Chuyện học ở bãi ngang
Kỳ II: Dạy và học
10:24', 28/11/ 2006 (GMT+7)

Được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và ngành giáo dục, một số cơ sở trường học ở các xã bãi ngang đã được xây dựng khang trang hơn. Tuy nhiên phòng học thì vẫn thiếu, khó khăn trong dạy và học vẫn còn nhiều…

 

Điểm trường tiểu học thôn Diêm Vân (Phước Thuận) đang xuống cấp vì thường xuyên bị ngập nước vào mùa lũ. Ảnh: H.P

 

* Cháu chưa có lớp!

Xã Phước Thuận có 17 lớp mẫu giáo nhưng chỉ có 13 phòng học, hầu hết đều đã xuống cấp. Chúng tôi xuống đến thôn Diêm Vân trời đã quá trưa. Một nhóm HS mẫu giáo, cháu thì đeo cặp, cháu cầm trên tay một cuốn vở nhàu nát đang nô đùa trước thềm một ngôi nhà trông có vẻ hoang phế. Căn phòng khóa trái, cô giáo chưa đến… Tìm đến nhà ông Dương Văn Thừa, công an viên của thôn, ông Thừa cho biết: “HS mẫu giáo trước đây phải học tại trụ sở hợp tác xã nhưng trụ sở bây giờ đã xuống cấp lắm rồi, không dám cho các cháu học, nhất là sắp đến mùa mưa lũ nên xã phải thuê một căn nhà của tư nhân làm phòng học cho các cháu với giá thuê 250.000 đồng/ tháng”.

Xuống thôn Bình Thái, HS lớp mẫu giáo phải học nhờ tiểu học. Lớp mẫu giáo thôn Lộc Hạ gọi là có lớp nhưng phòng học cũng đã xuống cấp, tường nứt nẻ, thấm nước còn nền lớp học thì ướt át vì nước mưa. Các HS đang ngồi vây quanh mấy bộ bàn, ghế sơ sài. Đồ dùng, đồ chơi của lớp không có gì ngoài mấy bức tranh, ảnh do giáo viên và học sinh tự tạo. Cô giáo Phạm Thị Hồng Danh cho biết: “Lớp có 30 cháu, thu học phí được 27 cháu, 20.000 đồng/ tháng, 3 cháu còn lại được miễn giảm vì thuộc diện hộ nghèo”. Dạy học đã 14 năm, được hưởng lương 468.000 đồng/ tháng đối với cô giáo làng là đã may mắn lắm rồi. Trò nghèo, thầy nghèo và tình trạng “mẫu giáo xã” mấy chục năm qua vẫn chưa cải thiện được mấy.

 

HS mẫu giáo thôn Diêm Vân vẫn chưa có lớp để học. Ảnh: H.P

 

Mẫu giáo đã thế, trường tiểu học của xã tuy có khá hơn nhưng với một ngôi trường có tới 5 điểm trường như Phước Thuận cũng đủ nói lên những khó khăn đặc thù của vùng đất này. Tại điểm trường tiểu học ở thôn Diêm Vân, chúng tôi gặp hai cô giáo ở Quy Nhơn mới qua đò để đến trường dạy học. Điểm trường này có 3 phòng học dành cho khoảng 170 HS của 6 lớp. Buổi chiều, có 1 lớp 2 và 2 lớp 3 đang học. Cô Nguyễn Thị Để, một giáo viên đã có thâm niên 22 năm dạy học ở ngôi trường tiểu học này tâm sự: “HS đi học một buổi còn một buổi ở nhà câu cá, bắt tôm. Còn phụ huynh thì lo làm ăn, khoán trắng việc học của con em mình cho giáo viên và nhà trường…”. Ở vùng trũng này, ngán nhất vẫn là mùa lụt, nước dâng lên trắng cánh đồng, xung quanh lớp học là biển nước. HS đi học đã khó, giáo viên từ Quy Nhơn sang dạy học còn khó khăn hơn. Trong những điều kiện như thế, để nâng cao được chất lượng dạy và học ở vùng bãi ngang này thật không đơn giản chút nào.

