Ông Trần Văn Quí, Giám đốc Sở GD-ĐT:
Cần phải chủ động, tự giác chống “bệnh thành tích”
14:20', 5/12/ 2006 (GMT+7)

Vừa qua, Sở GD-ĐT đã triển khai khảo sát chất lượng học sinh (HS) phổ thông các cấp. Ông Trần Văn Quí, Giám đốc Sở GD- ĐT đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Bình Định về mục đích của lần khảo sát này.

 

HS cần phải nỗ lực học tập bằng chính khả năng của mình. Trong ảnh: HS Trường chuyên Lê Quý Đôn. Ảnh: Q.H

 

* Vì sao phải khảo sát, đánh giá lại chất lượng HS ở tất cả các lớp học, cấp học trong toàn tỉnh, thưa ông ? 

- Hiện nay, toàn ngành GD-ĐT đang quyết tâm thực hiện cuộc vận động “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Việc khảo sát chất lượng HS lần này là một hoạt động nhằm đánh giá đúng thực chất trình độ của từng HS trong từng lớp học cụ thể ở giáo dục phổ thông nhằm chống bệnh thành tích, chống hiện tượng HS “ngồi nhầm lớp”. Theo tôi thì, nguyên nhân dẫn đến tiêu cực trong thi cử là do “bệnh thành tích” mà ra cả. Vì thầy không dạy thực, trò không học thực thì sẽ dẫn đến, khi thi cử tất yếu có tiêu cực. Cho nên để cuộc vận động này có kết quả và để chống tiêu cực trong thi cử thì trước hết phải ngăn chặn cho được “bệnh thành tích” trước đã. Do đó, việc khảo sát, đánh giá chất lượng HS nằm trong kế hoạch thực hiện cuộc vận động “hai không” của ngành, nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo dạy và học.

* Thưa ông, đầu năm học các trường đã tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng HS rồi, bây giờ, Sở lại tiến hành khảo sát, đánh giá nhưng… cũng giao cho các trường tự làm, GV tự chấm điểm HS của mình… e rằng, hiệu quả của đợt khảo sát này sẽ không cao ?

- Cho đến lúc này, đây là biện pháp tỏ ra có hiệu quả. Vừa rồi, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu 64 tỉnh, thành tiến hành khảo sát chất lượng của HS. Như vậy, Sở GD-ĐT đã đi trước một bước trong cách làm này. Sau khi các trường tiến hành kiểm tra xong, toàn bộ những bài làm của HS sẽ được chấm và phân loại. Ngoài những HS khuyết tật, thiểu năng trí tuệ học hòa nhập cộng đồng ra, những trường hợp HS học yếu, kém mà nguyên nhân là do “bệnh thành tích” của GV và các trường sẽ được phân loại cụ thể. Đúng là đầu năm học nào, các trường cũng đều tiến hành khảo sát chất lượng HS, nhưng có trường chỉ làm qua loa, đại khái vì chạy theo thành tích. Đơn cử như vừa rồi, các địa phương báo cáo số liệu HS bỏ học về cho Sở GD-ĐT, một số trường THCS còn báo cáo chưa sát với thực trạng. Chúng tôi đang tiến hành kiểm tra lại và phát hiện, có trường đã “bỏ sót” 20 - 30 HS bỏ học không báo cáo lên trên. Do đó, đợt khảo sát lần này sẽ là cơ sở để ngành thực hiện các bước tiếp theo nhằm chấn chỉnh “bệnh thành tích” trong giáo dục. Sau khi có kết quả phân loại chất lượng HS của từng trường, thanh tra của Sở GD-ĐT sẽ tổ chức dự giờ đột xuất, lựa chọn ngẫu nhiên một số HS để kiểm tra lại… Nếu kết quả đánh giá của thanh tra trùng khớp với đánh giá của trường thì trường đã làm đúng, còn ngược lại, có nghĩa là trường đó đã tiếp tục chạy theo thành tích. Sở GD-ĐT cũng sẽ có những mức xử lý đối với những cán bộ quản lý, những GV đã báo cáo sai sự thật. Như vậy, bây giờ, cách làm của chúng tôi là lấy chất lượng “sản phẩm” để đánh giá người thầy chứ không theo lối cũ từ trên xuống như trước đây nữa.

* Vậy, sắp tới đây, sau khi có kết quả khảo sát trong toàn tỉnh, nếu phát hiện ra những HS “ngồi nhầm lớp”, không đủ kiến thức để tiếp tục học ở lớp đang học, Sở GD- ĐT sẽ giải quyết như thế nào? Các em có phải quay lại học tập ở các lớp dưới hay không?

