Tai nạn giao thông (TNGT) ở nước ta hiện nay là một thảm họa, và không thể nào chấp nhận được. Mỗi sáng thức dậy, đọc báo, xem truyền hình là thấy tin có người chết vì TNGT. Từ ngày Truyền hình Việt Nam mở chuyên mục An toàn giao thông chưa ngày nào đất nước có tin vui rằng ngày hôm trước nước ta không có ai chết vì TNGT. Ngược lại thống kê bình quân cho thấy mỗi ngày có 35 người ở Việt Nam bị thiệt mạnh do TNGT, gần 1.100 người/tháng, 12.000 người/năm và cũng ngần ấy số người bị tàn phế suốt đời, trở thành gánh nặng cho cả gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, con số thực tế chắc chắn sẽ còn cao hơn nhiều, vì các con số thống kê loan báo chỉ ghi nhận số người chết ngay sau khi TNGT xảy ra mà không bao gồm những người qua đời sau một thời gian được điều trị tại bệnh viện… Đó thật sự là một hiẹn tượng xã hội hết sức kinh hoàng. Không thảm họa nào, không cuộc chiến tranh nào trên thế giới hiện nay có số thương vong như TNGT ở nước ta!
|
Mọi người dân hãy tôn trọng luật Giao thông. Ảnh: UB ATGT quốc gia
|
* TNGT tăng do hệ thống quản lý nhà nước về giao thông vận tải kém
Ngày 24-11-2006, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Theo Bộ trưởng, năm 2006 TNGT tiếp tục gia tăng cả về số vụ, lẫn số người chết. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thảm họa này. Nhưng theo Bộ trưởng, có 4 nguyên nhân chính: 1. Hạ tầng giao thông yếu kém, 2. Phương tiện giao thông tăng quá nhanh, đặc biệt là xe mô tô (đến nay có: 18,6 triệu xe mô tô, 900.000 ô tô các loại), 3. Ý thức người tham gia giao thông kém. 4. Hệ thống quản lý nhà nước về giao thông vận tải có nhiều tiêu cực và yếu kém.
Bộ trưởng thừa nhận, trong 4 nguyên nhân chính trên, thì nguyên nhân cốt lõi là Hệ thống quản lý nhà nước về giao thông vận tải có nhiều tiêu cực và yếu kém. Thế nhưng, để tìm những giải pháp hữu hiệu về an toàn giao thông thì Bộ trưởng lại loay hoay, lúng túng.
Dõi theo truyền hình trực tiếp, dù rất thông cảm với công việc vô cùng khó khăn phức tạp này, cử tri và nhân dân vẫn rất bức xúc. Đã là lãnh đạo thì phải đưa ra giải pháp thật cụ thể, chi li và phải biết chỉ đạo, quản lý việc thực hiện các giải pháp đã đề ra sao cho có hiệu quả tối ưu nhất chứ chỉ đưa ra nguyên nhân thôi thì có bất cứ cử tri nào thường xuyên nghe đài, đọc báo, xem ti vi cũng có thể làm được.
* Những tồn tại, yếu kém hiện nay của hệ thống quản lý nhà nước về giao thông vận tải
Quốc hội nước ta đã ban hành đầy đủ các hệ thống luật lệ về giao thông vận tải: giao thông đường bộ, đường thủy, luật Hàng hải, luật Hàng không. Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp hạn chế TNGT. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải hiện nay rất yếu kém nên tình hình TNGT ngày càng nghiêm trọng hơn, số thương vong năm sau cao hơn năm trước. Trong quản lý nhà nước về an toàn giao thông, trong tuần tra kiểm soát của thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, trong hoạt động cấp các loại giấy phép đường bộ đều có những tiêu cực (dư luận xã hội và báo chí đã nêu rất nhiều). Thêm vào đó là việc triển khai các “phong trào an toàn giao thông” chỉ mang tính hình thức, không mang lại hiệu quả. Mỗi khi đến “Tháng an toàn giao thông” thì hô hào, thực hiện rất tốn kém, nhưng kết quả là “Tháng an toàn giao thông” có số người chết và bị thương vì TNGT cao hơn “Tháng không an toàn giao thông”.
* Giải pháp
Những giải pháp đã được đặt ra, và đang thực hiện cho những nguyên nhân chính gây TNGT nêu trên là:
Giải pháp cho nguyên nhân: Hạ tầng giao thông yếu kém. Đó là phải có quy hoạch, xây dựng mạng lưới giao thông từ nông thôn đến thành thị hiện đại, phát triển hạ tầng giao thông tương xứng với tốc độ phát triển phương tiện giao thông. Theo Bộ trưởng, thời gian qua ta đã nâng cấp làm mới 1.200km đường nhưng với sự phát triển quá nhanh của các phương tiện giao thông thì kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa thể đáp ứng.
Giải pháp cho nguyên nhân: Phương tiện giao thông tăng quá nhanh. Đó là nhất thiết phải phát triển mạnh giao thông công cộng (hiện đang thực hiện: xe buýt công cộng đang phát huy hiệu quả), đồng thời hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân (hiện chưa có giải pháp kiểm soát được).
Giải pháp cho nguyên nhân: Ý thức người tham gia giao thông kém. Đó là các cơ quan chức năng cần tăng cường, nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tôn trọng luật Giao thông của người tham gia giao thông (hiện nay đang làm).
* Trách nhiệm chỉ đạo, quản lý của Bộ GTVT
Trên đây là thừa nhận của Bộ trưởng và những ý kiến, kiến nghị của đại biểu quốc hội, của cử tri và nhân dân đến kỳ họp. Những nguyên nhân và giải pháp trên là rất đúng đắn. Nhưng cũng không có gì mới mẻ, từ kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XI (năm 2002) những vấn đề trên đã được đưa ra. Đã 5 năm trôi qua, và nước ta lại mất thêm (5 x 12.000) sinh mạng, (5 x 12.000) người tàn phế suốt đời, (5 x 885) triệu USD vì TNGT.
Đến kỳ họp lần này, những nguyên nhân, giải pháp đó lại được lặp lại ở diễn đàn Quốc hội. Nên nhớ rằng rằng khi tính toán các thiệt hại do thiên tai, nhân họa, chiến tranh, dịch bệnh gây ra, ở đâu trên trái đất này cũng nói đến thiệt hại về người là đầu tiên. Nghĩ tới từng đó đồng bào ta thiệt mạng cá nhân tôi (và có lẽ vô số người khác nữa) thật là xót xa, đau đớn!
Trách nhiệm thuộc về ai? Bộ GTVT mà đứng đầu là Bộ trưởng - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phải chịu trách nhiệm chính trước Quốc hội, Chính phủ và nhân dân vì trách nhiệm chỉ đạo, quản lý, điều hành hệ thống quản lý nhà nước về an toàn giao thông hoạt động kém hiệu quả. Bộ GTVT chỉ chỉ đạo, quản lý thực hiện những giải pháp ngắn hạn, tình thế nên không thể giải quyết được cái gốc của TNGT dẫn đến thực trạng giao thông ngày một tồi tệ. Bộ GTVT chưa xây dựng được một chiến lược toàn diện để đảm bảo an toàn giao thông một cách bền vững, cũng như chưa có những lộ trình cụ thể, chỉ đạo, quản lý, thực hiện các giải pháp đã được đặt ra từ rất lâu.
Chẳng lẻ, Bộ GTVT đành bó tay, trông chờ vào nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương hay sao? Đến bao giờ những bức xúc lớn này của cử tri và nhân dân mới được giải quyết? Những câu hỏi này xin được gởi đến Bộ trưởng.
|