh nhỏ, lẻ… Do tính chất công việc chiếm khá nhiều thời gian nên thầy cô chọn chăn nuôi heo, bò là giải pháp làm kinh tế phù hợp và có hiệu quả nhất. Tổng cộng có 32 hộ chăn nuôi heo, bình quân thu lãi trên 2 triệu đồng/năm. Cô Trần Thị Hằng, cán bộ Phòng GD-ĐT huyện An Lão tâm sự: “Sau bao năm vất vả với nghề, thu nhập của hai vợ chồng cũng chỉ đủ nuôi con ăn học. Mỗi khi gia đình có khách hay việc gì đột xuất không biết xoay xở như thế nào. Từ ngày nhận 3 triệu đồng trợ vốn, hai vợ chồng quyết định mua cặp heo con giống và trồng 1 ha mì. Đến nay, đàn heo thịt ở nhà đã có 30-40 con, mỗi năm xuất chuồng cũng được 2-3 lứa. Cuộc sống gia đình trở nên thoải mái hơn rất nhiều”.
Nhiều thầy cô dành dụm được số ít vốn thì gộp thêm vào để chăn nuôi bò hoặc cá. Tuy lãi nuôi bò, cá thấp hơn nhưng cũng đem lại cho mỗi hộ gia đình từ 1,5 -1,7 triệu đồng/năm. Một số thầy cô khác thì đầu tư vào cải tạo vườn tạp trồng rau màu các loại thu lãi trên 700.000đ/năm. Theo báo cáo của Phòng Giáo dục huyện An Lão thì tổng số lãi sau khi trừ chi phí là 194 triệu đồng. Số tiền trợ vốn tuy ít ỏi nhưng đã thể hiện được sự quan tâm và chia sẻ những khó khăn mà các giáo viên ở huyện miền núi An Lão gặp phải. Nhân dịp tổng kết chương trình đợt 1, chúng tôi đã bắt gặp những nụ cười thể hiện niềm vui, hạnh phúc của các thầy cô. Cô Lương Thị Hà Đông (Trường THCS bán trú Trung Hưng) khoe: “Trước đây, gia đình mình cũng như bao gia đình giáo viên ở huyện đều rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau. Vậy mà, hơn 2 năm cùng nhau phát triển kinh tế chăn nuôi heo, bò, vợ chồng mình đã dành dụm được ít tiền sửa lại căn nhà”.
Bước đầu, chương trình “hỗ trợ vốn cho giáo viên nghèo ở huyện An Lão” đã có tác động tích cực vào đời sống giáo viên. Trước thành công của đợt 1, Báo Tuổi Trẻ TP.HCM tiếp tục thực hiện “Hỗ trợ vốn cho giáo viên nghèo huyện An Lão” đợt 2 (9-2006 đến 9-2008) cho 60 giáo viên khác. Chị Trường Thị Hợp và Nguyễn Thị Tuyết (Trường mẫu giáo bán công An Hòa) rất vui khi được nhận số tiền trợ vốn.
Trong buổi nhận tiền trợ vốn đợt 2, cô giáo trẻ Từ Thị Linh Tường (26 tuổi, Trường tiểu học An Vinh) tâm sự: “Ngôi trường em dạy học cách nhà 40 cây số và có đến 4 điểm dạy khác nhau trong xã. Do đó, mặc dù lương giáo viên tiểu học của em không thấp khoảng 1 triệu đồng/ tháng nhưng chi phí đi lại cao nên cũng chẳng dư dả gì. Vợ chồng em rất vui vì được trợ vốn lần này. Chúng em sẽ đầu tư vào chăn nuôi bò và heo để dành dụm lo cho đứa con sắp sinh”.
Ông Phạm Văn Nhất - Trưởng ban Công tác xã hội Báo Tuổi Trẻ TP.HCM - cho biết: “Chúng tôi là những người làm báo đi nhiều ở vùng sâu - vùng xa và biết được nhiều giáo viên gặp khó khăn. Chương trình ra đời cách đây 10 năm từ TP.HCM đến các tỉnh lân cận và mở rộng đến miền Trung đã có 3.000 giáo viên được trợ vốn. Báo Tuổi Trẻ chỉ mong thầy cô xem như là món quà về tinh thần vì số tiền trợ vốn còn quá nhỏ bé, chỉ giúp đỡ một phần nào cho cuộc sống gia đình”. Quả thật, để số tiền nhỏ này được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, các thầy cô giáo đã phải nỗ lực, tiết kiệm phấn đấu hết sức cộng với nguồn lực sẵn có trong gia đình.
|