Quy Nhơn - đất lành chim đậu
16:34', 12/12/ 2006 (GMT+7)

Trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều sinh viên từ các tỉnh theo học tại các trường ĐH, CĐ, THCN tại Quy Nhơn sau khi ra trường quyết định ở lại làm việc, tìm kiếm cơ hội thăng tiến tại chính nơi họ được đào tạo thay vì về quê hay tìm đến những thành phố lớn...

 

Anh Ngũ Văn Tuấn đã ở lại Quy Nhơn để tìm công việc phù hợp với khả năng. Ảnh: K.V

 

* Điểm hẹn

Cho đến bây giờ, anh Hoàng Minh Đức, vừa tốt nghiệp lớp QTKD K25 Trường ĐH Quy Nhơn, vẫn còn bất ngờ về giấc mơ được làm việc ở TP Quy Nhơn của mình đã trở thành sự thật. Đức sinh ra và lớn lên tại Quảng Bình, nhà nghèo, cố gắng lắm cha mẹ cũng chỉ nuôi anh 2 năm đầu ĐH, 2 năm còn lại Đức phải tự xoay xở bằng đủ việc từ chạy bàn quán ăn đến gia sư, giúp việc… Năm cuối thực tập ở Cảng Thị Nại, hằng ngày trông các nhân viên áo sơ mi phẳng phiu, đi xe máy Nhật đến cơ quan, Đức không khỏi ước ao. Tuy nhiên, “một công việc ở quê là điều không thể trong khi TP HCM là mục tiêu quá xa vời vì mình không có một xu dính túi sau ngày nhận bằng tốt nghiệp” - Đức tâm sự - “Vậy là mình quyết tâm gõ cửa các văn phòng ở Quy Nhơn. Không phải đợi lâu, Công ty cổ phần tàu thuyền và hải sản Cù Lao Xanh đã nhận. Lương thử việc 1 triệu đồng/tháng, chính thức 2,2 triệu”.

Hiện nay, các trường hợp như Đức không còn là chuyện hiếm. Ngay trong lớp anh đã có 17 người ra trường và xin được việc làm ổn định ngay tại Quy Nhơn. Trong đó đáng kể đến có Hồ Ngọc Phong (Quảng Nam) đang làm việc tại Công ty In Bình Định, Nguyễn Giang Hồ (Nghệ An) đang làm ở Công ty cổ phần tàu thuyền và hải sản Cù Lao Xanh, Nguyễn Quyết Thắng (Khánh Hòa) đang làm tại một công ty gỗ ở Phú Tài…

Chỉ cần đi một vòng quanh các trung tâm gia sư trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, dễ nhận ra trong bản danh sách đăng ký dạy kèm dài hàng trăm cái tên có đến già nửa là sinh viên ngoại tỉnh vừa tốt nghiệp Trường ĐH Quy Nhơn. Sau khi ra trường, không tìm được vị trí phù hợp trên bục giảng, họ chọn giải pháp ở lại Quy Nhơn, tự sống bằng chính nghề mà mình đã được đào tạo dù chỉ là gia sư để chờ đợi đợt xét tuyển công chức năm sau.

* Vượt thử thách

Ở lại Quy Nhơn tuy có một số thuận lợi so với các thành phố khác nhưng không phải tất cả đều là một con đường phẳng phiu đối với các “cô cử, cậu cử” trẻ. Tính đến nay, hai người bạn Ngũ Văn Tuấn (Nghệ An), cựu sinh viên lớp Tin K22 và Nguyễn Tuấn Sơn (Hà Tĩnh), cựu sinh viên lớp Điện kỹ thuật K22 đã có hơn 3 năm trụ lại Quy Nhơn để tìm một công việc phù hợp với khả năng của mình. Tuấn may mắn hơn xin được một vị trí dạy tin học tại Trung tâm VT trên đường Ngô Mây với mức lương 1,2 triệu mỗi tháng, còn Sơn vật lộn với không biết bao nhiêu nghề kể từ ngày tốt nghiệp. Sau khi ra trường anh cũng như bao sinh viên khác về quê tìm việc nhưng qua một thời gian không chọn cho mình một công việc ưng ý, đúng chuyên ngành đào tạo anh bèn khăn gói đón tàu chợ vào hẳn Quy Nhơn quyết tâm lập nghiệp. Đã hơn 3 năm Sơn không về quê, ban đầu anh phụ việc ở quán cơm, quán nhậu rồi làm công nhân gỗ, dạy kèm, phụ hồ…

