Bốn lãng phí
11:22', 8/11/ 2006 (GMT+7)

Giải trình trước Quốc hội và trong các cuộc trả lời phỏng vấn của báo chí, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nếu không chống được bệnh thành tích, tiêu cực trong giáo dục thì đất nước sẽ có 4 lãng phí lớn: Lãng phí tuổi học trò, lãng phí tiền của của phụ huynh, lãng phí công sức thầy cô, lãng phí nguồn tài nguyên lớn nhất của đất nước. Nguy hiểm hơn, 4 sự lãng phí ấy sẽ kéo theo 4 sự suy thoái về đạo đức.

 

Cái nguy hại từ lãng phí và suy thoái của giáo dục là sự tụt dốc của nền văn hóa. Lẽ ra con em chúng ta phải được hưởng một nền giáo dục có chất lượng cao hơn. Ảnh: Q.H

 

1.

Vấn đề đặt ở ngay diễn đàn chính trị lớn nhất quốc gia như thế, rõ ràng đây là chuyện cực trọng. Bộ GD-ĐT nói riêng, đất nước nói chung đang phải đối diện với sự sống còn của một nền văn hóa. Làm sao có thể lãng phí không chỉ một mà là nhiều thế hệ trẻ? Công sức, tiền của bỏ ra nhưng lại lãng phí nhãn tiền, lãng phí ngoài sức tưởng tượng như thế, nhất thiết phải thay đổi. Nhưng, thay đổi như thế nào?

Câu hỏi trên chưa có câu trả lời. Thứ nhất, theo ông Bộ trưởng, nền đại học thiếu một nửa số giáo viên cần thiết (8.000 người). Thứ hai, một nửa đang có lại có hơn một nửa (55%) chưa có trình độ trên đại học. Thứ ba, không thể đào tạo lại cho một triệu giáo viên các cấp. Thứ tư, nói không với thành tích, tiêu cực thì dễ, nhưng làm cực khó. Một ngành đào tạo cao học mới triển khai học có hai tháng mà lệ phí (không kể học phí), mỗi học viên phải đóng góp 3-4 triệu đồng, thì đó thực sự là “tiền học” chứ không phải là cao học. Thứ năm, muốn xoá bỏ việc học theo kiểu nước chảy lá khoai, nhưng định nghĩa thế nào là đọc chép cũng chưa xong, vậy chống theo cách nào? Thứ sáu, làm sao giáo viên tích cực tự học khi lương không đủ sống? Dự kiến tăng lương thuộc về lộ trình 2007-2010. Ai dám đảm bảo giáo viên tự học hết mình? Thứ bảy, nói rằng không có trình độ trên đại học thì không thể dạy cao đẳng, đại học là chuẩn xác. Nhưng, với 33% TS, Th.S dởm thì giải quyết sao đây?...

Những câu hỏi trên không nhiều thì ít đều vọng vào, tác động vào mỗi người, mỗi gia đình chúng ta theo nhiều cách khác nhau.

2.

Nếu chúng ta nhận ra rằng đại học thiếu một nửa giáo viên chuẩn hoá theo quy định quốc tế, có nghĩa là mặc nhiên chúng ta thừa nhận, lâu nay chất lượng cực kỳ thấp. Cũng tương tự như vậy, việc có một triệu giáo viên đi đào tạo lại có nghĩa là chất lượng của một triệu giáo viên ấy có thật lắm vấn đề.

Thực tế còn phản biện rằng, hiện nay 63% SV tốt nghiệp đại học không kiếm được việc làm. Tại sao không thể tuyển thẳng những con người trẻ trung và mới mẻ ấy làm giáo viên thay vì cứ loay hoay chuẩn hóa giáo viên cũ? Nhà nước cần chấp nhận một khoản kinh phí “bù lỗ” vì không thể cho ra khỏi ngành hàng trăm ngàn giáo viên lâu nay đang dạy một lúc. Những người mới tất nhiên là điều kiện cần để thay đổi chất lượng giảng dạy. Chính họ, cái phần “bù lỗ”, khi tồn tại song song với các lớp cũ sẽ  đem đến sự thay đổi. tất nhiên, lớp cũ ít dạy dần đi, sẽ càng có thời gian để tự học nhiều hơn.

Cái nguy hại từ lãng phí và suy thoái của giáo dục là sự tụt dốc của nền văn hoá. Nó không có hình hài cụ thể, không thể đo được tốc độ tan chảy của một khái niệm vừa chung chung, vừa trừu tượng. Chính vì thế, các biện pháp can thiệp và thay đổi, cho đến nay vẫn đang di chuyển với tốc độ… bình thường!

Chỉ cần chúng ta nhắc lại câu nói của Bác Hồ về lợi ích trăm năm, tức khắc chúng ta không thể nào dám chậm trễ nữa. Một ví dụ đơn giản, làm gì có bộ sách giáo khoa nào đủ sức thỏa mãn cho cả 54 dân tộc cùng một lúc, đó là vấn đề ai cũng hiểu thật sự là không đúng, nhưng thay đổi?, chờ cũng đã quá lâu rồi…

  • Hà Văn Thịnh (Đại học Khoa học Huế)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nguồn nhân lực cho Khu kinh tế Nhơn Hội  (08/11/2006)
Trung tâm đang rất khó khăn vì luật sư không dám cộng tác  (08/11/2006)
Kỷ niệm 25 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam  (08/11/2006)
Hỗ trợ vốn cho giáo viên nghèo ở An Lão: Đồng cảm và chia sẻ  (07/11/2006)
Phù Mỹ: Tổ chức Đông Tây hội ngộ hỗ trợ xây dựng 19 phòng học  (07/11/2006)
Phổ cập giáo dục THPT không phải là số lượng  (07/11/2006)
Xây dựng đời sống văn hóa bằng những cách làm hợp lòng dân  (07/11/2006)
Học sinh trường CNKT Quy Nhơn có giá  (06/11/2006)
Cuối quý I/2007 sẽ giải tỏa các công trình xây dựng trái phép dọc tuyến đường Quy Nhơn - Nhơn Hội  (06/11/2006)
Bộ GD-ĐT yêu cầu làm rõ văn bằng tốt nghiệp của 2 chuyên viên HĐND tỉnh  (06/11/2006)
Triển khai cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”  (06/11/2006)
Tiếp tục triển khai công tác phòng chống cơn bão số 7  (03/11/2006)
Nâng cấp Trường Công nhân kỹ thuật lên Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn  (03/11/2006)
UBND TP Quy Nhơn xử lý sai phạm tại Trường Tiểu học Kim Đồng  (03/11/2006)
Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến  (03/11/2006)