Từ chỗ hoàn toàn xa lạ, mỗi người một hoàn cảnh, một cuộc sống riêng... họ đến với nhau, động viên cho nhau cùng sống có ích trong những tháng ngày còn lại. Đó là những tâm hồn đồng điệu của nhóm bạn giúp bạn (BGB).
|
Đội tuyên truyền của Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội tỉnh biểu diễn tiết mục văn nghệ phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: H.X
|
* Chung một niềm đau
Năm 1997, nhóm BGB ra đời, là nơi những người nhiễm HIV/AIDS TP Quy Nhơn tự nguyện đến với nhau cùng chia sẻ buồn vui, khó khăn. Sau 9 năm thành lập, những thành viên gạo cội của nhóm đã lần lượt ra đi. Cứ mỗi lần như thế nhóm càng ít người hơn. Bây giờ, nhóm chỉ còn có 5 thành viên, 5 mảnh đời riêng lẻ nhưng lại chung một nỗi đau.
Anh Minh(*) là người từ nơi khác đến Quy Nhơn lập nghiệp đã mấy chục năm. Mười mấy năm sống với nàng tiên nâu, anh Minh nghiện rồi cai, cai rồi lại nghiện. Vợ anh cũng bỏ đi. Năm 1995, Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội tỉnh làm xét nghiệm máu phát hiện anh bị nhiễm HIV. Anh tâm sự: “Tôi ở trên đó mấy năm rồi mới về. Mỗi lần bị đau, sốt tôi phải cố gắng gượng sống, đi làm chứ còn nằm luôn thì chỉ có chết mà thôi”. Ở Trung tâm được 6 năm, anh Minh về lại địa phương. Lúc về địa phương, người dân ở xung quanh cũng “bán tín, bán nghi” anh bị nhiễm HIV.
Anh Minh có 3 người con, cậu con trai đầu đi làm ở Sài Gòn nuôi em, còn một con trai nữa đang học nghề ở TP Quy Nhơn. Từ ngày biết mình bị bệnh, anh để lại ngôi nhà của vợ cho bà dì nuôi con trai, phần mình đi thuê một chỗ khác để tránh cho con khỏi bị mặc cảm và kỳ thị. Một thân một mình đối diện với bệnh tật, anh vẫn bươn chải lao động kiếm sống qua ngày. Anh làm bốc vác ở Công ty Lương thực, tiền công bấp bênh, ngày làm nhiều nhất cũng được 50.000 đồng, nhưng cũng có ngày không có hàng.
Trong nhóm có 2 phụ nữ là chị Vân và chị Tâm. Chị Vân bị lây nhiễm từ chồng. Anh vừa mất được giáp năm, chị được một cô bạn làm việc ở Trung tâm Da liễu động viên 2 mẹ con đi xét nghiệm thử. Kết quả thật nghiệt ngã, bởi cả đứa con gái nhỏ của chị cũng bị nhiễm HIV. Đến giờ, chị Vân vẫn còn nhớ cảm giác trời đất như sụp đổ khi biết tin. “Tôi chỉ nghĩ mình bị bệnh chứ ai ngờ con bé nhỏ cũng bị. Có lúc tôi không muốn sống nữa, nhưng nghĩ lại hai đứa con”.
Anh Thái, anh Ngân cũng một thời bị nghiện ma túy rồi nhiễm HIV. Trong nhóm, anh Ngân là người trẻ nhất, làm nghề thợ hồ. Phát hiện mình bị nhiễm HIV chưa được bao lâu thì vợ anh mất vì lây nhiễm từ chồng. Đến năm nay, đứa con nhỏ mới 3 tuổi của anh cũng đi theo mẹ.
* Trọn nghĩa vẹn tình!
Những con người hoàn toàn xa lạ, cảm thông nhau mà tự nguyện đến với nhau. Nhóm ra đời từ năm 1997, đến nay chưa được 10 năm, vậy mà lần lượt đã có ngần ấy người nằm xuống. Mỗi tháng, nhóm sinh hoạt 2 lần, vào ngày 15 và 30 hàng tháng. Thời gian sinh hoạt cũng rất ngắn ngủi, chỉ được 2 tiếng đồng hồ. Nhưng đây lại là cơ hội để những người nhiễm được dịp sẻ chia những nỗi gian nan trong cuộc sống đời thường. Chị Vân tâm sự rất thật: “Những buổi sinh hoạt của nhóm đối với tôi rất quý. Ở đây, chúng tôi đồng cảnh ngộ nên dễ dàng tâm sự, thông cảm cho nhau. Lâu lâu, gặp nhau thấy ai cũng mạnh khỏe là mừng lắm!”.