* Dạy và học - còn nhiều thiếu thốn

Trường THCS Cát Tiến (Phù Cát) năm học này có 28 lớp, 1.285 HS, bình quân gần 46 HS/ lớp. Lớp đông nhất có 53 HS, lớp thấp nhất cũng có 40 HS. Trường mới được xây dựng thêm 6 phòng học từ chương trình kiên cố hóa trường lớp nên năm học này, sĩ số lớp mới được nới dần ra như vậy, chứ như năm học trước, đến thăm trường, tôi thấy lớp nào cũng rất đông. Lớp đông HS mà triển khai dạy và học theo chương trình và sách giáo khoa mới với yêu cầu thảo luận nhóm là rất khó thực hiện, dẫn đến việc dạy và học khó đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Ngoài mấy phòng học mới xây, hầu hết cơ sở vật chất của Trường THCS Cát Tiến vẫn còn tạm bợ, thiếu quy cách.

 

Thiết bị dạy học ở các trường vẫn còn để vương vãi vì thiếu phòng thiết bị. Ảnh: H.P

 

Những năm học trước, thiết bị dạy học ở trường phải gởi nhờ phòng ở tập thể của giáo viên. Năm học này, điều kiện trường lớp tuy đã khá hơn, trường đã có 3 phòng bộ môn lý, hóa, sinh nhưng thiết bị dạy học vẫn còn phải để tạm trong nhà kho, phòng hội đồng giáo viên. Ông Võ Bố, Phó hiệu trưởng Trường THCS Cát Tiến cho biết: “Thiết bị dạy học vẫn còn thiếu, 7 lớp phải dùng chung 2 bộ thiết bị. Nhiều loại thiết bị đã cũ và thiếu chính xác không sử dụng được…”. Đó là hậu quả tất yếu của việc thiếu điều kiện cất giữ, bảo quản thiết bị dạy học ở hầu khắp các trường phổ thông trong tỉnh từ khi triển khai dạy học theo chương trình và sách giáo khoa mới, đang gây nên sự lãng phí rất lớn khi tính đến hiệu quả sử dụng thiết bị. Ông Võ Bố dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở vật chất của trường. Trời mùa đông ngày ngắn đêm dài, đặc biệt là sau những cơn mưa, bầu trời càng xám xịt hơn. Vậy mà, một số lớp học vẫn không có đủ ánh sáng cho HS học tập… Trên hành trình đi qua nhiều ngôi trường ở vùng bãi ngang này, chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều những lớp học mà HS phải căng mắt trong bóng tối để đón nhận ánh sáng từ sự học như vậy…

  • Ngọc Quỳnh - Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Các phong trào tuổi trẻ ngày càng thiết thực hơn trong cuộc sống  (28/11/2006)
Người dân đóng góp 50% kinh phí lát gạch vỉa hè  (27/11/2006)
10 xã được miễn thuế nhà đất và thuế sử dụng đất nông nghiệp  (27/11/2006)
Làm thế nào để kiềm chế tai nạn giao thông  (26/11/2006)
Các lực lượng vũ trang tham gia hiến 103 đơn vị máu  (25/11/2006)
Chọn một phường làm thí điểm về công tác giải tỏa  (24/11/2006)
Xây dựng Trạm ra đa thời tiết Quy Nhơn  (24/11/2006)
TP Quy Nhơn: Hỗ trợ hơn 1,2 tỉ đồng giải quyết đời sống cho 84 hộ dân  (24/11/2006)
5 phòng khám bệnh tư nhân bị phạt gần 10 triệu đồng  (24/11/2006)
Thăm và tặng quà cho các bệnh nhân HIV/AIDS  (23/11/2006)
Để giảm tỉ lệ hộ nghèo và thất nghiệp  (22/11/2006)
Đoàn kiểm tra T.Ư về phòng, chống tệ nạn xã hội làm việc tại Bình Định  (22/11/2006)
Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa X sẽ tổ chức vào trung tuần tháng 12-2006  (21/11/2006)
46 trẻ em khuyết tật được nhận xe lăn, xe lắc  (21/11/2006)
Trao 6 suất học bổng cho sinh viên Đại học Quy Nhơn  (21/11/2006)