Trường hợp anh Nguyễn Văn Dương (Sầm Sơn, Thanh Hóa), cựu sinh viên lớp QTKD K24 lại bị cha mẹ, họ tộc cho là “hâm”. Dương là con một trong gia đình, ra trường được ba mẹ lo cho một vị trí nhân viên kinh doanh của nhà máy xi măng Nghi Sơn nhưng anh vẫn dứt áo xuôi Nam và điểm dừng chân của anh không đâu khác lại chính là mảnh đất mình đã gắn bó 4 năm đại học. Lý do của Dương thật đơn giản: “Nghe bố mẹ bảo để được vào vị trí ấy phải mất đứt chục triệu. Mình học hành, gia đình đã tốn kém 4 năm ròng, ra trường không tự lo nổi một việc làm thì buồn lắm. Với lại vào Quy Nhơn vừa làm vừa học thêm cái văn bằng 2. Như thế quá tiện”. Hiện nay anh đang làm việc cho Công ty Thức ăn gia súc VIC với một mức lương đủ sống, học thêm bằng ngoại ngữ buổi tối tại Trường ĐH Quy Nhơn.

* Và chờ đợi

Ở lại Quy Nhơn với mức chi phí cho sinh hoạt hàng ngày thấp, môi trường an ninh tốt, được học tập thêm… là những lý do “níu chân” các bạn trẻ vừa mới ra trường nhưng đó chưa phải là lý do quan trọng nhất. Có một thực tế cho thấy hiện nay có không ít sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường cũng như các cựu sinh viên sau khi ra trường đều có tâm trạng… thấp thỏm ngóng về Khu kinh tế Nhơn Hội. Anh Ngũ Văn Tuấn cho biết: “Mình quyết trụ lại Quy Nhơn với mức lương tối thiểu hiện nay để hy vọng một cơ hội từ Khu kinh tế Nhơn Hội. Một công trình được đầu tư lớn đến thế, chẳng lẽ không có việc gì kha khá cho mình làm?”.

  • Khánh Vinh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
11,9% số học sinh “ngồi nhầm lớp”  (12/12/2006)
Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà tiếp và làm việc với Đại sứ New Zealand  (12/12/2006)
Thỏa giấc mơ gần, chắp cánh ước mơ xa  (12/12/2006)
Báo Bình Định điện tử khai trương trang tin tiếng Anh  (12/12/2006)
Không được chủ quan với cơn bão số 10  (12/12/2006)
Cục Bảo vệ môi trường kiểm tra 4 đơn vị ở Bình Định  (11/12/2006)
Hội Amphore International viện trợ tân dược và trang thiết bị y tế cho tỉnh BĐ  (11/12/2006)
Không rà phá bom mìn trong giai đoạn 1  (11/12/2006)
“Cuộc chiến” đã bắt đầu  (11/12/2006)
Trong nhiệm kỳ, ĐBQH sẽ tiếp xúc cử tri ở mỗi điểm ít nhất là 4 lần  (11/12/2006)
Đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở vùng khó khăn  (11/12/2006)
Khuyến khích các dòng họ tham gia làm công tác khuyến học  (10/12/2006)
Phù Cát: Chỉ có 2 trong 53 giáo viên thi giáo viên dạy giỏi tiểu học đạt yêu cầu  (10/12/2006)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương thăm gia đình các ngư dân bị thiệt mạng trong bão số 9  (10/12/2006)
Co.opMart Quy Nhơn quyên góp ủng hộ nạn nhân bão số 9  (08/12/2006)