Ngày 15-11, ông Nguyễn Xuân Dương, Bí thư Tỉnh ủy đã có chuyến thị sát tại thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn. Đây là nơi mà thời gian qua, báo chí đã đề cập nhiều đến tình trạng nguồn nước bị nhiễm Fluor với nồng độ cao dẫn đến bệnh hư răng và một số bệnh về xương, khớp của nhiều người dân.
|
Ông Nguyễn Xuân Dương, Bí thư Tỉnh ủy, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp ở thôn Hòa Hiệp. Ảnh: Q.K
|
Theo khảo sát của ngành y tế, tình trạng nguồn nước bị nhiễm Fluor nồng độ cao không chỉ xảy ra ở Bình Định mà còn có ở một số vùng thuộc các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên. Riêng ở Bình Định, từ những năm trước tỉnh cũng đã phát hiện tình trạng nguồn nước bị nhiễm Flour nồng độ cao ở các xã Tây Giang, Bình Tường (huyện Tây Sơn), Nhơn Tân (huyện An Nhơn). Theo kết quả xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thì các mẫu nước lấy ở giếng tại một số thôn ở các xã này đều có nồng độ flour khá cao, nơi cao nhất lên đến 6,6mg/l (nồng độ cho phép của flour trong nước uống là dưới 1,5mg/l). Chính sự đậm đặc của nồng độ Flour trong nước uống là thủ phạm gây nên bệnh đen răng, hư răng và một số bệnh về xương khớp như: đặc xương, gai cột sống, thoái hoá cột sống, cứng khớp…
* “Điểm nóng” Hòa Hiệp
Do khó khăn về địa hình, địa chất, thiếu nước sản xuất cộng với sự xâm nhập chậm chạp của khoa học kỹ thuật… khiến người dân ở Hòa Hiệp phải sống trong nghèo khổ. Thôn có 682 hộ dân thì đã có đến 229 hộ nghèo (theo tiêu chí mới), chiếm tỉ lệ hơn 30%, là một tỉ lệ khá cao so với mặt bằng chung của tỉnh. Thôn có 4 xóm với khoảng 170 ha diện tích trồng lúa song chỉ có xóm 3 và 4 là được hưởng nước từ đập dâng Thác Đổ, còn xóm 1 và xóm 2 (2 xóm có tỉ lệ bệnh về răng miệng và xương khớp cao) thì sản xuất phụ thuộc vào nước trời, nhiều nhà phải mua gạo ăn…
Có mặt ở Hòa Hiệp, chúng tôi đã đến thăm một số gia đình đang mắc các bệnh về xương khớp ở xóm 1 và xóm 2 và nhận thấy hầu hết họ đều nằm trong số hộ nghèo. Kết quả kiểm tra 27 hộ dân có người mắc bệnh về răng, miệng và 34 người có biểu hiện bệnh về xương khớp của Trung tâm Y tế Tây Sơn tại 2 xóm này cho thấy, họ đều dùng nước giếng khơi có nồng độ fluor cao trong ăn uống và sinh hoạt. Biểu hiện của bệnh răng miệng là răng vàng ố hoặc có chấm đen, thậm chí rạn vỡ; còn biểu hiện của bệnh xương khớp thì rất phong phú trong đó thuộc nhóm thoái hóa khớp có 27 ca, viêm cột sống dính khớp 2 ca và 5 ca bệnh về suy kiệt tuổi già. Phân tích 34 ca bệnh về xương khớp cho thấy thời gian mắc rải rác từ năm 1986 đến nay. Các năm 2000 và 2005 có số ca mắc nhiều nhất (5 ca); các năm 1998 và 2003 đều có 4 ca. Phân tích theo nhóm tuổi thì thấy đông nhất vẫn ở nhóm trên 60 tuổi: 12 ca; nhóm 40-49 có 10 ca; nhóm 50-59 có 9 ca; nhóm 30-39 có 3 ca và dưới 20 tuổi có 1 ca.