- HS không đủ kiến thức để tiếp tục học lớp đang học, Trưởng phòng giáo dục và Hiệu trưởng các trường phải có biện pháp tổ chức phụ đạo ngay cho HS yếu kém để đảm bảo mặt bằng chất lượng chung, đồng thời, nhà trường phải thông báo cho cha mẹ HS biết để cùng phối hợp trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục chứ không thể đưa các em xuống học các lớp dưới được, vì như thế sẽ không thỏa đáng. Kết thúc năm học 2006-2007, những HS thuộc diện này được giải quyết theo Quy chế đánh giá, xếp loại HS của cấp học.

* Việc tổ chức phụ đạo được coi là trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục và của GV, không được thu tiền hay bất cứ khoản phí nào của HS. Nhưng thưa ông, trên thực tế như thế là khó thực hiện được?

- Ai là người tạo ra “sản phẩm” kém chất lượng nếu không phải là GV và cán bộ quản lý giáo dục ở các trường? Vì vậy, trách nhiệm và lương tâm của người thầy không cho phép họ từ chối nhiệm vụ. Cán bộ quản lý và giáo viên các trường sẽ là người đầu tiên phải khắc phục hậu quả đó. Đối với ngành giáo dục, mọi thứ không thể là tiền, là thương mại hóa được!

* Thưa ông, vừa rồi, Trường THCS Cát Tường là trường đã đi tiên phong trong việc đánh giá đúng thực chất chất lượng HS và nhà trường cũng đã chủ động trong tổ chức phụ đạo cho HS yếu kém để các em có đủ kiến thức tiếp tục theo học các lớp trên. Vậy, ông có cho rằng, đây là tấm gương rất cần có sự động viên, khen thưởng để khích lệ?

- Việc làm của Trường THCS Cát Tường là đáng hoan nghênh. Nếu trường nào cũng làm được như THCS Cát Tường thì đỡ cho giáo dục Bình Định biết mấy. Tôi thấy rằng, hiện nay, rất ít trường chủ động, tự giác làm như trường THCS Cát Tường. Tuy nhiên, đây cũng mới là bước đầu, muốn khen thưởng phải chờ đến khi có kết quả đã.

* Cám ơn ông!

  • Quỳnh Hoa (thực hiện)

Đối tượng khảo sát: Cấp tiểu học: tất cả HS đang học lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 5; cấp THCS: tất cả HS đang học lớp 6, lớp 7, lớp 8; cấp THPT: tất cả HS đang học lớp 10 tại các trường bán công, tư thục và các lớp 10 bán công trong trường công.

Nội dung khảo sát là kiến thức, kỹ năng của lớp liền kề ngay trước đó (lớp 2 sẽ khảo sát kiến thức, kỹ năng của lớp 1…; lớp 10 sẽ khảo sát kiến thức, kỹ năng của lớp 9).

Môn khảo sát: Tiểu học: tiếng Việt và Toán; THCS và THPT: Ngữ văn, Toán và tiếng Anh (riêng lớp 6 chỉ khảo sát 2 môn tiếng Việt và Toán).

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thành lập Hội đồng phân phối nước  (05/12/2006)
Vân Canh: 13,2% số học sinh “ngồi nhầm lớp”  (05/12/2006)
Báo cáo kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI với Mặt trận và các tổ chức thành viên  (05/12/2006)
Ghi chép ở Cát Hải  (04/12/2006)
Toàn quân, toàn dân tỉnh Bình Định cảnh giác với bão số 9  (04/12/2006)
Vân Canh: 407 học sinh học lớp ghép  (04/12/2006)
Tỉnh Bình Định đã di dời hơn 1.400 hộ dân đến nơi an toàn  (04/12/2006)
Tăng cường cắt tỉa cây xanh có nguy cơ bị ngã đổ  (03/12/2006)
Cây ngã làm một người đi đường bị thương  (01/12/2006)
Xuất hiện dịch lở mồm long móng ở Quy Nhơn  (01/12/2006)
Ký kết chương trình phối hợp với Hội Nông dân và Tỉnh đoàn Bình Định  (01/12/2006)
Hỗ trợ 1,5 tỉ đồng mua vaccin phòng bệnh LMLM cho đàn gia súc  (01/12/2006)
Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương về cải cách tư pháp  (01/12/2006)
Những tâm hồn đồng điệu !  (30/11/2006)
Phòng khám bệnh tư nhân: Sai phạm và bất cập trong quản lý  (30/11/2006)