Là một diễn đàn mở dựa trên ba nguyên tắc: cùng có lợi, đồng thuận và tự nguyện, APEC đã qua 13 lần hội ngộ, nhưng có lẽ tới lần thứ 14 này, khi được tổ chức tại Việt Nam, APEC đã hội đủ những điều kiện để trở thành một diễn đàn hợp tác kinh tế vào loại tầm cỡ nhất thế giới.
Thu hút vào diễn đàn hợp tác những nền kinh tế thuộc hàng “top” trên thế giới hiện nay, đủ các “đại gia” Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Úc… và trong đó, nước đăng cai lần gặp gỡ lần thứ 14 này-Việt Nam-có thể coi là một “hiện tượng đặc biệt” trong năm 2006.
|
Các nhà lãnh đạo APEC dự kiến sẽ ra tuyên bố kêu gọi sớm nối lại vòng đàm phán về Chương trình Phát phát triển Doha (DDA) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Hội nghị Lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 14. Trong ảnh: Các đại biểu tại phiên họp sáng 12-11.
|
Việt Nam vừa trở thành thành viên thứ 150 của WTO, và chắc chắn sẽ có Qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Mỹ để chấm dứt hơn 30 năm một quan hệ “cơm chưa lành canh chưa ngọt”giữa hai nước vốn là cựu thù trong chiến tranh nhưng sẽ là bạn bè đối tác làm ăn tốt trong hoà bình.
Tháng 11-2006 này quả thật là “tháng Vàng” với Việt Nam ta, khi những tin vui dồn dập đến. Dĩ nhiên, trong mỗi niềm vui lớn đều có những cái lo không nhỏ, nhưng như mỗi con người trong cuộc đời, hãy bắt đầu bằng niềm vui, chiu chắt niềm vui để sẵn sàng đón nhận và vượt qua những thách thức. Với APEC 14, Việt Nam không chỉ chuẩn bị kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ nhất cho sự thành công của mội Hội nghị tầm thế giới, mà cái chính, là thông qua sự chuẩn bị cho hội nghị này để quảng bá hình ảnh thân thiện, hoà bình, năng động, hợp tác và thực sự hội nhập của đất nước mình.
Chưa bao giờ chúng ta có được cơ hội tuyệt vời như thế để “là bạn của cả thế giới”. Một góc phố cổ dành cho quí khách, những món quà lưu niệm tinh tế và đầy tình cảm, những bữa ăn với thực đơn Việt là chủ đạo, những sắc màu văn hoá Việt được thể hiện qua nhiều cung bậc, những nụ cười Việt Nam thân ái và dịu hiền, những cử chỉ chăm sóc mộc mạc chân tình với những khách quí, dù họ là Tổng thống hay người bảo vệ…Tất cả sẽ tạo nên một không khí hội hè đặc biệt bao quanh những cuộc hội đàm, những cuộc tiếp xúc và những hợp đồng kinh tế sẽ được ghi nhớ hay được ký kết.
Tôi nhớ hình ảnh một bác đạp xích lô ở Hà Nội nói rằng mình sẽ thể hiện “hết mình” trong việc đón đưa khách APEC để họ thực sự hài lòng và hiểu tấm lòng mến khách và trung hậu của người dân Việt Nam, của người lao động bình thường ở Việt Nam sẵn sàng sẻ chia với bè bạn năm châu. An toàn, tin cậy, thanh bình sẽ là những gì mà những đoàn khách quí APEC cảm nhận được từ khi bước xuống cầu thang máy bay.
Trong thời điểm này của thế giới, những điều đó trở thành ưu thế vượt trội của Việt Nam khi thu hút bạn bè bốn phương đến làm ăn hay thăm thú ở đất nước này. Người Việt Nam chúng ta dù trong những lúc khó khăn, nhà còn thiếu thốn, vẫn vui vẻ “nhịn miệng đãi khách”. Đặc tính quí khách và thân thiện này không phải ở vùng đất nào trên thế giới cũng được như thế. Hãy coi đó chính là một lợi thế của chúng ta, kể cả trong những công việc làm ăn. Vì thế, một nụ cười cởi mở, một giọng nói dễ thương, một lời mời chân thật đều góp phần cho sự thành công của APEC Việt Nam 2006. Và mỗi người dân bình thường chúng ta đều có quyền và có nghĩa vụ tự coi mình là “chủ nhà” của APEC Việt Nam. Khi mỗi người dân Việt Nam đều là chủ nhà của APEC, thì làm sao Hội nghị tầm cỡ thế giới này không “thành công tốt đẹp” cho được.
|