Thời gian qua, một số tờ báo còn nêu thêm về “những bệnh lạ” ở thôn Hòa Hiệp trong đó có ý nghi ngờ việc nguồn nước nhiễm fluor có thể là nguyên nhân của ung thư và một số “bệnh lạ” song thực tế qua kiểm tra của ngành y tế thì các trường hợp được nêu lên báo đều có bệnh và tiền sử bệnh tật rõ ràng; các trường hợp tử vong đều không có liên quan tới nhóm bệnh về xương khớp. Bác sĩ Nguyễn Văn Cang, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: “Hiện tại chưa phát hiện có sự đột biến nào về bệnh tật ở thôn Hòa Hiệp bởi các trường hợp đã phát hiện đều là những người bị bệnh xương khớp mãn tính, tập trung ở lứa tuổi trên 40.”
Tuy nhiên hầu hết các trường hợp mà ngành y tế cho chụp phim kiểm tra ở Hòa Hiệp đều thấy có hiện tượng đặc xương - một trong những dạng bệnh có liên quan đến nồng độ fluor trong nguồn nước sinh hoạt.
* Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Dương, Bí thư Tỉnh ủy tại buổi làm việc ở thôn Hòa Hiệp sau khi nghe phản ảnh tình hình phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân trong thôn của lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương; nghe phản ảnh tình hình bệnh tật liên quan đến nguồn nước sinh hoạt của ngành y tế từ cấp thôn đến cấp tỉnh. Các giải pháp đều nhắm đến việc khắc phục hậu quả trước mắt và lâu dài do nguồn nước nhiễm fluor nồng độ cao.
Thực tế từ những năm 2001-2002, lãnh đạo tỉnh cũng đã nắm được tình hình nguồn nước giếng khơi ở Hòa Hiệp nói riêng và một số thôn của xã Bình Tường bị nhiễm fluor nồng độ cao và đã chỉ đạo lập dự án nước sinh hoạt cho dân bằng việc đắp đập dâng Thác Đổ. Song dự án đã triển khai không đầy đủ, không đúng tinh thần chỉ đạo, chỉ lấy nước ở vùng thấp dẫn đến hiệu quả cấp nước sinh hoạt không cao. Hiện tại ở thôn Hòa Hiệp chỉ mới có 60 hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt từ nguồn đập dâng Thác Đổ. Trước tình hình bệnh hư răng lan rộng, nhằm tăng cường nguồn nước sạch cho dân, Ngân hàng Chính sách xã hội đã có dự án cho dân Hòa Hiệp vay mỗi hộ 3 triệu đồng với lãi suất 0,65% để bắc nước từ nguồn này. Hiện đã có 75 hộ đăng ký. Tuy nhiên, với cơ chế mà Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Tây Sơn đưa ra là mỗi hộ phải đóng 4,5% tiền “thiết kế phí” và nếu kéo nước dưới 10m ống phải nộp 70.000 đồng nhiều người đã không còn muốn bắc nước. Tại cuộc làm việc ở thôn Hòa Hiệp, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo huyện Tây Sơn cần xem xét lại cơ chế này, cụ thể là xóa bỏ hoặc UBND huyện hỗ trợ khoản 4,5% tiền “thiết kế phí”.
Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT lập dự án mới về cung cấp nước sinh hoạt từ nguồn Thác Đổ, dự án đang ở giai đoạn hoàn thành và sẽ được triển khai vào đầu năm 2007. Theo dự án, nguồn nước này sẽ dùng để cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân vùng bị nhiễm fluor nồng độ cao. Bên cạnh đó, từ nguồn viện trợ của UNICEF, ngành y tế cũng đã xin được 120 thiết bị xử lý flour quy mô hộ gia đình (FLOWAT) và sẽ cấp cho nhân dân thôn Hòa Hiệp trong nay mai…
Làm mọi thứ để nhanh chóng có nguồn nước sạch cho người dân thôn Hòa Hiệp sử dụng là giải pháp để tránh các bệnh về răng miệng cũng như xương khớp cho các thế hệ sau. Còn hiện tại, ngành y tế cũng đã có kế hoạch để tổ chức khám sức khỏe cho toàn dân ở thôn Hòa Hiệp. Những người đã mắc bệnh do nguồn nước sẽ được hướng dẫn để chữa và phòng, không để bệnh nặng thêm.
Song song với những giải pháp này, ngành y tế và chính quyền địa phương cũng sẽ tích cực vận động nhân dân thường xuyên vệ sinh môi trường. Và căn cơ nhất vẫn là các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa dần hộ nghèo, cải thiện đời sống nhân dân; bởi đói nghèo luôn là bạn đồng hành với bệnh tật.
|