Đến xã Cát Hải, huyện Phù Cát, chúng tôi khá bất ngờ khi tiếp xúc với những nhà giáo ở vùng khó khăn này. Giáo viên trẻ, nhưng hiệu trưởng thì vẫn chưa… vui và luôn tìm cách làm cho họ “già” thêm với ngôi trường của mình.
|
Thầy Tiến - cô Hạnh và cậu con trai 2 tuổi trong ngôi nhà của mình. Ảnh: P-H
|
* Giáo viên không chịu... “già”
Ông Võ Kế Chiến, Hiệu trưởng Trường THCS Cát Hải nói vừa như muốn khoe, vừa như muốn than: “Ngoài hiệu trưởng, hiệu phó và anh tổng phụ trách đội, trường tôi không có giáo viên nào ra trường trước năm 2000 cả!”. 24 - 25 tuổi đời, 3-4 năm tuổi nghề- giáo viên trẻ, được đào tạo chính quy, chuyên môn hầu hết là khá, giỏi lại nhiệt tình, năng nổ trong công việc là mơ ước của rất nhiều trường, đặc biệt là những trường ở thành phố và những vùng thuận lợi. Vậy mà sao ông Chiến lại buồn, nghe đâu ông đã mấy lần xin từ chức hiệu trưởng chỉ vì chuyện đó? Thấy chúng tôi băn khoăn, ông cắt nghĩa: Từ trước đến nay, trường tôi chưa năm nào có sự ổn định về đội ngũ. Giáo viên trẻ, năng nổ, nhiệt tình nên các phong trào thi đua ở trường đều mạnh nhưng trường chẳng bao giờ đạt danh hiệu trường tiên tiến cả vì không đạt được tiêu chí có giáo viên giỏi, học sinh giỏi. Bởi hầu hết giáo viên đến đây, khi đã “đủ lông, đủ cánh” thì lại xin chuyển trường…
Cát Hải là xã khó khăn của huyện Phù Cát. Trước đây, để đến được Cát Hải phải vượt qua “3 đèo, 4 động” với phương tiện chính chỉ là đôi chân. Vì thế, đời sống của nhân dân Cát Hải gặp muôn vàn khó khăn, trong đó có cả chuyện học hành của con trẻ. Ông Chiến kể lại chuyện của ngày trước: Từ khi tôi làm hiệu trưởng đến giờ, không có giáo viên nào về Cát Hải mà không… khóc cả. Đối với địa phương này, có đủ giáo viên đã khó nhưng giữ chân được giáo viên còn khó hơn. Những năm 1994-1995, Trường THCS Cát Hải không có giáo viên nào là người địa phương và tất cả giáo viên đều là của “độc”, (mỗi môn chỉ có một người và toàn là giáo viên nam)... Thế nên mới có chuyện có giáo viên xin nghỉ 1 ngày về thăm gia đình nhưng khi về nhà lại “nhắn” xuống trường nghỉ đến 4 ngày, hiệu trưởng đành “chịu đắng” vì không thể tìm được giáo viên khác dạy thay, cũng không thể kỷ luật vì giáo viên này mà bị kỷ luật thì lấy ai để dạy thay(!)
* “Đất lành chim đậu”
Khi có con đường ven biển 639 nối liền Cát Hải với TP Quy Nhơn và các địa phương khác, các thầy cô giáo “đầu quân” về với Cát Hải ngày một nhiều hơn và nhiều người đã chọn Cát Hải làm quê hương thứ hai. Thầy hiệu phó Phạm Tấn Thành và cô Nguyễn Thị Hiếu vừa cất được một ngôi nhà khang trang gần bên đường 639, chấm dứt cảnh ở nhà tập thể ọp ẹp, xuống cấp gần 10 năm qua. Thầy Thành và cô Hiếu đều là người ở xã Cát Minh đến Cát Hải dạy học từ năm 1994. Năm 2005, thầy cô được xã cấp đất và họ mới xây dựng ngôi nhà này làm chỗ an cư để yên tâm với nghề dạy học. Dọc theo con đường 639 còn có nhiều căn nhà mới xây nữa cũng là của những đôi vợ chồng giáo viên trẻ ở Cát Hải. Chúng tôi ghé thăm vợ chồng thầy giáo Nguyễn Thanh Tiến, giáo viên tiểu học, quê ở Cát Hải. Thầy Tiến mới lập gia đình với cô giáo Đỗ Thị Hạnh- giáo viên văn của trường THCS- quê ở xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn), mới đến Cát Hải dạy học năm 2003. Họ cưới nhau năm 2004 và cuối năm 2004 thì “ra riêng”. Trong ngôi nhà xinh xắn và bên đứa con trai gần 2 tuổi bụ bẫm dễ thương, nét mặt cô giáo Hạnh tràn trề hạnh phúc. Cô cho biết: “Lúc đầu, tôi cũng chỉ tính đi Cát Hải một vài năm rồi về nhưng rồi “đất lành chim đậu”...”
Vâng, Cát Hải hôm nay đã là mảnh đất lành cho chim đậu. Chỉ tính riêng ở trường THCS Cát Hải, bây giờ đã có đến 11 giáo viên ở xa đến dạy học, lập gia đình và an cư luôn tại đây, trong đó có 3 cặp là giáo viên cùng trường. Nào là cặp cô Phạm Thị Út ở Nhơn Mỹ, An Nhơn giáo viên dạy nhạc, về trường năm 2002, đã lập gia đình với anh Đặng Văn Hà, hiện là Chủ tịch UBND xã Cát Hải; cô Bùi Thị Hồng Thủy, ở Cát Nhơn, giáo viên môn Anh văn và anh Nguyễn Thanh Thạnh, giáo viên tiểu học cũng đã nên vợ nên chồng… Một số giáo viên ở lại lập nghiệp được xã cấp đất, tạo điều kiện để làm nhà và tự nguyện gắn bó lâu dài với sự nghiệp giáo dục ở Cát Hải. Bài toán khó về giáo viên bản địa nhờ thế mà cũng đã được tháo gỡ dần ra. Ông Võ Kế Chiến còn có tài làm “ông tơ, bà nguyệt” nở nụ cười mãn nguyện: “Chỉ khi nào, Cát Hải ổn định được đội ngũ giáo viên thì mới phát triển một cách vững chắc được. Cũng nhờ cách mai mối, ghép đôi này mà trường tôi đã có 78% giáo viên là người bản địa rồi đó!”.
|