Với sự gắn kết của “sợi dây” huyết thống, khuyến học (KH) của một gia tộc có tác dụng động viên rất lớn đối với con cháu trong dòng họ. Hội KH tỉnh cũng đã xem việc đẩy mạnh công tác KH ở các dòng họ như là một “kênh” quan trọng để phát triển phong trào KH.
|
Hội KH tỉnh tổ chức hội nghị bàn biện pháp xây dựng và phát triển các dòng họ tham gia công tác KH. Ảnh: N.Q
|
* Khuyến học ở họ Võ
Ông Võ Bách, Trưởng ban KH dòng họ Võ cho biết: “Dòng họ chúng tôi có một hoàn cảnh lịch sử khá đặc biệt. 150 năm qua, con cháu phân tán khắp nơi, mãi đến năm 1999 mới liên lạc được với nhau, tuy rằng vẫn chưa tập hợp được hết”.
Cùng với sự đoàn tụ của dòng họ, tháng 6-2003, họ Võ đã thành lập Ban KH dòng họ với nhiều chi hội ở Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước. Có tổ chức rồi, Ban KH tiếp tục soạn thảo quy chế hoạt động, tiêu chí phấn đấu cho con cháu trong họ tộc ở các lứa tuổi; tiêu chí vận động xây dựng quản lý sử dụng quỹ, tiêu chí thi đua khen thưởng; thành lập giải thưởng Võ Duy Dương - giải thưởng cao quý nhất của gia tộc và đề ra các tiêu chí cho con cháu trong dòng họ phấn đấu để đạt được giải thưởng này. Dòng họ cũng đã lập sổ vàng truyền thống để ghi công tích của người trong họ tộc đã có những đóng góp lớn cho Đảng, cho dân, cho gia tộc và con cháu học tập thành đạt, lập công được nhà nước tặng thưởng những phần thưởng cao quý. Con cháu trong họ khi thành đạt được mặc áo mão vinh quy bái tổ và ghi tên vào sổ vàng tạo sự noi gương và động lực phấn đấu cho những cá nhân khác.
Ông Bách cho biết, qua 3 năm hoạt động, Ban KH dòng họ đã khen thưởng cho 342 con, cháu là HS phổ thông các cấp và 5 người đã đạt giải thưởng Võ Duy Dương. Ông tâm sự: “Sức mạnh của KH dòng họ là ông bà, cha mẹ biết rõ ưu, khuyết của con cháu mình hơn. Tình cảm máu mủ ruột thịt cũng là một động lực để họ quan tâm, chăm lo giáo dục con cháu sâu sát hơn. Từ đó tạo nên sự đùm bọc gắn bó trong gia tộc ngày một cao và đó là cơ sở, nền tảng để các cá nhân gắn bó với địa phương, đất nước. Gia tộc là một xã hội thu nhỏ, chủ trương gì ở trên đề ra cho địa phương, gia tộc đều vận động con cháu chấp hành”.
* Định hướng cho một phong trào
Theo báo cáo của Hội KH tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 87 Ban KH dòng họ được thành lập ở 43 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố thu hút 2.768 hộ gia đình tham gia. Các dòng họ KH phát triển mạnh ở nông thôn, đồng bằng và một số xã ven đô và xã vùng thấp của các huyện miền núi do ở đó đã có sự hình thành dòng họ lâu đời và ổn định. Có khi, ở một xã có nhiều ban KH dòng họ như ở xã Mỹ Lợi (Phù Mỹ) có KH họ Hoàng ở Mỹ Phú Đông, họ Nguyễn ở Mỹ Phú Bắc, họ Phạm ở Phú Ninh Đông hay như xã Mỹ Hòa có đến 6 ban KH dòng họ, xã Canh Hiển (Vân Canh) có 4 Ban KH thuộc họ Mai, Trần, Nguyễn, Tô… Các dòng họ KH phát triển mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2006 với 36/87 ban.
Các dòng họ KH ra đời đã thực hiện các hoạt động chủ yếu như giáo dục đạo đức, truyền thống cho con em trong họ tộc; động viên, chăm sóc, tạo điều kiện cho tất cả con cháu trong độ tuổi được đến trường; xây dựng quỹ hỗ trợ học sinh nghèo gặp khó khăn tiếp tục được đi học và khen thưởng học sinh ngoan, đạt thành tích cao trong học tập, người lớn thành đạt trong cuộc sống. Nhiều dòng họ đã gắn các hoạt động KH với các phong trào thi đua yêu nước của địa phương như xây dựng gia đình văn hóa; thôn, làng, khu phố văn hóa… Nhiều ban KH dòng họ được tổ chức và hoạt động có nề nếp đã nâng dần chất lượng và hiệu quả, góp phần đẩy mạnh phong trào KH- khuyến tài của địa phương.
Ông Đặng Phùng Quang, Phó Chủ tịch thường trực Hội KH tỉnh cho biết: “Khắc phục những tồn tại, yếu kém hiện có, tiếp tục phát triển ban KH dòng họ rộng khắp trên toàn tỉnh là một trong những mục tiêu của Hội KH trong thời gian đến. Chỉ tiêu của Hội từ nay đến 2012 phải phát triển dòng họ KH ở 100% xã đồng bằng, xã vùng thấp của miền núi và vùng ven đô thành phố, thị trấn, thu hút 75% số hộ gia đình của dòng họ ở địa phương tham gia. Tuyên truyền và tổ chức cho mọi thành viên trong dòng họ tham gia tích cực các chương trình xã hội hóa giáo dục của tỉnh, xây dựng xã hội học tập; giáo dục con em trong dòng họ về truyền thống, trách nhiệm công dân, mục đích, động cơ và tinh thần học tập để không có HS ở lại lớp, bỏ học giữa chừng, mắc các tệ nạn xã hội, người lớn tham gia học tập tích cực tại các Trung tâm học tập cộng đồng…”.
|