Tháng 12-2006, cầu vượt đầm Thị Nại chính thức hoàn thành, đồng thời Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội cũng bắt đầu khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng để đón các nhà đầu tư. Nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của KKT Nhơn Hội rất lớn. Chính vì thế, nhiều gia đình, thanh niên ở nông thôn đã có nhận thức học nghề là điều quan trọng để đón đầu KKT Nhơn Hội…
|
Các học viên của lớp đóng tàu trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: N.P
|
* Từ định hướng của người dân
Một lần công tác ở xã đảo Nhơn Lý (Quy Nhơn) tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng trong nhận thức về việc học của người dân vốn chỉ quen nghề đi biển. Chị Nguyễn Thị Thu Thảo ở thôn Lý Chánh cho biết: “Gia đình tôi có hai thằng con, tôi hướng cho tụi nó thi vào Đại học Thủy sản Nha Trang hoặc trung cấp nghề, đặng nay mai về làm việc ở khu chế biến hải sản ở KKT Nhơn Hội cho gần nhà”.
Ở xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) khi mới nghe tin cây cầu nối Quy Nhơn - Nhơn Hội sẽ khởi công, bà con đã cho con đi học đón đầu. Ông Nguyễn Viết Thanh, ở thôn Hội Tân, phụ huynh em Nguyễn Viết Thạnh, đang theo học lớp 11 cho biết: “Lúc đầu tui cũng có ý định cho cháu học xong cấp 2 là ở nhà phụ tui nuôi tôm, nuôi cá nhưng từ khi nghe tin có KKT Nhơn Hội mở tại xã này, tui quyết định cho nó học tiếp đặng sau này về làm việc ở đây”.
Ông Trần Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hội, khẳng định: “Chiếc cầu vượt đầm Thị Nại cùng với KKT Nhơn Hội hình thành đã làm thay đổi nhận thức chỉ cần học cho biết chữ, rồi đi làm biển đã bám sâu vào người dân. Việc học chữ, học nghề đã rất được người dân quan tâm, điều mà cách đây vài năm, xã vận động mãi không được”. Cho đến nay, có trên 100 thanh niên, học sinh trong xã đã và đang đi học các ngành đóng tàu, gò, hàn cơ khí chuẩn bị đón đầu cho KKT Nhơn Hội.
* Chọn học nghề
Em Dương Đăng Tố, ở thôn Hội Tân tâm sự: “Em tốt nghiệp cấp 3 được hai năm, do gia đình khó khăn không được đi học tiếp nên phải ở nhà phụ giúp gia đình nuôi tôm, cá. Khi hay tin Trường Kỹ thuật và Nghiệp vụ Công nghiệp tàu thủy 3 (Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin) đến tận xã tuyển sinh, em đăng ký đi học ngành sửa chữa tàu, đây cũng là ngành em yêu thích. Vả lại, sau khi ra trường được công ty hứa sẽ bố trí công ăn việc làm”.
Ông Ngô Xuân Thủy, Phó hiệu trưởng Trường Công nhân kỹ thuật Quy Nhơn: Từ khi KKT Nhơn Hội hình thành, những dự án đầu tư còn trên giấy, nhà trường đã chủ động cho việc đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài việc liên kết với Vinashin đào tạo công nhân đóng tàu, nhà trường còn chủ động đào tạo nhiều ngành mới như đã tuyển sinh năm đầu tiên 2 lớp hàn công nghệ cao. Sang năm 2007, nhà trường sẽ mở thêm ngành mới là cơ điện tử để đáp ứng nhân lực cho các nhà máy lắp ráp điện tử. Đồng thời, nhà trường cũng đưa những trang thiết bị hiện đại vào giảng dạy để khi ra trường học viên sẽ không phải ngỡ ngàng khi tiếp xúc với công việc. Tháng 12-2006, nhà trường sẽ mua các trang thiết bị mới, hiện đại cho ngành hàn công nghệ cao, với kinh phí 1,5 tỉ đồng và các thiết bị máy cơ khí, kinh phí 2 tỉ đồng… |
Còn em Nguyễn Tử Thiên, 25 tuổi, ở xã Cát Minh (Phù Cát) đang theo học lớp đóng tàu khóa đầu tiên tại Trường Công nhân kỹ thuật Quy Nhơn, cho hay: “Em thi đại học bị rớt, đi nghĩa vụ quân sự 2 năm, sau đó đi làm công nhân gỗ. Sau khi nghe tin KKT Nhơn Hội hình thành, nhiều doanh nghiệp vào đầu tư nên em từ bỏ công nhân để đi học trở lại. Sau này ra trường có được cái nghề và việc làm ổn định hơn”.
Có thể nói Vinashin là doanh nghiệp đầu tiên liên kết đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp mình. Hiện, Vinashin đã liên kết với Trường Công nhân kỹ thuật Quy Nhơn mở 2 lớp đóng tàu, một lớp khai giảng trong tháng 8 và một lớp khai giảng trong tháng 10 năm 2006. Tổng số học viên của 2 lớp là 141, trong khi đó so với nhu cầu thực tế thì con số này chưa đáp ứng bao nhiêu. Ông Nguyễn Kế Truyền, Phụ trách Ban đào tạo của Trường Kỹ thuật và Nghiệp vụ Công nghiệp tàu thủy 3-Vinashin, cho biết: “Thực tế nhu cầu công nhân lành nghề là rất lớn, trong khi đó số lượng học viên còn ít. Để chủ động nguồn nhân lực, Vinashin sẽ thường xuyên tổ chức tuyển sinh, đào tạo nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực để khi Nhà máy đóng và sửa chữa tàu biển hình thành tại KKT Nhơn Hội thì có ngay công nhân lành nghề”.
Khu công nghiệp trong KKT Nhơn Hội được quy hoạch trên 1.000 ha cho giai đoạn 1 và 2 chắc chắn sẽ thu hút lượng lao động rất lớn để phục vụ cho các nhà máy. Ước tính cần khoảng 10.000 lao động phục vụ cho KKT Nhơn Hội đến năm 2010, tập trung vào các lĩnh vực đóng tàu, cơ khí, gò, hàn và dịch vụ du lịch, chế biến hải sản… Chính vì thế, việc những thanh niên ở nông thôn đi học nghề là đúng hướng.
|