Trải dài theo dọc biển, từ TP Quy Nhơn đến các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn là các xã bãi ngang, hải đảo. Nhìn chung đời sống người dân vùng bãi ngang còn nhiều khó khăn, trong đó có chuyện học.
Kỳ I: Gian nan đường đến trường
Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ thực trạng học sinh (HS) bỏ học, nghỉ học ở các xã bãi ngang, nhưng theo khảo sát của chúng tôi, số HS bỏ học ở đây luôn cao hơn so với các vùng khác. HS bỏ học ở bậc THCS đã nhiều và không tiếp tục học lên bậc THPT cũng lắm!
|
Tuy đã có đường nhưng HS Cát Hải đi học về vẫn phải dắt xe đạp đi bộ khi qua đèo, dốc. Ảnh: P.H
|
* Chơi vơi chuyện học
Chúng tôi đến thôn Huỳnh Giản, xã Phước Hòa, Tuy Phước vào một ngày không mưa nhưng những con đường đê vẫn trầy trượt khó đi bởi dấu tích của những cơn mưa ngày hôm trước. Ở vùng ốc đảo này, nắng đã khổ mà mưa, lụt thì càng khổ hơn bởi toàn thôn gần như bị cô lập trong biển nước. Ghé lại nhà chị Ngô Thị Hạnh (42 tuổi) ở xóm Huỳnh Bắc, hỏi về chuyện học của trẻ em trong xóm, chị kể: “Tôi có 3 con đang đi học, đứa đầu học Trường THPT số 2 Tuy Phước, đứa thứ 2 học lớp 9, con trai út học lớp 7... Cũng cố cho tụi nó theo đuổi cái chữ, nhưng cực lắm cô ơi!”. Gia đình chị Hạnh thuộc diện hộ nghèo, một mình chị phải nuôi 3 con ăn học nên rất cơ cực. Chị tính: mới lo được tiền học cho con chị 155.000 đồng thì thằng em lại tiếp tục đòi 55.000 đồng học phí... Nhà có 3 sào ruộng gần nước mặn không làm được, tui phải bán bánh canh, bánh bèo rồi đi làm lúa, nhổ cỏ mướn cho người ta, vẫn không đủ ăn... Ở đây, nhiều nhà cũng cực nên cho con bỏ học nhiều lắm, 9- 10 đứa đi học thì bỏ học hết 3- 4 đứa. Còn Nguyễn Thị Thanh Giao, một cô bé trong xóm hiện đang học trường THPT số 2 Tuy Phước cho biết: “Từ Huỳnh Giản muốn đến trường, con phải đi học từ 11 giờ, đi bộ qua thôn Huỳnh Tây để đi đò qua xã, rồi tiếp tục đạp xe đến trường. Hôm qua, thứ hai có tiết chào cờ về muộn, trễ đò, con phải thuê ghe qua, về được nhà thì trời đã tối mịt...”. Chuyện đi học của HS vùng bãi ngang gian nan quá đỗi nên chỉ có những em nào đủ nghị lực, sự quyết tâm mới đeo đuổi được đến cùng cái đích của sự học. Trường THCS Phước Sơn năm học vừa qua đã có đến gần 200 HS bỏ học. Còn theo báo cáo của Trường THCS Phước Thuận thì số HS bỏ học cũng lên đến 63 em. Ở bậc THCS đã vậy, số HS không tiếp tục học lên cấp 3 ở các xã bãi ngang cũng khá nhiều.
* Tia hy vọng đã lóe lên
Chúng tôi tiếp tục đến xã Cát Hải trong chuỗi hành trình tìm hiểu về sự học ở các xã bãi ngang. Thời tiết mấy ngày qua không thuận lợi bởi mưa vẫn cứ sụt sùi, dai dẳng. Ngồi trong phòng làm việc của hiệu trưởng Trường THCS Cát Hải mà vẫn bị mưa phả vào mặt ướt đẫm bởi những cơn gió luôn hào phóng của xứ sở thừa cát, thiếu nước này.
Ông Trần Hữu Hạnh, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh:
Vừa rồi, HĐND tỉnh cũng đã đi khảo sát ở các xã bãi ngang của huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn. Ở những xã này, số HS bỏ học ở cấp 2 đã tương đối rồi nhưng vào học cấp 3 cũng rất hạn chế. Ở xã Nhơn Hải, Nhơn Châu, HS muốn học cấp 3 phải vào nội thành Quy Nhơn học, chi phí tiền trọ, tiền ăn, ở mỗi tháng mất khoảng 1 triệu đồng. Khoản chi phí này luôn mất cân đối với thu nhập của hầu hết gia đình ở đây vốn còn thấp và rất bấp bênh. Ở xã Phước Thuận, theo phản ánh của nhân dân, đa số HS bỏ học vì gia đình khó khăn, đầu tư cho việc học đã khó nhưng học xong cũng chẳng biết làm gì. Tấm gương “thất nghiệp” của lớp anh chị đã tác động rất lớn đến chuyện bỏ học, nghỉ học của HS các lớp đàn em. Trong khi, bỏ học ở nhà đi bắt ốc, bắt cua, làm gia công hạt điều... có thể kiếm được vài chục ngàn đồng/ ngày... giải quyết được cuộc sống trước mắt. Các xã bãi ngang hầu như đều có thực trạng như vậy. |
Năm học vừa qua, Trường THCS Cát Hải chỉ có 4 HS bỏ học (0,8%), thấp nhất huyện Phù Cát. Trong số 103 HS tốt nghiệp lớp 9, có 77 HS tiếp tục thi vào lớp 10. Trong đó, 29 HS đậu vào các trường công lập, 37 em tiếp tục vào học trường bán công. Đây quả là một sự thay đổi nhìn thấy được đối với vùng đất đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí thấp này. Ông Võ Kế Chiến, Hiệu trưởng Trường THCS Cát Hải reo vui: “So với trước đây, sự học ở Cát Hải đã tiến một bước rất dài. Tất cả cũng nhờ Dự án Khu kinh tế Nhơn Hội cả đấy. Bây giờ thì không phụ huynh nào muốn con mình bỏ học, nghỉ học cả. 22 HS không thi vào lớp 10 năm rồi cũng đã tham gia vào lớp trung cấp đóng tàu do Vinashin đào tạo để được đầu quân làm công nhân của khu kinh tế”.
Mới có mấy năm mà người dân Cát Hải đã được đón nhận đến 2 cơ hội rất lớn để đổi đời. Đó là khi con đường ven biển được mở ra đã nối liền vùng đất “ba đèo, bốn động” này với TP Quy Nhơn và các địa phương khác. Việc đi lại thông thương, nhân dân làm ăn, mua bán đã thuận lợi hơn rất nhiều so với trước. Đời sống của dân cũng theo đó mà thay đổi. Việc học cũng nhờ thế mà sáng sủa hơn.
Lúc sáng làm việc tại UBND xã Cát Hải, tôi chợt nhận thấy lớp cán bộ xã ở cái vùng vừa vượt ra khỏi chương trình 135 này còn rất trẻ, hầu hết chưa đến tuổi 30. Để không bị chậm chân trước cơ hội, họ đang chủ động nâng cao trình độ học vấn, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ... để bắt kịp yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Hiện nay, xã đã có 60% số cán bộ xã đạt chuẩn về chuyên môn. Họ là những người trẻ nhanh nhẹn và có kiến thức, hứa hẹn sẽ làm nên “cơm gạo” ở vùng đất tương lai sẽ được đầu tư thành những khu du lịch nổi tiếng trong quần thể Khu kinh tế Nhơn Hội.
(còn nữa)
|