Thời gian gần đây, nhiều cây xanh trên các đường phố lớn thuộc địa bàn TP. Quy Nhơn bất ngờ trốc gốc đổ xoài ra đường làm hư hỏng nhiều tài sản và gây thương vong cho người đi đường. Vì sao lại xảy ra tình trạng trên và hướng khắc phục như thế nào? Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Đỗ Đình Phương - Giám đốc Công ty Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn.
|
Một cây xanh ngã đổ gây cản trở giao thông trên đường Lê Hồng Phong (Quy Nhơn). Ảnh: A.T
|
* Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng cây xanh bất ngờ trốc gốc đổ ngã trong thời gian gần đây, thưa ông?
- Tình trạng cây xanh lớn tuổi bất ngờ trốc gốc đổ ngã tại TP. Quy Nhơn không phải chỉ mới diễn ra trong thời gian gần đây mà mùa mưa bão năm nào cũng xảy ra. Hàng năm, cứ đến mùa mưa bão, đất mềm, gió lớn nên đương nhiên cây dễ bị đổ ngã. Ngoài những nguyên nhân khách quan trên, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến cây trốc gốc bất ngờ đổ ngã là do con người. Các hộ dân sống ở mặt đường đào móng xây nhà; các đơn vị thi công đường, ống dẫn nước, cáp quang điện thoại, xây dựng vỉa hè… trong quá trình thi công đã cắt đứt bộ rễ của nhiều cây xanh. Khi bộ rễ đã đứt, cây không còn gì để bám đất nên dẫn đến tình trạng đổ ngã là điều dễ hiểu.
* Công ty Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn đã làm gì để khắc phục tình trạng cây bất ngờ đổ ngã?
- Cứ đến trước và trong mùa mưa bão, năm nào cũng vậy, công ty chúng tôi đều tổ chức một đội ngũ hàng chục anh em công nhân chuyên việc kiểm tra, cắt tỉa cành đối với những cây quá cao, tán rộng… để hạn chế tối đa tình trạng cây đổ ngã. Hiện ở TP. Quy Nhơn có khoảng 50.000 cây xanh các loại, trong đó 15.000 cây có đường kính trên 20 phân và khoảng vài chục cây cổ thụ. Mùa mưa bão năm nay chúng tôi đã cho cắt tỉa 1.500 cây có khả năng dễ bị đổ ngã.
* Đã có sự chuẩn bị kỹ càng để đề phòng như vậy, sao cây vẫn cứ tiếp tục trốc gốc đổ ngã?
- Tôi xin khẳng định, về việc 4 cây xanh bất ngờ đổ ngã trong thời gian gần đây, trước đó chúng tôi đều đã cắt tỉa cẩn thận rồi nhưng do bộ rễ đã bị xén gần hết nên nó mới ngã. Điển hình như vụ một cây phượng trên 15 năm tuổi trên đường Trần Hưng Đạo (trước Trường Đại học Quang Trung) bất ngờ bị trốc gốc ngã xuống xảy ra gần đây nhất, làm một người đi đường là anh Phạm Văn Thư (45 tuổi, ở 14 Phạm Hùng) bị thương. Thật sự mà nói, chúng tôi rất ngạc nhiên khi hay tin cây phượng này đổ vì trước đó chúng tôi đã cắt tỉa cẩn thận tán cây, hạn chế tối đa lực gió của cây này rồi. Sau khi cây phượng đổ, chúng tôi kiểm tra bộ gốc mới biết bộ rễ cây phượng đã bị xén gần hết làm một phần bộ rễ bị mục thối, vậy làm sao cây không đổ được.
Để bảo vệ cây xanh không bị đổ ngã, rất cần có sự phối hợp của các cơ quan liên quan và người dân, nhất là các đơn vị thi công cơ sở hạ tầng trên đường và hè phố cần hạn chế tối đa việc chặt phá bỏ bộ rễ cây xanh. Có như vậy cây xanh mới đứng vững lâu dài được và không gây nguy hiểm cho con người.
* Xin cảm ơn ông!
Từ tháng 7 đến nay, tại TP. Quy Nhơn đã xảy ra 4 vụ cây xanh bất ngờ đổ ngã làm hư hỏng nhiều tài sản và gây thương vong cho người đi đường:
- Sáng ngày 13-7, cây phượng trên 15 năm tuổi, trước cửa nhà 24 Nguyễn Công Trứ bất ngờ trốc gốc ngã, suýt gây tai họa cho hàng chục người đang ăn sáng bên kia đường.
- 0 giờ 20 phút ngày 7-11-2006, cây phượng hơn 15 năm tuổi, đường kính gốc khoảng 40 cm, cao hơn 10 mét, trước cửa số nhà 208 đường Trần Hưng Đạo, bất ngờ bật gốc đổ ngã ra đường.
- 9 giờ 25 phút, ngày 10-11-2006, cây xà cừ 40 năm tuổi (đường kính ở gốc khoảng 70 cm, cao trên 15 mét) ở trước cửa nhà số 240 Lê Hồng Phong bất ngờ đổ ngang qua đường làm hư hỏng nhiều xe máy, đứt hệ thống dây điện, gây ách tắc giao thông hơn một giờ.
- 13 giờ 45 phút ngày 1-12, một cây phượng trên 15 năm tuổi trên đường Trần Hưng Đạo (trước Trường Đại học Quang Trung, TP. Quy Nhơn) bất ngờ bị trốc gốc ngã xuống làm một người đi đường là anh Phạm Văn Thư (45 tuổi, ở 14 Phạm Hùng, Quy Nhơn) bị thương. |
|