Để phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo và tỉ lệ thất nghiệp trên địa bàn tỉnh xuống mức thấp, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm của tỉnh giai đoạn 2006-2010. Phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Thi, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh xung quanh vấn đề này.
|
Thời gian đến công tác đào tạo nghề để giải quyết việc làm sẽ được chú trọng hơn. Trong ảnh: Học viên Trường Công nhân kỹ thuật Quy Nhơn đang thực hành môn hàn nguội. Ảnh: NP
|
* Thời gian qua chúng ta đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động để giúp đỡ người nghèo thoát nghèo và tạo việc làm cho nhiều người dân. Xin ông cho biết những kết quả đạt được?
- Trong 5 năm qua (2001-2005), cùng với sự tăng trưởng kinh tế, nhiều chính sách xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm được triển khai đã cải thiện đáng kể tình trạng nghèo đói ở tất cả các vùng trong tỉnh. Đã giải quyết cho 64.689 lượt hộ nghèo vay vốn, với tổng số tiền vay là 289,755 tỉ đồng; giải quyết cho hơn 64.000 lượt hội, đoàn viên vay vốn với tổng số tiền 195 tỉ đồng. Hỗ trợ sản xuất phát triển ngành nghề truyền thống như: thủ công mỹ nghệ, mộc dân dụng, nuôi cá hồ, làm muối, chế biến nông sản… Tổ chức dạy nghề cho 356 người là con em hộ nghèo, mua và cấp 596.117 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, hỗ trợ 11.174 hộ nghèo xây dựng lại nhà ở. Hàng năm có trên 120.000 học sinh con hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số và hộ chính sách được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường, hơn 20.000 học sinh được hỗ trợ vở viết và sách giáo khoa. Tổ chức đào tạo và bồi dưỡng nghề cho 83.000 người.
Lập thủ tục giải quyết cho vay 1.034 dự án với tổng số tiền cho vay 71,95 tỉ đồng, ổn định việc làm và tạo việc làm mới cho 21.708 lao động, tư vấn nghề cho hơn 10.000 lượt người, giới thiệu việc làm cho gần 2.000 lượt người, trong đó có khoảng 500 lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Đã lập thủ tục cho 2.663 lao động đi làm việc có thời hạn ở các nước Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Nhờ đó, đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 14,29% năm 2001 xuống còn 4,68% cuối năm 2005. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm từ 6,26% xuống còn 5,1%; thời gian làm việc ở nông thôn được nâng từ 72% lên 76%…
* Theo kết quả điều tra cuối năm 2005, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh có 65.410 hộ, chiếm 19,66% so với hộ dân cư (theo tiêu chí mới); trong đó khu vực thành thị 6.152 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 7,62%, khu vực nông thôn 59.258 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 92,38%. Lao động ở khu vực thành thị tỉ lệ thất nghiệp chiếm 5,1%, lao động có việc làm ở nông thôn chiếm 76%. Như vậy tỉ lệ hộ nghèo và tình trạng thất nghiệp ở tỉnh Bình Định vẫn còn ở mức cao phải không thưa ông?
- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng thực tế tỉ lệ hộ nghèo và tỉ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức cao. Hộ nghèo rơi vào đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ khá cao (86,05%). Hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở, chăm sóc sức khỏe khi ốm đau, giáo dục, sinh hoạt hoặc hưởng thụ văn hóa, đi lại và giao tiếp xã hội chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với hộ nghèo có nhu cầu về lương thực. Ở một số huyện miền núi, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn tình trạng thiếu ăn hàng năm từ 1 đến 2 tháng giáp hạt, ốm đau không đến bệnh viện mà chủ yếu chỉ đến trạm y tế xã hoặc ở nhà tự mua thuốc điều trị, thậm chí còn nhờ thầy cúng để trị bệnh. Tình trạng học sinh bỏ học cao, phần lớn là con em hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu vùng xa.
Nguyên nhân của tình trạng tỉ lệ hộ nghèo còn cao là do: thiếu vốn sản xuất, thiếu kiến thức làm ăn, thiếu đất và không có đất sản xuất, người lao động ngại đi làm ăn xa, thiếu chủ động trong việc tìm việc làm, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nhà nước…
Theo thống kê cuối năm 2005, dân số toàn tỉnh 1,562 triệu người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động là 920.400 người, chiếm tỉ lệ 59% dân số. Dự báo trong 5 năm tới (2006-2010) hàng năm có 33.000 đến 35.000 người bước vào độ tuổi lao động, có khoảng 20.000 lao động thất nghiệp từ những năm trước chuyển sang, hàng ngàn quân nhân xuất ngũ và lao động dôi dư do cổ phần hóa hoặc sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, chưa có việc làm.
* Đến năm 2010, chúng ta phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 10% (theo tiêu chí hiện nay) và giảm tỉ lệ thất nghiệp thành thị xuống còn 4%, nâng tỉ lệ sử dụng thời gian lao động khu vực nông thôn lên 80%, nâng tỉ lệ lao động (cả khu vực nhà nước, doanh nghiệp tư nhân) qua đào tạo và bồi dưỡng nghề lên 50%. Để đạt được mục tiêu đặt ra, trong thời gian đến chúng ta phải làm gì?
- Để giảm tỉ lệ hộ nghèo và tỉ lệ thất nghiệp trên địa bàn tỉnh xuống thấp, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm giai đoạn 2006-2010, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình, trên cơ sở đó Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã triển khai thực hiện đồng thời hướng dẫn các địa phương thực hiện kế hoạch.
Theo chương trình, thời gian đến sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế, tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về y tế, giáo dục, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt… Đồng thời triển khai các dự án khuyến công, khuyến nông, hỗ trợ sản xuất, phát triển làng nghề; dạy nghề cho người nghèo; phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng dân tộc và vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; nhân rộng mô hình xóa đói giảm nghèo; cho vay vốn giải quyết việc làm, tăng cường xuất khẩu lao động… Tổng số vốn để thực hiện chương trình hơn 1.167 tỉ đồng.
Đến năm 2010 thu nhập bình quân của hộ thoát nghèo ở nông thôn trên 2,4 triệu đồng/người/năm, ở thành thị trên 3,210 triệu đồng/người/năm; không để tái nghèo. 80% lao động thất nghiệp và lao động nghèo trong độ tuổi được đào tạo, bồi dưỡng nghề; giải quyết việc làm cho 120.000 đến 125.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động từ 5.000 đến 5.500 người…
|