Anh Nguyễn Xuân Bình, cán bộ chuyên trách phòng chống AIDS, Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn: “Trước kia, chúng tôi đã nhiều lần đi xin cơ sở cho nhóm sinh hoạt nhưng không được. Bây giờ, nhóm mượn tạm cơ sở của đội nên rất bất tiện. Nhiều người muốn đến thường xuyên cũng không được vì sợ những ánh mắt kỳ thị. Nếu có cơ sở riêng, họ có thể đến bất cứ lúc nào, cùng sinh hoạt, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau. Mặt khác, sinh hoạt phí của người nhiễm trong nhóm BGB rất thấp, 80.000 đồng/tháng. Do đó, dù nhu cầu của họ rất nhiều nhưng chúng tôi cũng không thể làm gì nhiều hơn”. |
Nhóm BGB cũng là địa chỉ để người nhiễm giúp đỡ, thăm hỏi lẫn nhau. Hoàn cảnh mỗi người trong nhóm đều rất nghèo nhưng họ lại sống với nhau bằng cái tình, cái nghĩa. Nhà ai có việc cần giúp chỉ cần “ới” một tiếng là ngay lập tức họ có mặt. Những lúc ốm đau, họ thay phiên nhau chăm sóc.
Anh Minh nhớ rất rõ cái ngày làm đám tang cho cháu bé con anh Ngân. 5 giờ rưỡi sáng, nhận được điện thoại, anh tức tốc đến nhà anh Ngân mua rượu khâm liệm cháu bé. Người trong nhà, trong xóm có đến nhưng không ai dám làm vì sợ. Hay như trường hợp một chị bị bệnh AIDS, trong suốt thời gian dài từ khi bị bệnh cho đến khi mất, anh Minh vẫn túc trực bên giường.
* Ước mơ ngày mai
Vượt lên mặc cảm bệnh tật để sống và sống có ích là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của người nhiễm HIV. Thế nhưng, đời sống của họ vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nhóm có 5 thành viên, việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh, duy nhất anh Thái có sổ hộ khẩu.
Hàng ngày, 3 mẹ con chị Vân kiếm sống bằng gánh bún phở bán trước nhà. Ngày nào bán đắt, chị kiếm được 20.000 đồng, bán ế thì 10.000 đồng, còn bữa nào đem về nhà ăn thì coi như lỗ vốn. Thấy hoàn cảnh gia đình chị quá khó khăn, chính quyền phường và khu vực giúp chị làm sổ hộ nghèo. Con gái đầu của chị học lớp 10 trường bán công cũng được giảm một nửa tiền học phí. Con gái thứ hai thường xuyên đau ốm. Không có sổ hộ khẩu, chị Vân không được vay tiền theo diện xóa đói giảm nghèo, số tiền chị vay “nóng” ngày càng nhiều.
Mong ước chung của các thành viên trong nhóm BGB là có một chỗ làm, thu nhập ổn định để còn nuôi con và sống nốt quãng đời còn lại. Anh Minh bộc bạch: “Chúng tôi đều là dân lao động, kiếm từng đồng nên khi bị bệnh vào bệnh viện thì rất tốn tiền. Chúng tôi chỉ mong Nhà nước có chế độ mua bảo hiểm, còn bây giờ, hoàn cảnh khó khăn nên dù có bệnh chúng tôi cũng không dám vào bệnh viện”.
Không chỉ lo nghĩ cho bản thân, nhóm còn nghĩ đến những người có cùng cảnh ngộ như mình. Nhóm mơ ước có được một cơ sở để làm địa chỉ sinh hoạt. Hiện nay, nhóm đang phải mượn một phòng nhỏ tại Đội vệ sinh phòng dịch TP Quy Nhơn làm điểm gặp nhau nên gặp rất nhiều trở ngại.
(*) Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi. |