* UBND tỉnh triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống bão số 10
(BĐ) - Ngày 11-12, ông Nguyễn Xuân Dương, Bí thư Tỉnh ủy, đã đi kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 10 tại các xã: Cát Tiến, Cát Hải và đi thị sát cảng cá Đề Gi, xã Cát Khánh (Phù Cát). Đây là các địa phương có hàng trăm tàu thuyền hoạt động trên biển, hàng ngàn hộ dân ở những vùng nguy hiểm. Chuẩn bị ứng phó với bão số 10, hầu hết tàu thuyền các địa phương đã tìm nơi trú ẩn an toàn. Chính quyền các địa phương cũng đã huy động lực lượng thanh niên xung kích giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, tàu thuyền và chuẩn bị phương án di dời dân đến nơi ở an toàn.
Sau khi nghe chính quyền địa phương báo cáo về công tác chuẩn bị phòng chống bão và kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Xuân Dương yêu cầu chính quyền các địa phương phải theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 10, bám sát cơ sở, tăng cường công tác phòng tránh cơn bão số 10, không để nhân dân chủ quan; nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi, hướng dẫn nhân dân neo đậu tàu thuyền an toàn; huy động lực lượng thanh niên xung kích, dân quân tự vệ giúp nhân dân chằng chống tàu thuyền, nhà cửa, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, lương thực, thực phẩm, thuốc men… kịp thời ứng phó khi tình huống xấu xảy ra. Chính quyền địa phương phải chuẩn bị phương án di dời dân thật cụ thể, có biện pháp bảo vệ tài sản trước, trong và sau bão số 10, không để dân đói, rét, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
* Chiều cùng ngày, tại Văn phòng UBND tỉnh, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống bão số 10. Theo dự báo, bão số 10 là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, khi bão vào gần bờ sẽ gây mưa lũ lớn, thủy triều dâng cao, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân trong tỉnh. Có khả năng bão số 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển Bình Định vào chiều và đêm 13-12, rạng sáng ngày 14-12.
Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, các ngành khẩn cấp triển khai ngay các biện pháp phòng chống bão số 10. Các địa phương trong tỉnh triển khai các biện pháp chằng chống nhà cửa, sơ tán dân ở những nơi nguy hiểm, kế hoạch sơ tán dân chậm nhất phải hoàn thành trước 12 giờ ngày 13-12. Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh cũng đã thành lập 2 sở chỉ huy ở phía Bắc và phía Nam tỉnh để triển khai các biện pháp đối phó với mưa, bão…
* Tính đến 17 giờ ngày 11-12, BĐBP Bình Định đã phối hợp với chính quyền các địa phương, ngành thủy sản liên lạc và thông báo cho 446 tàu thuyền với 3.172 lao động đang hoạt động trên các vùng biển tìm nơi trú ẩn. Trong đó ở vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng có 33 chiếc với 395 lao động; vùng biển Đà Nẵng 59 chiếc/429 lao động; Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau 339 chiếc/2.354 lao động; vùng biển Trường Sa 48 chiếc/389 lao động. Bên cạnh đó, các đồn, trạm đã phối hợp kêu gọi tàu thuyền vào bờ và sắp xếp neo đậu an toàn 3.764 phương tiện với 21.392 lao động…
Vào lúc 0 giờ 20 phút ngày 11-12, tàu đánh cá BĐ 1665 TS của ông Nguyễn Minh Chính ở thôn Thiện Đức, Hoài Hương, Hoài Nhơn trên đường từ Cam Ranh (Khánh Hòa) về Tam Quan, đến Lộ Diêu thì tàu bị chìm do bị phá nước, trên tàu có 7 lao động. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã điều 2 tàu và 35 cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng 308, 312 cứu hộ, lai kéo vào bờ. Trước đó, lúc 10 giờ 20 phút ngày 10-12, BĐBP tỉnh nhận được tin tàu đánh cá BĐ 2024 TS của ông Trần Văn Trung ở Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn, bị hỏng máy tại tọa độ 09N-115,5E, trên tàu có 9 lao động, đã thông báo cho tàu HQ85 triển khai cứu nạn đưa vào đảo Sinh Tồn - Trường Sa.
|