Hiện nay, toàn tỉnh đang triển khai phòng chống cơn bão số 10 có khả năng đổ bộ vào miền Trung. Riêng ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) với số lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị rất lớn và đối tượng học sinh (HS) đông, sẽ bị ảnh hưởng rất lớn khi xảy ra bão lụt. Ông Trần Văn Quí, Giám đốc Sở GD- ĐT, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống bão lụt ngành GD-ĐT đã trao đổi với phóng viên Báo Bình Định về công tác phòng chống bão, lụt của ngành.
* Ngành GD - ĐT đã chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 10 như thế nào, thưa ông?
- Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt của ngành cũng vừa mới họp triển khai công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh và kế hoạch phòng chống bão UTOR (số 10) của tỉnh, của ngành đến các trưởng phòng giáo dục và các cơ sở giáo dục trong tỉnh. Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão có thể gây ra, chúng tôi đã chỉ đạo các trường chằng, chống bảo đảm an toàn cho các phòng học, bảo quản tốt hồ sơ, thiết bị dạy học, đặc biệt chú ý đến các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho HS và giáo viên. Chúng tôi cũng đã cử các cán bộ Sở GD-ĐT đứng chân ở mỗi huyện, thành phố để trực tiếp chỉ đạo phòng chống bão từ ngày 13 đến 15-12. Các trưởng phòng giáo dục, Ban giám hiệu các trường phải nắm chắc tình hình dự báo thời tiết và thực tế của địa phương để chủ động cho HS nghỉ học và nhất thiết phải có một đồng chí lãnh đạo có mặt cùng với giáo viên trực tại đơn vị. Nếu để HS chết do thiếu trách nhiệm, các cấp quản lý giáo dục phải chịu trách nhiệm xử lý kỷ luật. Các trường học có công trình đang thi công phải có kế hoạch phòng chống giảm nhẹ thiệt hại cho các công trình. Ban chỉ đạo cũng đã yêu cầu các trường mở cửa các phòng học để nhân dân tạm trú nếu chính quyền địa phương yêu cầu…
* Bão lũ luôn diễn ra thường xuyên và phức tạp, hàng năm. Vậy ngành GD-ĐT có kế hoạch lâu dài như thế nào để chủ động phòng, tránh?
- Cơ sở vật chất của ngành GD-ĐT rất lớn với vài ngàn phòng học tại các địa phương trong toàn tỉnh. Mỗi năm, tỉnh cũng đã đầu tư cho ngành vài chục tỉ đồng để xây dựng thêm phòng học, mua sắm trang thiết bị dạy học… Tuy nhiên, tỷ lệ phòng học xuống cấp vẫn còn nhiều. Do đó, nếu không chủ động và có kế hoạch phòng chống lụt, bão thì những thiệt hại do bão lũ gây ra đối với ngành GD-ĐT sẽ hết sức nặng nề. Bởi vậy, chúng tôi luôn coi nhiệm vụ phòng chống bão lụt là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng như việc nâng cao chất lượng dạy và học vậy. Bởi nếu để trường sập, trang thiết bị hư hỏng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học. Trong đầu tư xây dựng trường lớp, chúng tôi cũng rất quan tâm đến đặc điểm của một địa phương vùng bão, lũ như các phòng học đều được lợp ngói chứ không lợp tôn vì khi có bão tôn bị tốc mái, sẽ thiệt hại nặng hơn; còn ở các vùng lũ, khi xây dựng phòng học đều phải đổ nền cao hơn mặt đường….
* Cám ơn ông!
|