Sau khi Đình Định điện tử cập nhật phóng sự Chuyện “sáng 6 chiều 1” ở Cát Tường, Bình Định điện tử đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc bày tỏ thái độ trước thực trạng đáng buồn của nền giáo dục tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trên một phương tiện thông tin đại chúng khác trong tỉnh lại có luồng dư luận không đồng tình. Về việc này, chúng tôi cho rằng có sự khác nhau trong cách nhìn vấn đề của người tiếp cận.
Mới đây, chúng tôi cũng đã nhận được ý kiến của hiệu trưởng Trường THCS Cát Tường về một số điều, theo ông, chưa được rõ trong bài báo. Để rộng đường dư luận và cũng giúp cho Trường THCS Cát Tường giải tỏa những băn khoăn, chúng tôi xin được giải thích như sau:
Về chuyện hiệu trưởng Trường THCS Cát Tường không đồng ý với tiêu đề của bài báo là “sáng 6 chiều 1” vì hiện nay, ở trường buổi sáng không dạy lớp 6, còn buổi chiều, trường cũng không có lớp nào dạy chương trình của tiểu học. Thật ra, trong nội dung bài báo, phóng viên cũng đã nêu rất rõ ý kiến của thầy giáo Nguyễn Văn Lưu rằng: “các em học chính khóa vào buổi chiều, còn sáng nay thì được học lại chương trình tiểu học, 3 buổi/tuần, mỗi buổi học 2 tiết Toán, 2 tiết Văn- tiếng Việt”. Còn khi sử dụng tiêu đề “sáng 6 chiều 1” chúng tôi đã đặt trong ngoặc kép và được hiểu như là một thành ngữ mới để chỉ về hiện tượng HS “ngồi nhầm lớp”. Trước đây cũng đã có nhiều bài báo viết về hiện tượng này (ở Bình Sơn, Quảng Ngãi và một số vùng thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long) và đã dùng cụm từ “sáng 6 chiều 1”.
Còn việc ở trường không có hiện tượng “HS yếu kém được giáo viên chủ nhiệm tìm cách vớt các em lên để phổ cập”. Ở đoạn này, phóng viên không nói về Trường THCS Cát Tường mà đã khái quát vấn đề ở tầm rộng hơn sau khi đã làm việc với Phòng Giáo dục huyện Phù Cát và được biết, năm học vừa qua, huyện có 100% số HS lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học được tiếp tục học lên lớp 6 và 99,2% số HS lớp 9 hoàn thành chương trình THCS và được tuyển vào lớp 10 công lập và bán công. Điều này là hoàn toàn trái với quy luật khách quan về năng lực học tập của HS bởi trên thực tế sẽ không thể nào có chuyện tất cả HS đều có đủ khả năng để tiếp tục học lên các bậc học cao hơn. Chính vì ngành giáo dục đã đi ngược với quy luật ấy nên mới có những chuyện cười ra nước mắt như nhiều HS lớp 6, thậm chí lớp 7, lớp 8 mà vẫn không đọc thông, viết thạo như các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh trong thời gian qua.
Một lần nữa, chúng tôi xin khẳng định: Chuyện “sáng 6 chiều 1” ở Cát Tường là một thực tế và thực tế đó không chỉ có riêng ở Cát Tường mà còn xảy ra ở nhiều nơi khác nữa. Mong rằng, sẽ có thêm nhiều nhà quản lý giáo dục tiếp tục nhìn thẳng vào sự thật, quyết tâm nói không với “bệnh thành tích” góp phần làm chuyển biến chất lượng giáo dục.
|